Tôi vốn không sát cá nên không theo được nghiệp cha nhưng cũng đâu đến nỗi tối dạ như cha cảnh báo. Tôi học hành lêu lổng chút ít mà vẫn lên lớp, rồi vào đại học, tôi theo nghề xây dựng.
Bây giờ tôi đã là kỹ sư, có kinh nghiệm, có chuyên môn, thuộc loại trên tin dưới tưởng. Đã thế, thỉnh thoảng tôi còn có một bài thơ được đăng báo. Dăm thì mười họa mới có dịp khoe tài, tôi hào hứng chia sẻ với cô bé đánh máy cùng phòng và hân hoan nhận lời ca tụng. Cô là một nhà phê bình rất tuyệt vời: lấy khen và cười làm ngôn ngữ.
Nhưng rồi cô bé máy chữ cùng tiếng lọc cọc được chuyển đi và một bàn máy vi tính thế chỗ. Giám đốc xếp tôi sang phòng bên dẹp lối cho sự canh tân thênh thang nhào vào chiếm lĩnh. Ông bảo: "Tớ già rồi, sắp về hưu các cậu không tiếp cận cái mới cuộc sống sẽ đè bẹp các cậu". Quả thật điều đó lập tức được minh chứng, các văn bản soạn thảo trên máy vi tính đẹp hẳn lên. Sếp tôi nhiều khi đọc, sửa ngay trên máy, nhanh, tiện vô cùng.
*
Sếp tôi xuất thân từ nông dân, từng khoác áo quân nhân, tuổi ngoại ngũ tuần, ăn mặc sang trọng, tóc đen nguyên, gặp thời vận, có tài và... không kể hết. Ông có vợ ở quê, hai đứa con nhưng ít về lắm. Có người nói nhà ông có "trục trặc", có người tỏ ý thông cảm: "Trông ông ấy thế, tiếp toàn khách Âu Tây, bà vợ chít khăn mỏ quạ, chân đất, tránh sao chán chường". Có người phản bác: "Ti tỉ người có hoàn cảnh như vậy, như thế có mà loạn, tình nghĩa con người bỏ đâu?"
Đó là chuyện của bọn người rỗi hơi.
Tôi thuộc loại người cũng "dễ tiếp cận cái mới" nên thỉnh thoảng lại phải sang phòng máy vi tính. Một lần tôi gặp sếp vòng tay qua vai cô nhân viên trẻ đẹp và tôi lẳng lặng đi ra. Chuyện kiểu thế này bây giờ nhan nhản, nhiều đến mức những kẻ tò mò cũng hóa thờ ơ. Chưa kể, lao đao trên chặng đường đời tôi đã học được thói quen: biết mù, câm, điếc khi cần thiết. Cô bé vi tính kịp nhìn thấy tôi mở cửa nhưng cũng chẳng nói gì.
Sau lần đó, mỗi khi có việc tôi đằng hắng thật to, nện giày thật lớn, diễu qua cửa hai, ba lần rồi mới vào. Hồi bé cha tôi dạy: "Sự thật không ở trên bề mặt mà ẩn sâu dưới đáy". Cha tôi là dân chài, ông không phải là nhà triết học hay chính khách nên hãy khoan phê phán ông nếu ông sai ở một chỗ nào đó. Khi nói câu trên, với ông bề mặt là mặt nước còn "ẩn sâu dưới đáy" có lẽ là tôm cá. Nhưng tôi thấm thía lời cha. Khi mà tôi nện giày cồm cộp ngoài hành lang và gõ cửa rõ to thì sự thật không phải là người khiếm nhã mà là tôi đang rất tế nhị.
Tranh của họa sĩ Nguyễn Cương |
Cứ thế, mọi sự tuần tự tiếp diễn. Sếp tôi mỗi ngày một trẻ ra. Ông nảy sinh những hứng thú mới: đi bar, karaoke, học khiêu vũ. Cái giọng của sếp cũng khang khác. Sếp gọi "Hennessy" và ngoắc tay trông ga lăng (và quái đản) như ông trùm hay bố già trong phim Hollywood. Cô bé vi tính mỗi ngày một thêm sang diện, đầy dáng dấp thị thành.
Đâu đó có tiếng thì thào.
Rồi cô bé mua xe, rồi nghe nói cô bé mua một căn hộ.
Chiều đó mải việc nên gần sáu giờ tôi mới về. Khi ra đến của tôi gặp Phương - cô bé vi tính. Cô ta nhỏ nhẹ:
- Anh về qua nhà em một lát được không? Em muốn nhờ anh chút việc.
Hơi ngại nhưng tôi bằng lòng. Khó mà chối một lời mời ngọt ngào nhường ấy.
