Sáng tác

Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc. Tản văn của Lê Hà Ngân

Lê Hà Ngân
Tản văn 07:00 | 04/03/2025
Baovannghe.vn - Ngẩn lòng câu ca “Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc. Em có chồng rồi anh tiếc lắm thay”. Nàng yêu hoa tầm xuân lắm! Nhưng anh lại thích hoa hồng đỏ thắm.
aa

Xứ Đoài bồng mây trắng, núi mờ xa bỏ lại sau lưng. Ngơ ngẩn nhớ giậu tầm xuân nhà hàng xóm, trời chiều nay xanh lỏng lẻo, hồn anh cũng bảng lảng như đám mây lặng lẽ trôi về xa. Bao lần rong ruổi miền biên tái rưng rưng buồn, anh se sắt nhớ cô gái nhà bên. Hoa tầm xuân bên ấy có mọc thêm gai, có kẻ chiều nay vướng áo hay không? Hiu hắt anh mở chiếc khăn tay thêu hoa tầm xuân biêng biếc, xanh như một niềm hoài niệm. Ngẩn lòng câu ca “Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc. Em có chồng rồi anh tiếc lắm thay”. Nàng yêu hoa tầm xuân lắm! Nhưng anh lại thích hoa hồng đỏ thắm. Có lần mải ngắm nàng bên giậu hoa, vô tình anh đã để gai tầm xuân cào rách tay. Sắc hoa chuyển thành màu đỏ dưới tay anh. Cô gái nhà bên thắt lòng nắm chặt lấy ngón đau không cho máu chảy. Anh nhìn nàng hút hồn chẳng biết là tay vẫn đang đau. Kỉ niệm khiến anh chạm vào niềm tha hương.

Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc. Tản văn của Lê Hà Ngân
Ảnh minh họa. Nguồn pinterest

Chẳng biết từ lúc nào nhìn phố núi đìu hiu buồn buồn khi chiều buông, ngôi nhà nhỏ bò trên triền núi, giàn su su ngủ vùi trong sương khói khiến anh nao lòng. Dáng sơn nữ thoăn thoắt bước chân lên bậc thang nhà sàn làm anh chùn bước. Má hồng ửng lửa bên bếp, chén rượu ngô trong vắt thoảng hương núi, chạm tay làm anh bâng khuâng. Anh đã bắt đầu quen với vị mèn mén ngô, chiêu cùng canh cải đậm hương rừng. Quen ánh mắt người già khề khà chén rượu bên bát thắng cố nghi ngút khói. Mỗi lần đi tác nghiệp nơi bản nhỏ anh lại mang về ăm ắp một niềm thương, chẳng biết từ lúc nào anh trở thành người phố núi. Những bài viết của anh cũng đẫm hơi thở của núi rừng.

“Quê nhà tôi ơi! Xứ Đoài mây trắng”... tất cả đã trở thành hoài niệm. Nếu không có một ngày kia gió mưa tầm tã, anh xuống bản trở về mê mệt trong cơn sốt rét rừng, chìm dần vào khoảng mộng. Cả một thung lũng hoa hồng hiện ra, màu xanh hoa tầm xuân đau đáu níu gọi. Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc nhưng em của nhà bên vẫn chưa lấy chồng. Mướt mải bên đám hoa nàng đưa tay chạm nhẹ vào cánh bướm trắng… sao mơ hồ cô liêu đến thế. Anh cũng muốn chạm tay vào cánh hoa nhưng chỉ chạm vào khoảng khói sương khó nắm bắt đến lạ kì. Anh bỗng choàng tỉnh khi nghe tiếng chuông điện thoại réo liên hồi. Tiếng Thầy anh gấp rút trong máy: “Về nhà thôi con! Có chuyện gấp! Lâu lắm rồi con không về... Về đi kẻo khổ người ta”

Người ta! Người ta ơi...

Ngày ra đi nào có ước hẹn gì thành lời mà ánh mắt nàng ngùi ngùi gửi trao bao ngóng đợi khi đưa chiếc khăn tay... Anh mải đuổi theo nợ tang bồng nay đây mai đó. Những chuyến đi viết bài luồn rừng lội suối đầy nguy hiểm nên anh vẫn chưa dám cùng ai. Nóng ruột quá! Anh nhảy đại lên chiếc xe hàng vội vã về quê.

