Chiều đang đổ xuống trên cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn cây cối, chằng chịt gai góc và lá mục. Cái thứ ánh nắng trong rừng lúc chiều tàn nó chếnh choáng, u buồn và hiu hắt lạ. Nơi thâm sơn cùng cốc ấy, ba kẻ tử nạn đang dìu nhau, đi tìm một chỗ có thể để dừng lại, kết thúc một hành trình.
Gió mát lạnh. Mùa xuân đang về. Cơn gió xuân nhẹ nhàng dìu những chiếc lá vàng rơi xuống. Tiếng rơi mềm như hơi gió nhưng cũng đủ để dịu bớt cái tịch mịch. Hoa rừng dìu dịu đưa hương. Nhưng điều ấy không có sức gợi để viết nên những dòng thơ. Họ đang ở ngưỡng cuối cùng của sức chịu đựng. Đói! Khát! Mệt! Đau đớn! Chừng ấy thứ thi nhau hành hạ họ. Họ đang ở trong sự tuyệt mù của của bức bách, của chịu đựng.
| ||
Ba chiếc võng dù được mắc lên giữa rừng, chụm đầu vào một gốc cây, đủ sát bên nhau như những lần cùng nhau xung trận. Còn chút sức tàn, họ quyết định viết một bức thư gửi người đang sống. Giờ đây, chiến tranh đã dừng lại bên kia cánh rừng. Bên này hoàn toàn bình yên, không có tiếng súng, không có những gương mặt hiện lên như thép nung đỏ để sẵn sàng cháy. Ba người lính cảm tử đã viết một bức thư để lại. Đó là những giọt cuối cùng của máu và nước mắt dệt nên. Huyền thoại một bức thư!
Vũ bị thương nặng nhất. Tiếng nói anh thều thào, ngắt quãng và nặng nhọc. Mình sinh ra và lớn lên ở quê lúa, Thái Bình. Giờ này ở quê, ăn Tết xong là vào vụ cấy. Tháng giêng hai trời lạnh lắm, không hiểu mẹ có chịu nổi không? Nếu mẹ biết con trai mẹ đang sắp giã từ cuộc sống ở một nơi không có bóng người như vậy mẹ có chịu nổi không? Mẹ ơi, con đang đói, và khát nữa… những vết thương trên thân thể nó hành hạ con, đau lắm! Mẹ có hình dung ngày mai con trai mẹ sẽ không còn ở trên đời này nữa? Con biết mẹ sẽ không chịu nổi, nhưng con xin mẹ đừng khóc! Mẹ hãy tự hào vì con là người lính cảm tử. Con đã hi sinh cuộc đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Con của mẹ đã được chiến đấu trong một đơn vị anh hùng. Trung đội “Ký con”, thuộc Trung đoàn Bình Giã. Mai này khi Đất nước được giải phóng, con của mẹ không về nhưng nhắc đến tên đơn vị của con, chắc chắn mẹ sẽ rất tự hào! Con chỉ thương bố mẹ sinh con ra mà chưa từng được một ngày con báo hiếu!
Vũ nghĩ thế và viết mấy dòng như thế. Những dòng chữ đứt nối như hơi thở của anh. Rồi, anh mê man, hầm hập sốt. Gió xuân không đủ làm dịu cơn đau. Anh đặt tay mình sang võng bên, bảo Dũng khi nào nằm xuống hãy nắm tay anh thật chặt.
Trong cơn mê sảng, anh thấy mình bay vào không trung. Nơi ấy là thiên đường, không có chiến tranh, không bạo lực. Sự sống thật tinh khôi và ý nghĩa vô cùng.
Dũng đưa tờ thư viết dở của Vũ sang cho Chí. Đến lượt Chí viết, tay anh run quá. Máu của anh cũng đã gần cạn kiệt và làm lấm lem cả tờ thư. Anh cố viết và xem đây là dòng trăng trối của anh. Anh viết về dòng sông Vệ tắm mát tuổi thơ anh. Anh viết về xứ Quảng và không quên tự hào về nền văn hoá Sa Huỳnh, văn hoá Chăm Pa đã hình thành nên tính cách và diện mạo của con người quê anh. Anh tự hào về vùng duyên hải miền Trung giàu truyền thống cách mạng nhưng cũng chịu nhiều đau thương và vất vả. Mùa nắng thì gió Lào, mùa mưa thì bão lũ.
