Chuyên đề

Chùm thơ Thư Đình (Trung Quốc)

Câu chuyện văn hoá 07:06 | 13/12/2021
Thư Đình là nhà thơ nữ đương đại Trung Quốc, sinh năm 1952 ở thị trấn Thạch Mã tỉnh Phúc Kiến, lớn lên ở Hạ Môn, tốt nghiệp cấp 2 đã được đưa về nông thôn lao động; khi trở lại thành phố làm nhiều nghề khác nhau để kiếm sống như thợ nề, thợ hàn… Năm 1969 bắt đầu sáng tác thơ; từ năm 1981 trở thành nhà thơ sáng tác chuyên nghiệp tại Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật tỉnh Phúc Kiến, từng giữ chức Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật tỉnh, 2 lần nhận giải thưởng thơ toàn quốc
aa

Thư Đình là nhà thơ nữ đương đại Trung Quốc, sinh năm 1952 ở thị trấn Thạch Mã tỉnh Phúc Kiến, lớn lên ở Hạ Môn, tốt nghiệp cấp 2 đã được đưa về nông thôn lao động; khi trở lại thành phố làm nhiều nghề khác nhau để kiếm sống như thợ nề, thợ hàn… Năm 1969 bắt đầu sáng tác thơ; từ năm 1981 trở thành nhà thơ sáng tác chuyên nghiệp tại Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật tỉnh Phúc Kiến, từng giữ chức Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật tỉnh, 2 lần nhận giải thưởng thơ toàn quốc.

Thư Đình là nhà thơ nữ tiêu biểu của trường phái “Mông lung”, có sở trường về diễn tả nội tâm, thể nghiệm tình cảm tinh tế, phức tạp, mang phong cách nữ tính rõ nét. Thơ Thư Đình tràn đầy sắc thái lãng mạn và lý tưởng hóa, thể hiện tình yêu đối với quê hương đất nước, con người. Thơ bà cũng có sở trường trong sử dụng cách ẩn dụ, tượng trưng, liên tưởng để bày tỏ cảm xúc nội tâm, trong mông lung lại thể hiện lý trí, kết hợp giữa chủ nghĩa lãng mạn và chủ nghĩa hiện thực.

Tác phẩm: Thuyền hai cột buồm (1982),

Tuyển thơ Thư Đình – Cố Thành (1982),

Hoa Iris biết hát…

Thuyền hai cột buồm

Hai cánh buồm đẫm ướt sương rơi.

Nhưng gió giục, không chần chừ được nữa,

Bến bờ yêu ơi!

Hôm qua thuyền vừa từ biệt

Hôm nay bờ lại đây rồi,

Ngày mai ở nơi xa tít,

Trên vĩ độ khác gặp nhau.

Một ngọn đèn, một cơn gió lớn

Khiến chúng ta lại ở hai đầu.

Chẳng sợ đâu chân trời góc biển,

Làm sao để chiều chiều sớm sớm

Bờ trong hành trình thuyền đậu rồi xa.

Thuyền vẫn luôn trong tầm mắt của bờ.

_____

(Bài thơ này từng đoạt Giải thưởng Thơ mới toàn quốc lần đầu tiên được tổ chức năm 1993)

Đỉnh núi nữ thần

Những khăn tay đủ màu hoa vẫy bạn

Có tay ai bỗng rụt lại bất ngờ

Ôm chặt mắt mình

Đứng ở đuôi tàu một bóng đơn cô

Khi mọi người đã bỏ đi khắp ngả

Áo váy cuộn bay như mây vần vật vã

Sóng sông

Tiếng cao

Tiếng thấp

Giấc mơ đẹp đượm buồn, nét xinh phảng phất

Thượng giới trần gian, đời lại tiếp đời

Nhưng, con tim

Thực sự có bao giờ hóa đá?

