Cũng lâu rồi, trong một bài báo trên một trang web mở về nghệ thuật đương đại, một nhà phê bình nghệ thuật “đanh đá, chua ngoa và... thực tế” đã phán một câu nghe nẫu ruột về các họa sĩ Việt Nam: “Đâu đâu cũng có chân dung tự họa: Thay vì đặt ra câu hỏi ai đang nhìn vào đó (như những chân dung tự họa xuất sắc của thế hệ đi trước, tiêu biểu là Bùi Xuân Phái và Nguyễn Sáng), chúng chỉ là sự thể hiện của một bản ngã có phần yếu ớt.”
Chưa bàn đúng hay sai (mà nghệ thuật thì khó xác định lằn ranh sai đúng) hẳn các họa sĩ Việt đương đại chắc hẳn sẽ rất tự ái. Nhưng biết làm sao. Cách phản ứng thông minh và giản dị nhất chính là thể hiện trên tác phẩm, ở đây là chân dung tự họa, mặc dù đề tài này chẳng có gì mới. Song, chính vì không có gì mới, nên nó mới buộc người nghệ sĩ phải vật vã hơn nữa, sâu sắc hơn nữa, mới mong được giới chuyên môn, hay người mộ điệu đánh giá cao, chứ không thể bị chê bai rằng mất bao toan, màu, suy tư, mà cuối cùng bức chân dung ấy chỉ nhẹ như… bức ảnh.
Frida Kahlo nữ danh họa Mexico, trong suốt sự nghiệp cầm cọ, bà đã vẽ 55 bức chân dung, bao gồm cả Self-Portrait với Thorn Necklace và Hummingbird. Ngày nay, tác phẩm này vẫn là một trong những bức chân dung tự vẽ được công nhận rộng rãi nhất. “Tôi tự vẽ chân dung của chính mình bởi vì sự cô đơn. Tôi biết rõ bản thân mình là người như thế nào”, Frida Kahlo chia sẻ.
Vậy, vì sao nhu cầu tự họa chân dung chính mình ở các họa sĩ lại cao đến vậy?
Tự - không chỉ là một loại hình nghệ thuật. Hầu như bất kỳ hoạt động nào của con người khiến nó thể hiện cá tính của người đó, đều được gán cho thể loại này: Tự truyện, tự bạch, tự họa… Những nghệ sĩ luôn tìm cách truyền đạt đến công chúng không chỉ là một hình ảnh thị giác, mà còn những cảm xúc, những bí ẩn trong tâm hồn họ. Họ luôn cố gắng cung cấp những thông tin của bản thân cho người khác thấy qua hình ảnh của chính mình. Tự họa, là đánh giá của họa sĩ về chính họ. Và thể loại nghệ thuật này đã xuất hiện từ những năm 420 trước Công Nguyên, trong lịch sử cổ đại của Hy Lạp và Ai Cập.