Sáng tác

Có ba người - truyện ngắn của Trần Tiễn Cao Đăng

Trần Tiễn Cao Đăng
Truyện
10:22 | 13/08/2024
Baovannghe.vn - Người con gái ấy anh đã gặp ba lần: anh để ý đến nàng và nàng để ý đến anh. Không thể nào không để ý đến nàng, vì với tấm thân nhỏ nhắn, mong manh rất đỗi yêu kiều.
aa

NGƯỜI I

Người con gái ấy anh đã gặp ba lần: anh để ý đến nàng và nàng để ý đến anh. Không thể nào không để ý đến nàng, vì với tấm thân nhỏ nhắn, mong manh rất đỗi yêu kiều, bộ ngực thật căng hơi tương phản với thân hình mảnh dẻ mong manh ấy, làn da trắng xanh mát rượi như hoa sen, dáng đi tha thướt, lung ong ẻo lả như dây bìm, dáng quay đầu mềm mại như thiên nga, một khuôn mặt hoàn hảo, vầng trán cao trắng muốt, đôi mày bán nguyệt, má lúm đồng tiền, cái miệng xinh với nụ cười chúm chím làm anh bồi hồi trong lòng, người con gái ấy, chỉ gặp một lần, dù một thoáng cũng không thể nào quên - giữa đám đông xám xịt của vỉa hè, nàng ngời sáng như trăng rằm Trung thu.

Nhà nàng nghèo, anh biết; bởi ba lần tình cờ gặp anh đều thấy nàng mặc một chiếc áo độc nhất; áo vải sờn, thô, một mảng vá hình chữ nhật trên vai phải, có trời biết để lại cho nàng từ đời thuở nào, thế nhưng - đẹp thay - vẫn cứ cho người đời thấy rằng đấy là chiếc áo trắng, màu trắng thật sự, mặc dù hơi ngả sắc vàng - làm sao khác được một khi thời gian in dấu lên nó nhiều thế kia - nhưng sạch bong, tinh tươm, không một gợn nhãn, dường như không hạt bụi nào có thể đậu lên đó. Chiếc áo bó chẽn làm lồ lộ đường nét bộ ngực tròn căng của nàng.

Anh thấy nàng bước đi ngoài phố, lần nào cũng mang xách nặng - nàng đi chợ về. Rất đỗi khiêm nhường, e lệ, nàng cúi đầu cố không để người ta chú ý tới mình (nhưng hoài công: người ta dùng mắt để lột trần nàng). Thế nhưng thấy một chú mèo con sưởi nắng bên cột đèn đường, nàng ngồi thụp xuống vuốt ve, một nụ cười trìu mến và sung sướng nở trên môi. Cũng nụ cười ấy nàng đã trao anh ba lần, và mỗi lần như thế là một cơn mưa đầu mùa mát rượi lòng anh...

Nàng đi ngoài phố, rồi rẽ vào một hẻm lớn, từ hẻm lớn rẽ vào hẻm con, từ hẻm con lại vào hẻm con nữa, vào hẻm con nữa, cái loại hẻm nhiều không sao kể xiết ở cái thành phố quái gở này - chỉ vừa một người xoay tới xoay lui, không có mặt trời; đấy là hang giun đất. Từ phố vào con hẻm lớn vầng trăng Trung thu đã mất một phần ánh sáng, lọt vào hẻm con thì vầng trăng mất hút trong bóng tối của địa ngục. Cả ba lần anh đều theo nàng, và cả ba lần đến nơi ấy anh lại dừng, e ngại... Giờ thì anh muốn đập đầu mình xuống đất vì tội đã không theo nàng đến cùng, để nắm được nàng, để giữ được nàng, để bảo vệ nàng...