Anh thương người dân làng biển. Mùa bão, nhiều người đi mà chẳng trở về. Ba anh cũng mất trong một mùa biển động. Lúc ấy anh mới lên năm. Đêm ấy và nhiều ngày đêm sau đó, anh cùng mẹ và người dân làng biển đứng đợi ba ở trên bờ. Suốt đêm, anh nghe tiếng gào thét dữ dội của bão, của đại dương, hoà cùng tiếng khóc, tiếng phụ nữ gọi chồng, tiếng con trẻ gọi cha… lạc giọng!
Anh nghĩ nhiều về mẹ. Nghe nói sau ngày anh lên đường tòng quân, bọn nguỵ quân ở cứ điểm Ba Gia trên đồi Gò Cao đến hạch sách mẹ hoài. Mẹ bảo họ: Đi tìm con tôi mà hỏi. Nó bỏ nhà theo bạn bè nó, đi đâu tôi không biết.
Mẹ anh nghĩa khí, mang nhiều phẩm chất cao đẹp của người phụ nữ miền Trung chịu nắng dãi, mưa dầu. Biết không làm gì được mẹ, chúng đành phải buông tha. Mẹ chỉ có mình anh, giờ anh hi sinh, tuổi già của mẹ đơn chiếc quá.
Mắt anh chợt nhoà lệ. Lâu rồi anh không khóc, bây giờ anh đã khóc trước mẹ. Giọt nước mắt thay cho lời tạ từ!
Anh nghĩ đến Hương, người con gái đã cùng anh hò hẹn. Thế nhưng, khi anh hành quân vào Nam, cô ấy đã mang trả kỉ vật của anh cho mẹ. Nghe nói ba mẹ Hương đã gả em cho một sĩ quan Quân lực Việt Nam Cộng hoà. Thế cũng được, miễn là em hạnh phúc!
Tiếng con vượn hú trong đêm tịch mịch khiến Chí rùng mình. Anh đặt bút xuống và trao tờ thư cho Dũng. Chí nằm vật xuống võng, trút hơi thở tàn và không quên đưa tay mình sang võng Dũng. Trông anh mềm như một cọng bún vừa mới ra lò.
Dũng ngồi giữa hai cái xác đồng đội hai bên. Anh đặt tay lên trán Vũ. Vũ đã hết sốt, cũng tắt thở rồi nhưng thân vẫn còn ấm nóng. Anh vuốt mắt cho bạn, đôi mắt Vũ khép lại, khép cả ngôi sao hôm trên bầu trời vào trong đáy mắt.
Rừng vẫn im lìm như thuở hồng hoang. Đêm tịch mịch, u trầm. Vài giọt sương đậu xuống trên đầu võng, trên vành môi đã khô vết máu của hai người đồng đội đã ngủ yên.
Trong thung sâu, tiếng con chim từ quy vẫn hót, nghe não nề, day dứt như một lời từ biệt của sông núi.
Đêm xuống, trời lạnh hơn, anh mở ba lô của hai người bạn, lấy thêm cái áo mùa đông đắp cho họ.
Chí cũng đã yên nghỉ. Anh hoàn toàn bỏ lại những đau đớn ở trần gian để thanh thản ra đi. Trông Chí giống như một đứa trẻ ngủ say chứ không giống một người đang đi vào cõi chết. Nhất là lúc anh cất tiếng gọi “mẹ”. Nó tha thiết và thơ trẻ như một lời vòi vĩnh!
Dũng cầm tay Chí, nắm chặt như thể vấn an. Anh vuốt lại mái tóc đang loà xoà trước mặt người đồng đội thân yêu. Rồi, anh vuốt mặt cho Chí và nói nhỏ đủ cho Chí nghe: Hãy ngủ yên! Giờ thì không có chiến tranh, không có đạn bom nào có thể bắt chúng ta phải đối đầu nữa!
Sương mỗi lúc một dày hơn. Sương khuya mang hơi lạnh của rừng già lan toả tới từng ngõ ngách. Chỉ còn lại mình Dũng giữa đại ngàn. Anh không sợ đêm tối như cái ngày còn sống ở thành phố hoa lệ. Giờ thì còn gì để mà sợ. Chỉ ít phút nữa thôi, anh cũng như hai người đồng đội của mình sẽ vĩnh viễn nằm lại ở một nơi xa xôi chưa từng có dấu chân người này. Có hề gì, cũng là đất mẹ thôi. Anh đã chiến đấu cho Tổ quốc và sẽ hoá thân vào đất mẹ.