Để thấy hạc bay trên trời thăm thẳm quá

Bỏ lỡ bao lần trăng sáng sông xuân

Men theo bờ sông

Dòng lũ của cúc vàng, trinh nữ

Đang gợi khơi sự phản bội vừa nhen

Cùng trưng bày trên vách đá chênh vênh

Chẳng bằng khóc một đêm trên bờ vai

người yêu dấu.

Cô gái Huệ An

Lửa đồng nơi xa xa

Trong mắt em long lanh màu hổ phách

Vòng bạc cổ xưa lưu tuyền thời bộ lạc

Sợi vải mềm duyên dáng thắt lưng ong

Hạnh phúc khó lường nhưng giấc mộng

trẻ trung

Như hoa bồ công anh la đà biển lộng

Ôi trùng trùng vô biên hoa sóng

Tự thuở đầu không muốn tỏ niềm đau

Không phải vì khổ đau đã mãi mãi sạch làu

Khi sáo tiêu, tỳ bà trong hoàng hôn réo rắt

Nỗi buồn thương đó đây đánh thức

Góc khăn quàng em cắn nhẹ bờ môi

Xinh đẹp biết bao giữa biển giữa trời

Bàn chân trần em, không ai để mắt

Trên bãi mặn mòi cùng đá san hô

Thế là đầu trang bìa, giữa bài viết điểm tô

Em trở thành tuyệt tác tranh phong cảnh.

Chim thủy tổ

Từ khi Bàn Cổ nhìn xuống thế gian

Bầu trời trong vắt

Dưới bóng cánh chim là rừng rậm, đồng hoang

Trong các loài chim, chỉ loài này yên ả

Khắp các loài chim bắt chước nhau ồn ã

Chim đầu tiên chỉ trầm lặng đơn thuần

Xấu xí vụng về, chậm chạp, cô đơn

Đã bao lần gặp kẻ thù, đói rét

Trong hồng hoang, chủng loài hủy diệt

Truyện lạ lưu truyền tự thuở hồng hoang

Chim ngã xuống ra sao, mơ hồ ai biết

Thấy rõ dần dần là bối cảnh xa xăm

Hỗn độn bình minh, lờ mờ nắng sớm

Lấy tên gọi không khác gì Vương Miễn

Lịch sử tiến hóa cùm gông, là sự sống

vĩnh hằng

Không tự truyện cũng không còn cảm tưởng.

______

Chú thích: Vương Miễn (1287-1359), họa sĩ, nhà thơ đời Nguyên, người Chiết Giang, tên chữ Nguyên Chương, lúc nhỏ hiếu học, nhiều lần đi thi không đỗ, kiếm sống bằng bán tranh.

Gửi cây sồi

Nếu em yêu anh

Sẽ khác hẳn hoa lăng tiêu leo bám,

Mượn anh cành cao khoe sắc của mình;

Nếu em yêu anh

Sẽ không học theo con chim nhỏ si tình,

Dưới bóng xanh líu lo bài đơn điệu,

Em cũng chẳng như suối nguồn trong trẻo,

Quanh năm mang theo an ủi mát lành;

Em cũng khác nhiều ngọn núi chênh vênh,

Tôn cao anh thêm phần uy vũ.

Ngay cả ánh dương.

Ngay cả mưa xuân.

Không, tất cả đều không đủ!

Gần với anh, em phải dáng mộc miên

Sừng sững song hàng, em đứng kề bên

Rễ bám đất, lá chạm tầng mây biếc.

Mỗi trận gió qua,

Chúng mình cho nhau biết,

Nhưng không ai hiểu được lời ta.

Anh thân đồng cành sắt

Như đao kiếm

Như giáo kích tài ba

Em có hoa lớn sắc màu đỏ rực,

Như tiếng than nặng nề,

Lại oai hùng như bó đuốc.

Chúng mình sẻ chia sấm sét bão giông;

Chung mù sương lại chung cả cầu vồng.