Những người sống ngoài phố gần hẻm lớn xác nhận rằng đêm hôm ấy, thứ bảy, mười lăm tháng ba, vào quãng 23 giờ rưỡi đến 24 giờ, hay muộn hơn, họ thấy nàng từ trong hẻm đi ra, ý chừng rất vội. Họ nhận ra nàng ngay vì dáng người kiều diễm quen thuộc, vì chiếc áo trắng duy nhất nàng có để mặc ra đường, họ biết nhà nàng - mãi sâu trong tận cùng cái mê cung vô số con hẻm chằng chịt giấu biệt sau vẻ ngoài nền nã của đường phố; họ biết gia đình nàng chỉ có ba người: nàng, cha nàng, người anh tật nguyền của nàng; họ biết cha nàng là thợ giày, cha nàng bị đau tim nặng, họ biết ông thường lên cơn bất thần nửa đêm về sáng, mỗi lần như vậy nàng lại tất tả đến nhà ông y sĩ quen, mời ông thăm bệnh cho cha. Thế nên họ chẳng lấy làm lạ rằng nàng ra khỏi nhà giữa đêm khuya như thế.

Nhà người y sĩ cách đó khoảng ba trăm mét, nàng đi bộ, nàng không có xe. Có một quãng chừng hơn trăm mét nhà cửa thưa thớt mà lại chỉ có một phía, bên kia đường là đồng trống, cỏ dại, lau lách mọc tràn, không có đèn đường, hôm ấy lại hầu như không có trăng, nhưng nàng không sợ; nàng đi quen rồi.

Một người bán thuốc dạo ngồi không xa chỗ ấy - nơi có ngọn đèn đầu tiên mà sau khi ra khỏi quãng tối lẽ ra nàng sẽ băng qua - nhớ lại rằng đêm mười lăm tháng ba, khoảng 24 giờ mười phút hay mười lăm phút gì đó, có một tốp lính Mỹ, chừng bảy, tám tên, mười tên không chừng, say chuếnh choáng, ngật ngưỡng từ trên phố lại, ngược chiều với nàng, vẻ dồn nén, hung bạo và âm thầm. Nhác thấy chúng từ xa người bán thuốc lật đật dẹp hàng, ai biết được đêm hôm như thế, giữa lúc muốn nổ tung như thế, chúng có thể làm trò gì.

Sáng tinh mơ ngày thứ hai 17 tháng ba, người ta phát hiện ngoài kênh quãng gần chợ xác chết một thiếu nữ. Cái xác còn mới, không một tí áo quần, mặt méo xệch một cách ghê rợn, môi như hai miếng thịt nát, tóc rũ rượi, một mảng bị dứt đứt tróc cả da đầu; cặp vú nhão nhoét, biến dạng, như hai tảng bột méo mó nặn bởi tay người khùng rực lên dấu răng đen xịt, sâu hoắm, hai bàn tay nắm chặt tứa máu, hai chân dạng rộng tênh hênh một cách quái đản, cửa mình mở tung như bị một trái bộc phá. Người ta kể xác người con gái chưa kịp trương lên và bốc mùi, trắng hếu một cách kinh tởm, nhiều chỗ toạc da bầm máu nước chưa hòa tan, trôi lềnh bềnh giữa đám rác rưởi - giấy lộn, lá chuối gói bánh, bao thuốc rỗng, mảnh chiếu, rơm rạ, củi mục - vật vờ, dập dềnh sát bên bờ như đám tùy tùng kinh khủng của cái xác ấy; cảnh tượng ấy gây nên nỗi khiếp đảm không sao tả xiết trong lòng những kẻ chứng kiến; nhiều em bé kêu thét lên, một phụ nữ gần như ngất xỉu; người ta phải đưa chị vào quán nước dưới bóng cây bã đậu để xức dầu cho chị.

- Tội nghiệp con nhỏ... con cái nhà ai thế không biết? - Người ta thở dài chép miệng.

Anh không chứng kiến cảnh ấy.

Nhưng cũng chưa bao giờ anh không chứng kiến cảnh ấy.

