TẬP ĐOÀN THACO HÂN HẠNH TÀI TRỢ CUỘC THI TRUYỆN NGẮN BÁO VĂN NGHỆ 2022-2024
Mí quê Hải Hậu, bị điệu vào phủ Chúa làm con hầu cho bà Thái phi. Bà phi bảo, con phải đổi tên cho xứng với danh nhà Chúa, từ nay tên con gọi là Miến. Ngày trước ta vào phủ hầu Chúa cũng phải đổi tên từ Hến thành Hiền mang họ Đặng, danh là Thái phi Đặng Hiền.
Mí bảo, thưa bà, cái tên gọi sao chẳng được. Ở quê người ta gọi tên bố mẹ đặt cho con quen rồi.
Bà Thái phi mắng, ở phủ Chúa, cái gì cũng phải mạ vàng, kể cả cái tên người.
Mí, có tên “mạ vàng” như bà phi nói, những vẫn chỉ là con hầu, ngày ngày theo bà sai gì thì làm nấy, có khi bà sai cả những việc lặt vặt, chỉ đàn bà biết với nhau, như thay và giặt đồ lót.
Minh họa: Lê Trí Dũng |
Một lần Chúa có việc đi ngang qua nơi ở của Thái phi vì chuyện hoàng tử Hoan, biếng học, các thầy không dạy được, muốn báo cho Thái phi biết việc này. Đến gặp Thái phi, Chúa khen cô hầu trẻ ngoan ngoãn, gương mặt hiền với đôi mắt trong như hai giọt nước mưa, linh lợi như nhìn thấu sự đời. Lại nữa, con hầu có hai bắp tay tròn, rám nắng, với hai bàn tay các ngón như ngó cần, khéo léo. Chúa bảo ngày mai, xin Thái phi cho con hầu lên sửa đồ cho Chúa. Phi nghe cười ngoài miệng nhưng lạnh băng trong lòng, nhắc Chúa, thay đồ cho Chúa, nếu không nhờ các phi tần có cả trăm đứa trong cung thì gọi thái giám. Lệ nhà Chúa xưa nay là vậy. Riêng chỉ làm tóc cho Thái phi cũng riêng hai đứa gái quen làm, chứ có phải đứa nào cũng cũng làm được.
Chúa bảo, thay đồ là việc nhỏ, ai thay cho Chúa mà chẳng được.
Thế là sáng mai, Phi phải để hầu Miến vào phủ Chúa.
Miến mặc đồ thường của con hầu quần áo vải thô sạch sẽ, đi dốc mộc lên thay đồ cho Chúa. Nhưng đến ba ngày sau Thái phi không thấy con hầu về.
Thái phi nóng ruột hỏi Thái giám, con hầu lên thay đồ cho Chúa hư quá, chắc là mượn danh Chúa, trốn đâu rồi.
Thái giám thưa, hầu Miến không trốn, mà Chúa giữ trong cung hợp hoan, không cho đi đâu.
Thái phi như bị xốc nhiệt, choáng váng, rồi dùng uy là mẹ của Chúa mà ra lệnh, bắt thái giám tập hợp đủ mười người, còn gọi theo đám cung nữ thân gần và lính cấm vệ cùng lên gặp Chúa để nọc cổ con hầu Miến trị tội, tống về quê, vì không biết thân phận con hầu, bám lấy Chúa, làm hại thanh danh của Chúa.
Tốp người theo Thái phi đi vòng qua mấy nơi, bỗng thấy Chúa đang ngồi đọc sách không phải trong thư phòng, phủ trình mà thảnh thơi ngồi ở ghế đá dưới dốc cây tùng, như người thường.
Thấy tốp người do Thái phi dẫn đi tới, Chúa dừng đọc, khoanh tay trước mặt Thái phi, nói, chúc Thái phi an khang. Chẳng hay Thái phi có việc gì mà phải vất vả, kéo theo cả một đoàn đi theo?
Thái phi nói, Chúc Chúa vương vạn thọ.
Chúa nhẹ nhàng bảo, ta vẫn khỏe. Xem ra Thái phi muốn nói điều gì, xin nói đi.
Thái phi không quanh co, bảo, ta và đám người theo hầu lo sức khỏe của Chúa, nên đi tìm con hầu Miến, nghe nói, vẫn còn đang trong cung hợp hoan.
Chúa cười nhẹ bẫng, trình Thái phi, xin Thái phi và các khanh đừng lo, ta giữ con hầu ở lại cung hợp hoan vì con Miến làm ta vui, làm ta như là thấy trẻ lại thời thanh xuân.
Thái phi thấy có ngọn lửa cháy trong ngực. Thái phi làm mẹ của Chúa, từng kinh qua luật lệ nhà Chúa từ thời vua trước để lại là bao giờ cũng giữ tôn nghiêm hậu cung, không để xẩy ra chuyện thị phi, xẩy ra điều đáng xấu hổ là đưa một con hầu chưa được dạy bảo chu đáo vào cung hợp hoan. Đảo lộn các quy củ của nhà Chúa là đánh mất thanh danh không chỉ Chúa mà cả Thái phi vẫn còn sống, còn tỉnh táo, còn biết giữ lề luật tôn nghiêm từ đời trước để lại. Thái phi lo không biết dạy bảo con, dù con đã ngồi ngôi Chúa thì thiên hạ chê cười.