Như mãi rời nhau,

Mà suốt đời nương tựa chung tình.

Đó mới là tình yêu vĩ đại.

Đó là kiên trinh:

Ái tình

Không chỉ yêu anh khôi ngô tuấn tú;

Mà yêu nơi trụ đứng, mảnh đất dưới chân anh.

Tặng quà

Mơ ước của tôi – mơ ước của hồ ao

Cuộc sống không chỉ là in bóng trời cao

Để liễu và hoa quanh bờ tạo dáng

Cho tôi sạch sẽ thanh cao

Theo rễ cây tôi đến từng cánh lá

Héo rụng với tôi không phải buồn than

Tôi đã cho mình cuộc sống dương gian

Niềm vui của tôi là niềm vui của nắng

Ngắn ngủi mà lưu sáng tác vững bền

Trong đôi mắt thơ ngây trẻ nhỏ

Trong phôi mầm hạt giống đầu tiên

Đang hát lên bài ca xanh biếc

Tôi giản đơn mà phong phú bao nhiêu

Cho nên tôi sâu sắc hơn nhiều

Nỗi buồn của tôi, nỗi buồn chim di trú

Chỉ mùa xuân mới thấu hiểu tình chung

Chịu tất cả gian nan, thất bại

Mãi hướng tương lai tươi sáng, ấm nồng

Ơi cánh chim chảy máu

Viết lời thơ đầy đặn những trang dòng

Đã vào sâu tất cả tâm hồn

Đi mãi cùng bao năm tháng

Tất cả tình cảm của tôi

Đều do đất này ban tặng.

Nguồn Văn nghệ số 50/2021


Khóc thật cho một kiếp rối - Thơ Hoàng Xuân Tuyền

Khóc thật cho một kiếp rối - Thơ Hoàng Xuân Tuyền

Baovannghe.vn- Sinh ra để làm người khó nhỉ
Người - Thơ Đoàn Mạnh Phương

Người - Thơ Đoàn Mạnh Phương

Baovannghe.vn- Khi lưỡi mềm bật lên tiếng nói, Người vẫn thường tự hỏi:/ Lý do có mặt trên đời? Sống giữa lạ quen quên nhớ, vì sao được gọi là Người?
Quy luật - Thơ Phạm Thị Diễm

Quy luật - Thơ Phạm Thị Diễm

Baovannghe.vn- Thông minh không đợi tuổi/ Tình yêu không chờ gió trăng
Chuyến xe buýt Mơ-Vọng. Phần 2

Chuyến xe buýt Mơ-Vọng. Phần 2

Chuyến xe buýt Mơ-Vọng là một bản hòa âm phức điệu giữa ký ức, thân thể và ngôn ngữ thi ca. Câu chuyện không đặt nặng cốt truyện, mà vận hành bằng không khí, bằng tinh tế của những chuyển động vi mô, nơi thân thể trở thành ngôn ngữ thứ hai. Chuyến xe buýt Mơ-Vọng gợi nhớ tới L'amant của Marguerite Duras, tới Mối tình đầu của Turgenev, nhưng mang bản sắc riêng, một Hà Nội nghèo, cũ, nhưng đầy ám ảnh; một kiểu yêu không thể lặp lại, không thể gọi tên, chỉ có thể sống một lần, trọn vẹn trong lặng im.
Biển tím. Truyện ngắn của Nguyễn Hữu Quý

Biển tím. Truyện ngắn của Nguyễn Hữu Quý

Baovannghe.vn - Tôi và em từng ở bên nhau trên một bãi biển đẹp nhất miền Trung. Tím là gam màu tổng thể của mặt biển cuối chiều hôm ấy. Cát trắng và mịn đến ngỡ ngàng là đường viền tuyệt diệu của mênh mông tím. Cả hai đầy gợi cảm, đầy giục giã trong sự ngẫu hứng thật bao dung của tôi và em.