Có ba người - truyện ngắn của Trần Tiễn Cao Đăng
Fernando Botero (1932-2023), Untitled, 1956

NGƯỜI II

“…”

là tiếng chửi thề thông dụng và hung hãn nhất của Người Mỹ. Mặc dù thứ ngôn ngữ Anglo - Saxon ấy không xa với tôi, tôi không bao giờ, sẽ không bao giờ muốn nhắc lại nó. Nhưng bất cứ lúc nào Người Mỹ dùng tiếng chửi đó với các bạn tôi, khi họ khạc tiếng chửi đó vào mặt các bạn tôi và dập thân thể họ lên người các bạn tôi, máu trong toàn bộ huyết quản tôi lại sôi lên vì một nỗi phẫn nộ cùng cực, và khi đó những lời nguyền khủng khiếp - bằng chính thứ tiếng Anglo - Saxon đó - lại nổ tung tóe khỏi miệng tôi. Và chính vì cái điều đó - rằng tôi nã vào họ hàng tràng lời nguyền rủa khủng khiếp - Người Mỹ đặc biệt căm tôi và ra sức liên tục hành hạ tôi.

Và cả khi Người Mỹ cuồng thú hành hạ tôi, tức là khi mỗi một centimet vuông cơ thể họ là một tảng núi thịt thông minh và điên dại đè nát tôi, tôi vẫn chửi họ, thóa mạ và nguyền rủa họ bằng tiếng Anglo - Saxon của họ, mà một người trong số họ từng dạy tôi; mặc dù miệng tôi, hàm tôi, họng tôi thường xuyên bị thít chặt, trét kín, lèn cứng bởi xương thịt nhầy nhụa và tàn bạo của họ, những tràng nguyền rủa vẫn nghiến qua hai hàm răng tôi thành tiếng rít long óc, vẫn phòi ra thành tiếng rên rỉ và tru tréo sởn gáy họ. Phải, đó là tất cả những gì tôi nói với Người Mỹ trong một thế kỉ bẹp dí giữa gọng kềm phọt máu của họ, cùng các bạn tôi, các Nữ Sinh bị bắt vì những lá truyền đơn và những quả bom xăng chống Người Mỹ.

Không còn gì khác ngoài những lời nguyền rủa khủng khiếp đó tuôn ra khỏi miệng tôi; vào mặt Người Mỹ. Và tôi nói những lời sau với các bạn tôi, khi mồ hôi họ đầm đìa như mưa dầm thối ruộng cày, khi máu từ chỗ thiêng của họ lai láng như suối, khi nước mắt nóng rẫy của họ từ từ ứa ra ròng ròng chảy như mưa trút xuống máng xối.

“Nếu chúng ta muốn sống thì chúng ta sẽ sống, các chị ạ. Nếu chúng ta quyết thắng, chúng ta sẽ thắng. Có thứ sức mạnh nào sai khiến được tâm hồn ta! Chị em cứ nghĩ mà xem: trăm nghìn roi vọt mẹ cha có bắt ta quên nghĩa với người được không? Lòng yêu Tổ quốc của ta còn thiêng liêng hơn thế, còn bất diệt hơn thế. Chị em ơi! Nếu không chịu nổi thì hãy cứ khóc vì những vết thương đau, nhưng đừng cho chúng tưởng rằng ta sợ... Phần tôi, tôi không khóc đâu... Điều duy nhất chúng ta thua đàn ông, ấy là nước mắt...”

