Dọc bãi bờ ven biển quê tôi chỗ nào cũng có hà. Những loài to gọi là hàu. Một loại sinh vật biển gần gũi, quen thuộc, có sức sống mãnh liệt hiếm loài nào sánh kịp. Trên biển, ở đâu có vật bám như nan rổ, nan giành, cây que... thậm chí cả trên đầu cá lâu năm đang bơi lặn dưới làn nước xanh trong, mai cua, càng cua... đều có nó. Ven chân núi đá, dọc bãi sỏi, xác hà tầng tầng lớp lớp. Con sống, con chết chồng chéo, xen kẽ dày đặc. Những con nhỏ, lô nhô như móng tay út, hạt ngô non, chen chúc từng mảng, từng đám. Những con to như lưỡi thuổng, nặng tới dăm bảy lạng, lác đác rải dọc theo lòng sông nửa mặn nửa ngọt. Không kể những loại hà tủn mủn, vụn vặt nằm từng mảng từng đám. Người dân quê tôi chỉ chú ý đến hà cồn, hà núi, hà sú. Hà cồn to, sống dưới chân cồn, chỗ nước chảy, phù du mùn sa về nhiều. Nước xuống lên ào ào, ăm ắp thức ăn, thuận lợi cho việc sinh trưởng. Khi dăm bảy lạng, còn thường thường ba bốn lạng một con. Những con hà này ruột trắng đặc, to bằng bao diêm, bằng miệng bát. Đem về bọc bột rán thơm, cắt làm đôi ba miếng, chấm mắm ớt, ăn với rau mùi, thì là, kinh giới, xương sông... Bao nhiêu hương vị ngọt ngào của biển cả trộn trong thứ gia vị hỗn độn nóng cay thơm bùi từ từ tan ra, ngấm sâu vào từng chân răng cuống lưỡi. Đến giờ lại xuất hiện một loài hàu đá, to như vốc tay. Tuy không ngon bằng hà cồn nhưng hương vị thơm béo ngọt bùi của nó thật sự hấp dẫn. Có thể ăn no chứ chẳng bao giờ chán. Nhiều người ăn quen, đi xa, nhớ day dứt suốt đời.
|
Hà núi sống quanh núi đá vôi, mấp mé mực nước ròng nước rặc. Người ta chuẩn bị búa chuyên dùng. Một đầu dài tù, thuôn nhọn, một đầu tòe ra như lưỡi thìa con. Thấy hà, dùng đầu tù nhọn khẽ gõ vào vỏ cho dập rồi xoay phía đầu còn lại, gợt bớt mảnh vỏ, nạo ruột cho vào nồi, âu hoặc bát to. Nếu làm quen, một ngày cặm cụi, chăm chỉ cật lực được quãng hai cân. Đánh hà theo cách ấy lấy cả nước lẫn ruột, mang ra chợ bán, giá ngang thịt lợn thăn. Nước hà trắng xanh, vị chát nhưng rất cần thiết cho việc nấu riêu, nấu cháo. Đem về, nhặt hết sạn vỏ còn sót lẫn, phi hành mỡ thơm lừng, vớt ruột thả vào. Thái vài lát cà chua, vài cọng dưa chua, nẹn thì là, hương bay ngào ngạt, thơm nức mũi. Đập nhát gừng rắc thêm, bắc ra ăn ngay. Đơn giản hơn, thả ruột đã rửa sạch vào, đập dập quả khế chua, thêm muối mắm cũng qua bữa. Muốn nấu cháo, chế thêm ít nước hà, thái nẹn rau răm. Cháo nấu xong đổ hà vào, đảo đều, chờ sôi lại. Vào mùa cải cúc, rau cần, người ta ngắt ngọn, rải xuống đáy bát, múc cháo đổ lên. Rắc ít hạt tiêu, ăn trong lúc ngùn ngụt hơi. Mùi thơm của cần, của cải cúc tái hòa mùi thơm của gia vị, vị ngọt béo của hà, hương của lúa gạo, không dễ quên, không lẫn được. Muốn nấu riêu, chắt nước hà vào nồi nước sạch, đun sôi. Thả ruột đã xào với cà chua, dưa cải, thêm rau mùi, hạt tiêu thành món riêu chua cay ngọt thơm... ăn mãi không chán. Trẻ rôm sảy đầy mình, húp chực bát riêu nhạt, sáng hôm sau, da dẻ mịn màng đến bố mẹ chúng cũng phải ngạc nhiên.