Anh nối tiếp lời thư của hai người bạn đang viết dở. Chiếc đèn pin nhỏ xíu cũng đã gần cạn kiệt nguồn sáng. Anh phải viết trước khi nó tắt lịm. Những dòng anh để lại sẽ là những thông tin đầy đủ nhất về cái chết của ba con người nơi mảnh đất xa xôi này:
“Chúng tôi: 1. Lê Hoàng Vũ, quê Thái Bình; 2. Nguyễn Chí, quê Quảng Ngãi; 3. Trần Viết Dũng, quê thành phố Sài Gòn, chiến sĩ thuộc Tiểu đội 1, Trung đội “Ký Con”, Trung đoàn Bình Giã, thuộc Quân giải phóng miền Nam…
Chúng tôi mong được ghi nhận rằng, chúng tôi đã sống, chiến đấu và đã chết trong một mùa xuân giữa đất trời như trăm ngàn cái chết của con người Việt Nam chân chính cho Tổ quốc và dân tộc mãi còn. Xin cho chúng tôi gửi đến những người đang sống, sống đúng ý nghĩa của nó lời biết ơn sâu sắc. Vì các bạn đã làm cho cái chết của chúng tôi giữ được đầy đủ ý nghĩa.
Các bạn đã lao động quên mình cũng như chúng tôi đã chiến đấu quên mình cho đất nước ta ngày nay tươi đẹp, cho dân ta ngày càng ấm no hạnh phúc, cho xã hội ta ngày càng dân chủ, công bằng…
Chọn khu rừng đẹp đẽ này làm nơi an nghỉ cuối cùng… Quyết định rồi, chúng tôi cảm thấy khoan khoái lạ thường… Dừng lại ở đây với một chút sức lực còn lại, viết một tường trình về cuộc chiến đấu gửi cho ai đó tìm được.
Mỗi người khi đứng trước cái chết của mình, dùng một chút sức lực ít ỏi còn lại, quả thật rất ít ỏi để thay nhau chấp bút. Chúng tôi đã chọn cây gỗ tơ còn sống lâu năm này làm trụ, giúp nhau mắc võng từng người, thống nhất nhau tư thế nằm trên võng… Chúng tôi đã chết ung dung, thư thái như đã từng sống mãnh liệt và thư thái với công việc chúng tôi đã làm…”
Anh đặt bút và nằm xuống nhưng hình như con tim anh vẫn còn đập nốt những vùng kí ức vừa tươi đẹp vừa đớn đau của tuổi trẻ. Trong bóng đêm của rừng già, hình ảnh anh và bạn bè xuống đường với phong trào học sinh, sinh viên chống lại sự đàn áp và khủng bố của chính quyền Sài Gòn Ngô Đình Diệm hiện lên rất rõ. Sài Gòn những ngày ấy nóng như chảo lửa. Anh đã cùng bạn bè dựng tượng đài Quách Thị Trang, nữ sinh viên đã bị bắn trong cuộc biểu tình. Và phong trào yêu nước của học sinh, sinh viên càng cháy lên như lửa gặp gió.
Anh nhớ thằng Vinh bị người bạn gần nhà bán đứng. Cái thằng Khải Cú Vọ ấy. Nó đã chỉ điểm cho bọn mật thám việc thằng Vinh là người cầm đầu phong trào học sinh, sinh viên yêu nước. Bọn chúng đã đưa mẹ anh ra, đối diện với con và bạn bè của con mình, yêu cầu dừng cuộc biểu tình. Chúng nó không ngờ được khi mẹ thằng Vinh cầm mi-cơ-rô, bà nói lớn: Hỡi các cháu sinh viên! Các cháu là lớp người trẻ tuổi nhất, năng động nhất, giàu trí tuệ nhất. Hãy cứ yêu nước theo trái tim và lí trí mách bảo. Tuổi già chúng tôi luôn ủng hộ các cháu!
Hai tiếng súng nổ váng óc, người mẹ của Vinh bị xé rách một ống quần, trông bà lồng lộng như một bức tượng thần, không một mảy may hoảng loạn. Thằng Vinh và cả nhóm nhảy bổ vào ôm lấy mẹ… Những ngày sau đó phong trào biểu tình càng nóng hơn, càng mạnh mẽ hơn. Ngô Đình Diệm và chính thể đệ nhất Cộng hoà Việt Nam bị giết và sụp đổ, Dương Văn Minh thay thế.