Miệng nói vậy nhưng tôi, mắt tôi cay xè, giọng tôi run; tôi cắn môi nhịn khóc. Tôi đâu có rỏ một giọt nước mắt sau lần bị bốn mươi tên lính dày vò, khi mỗi thớ thịt thân tôi là một vết thương và mỗi hơi thở tôi để lại một bong bóng máu dưới lỗ mũi, một bợn máu trên mép giống như vết cợn bẩn sau khi tôi ăn chè mè đen. A ha! Tôi quay đi quay lại nhìn mọi người, và mọi người đăm đăm nhìn tôi, kẻ đang đứng trước họ với cặp má bầu bĩnh, với đôi vai tròn, với bộ ngực cao, lớn và chắc họ nhìn và như biết đó là lần cuối cùng trông thấy tôi; họ có lí, họ rất có lí, vì đêm hôm đó tôi đã tự sát giữa chừng một cuộc tra tấn đầy bạo dâm, dưới mắt một Người Mỹ.

Và nếu thời gian cho phép, nếu các bạn cho phép, tôi sẽ còn nói nữa, nói không dứt về những cơn quằn quại của tôi, về nỗi ê chề của tôi, về người yêu của tôi, về người tình của tôi, về các người tình của tôi, về cái nhọt dưới bả vai tôi, về nốt ruồi bên cánh mũi tôi, về những điệu ru Tình yêu vẳng trong tai tôi, về vị cay của cơm hến trên lưỡi tôi, về dòng trăng đêm nào đó vẫn tuôn đầy hiên nhà sực nức hương nguyệt quế của tôi, về chiếc guốc đứt quai dưới bóng Ngọ Môn làm nỗi thẹn bừng lên hai má tôi, về chiếc tách sứ vỡ tan tành dưới cái giật thót của tay tôi khi nghe tiếng kêu cứu thê thiết dội tới từ chùa Từ Đàm làm kinh động đêm bình yên của tôi, về những tên Mỹ gào rú, bị xả ra trăm mảnh và bắn tung lên trời vì bom và tiếng chửi thề trong giấc mơ tôi, về hớp không khí cuối cùng của tôi mà cùng với nó tôi hiểu thế là hết cuộc hiện tồn của tôi trên cõi thế tuyệt diệu và đau đớn này, cõi thế mà dù gì đi nữa tôi vẫn yêu vì đó là cõi thế đã cho tôi chính tôi và tất cả những gì của tôi.

Và nếu cho tôi sống lại khoảnh khắc bất kì nào đó trong cuộc hiện thế đã qua của tôi sẽ lại chính tôi, chính tôi, chính tôi tuôn xối xả vào Người Mỹ những tràng nguyền rủa khủng khiếp; và sẽ không Người Mỹ nào đang sống còn có dịp biết miệng tôi có thể thỏ thẻ những những lời dịu dàng như thế nào, có thể trao những nụ hôn quấn riết vào nóng hổi như thế nào. Và, mặc dù tôi không muốn, tôi biết rõ sẽ không cách nào ngăn nổi những tràng nguyền rủa đó chuyển hóa thành một đoạn bầm dập trong tâm linh kiếp sau hạnh phúc và đáng thương của tôi.

*

NGƯỜI III

- Bạn ơi, thế là cuối cùng nàng đã gặp được chàng... Ta uống mừng nàng đi! Vâng, tôi muốn uống mừng nàng, cầu phúc cho nàng…

- Bạn xúc động quá đấy. Hẵng ngồi xuống đã; ghế ngay sau lưng bạn kìa...

- Chao ôi, bạn không hình dung được điều đó là thế nào ư?... Nhưng không... tôi, chính tôi cũng không tin, chưa bao giờ tin...

- Vậy nói đi, nói nhanh đi.

- Trời, tôi biết bắt đầu từ đâu đây?

- Bình tĩnh nào! Ngồi xuống đi. (Ngừng một chút) Nàng đã tới được Con Tàu Trắng đó chứ?

- Vâng, nàng đã tới! Và nhanh hơn bất kì dự đoán nào của chúng ta, nhanh hơn ý thức của chúng ta!

- Nàng đi bằng chính con đường Vũ - trụ - đa - tầng chứ?

- Đúng thế, đúng như thế! Và nàng đã...

- Thế thì có gì đáng ngạc nhiên nữa? Nào, ta uống mừng nàng!