Hà sú nhỏ bằng đốt ngón tay nhưng ngọt bùi thơm ngậy. Chúng bám trên thân sú mọc dày thành bãi thành rừng. Người ta thường kéo nhau ra tận nơi, tiếng cười nói ran ran một vùng sú vẹt. Họ đập vỏ hà, hứng các loại lá mùi, kinh giới, tía tô, vọng cách, lộc vừng...gạt ruột hà vào, cuốn lại, chấm nước mắm gừng đã chuẩn bị sẵn đưa vào miệng, cảm nhận rõ vị ngọt đậm và giòn thơm.
Bãi bờ ven biển quê tôi dày đặc vỏ hà, hết lớp này đến lớp khác. Bao nhiêu lượt hà chết, hà sinh tiếp nối trong cơ cực và gian lao. Những con hà yếu ớt, mỏng manh, xù xì, giản dị, âm thầm một màu bùn biển và đá đất. Mỗi khi nước dâng, hà mở vỏ đón thức ăn. Giữa sóng nước ầm ầm, lũ cá kìm cá măng mõm dài như chiếc kim đan, chiếc đinh thuyền nhâng nhâng nháo nháo kéo bày kéo đàn, cắp những mảnh vỏ sò, vỏ ngao vỡ thả vào. Hà cố sức cũng không sao đẩy ra hoặc khép vỏ lại được. Lúc ấy, chúng hè nhau chen chúc xô vào. Từng mảnh thịt hà bứt vỡ tơi tả quanh những cái mõm háu đói đang nhâu nhâu ấy. Bọn cù kỳ chậm chạp lừ đừ như tàu điện, có cái càng khỏe như kìm cộng lực, cặp dập ngang vỏ hà non hoặc lợi dụng nước lên đưa một mũi càng vào lòng hà rồi vặn bẻ. Hà sống được phải vượt qua trăm ngàn hiểm họa đắng cay. Khi chết, nó gửi lại thế gian những mảnh vỏ như dao sắc, bao phen xé tướp da chân người. Làng tôi có ông Hồi đau dạ dày, tháng tháng phải đến chục ngày ôm bụng xuýt xoa rên rỉ. Mặt nhăn như nếp áo cũ. Ông mang giành đi nhặt hàng gánh vỏ hà về nung trong lò vôi, bếp than. Than lẫn vỏ hà cháy đượm, lửa rừng rực, nhiệt tỏa ra cao hơn. Ông mang vỏ ấy ra chỗ thoáng gió. Lát sau, nó tả ra như vôi bột, sờ mát và nhẹ. Ông khoan khoái giảng giải cho chúng tôi. Trước đây, ai cũng tưởng loại này chỉ có con đực, kiếm về làm thuốc đặt tên Mẫu lệ. Mẫu là đực, lệ là đá. Mẫu lệ là loài nhuyễn thể chỉ có con đực, sống trên đá. Ông Hồi rây lấy bột mịn, cho vào bình lớn cất cẩn thận. Khi đau, ông đổ ra, uống mỗi bữa một thìa canh. Hàng xóm cũng sang xin về trộn đường cát cho trẻ con ăn, chữa mồ hôi trộm hoặc hòa nước cơm, bôi lên mụn
Những con hà hiền lành, giản dị trên bờ bãi quê tôi cứ âm thầm sinh sôi, giành giật, chịu đựng, gìn giữ, cống hiến sức lực nhỏ bé, bảo vệ những gì mà thiên nhiên và tổ tông ban cho. Cũng như những người dân thật thà, lầm lũi một đời ở quê tôi vẫn hồn nhiên gửi lòng tin yêu vào cuộc sống, vào những điều tốt đẹp.
Bãi bờ ven biển - Bà Rịa – Vũng Tàu. Ảnh Internet |