Giữa trưa! Giàn thiên lý tỏa hương dịu dịu, cây thủy tiêu đầu hè đang cữ hoa ngòn ngọt... tất cả bình yên nhưng sao vắng lặng thế này. Mẹ mừng rỡ trông thấy anh, bà cầm chiếc túi xách của con trai rồi kéo vào nhà thầm thì “May quá! Con về rồi!”. Chỉ sang giậu tầm xuân nhà bên mẹ anh nhỏ giọng: “Con có biết nó chờ con bao lâu rồi không? Bao đám hỏi mà nó không chịu… Chỉ một lòng một dạ cùng con! Không có nó sớm tối kề bên chắc thầy mẹ cũng buồn lắm! Đợt vừa rồi gia đình bên đó ép gả cho một đám danh giá làng bên... Nó không chịu thế là đổ bệnh gần tháng nay rồi... Khổ cho con gái người ta!” Nói xong mẹ anh ứa nước mắt. Nước mắt của người già làm lòng anh đắng đót.

Giật mình thảng thốt như bước qua một khoảng nắng mờ hồ. Rẽ giậu tầm xuân anh chạy sang nhà bên. Mọi người vây quanh giường em rất đông, nhưng thấy anh họ đều lặng lẽ ra về. Em xanh xao như nụ tầm xuân héo úa, mắt nhắm nghiền ứa lệ. Anh nâng bàn tay em nhè nhẹ áp vào má mình. Xót xa và thương cảm. Em rùng mình như mầm cây ngủ đông chợt gặp nắng. Má thoáng phớt hồng...

Một tuần, túc trực bên giường bệnh, sợi dây của tình yêu đã níu em trở về cõi sống. Em choàng tỉnh nhìn anh mừng rỡ nhưng ánh nhìn lại tràn ngập âu lo. Có cái gì như dò hỏi, đau đáu thảng thốt tuyệt vọng cho duyên phận của mình. Anh mỉm cười nhìn em như dâng cả một trời yêu...

Thế rồi cuối tháng ấy khi lúa ngoài đồng đã ngả vàng, không gian thoảng hương cốm mới, những trái hồng đung đưa theo chiều gió, trái táo lấp ló sau đám lá xanh, cốm xanh hồng thắm đưa duyên, ai đi hỏi vợ nhà bên có thẹn thùng hay không? Cũng chẳng biết nữa… Chỉ biết rằng cô gái trồng hoa tầm xuân nhà bên giờ rạng ngời hạnh phúc theo chồng về phố núi.

Bên giàn su su say ngủ trong sương sớm, tiếng gà rừng thấp thoáng đâu đây là ngôi nhà nhỏ nằm giữa rừng hoa hồng đỏ thắm. Màu xanh của tầm xuân năm xưa giờ biến thành hoa hồng đỏ thắm đang lặng lẽ tỏa hương và em đang chờ chồng đi tác nghiệp trở về trước những cơn mưa rừng hối hả...

Mẹ gieo - Thơ Lê Gia Hoài

Mẹ gieo - Thơ Lê Gia Hoài

Baovannghe.vn- Mẹ gieo lên cánh đồng/ Những toan lo vất vả
Từ ngày em tới - Thơ Khuê Việt Trường

Từ ngày em tới - Thơ Khuê Việt Trường

Baovannghe.vn- Ta vốn vậy, vốn quên điều cần nhớ/ Những sớm mai chạm phố với mặt trờ
Mời quý vị đón đọc báo Văn nghệ số 29/2025

Mời quý vị đón đọc báo Văn nghệ số 29/2025

Baovannghe.vn - Báo Văn nghệ số 29 ra ngày 19/7/2025 có các nội dung sau đây:
Điểm thi TN PTTH không "gây sốc" nhưng buộc các trường nhìn nhận lại cách dạy và học

Điểm thi TN PTTH không "gây sốc" nhưng buộc các trường nhìn nhận lại cách dạy và học

Baovannghe.vn - Theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, thành công của kỳ thi 2025 đến từ việc mạnh dạn đổi mới theo hướng đánh giá năng lực thay vì kiểm tra kiến thức thuần túy. Việc học sinh được chọn môn thi theo sở trường đã tạo cơ hội để các em phát huy năng lực cá nhân.
Triển lãm "Nối" - Sự giao thoa giữa di sản và nghệ thuật đương đại

Triển lãm "Nối" - Sự giao thoa giữa di sản và nghệ thuật đương đại

Baovannghe.vn - Chiều 14/7, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, đã diễn ra lễ khai mạc triển lãm Nối với sự hiện diện của đông đảo họa sĩ, khách mời và công chúng yêu mến nghệ thuật, đánh dấu chặng mở đầu cho hành trình nghệ thuật kéo dài hơn hai tuần giữa lòng di sản.