- (vẫn còn rất xúc động) Nhưng tôi...

- Bạn hoàn toàn không ngờ ư?

- (cúi đầu tôi đã quá lo cho nàng...)

*

...Thế là nàng đã đến được với anh. Ôi, giá nàng ngoảnh lại, nàng sẽ thấy con đường nàng đã qua mới dài làm sao; nhưng nàng chỉ nhìn trước mặt, nàng tìm anh - nàng đến vì anh mà!...

Nàng biết mình đang ở đâu - bên hồ Shankar, hướng Bắc. Giờ này ai nấy đều đang làm việc, rừng không một bóng người. Nàng chẳng muốn quấy rầy ai; chọn chỗ ngồi thoải mái dưới bóng cây champa, nàng đợi.

Hẳn mình trông không đến nỗi nào đâu nhỉ? Chẳng biết anh sẽ nghĩ sao khi thấy mình như thế này... nàng thầm nghĩ khi soi mình trong gương bằng chất dẻo sáng lấp lánh, kích thước thay đổi tùy vị trí và tư thế người sử dụng. Lúc này nàng ngồi trên cỏ tóc tiên, đối diện với gương, thân hình nằm gọn giữa chiếc khung vàng sáng như mặt trời. Nàng rất sung sướng thấy mình không bị ảnh hưởng bao nhiêu bởi chuyến hành trình độc nhất vô nhị vừa qua. Chỉ có điều tóc tai hơi rối, nàng lấy lược ra chải. Cặp má hơi xanh, nàng tìm cách mỉm cười thật tươi để tạo thêm sắc hồng. Rồi nàng thay chiếc áo quen thuộc mà anh rất yêu, và do đó cũng vô cùng thân thiết với nàng trắng như tuyết, với những làn mây - hay sương - màu xanh tim tím. Chỉ có điều phải điều chỉnh chút ít cho vừa với cái bụng đã thay đổi kích thước khá nhiều của nàng.

Đứa con nàng cựa quậy; nàng vỗ nhẹ lên chỗ mà nàng biết là cái đầu bằng trái cam của nó.

- Yên nào, để mẹ đi gặp cha... Cha con đấy!

Nàng rất muốn tự mình đi tìm anh, nhưng trước tiên nàng phải dỗ cho đứa bé nằm yên đã. Eva và Radda gặp nàng trong tư thế ấy: ngồi gọn dưới bóng cây, tay xoa chiếc bụng căng phồng, hai chân khép về một bên, duỗi dài trên cỏ, dáng mềm mại, dịu dàng như chiếc cổ thiên nga.

- Kìa, LAN! Cách gần trăm thước Radda đã nhận ra nàng, vội vàng chạy đến rõ nhanh. Đến sát bên Lan, nàng quỳ xuống, ôm chặt bạn vào lòng.

- Lan! Lan thật ư! Đúng là bạn rồi... Trời đất quỷ thần ơi! Bạn làm thế quái nào đến đây được? Lại còn mang thai nữa... Gần tới ngày còn gì! - giọng run run, Radda siết đầu bạn vào ngực mình; nàng ứa nước mắt.

Eva đứng đằng sau, im lặng nàng đã nghe nói nhiều về Lan, nhưng đây là lần đầu tiên nàng gặp người thiếu nữ mà người ta nói "đáng yêu như chính cuộc đời" ấy; và nàng sửng sốt nhận ra rằng ngôn từ lắm khi bất lực và tầm thường làm sao...

Radda vẫn ôm riết lấy Lan, trìu mến vuốt ve khắp người nàng, nhất là cái bụng to của nàng.

- Ôi, bạn dễ thương quá! Ai ngờ được cơ chứ? Cừ thật. Xem cái bụng này: Hẳn chú nhóc không dưới bốn kilôgam đâu... Kìa, Eva! Lại đây, lại đây! Làm quen đi: Lan, nàng tiên của chúng tôi. Đây là Eva, bạn rất tốt của chúng ta, Lan ạ...