Anh gia nhập quân đội vào tháng 9 năm 1964, khi đế quốc Mỹ liều lĩnh tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân và hải quân. Anh cùng bạn bè ra trận. Và chính anh cũng không thể ngờ được anh lại gặp thằng Khải Cú Vọ khi hắn chỉ huy một đơn vị quân lực Việt Nam Cộng hoà trong trận Bình Giã. Khẩu súng trong tay anh nóng ran, anh định bóp cò mà sao tim anh mềm nhũn lại. Anh không nỡ giết nó.
Thằng Khải là con mồ côi. Một người đi nhặt ve chai nhặt được nó dưới một gốc cây gần công viên. Nó không được đi học, chỉ được vài năm tiểu học cho biết chữ rồi nghỉ luôn. Nó sống lay lắt nơi gầm cầu cùng cha mẹ nuôi của nó. Nhiều lần mẹ anh đã gọi nó cho gói xôi, bịch bánh. Anh nghĩ đến nỗi thống khổ của nó mà mềm lòng!
Anh nhớ hồi còn nhỏ, nhiều lần đi chợ về, mẹ mua quà cho anh và mua cho cả nó nữa. Mẹ bắt anh đưa sang cho nó. Anh phải băng qua con đường nhựa rồi lội xuống con sông cạn khô, cỏ mọc um tùm dưới chân cầu đưa cho nó. Nó chơi một mình lủi thủi như con thú hoang cạnh con suối ở bìa rừng. Anh chỉ tay về phía nhà mình bên kia đường, bảo nó, nếu buồn, sang bên đấy chơi với tớ cho vui.
Có lẽ kí ức tuổi thơ ấy đã khiến nó bị bắt sống. Khi đối diện với anh, nó sững lại. Khẩu súng trên tay nó chệnh choạng rồi ngã vật ra. Nó đứng như trời trồng. Vết sẹo bên má phải của nó giật giật. Nó buông súng!
Anh nháy mắt cho đồng đội bắt sống nó. Non một tiếng đồng hồ hai thằng trò chuyện. Nó xin được trở về với hàng ngũ những người chiến đấu vì độc lập tự do của dân tộc.
Năm nó mười lăm tuổi, cha mẹ nuôi của nó đã qua đời. Một người lính Việt Nam Cộng hoà đưa nó vào lính. Thế mà anh đã tha cho nó, không bắn nó, lại còn thu phục nó về hàng ngũ Quân giải phóng miền Nam Việt Nam. Anh thấy đây là việc làm có ý nghĩa nhất mà anh học được từ những người đi trước.
Dũng thiếp đi trong hồi tưởng. Sương khuya giăng màn bạc. Có tiếng con dơi rừng vỗ cánh, dường như nó gặp phải một kẻ săn mồi liều lĩnh nào đó. Một sự im lặng đầy hoang dại nơi đại ngàn. Anh nắm hai tay của hai người đồng đội hai bên, từ từ nhắm mắt lại, tự lo liệu cho cái chết của mình. Anh duỗi thẳng người trên chiếc võng dù và điềm nhiên đi vào cõi bất tử.
Đêm hôm ấy có ba vì sao kết thành một khối, bay lên giữa bầu trời xuân lồng lộng gió!
Gần sáng, cơn mưa rừng xối xả tắm gội cho thi hài ba liệt sĩ. Một công việc thầm lặng và cần mẫn như thể lòng trắc ẩn của thế nhân. Và cứ thế, biết bao mùa mưa nắng qua đi, ba chiếc võng dù mắc chụm đầu vào nhau nơi đại ngàn xa vòi vọi vẫn cứ chụm đầu vào nhau như thế. Có điều trên ba chiếc võng ấy chỉ còn lại ba bộ xương. Máu và thịt của họ được thiên nhiên chắt lọc và đang thấm vào lớp lớp những trầm tích.
Và có một thứ trầm tích thật vô giá là bức thư gửi người còn sống được bọc kĩ trong một bọc ni lông cột chặt nơi đầu võng!
Tháng 7/2024
Truyện được xây dựng trên cơ sở một câu chuyện có thật về ba liệt sĩ được tìm thấy trên một cánh rừng nguyên sinh gần sông Đồng Nai, sau gần 40 năm. Họ là những người lính cảm tử. Sau cuộc chiến ở Bình Giã, họ bị thương nặng và cả ba quyết định dừng lại, mắc võng, viết chung một lá thư gửi người còn sống. Khi đồng đội tìm thấy họ chỉ còn ba bộ hài cốt trên ba cái võng và một lá thư được bọc cẩn thận trong túi nilon treo đầu võng.