Nhà Phương là một căn hộ nhỏ, gọn và đẹp. Tôi hơi ngỡ ngàng, bởi với tôi có thâm niên chục năm trong nghề xây dựng, nó chỉ là giấc mơ cuối trời.
Phương gọt táo. Trái táo tróc từng lớp vỏ và toả mùi thơm lừng.
- Sao anh không lấy vợ đi?
- Gì cơ? À, anh không có ai để mắt tới!
Nói xong tôi hơi ngượng với chính mình bởi tôi hơi có vẻ "khơi gợi". Phương cười rồi im lặng, phân vân khi nhìn tôi. Tôi chờ, tôi đoán sẽ có một sự kiện.
- Hôm nọ...
Tôi nhớ ra và vội lấp lời:
- Ồ không, em nhắc tới làm gì!
Gió kéo lật rèm.
Cái trăng chốn phồn hoa vàng vọt lộ qua ô cửa ngỏ.
Từng thấy lắm sự oái oăm nên khả năng ngạc nhiên ngày dần mai một. Nhưng tôi còn có dịp. Ấy là khi Phương bỗng cầm tay tôi, nàng chầm chậm kéo đặt lên nơi con tim phập phồng dồn dập. Lạc đến từ cõi mơ hồ giọng em đứt quãng:
- Em phải lấy lão... hết cách rồi... em...
Tôi hiểu. Thằng đàn ông trong tôi quẫy đạp nhưng gã kinh nghiệm ươn hèn lại sợ hãi, hắn khôn ngoan nhủ tôi: đừng vội, chớ nên đi tới tận cùng. Thu - cô bé đánh máy chữ giờ được chuyển đi làm lao công. Bẵng đi một thời gian dài không gặp, hôm nay, thấy cô đang lau cửa kính tôi đứng lại hỏi han. Trong tay vẫn cầm mớ giẻ, Thu nhìn tôi từ đầu tới chân chừng như soi xét đã kỹ rồi mới hỏi:
- Anh không mắc lừa chứ?
- Lừa? Có ai nỡ lừa anh đâu?
Ngó trước ngó sau Thu thì thầm:
- Em nghe trộm họ bàn nhau là nó sẽ rủ anh về nhà. Hình như "có chuyện" nên nó phải "thầu" lấy một gã, nó chọn anh đấy!
Tôi toát mồ hôi hột. Chút xíu nữa! Mẹ kiếp! Lũ khốn dám đùa với cả những chuyện như thế ư? Nhưng có thật thế không, Thu cũng có thể đặt điều lắm. Cô bé thất thế và có chút ghen tỵ là lẽ thường. Nhưng Thu thật thà lắm, đáng lẽ phải nói là "Em vô tình nghe thấy" thì lại nói là "nghe trộm" thì chuyện có vẻ đáng tin.
*
Tôi đi xuống công trình vài tuần, khi trở lại cơ quan tôi thấy có tấm thiếp mời đặt trên bàn, cặp chữ lồng in chữ vàng đập vào mất. Lại thế nữa. Phương và Tiến. Tiến là kế toán phòng tài vụ, nó khôn ngoan, biết đời là thứ người mà cả kẻ xấu lẫn người tốt cơ quan tôi đều hơi ngài ngại. Tôi bật cười: ôi, con cá mắc lưới.
Đám cưới ồn ào náo nhiệt. Ly cụng, chúc tụng, và rốc - và ráp. Ăn uống qua quýt, làm "thủ tục", tôi rủ Thu ra quán cà phê gần đó.
Lách qua đám thiên nhiên giả dối của cái quán cà phê vườn chúng tôi tìm một góc yên tĩnh.
- Sếp đấy!
Thu buột giọng. Ông ngồi một mình, già sọm đi bên chai rượu - kẻ tri kỷ của nỗi đau buồn.
- Chúng mình cứ đến đó!
Tôi nói. Tôi muốn nhìn thấy vẻ mặt sếp vào lúc này. Có thể nó giống như vẻ mặt của thủ môn khi vào khung thành nhặt bóng trong tình huống hậu vệ đưa về chính lưới nhà.
- Ông ta khóc đấy! - Thu bảo.
- Không có đâu!
Nói vậy nhưng tôi cũng như nhìn thấy ánh nước trên gò má răn reo.
- Để mặc ông ấy đi anh!
Tôi vẫn thẳng tiến. Sau lưng có tiếng quay gót chạy, tôi cũng đành vội vã lao theo. Tôi kịp Thu ngay trước cửa nghe tiếng Thu nói trong nghẹn ngào.
- Anh thật tàn nhẫn.
Tôi cố thanh minh, dùng đủ mọi lý lẽ. Cho đến khi tay em nằm gọn trong tay tôi. Tôi nghĩ, tôi đã tìm thấy một cái gì đó quan trọng lắm và cũng quên, quên mất rất nhiều...