Eva mỉm cười dè dặt thế rồi, hơi do dự, nàng cũng quỳ xuống, cầm tay người bạn mới, siết thật lâu.

- Tôi là Eva... Chào bạn - nàng nói ngắn gọn, nhưng trong giọng nói nàng còn có thể nghe thấy: Tôi tiếc rằng trước kia đã không hề biết bạn... Nếu biết bạn từ lâu, thì tôi đã có thể, như Radda, ôm chặt bạn vào lòng... Radda nói phải: bạn là nàng tiên của chúng ta... Bạn dễ thương quá!

Lan cũng nồng nhiệt siết tay Eva; nàng cũng nhận thấy Eva thật đáng yêu, lại đẹp vô cùng nữa, chỉ có điều, không hiểu sao cái nhìn chị ấy buồn rười rượi...

- Rất mừng được làm quen với chị, Eva... - nàng mỉm cười, hôn lên má người bạn mới. Eva cũng mỉm cười, hôn lại nàng, và thế là chẳng còn thứ hàng rào nào ngăn cách họ nữa.

- Thật không ngờ bạn đến được đây, Lan ạ.. Bạn tìm John chứ gì Chúng tôi sẽ gọi.

- Không, để tự mình đến với anh ấy!

Nàng dợm đứng lên, nhưng bàn tay khỏe mạnh của Radda đã nắm vai nàng giữ lại.

- Không được. Anh ấy PHẢI đến đây.

Giờ kể nghe nào: bạn làm cách nào đến được đây, làm sao đuổi kịp tàu chúng tôi? Bạn đi nhanh hơn ánh sáng được ư!...

- Mình hóa thân vào Đại - Vũ - Trụ.

- Không thể như thế!!!

- Sao lại không? Người Ngực Rừng làm được điều đó hàng thế kỉ nay rồi...

- Nhưng họ là người Ngực Rừng! Còn chúng ta...

- Có gì khác đâu! Mình đi theo con đường của họ, và thế là mình biết.

- ĐIỀU ĐÓ... như thế nào? - Radda hồi hộp.

- Nói thế nào nhỉ? Nói chung là tuyệt diệu! - Lan mỉm cười.

- Tuyệt diệu ư? - Radda lặp lại. Thử nghĩ mà xem: nàng Lan – Ngực - Bông - Sen mảnh mai và trắng ngần kia, bụng mang dạ chửa, đi trên cái gì đó tạm kêu là "tàu" của người Ngực Rừng, từ vật - chất chuyển sang phản - vật - chất, rồi từ phản

vật - chất chuyển sang vật - chất, từ Tiểu - Vũ - Trụ làm cú nhảy vô biên vào Đại - Vũ Trụ, rồi từ Đại - Vũ Trụ rơi tự do sang Tiểu - Vũ - Trụ, mà vẫn nguyên vẹn, vẫn cứ tươi rói, tinh anh, vẫn dịu dàng như thế...

- Thấy bạn như thế này mà... họ vẫn cho bạn đi cùng ư? - Radda đưa mắt nhìn cái bụng to của Lan.

- Nó chẳng làm sao đâu. Bạn thấy không...

- Nhưng...

- Hãy tin mình; trước sau mình chỉ lo cho nó thôi.

- Ôi, mình biết nói gì nữa! Lan ơi, bạn cừ thật đấy! - một lần nữa Radda lại nồng nhiệt ôm lấy nàng.

Chính lúc ấy John xuất hiện đằng xa.

Dễ nhận ra anh vô cùng vì chẳng còn ai cao lớn bằng anh nữa, anh chạy phăng phăng, mái tóc bồng bềnh phấp phới y hệt bờm ngựa; mà thật, dường như anh chạy còn nhanh gấp mấy lần con ngựa đua nhanh nhất trong lịch sử các trường đua ngựa khắp thế giới. Chạy sau anh là các chàng trai bạn anh - họ không đuổi kịp anh, hơn nữa họ cố tình để anh được thấy nàng trước nhất.

