Hồi nhỏ, nhà tôi có cây cầu bến rất đặc trưng. Nó được làm từ hai cây dừa điếc ngã xuống dòng rạch, sẵn đó, ba tôi chặt tàu, hạ xuống làm cây cầu bến. Cây cầu bến làm bằng cây dừa, dễ đi, không bị trượt ngã, vả lại, thân nó dài nên khi nước cạn, ra giữa cầu làm cá, rửa rau cũng tiện.
Hồi đó ở quê nhà ai cũng có một bến sông. Hễ có nhà là có bến. Nhiều bến sông rất đẹp và thơ mộng. Bến sông nào cũng có bóng cây che mát, như bến sông nhà bà Sáu tôi, có cây ô môi che tàng xuống dòng rạch. Mùa xuân, hoa ô môi nở hồng rực rỡ. Đã vậy, cô Tám tôi còn mặc áo bông hường hay xuống bến ngồi giặt áo, làm cho mấy chú hàng xóm phải chết mệt, chết mê.
|
Có rất nhiều bến sông được che mát từ cây bần, cây mận, cây sung, cây còng, cây phượng, cây me nước, cây bứa, cây dừa… Và cây cầu bến không chỉ là nơi tắm giặt, rửa rau, làm cá… mà còn là chỗ hẹn hò, trò chuyện, tán gẫu của các bà hàng xóm, những đôi bạn trẻ trong mỗi đêm trăng…
Bến sông nhà tôi còn chứa nhiều kỉ niệm tuổi thơ, thuở học trò mơ mộng, thuở chạy nhảy, leo trèo… Bến sông hiền hòa có cây dừa nghiêng xõa bóng, cây cầu tre bắt qua con rạch nhỏ và mấy cây bần de đom đóm đậu đêm đêm. Tại bến sông này, những năm tuổi thơ, tôi thường cùng các bạn trong xóm thả tàu, tung nước, bơi lội, nô đùa… Những lúc nghịch ngợm còn trèo lên cây dừa nhảy ùm xuống nước, hay ngồi đong đưa trên thân dừa học bài, ca hát… Có lẽ vì vậy, mà từ lúc nhỏ tôi đã rất thích bài thơ Nhớ con sông quê hương của Nhà thơ Tế Hanh.
… Quê hương tôi có con sông xanh biếc
Nước gương trong, soi tóc những hàng tre
Tâm hồn tôi là những buổi trưa hè
Tỏa nắng xuống dòng sông lấp lánh…
Ở quê tôi có rất nhiều bến sông và bến sông nào cũng êm đềm, xanh mát. Nhớ nhất là vào những đêm trăng được mùa, con rạch nhỏ lúc nào cũng nhộn nhịp xuồng ghe, tiếng cười, tiếng nói, mái dầm khua rộn rã… Tôi và bà chị họ đến tối mới đưa được lúa về nhà, người nóng rát vì cả ngày phải phơi lưng dưới nắng. Cái cảm giác được nhảy ùm xuống dòng nước mát tắm táp thật sung sướng biết dường nào. Vậy mà phải còn vác xong mấy chục bao lúa lên bờ, mới tính đến việc tung tăng.
Chị họ lớn hơn tôi hai tuổi, má tôi thường nói: “Con gái mười bảy bẻ gãy sừng trâu, eo thon, vai chắc. Cỡ tuổi tụi bây, thời của má đã gả chồng rồi.” Vậy mà chị họ tôi vô tư lắm, tối nào cũng tắm sông. Có bữa chị ẩu không lấy khăn quấn, cứ thế chạy lên nhà. Bộ đồ ướt ôm sát thân người, dưới ánh trăng bẽn lẽn nép bên cành me nước trông chị đẹp ơi là đẹp. Cái gì cũng lồ lộ, căng tròn như khuôn đổ. Má tôi sợ, có ai đó xấu tính nhìn lén, bà cứ nhắc hoài: “Hai đứa này! Ngày mai xách nước lên nhà tắm! Lớn rồi mà cứ tắm sông chạy ào ào… Thiệt là!”… Hai chị em tôi vừa thay đồ vừa cười rúc rích: “Tắm sông sướng thấy mồ, xách nước xối ào ào làm sao bằng!”
Mấy năm đầu xa quê tôi cứ nhớ bến sông nhà mình. Những lúc buồn là nhớ cây cầu bến, cây dừa nghiêng, chỗ tôi thường ngồi học bài đong đưa chân hất nước, có chiếc xuồng nhỏ buộc hờ lắc lư theo con sóng lăn tăn do chân tôi khuấy động; có bầy cá lòng tong bơi lội tung tăng, mà bữa nào má không đi chợ, ba tôi thường đem chài xuống rải, kéo lên, chị em tôi ngồi gỡ mỏi tay.
Mùa xuân, con nước đầy mặt rạch, nước trong veo mát dịu. Chúng tôi thường xuống bến chơi đùa, nhảy dây, thảy đáo trên con đường đất có mấy cây xoài đong đưa trĩu quả…
Một lần về quê, tôi thỏ thẻ với ba: “Nhà mình nghèo, nhưng đẹp lắm ba ơi! Ba đừng bỏ cái cầu bến và cái sàn nước có mấy cụm bông súng đỏ. Ba đừng đốn hàng rào râm bụt và mấy cây mận, cây chanh bên bờ mương uổng lắm!”...
Vậy mà, vắng vài tháng không về thăm quê, cây dừa nghiêng không còn nữa, con đường đất có hàng dừa với mấy cây xoài xõa bóng dẫn đến đám rẫy dưa leo, cà chua, đậu bắp… do ba tôi trồng mùa nào cũng trái, không còn nữa. Mấy năm nay, xã làm đường, hàng dừa bị đốn, lộ làng nâng cấp, nước lớn chảy vào không còn ngấp nghé cây cầu bến. Ba tôi mất rồi, bến sông um tùm không người chặt mé. Con nước ròng không còn bịn rịn những cụm lục bình. Nhớ sông, nhiều lúc tôi muốn nhảy ùm xuống tắm, nhưng sợ ngứa, sợ bẩn. Lâu nay nhà ai cũng xài nước máy nên con gái, trẻ nhỏ cũng ít tắm sông như hồi trước. Bến sông quê trở nên xa lạ vô cùng.