Lan không ngồi được nữa, nàng đứng dậy - lẽ ra nàng đã chạy bay về phía anh nhanh chẳng kém gì anh để đu lên cổ anh, giá bụng nàng đừng nặng như thế.

- Lan!... - anh cố kìm lại không gọi tên nàng quá to; giọng anh vỡ ra, phập phồng, run rẩy. Nàng không đáp, chỉ mỉm cười với anh, vươn cả hai tay về phía anh. Anh lao đến chỗ nàng như một cơn lốc, dừng lại sát bên nàng như một chiếc Mercedes thời cổ có bộ thắng cực mạnh, anh nhấc bổng nàng lên bằng hai tay, ép nàng vào ngực như thể nàng là một em bé.

- Em làm gì ở đây?! - đặt nàng xuống đất, anh hỏi.

- Em muốn đi với anh - nàng bình tĩnh nhìn vào mắt anh.

- Nhưng mà trời ơi, ai bảo em làm thế? Ai cho phép em? - anh dừng một chút - Trời đất, em tôi đã làm gì thế này! - câu cuối cùng giọng anh trầm hẳn xuống; anh thở dài hôn lên má đầm đìa lệ của nàng, chính anh cũng ứa nước mắt.

Bây giờ anh mới nhận thấy kích thước khác thường của bụng nàng.

- Em gần sanh? - anh cau mày.

- Con anh đấy - nàng cụp mắt xuống, nhưng miệng cười quá tươi, "rạng rỡ như mặt trời".

Anh sững người một lát, rồi chầm chậm bế nàng lên, một cách nâng niu, một cách trang trọng. Anh hôn lên cái bụng to của nàng – đấy là anh hôn nàng, vợ hiền kì diệu của anh, đồng thời cả con anh nữa. Mãi đến khi bế nàng qua cửa vào ngôi lầu đẹp đẽ hình củ hành mọi người vừa tạo nên dành cho nàng, anh mới thốt lên:

- Em hư lắm, em biết không?

Trần Tiễn Cao Đăng | Báo Văn Nghệ

Đọc truyện ngắn Nguyễn Thị Mai Phương Thông báo mở lại Chuyên mục “Đọc truyện ngắn hay trên Báo Văn nghệ” Đọc truyện: Bản gốc của trái tim - Truyện ngắn dự thi của Trịnh Minh Hiếu Đọc truyện: Chờ người trong tranh - Truyện ngắn dự thi của Đặng Ngọc Hùng Đọc truyện: Lửa trạng nguyên. Truyện ngắn dự thi của Tống Ngọc Hân
Văn nghệ Trẻ, số 2/1997
Thời tiết ngày 20/9: Thanh Hóa - Quảng Trị tiếp tục có mưa lớn diện rộng

Thời tiết ngày 20/9: Thanh Hóa - Quảng Trị tiếp tục có mưa lớn diện rộng

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, từ đêm 19/9 - 20/9, mưa lớn xảy ra tại khu vực từ Thanh Hóa - Quảng Trị
Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Baovannghe.vn - Đọc truyện: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Baovannghe.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.
Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Trong số các nhà văn nữ Việt Nam đương đại, nhà văn Vũ Thanh Lịch, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, là cây bút văn xuôi có nội lực sung mãn. Chị là tác giả của nhiều truyện ngắn hay, ghi dấu trong lòng bạn đọc mà “Nhà Thánh” - giải nhất Cuộc thi truyện ngắn Lửa mới 2018-2019 do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức là một minh chứng tiêu biểu.
Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Baovannghe.vn - Bà ngoại chỉ nói: "Đừng thúc ép gì nhiều. Phải tội. Đời người bạc, phận mỏng, biết sao được số trời. Mày làm thế không sợ chuốc khổ cho con bé".