Thái phi vẫn giữ giọng nhẹ nhàng, vì trước mặt đâu chỉ là con trai bà, mà là Chúa, quyền uy, không thể lấy giọng kể cả để nói. Nên bà nhẹ nhàng có ý khuyên răn, luật lệ nhà Chúa từ xưa để lại, không có tục đưa con hầu vào cung hợp hoan. Thái phi xin Chúa đưa con hầu Miến cung Thái phi để dạy bảo.
Chúa nói, Thái phi và các khanh dạy bảo cả trăm phi tần cho Chúa, ta thấy họ nhạt nhẽo, chưa ra người. Ta quý và giữ hầu Miến ở cung hợp hoan là vì sợ các khanh dạy như ép khô các phi tần lại, không còn là cô gái quê chân chất nữa. Ta yêu qúy chân chất, tươi xanh như đời thực mà ta thường gặp trong các cuộc đi thăm viếng nơi thôn ổ. Với lại hầu Miến, không phải cô gái tầm thường như Thái phi và các khanh nghĩ.
Nghe Chúa nói, Thái phi nghĩ nhanh, rõ là việc không bình thường. Khi quá say mê thì đến Chúa cũng có thể bị lóa mắt. Con hầu Miến có gì mà Chúa nói không tầm thường như các người nghĩ? Chẳng lẽ, ta răn dạy lâu nay mà vẫn chưa biết rõ về con hầu tép riu này?
Thái phi bảo, Thái phi chưa hiểu ý của Chúa.
Chúa nói, vậy thì Thái phi để ta nói, mấy đêm nay ở cung hợp hoan, ta thức để nói chuyện với hầu Miến. Mới biết, ở quê con Miến đã không chỉ học dăm ba chữ Thánh hiền để làm người lương thiện mà theo học cụ đồ Bảng, hay chữ nhất vùng Sơn Nam Hạ, không chỉ đọc thông viết thạo mà còn nhập tâm kinh sử, thuộc cả ngũ kinh, tứ thư. Ta hỏi con hầu, nàng học cả sách đại học, sao không đi thi. Nàng bảo, khi còn sống, cha nàng dạy, cái vận nhà ta theo đường quan trường đều xui rủi, nên học để biết mà làm người cho yên phận. Con đâu biết số thế nào lại lạc vào cung Chúa, được làm con hầu, được chạm mặt rồng. Ta lại hỏi, ta biết nàng tinh thông nhiều nhẽ, nếu nàng làm việc trọng nào đó, thì việc trước tiên, nàng muốn làm vệc gì.
Nàng ngồi bó gối không nói.
Ta dạy, nàng cứ nói, nếu phạm điều húy, ta cũng không phạt.
Nàng bảo, Chúa nói vậy, con xin nói, nếu phạm thượng, Chúa tha. Nếu con được làm điều theo ý thích thì việc đầu tiên là phá bỏ nhiều việc ở hậu cung.
Thái phi kêu lên, con hầu này đáng bêu đầu ngoài cổng thành, ban báo cho thiên hạ biết đã trị tội đứa ngông cuồng. Xin Chúa trao con hầu cho bộ hình, tống nó vào ngục đá, bỏ đói.
Chúa bảo xin Thái phi để con hầu cho ta xem xét, rồi ta ban dụ thỏa đáng
Mọi người quay về, hàng ngũ lộn xộn vì túm năm tụm ba nói về con hầu, mỗi người một ý, chờ Chúa phán quyết.
Gần một tháng sau, Chúa mới ra dụ cho trăm quan đến phủ Chúa để chịu mệnh. Trong trăm quan phục mệnh có cả Thái phi. Thái phi ngồi ghế bọc nhung đỏ bên phải Chúa. Còn một ghế bọc nhung nữa, bên trái, không có người ngồi.
Thái phi hỏi, chẳng hay Chúa muốn thế tử cũng lên chầu?
Chúa bảo, sẽ có người ngồi vào chỗ ấy.
Thái phi thấy gờn gợn. Không ngờ điều gờn gợn hóa ra là đúng. Bà còn đang đếm xem các tướng quân của Chúa bao nhiêu người có mặt thì đằng sau, như là cơn gió thoảng. Cơn gió thoảng là tà áo dài màu trắng tinh tươm của cô gái mà Thái phi phải ngẩn người mới giật mình nhận ra đó là con hầu Miến, như vừa lột xác từ cú thành công. Bà bụm miệng, hai hàm răng ngiến chặt vào nhau, cố giữ không gây ra tiếng kèn kẹt.
Tâm thần bà Thái phi còn đang ở đâu đâu, thì Chúa lên tiếng. Chưa bao giờ Chúa phá cả lề luật các buổi chầu. Chúa nói như thường dân nói với thân cận trong nhà, không tôn uy phép tắc xưa nay.
Chúa hỏi, mọi người đủ mặt cả chưa?
Quan Bồi tụng thay mặt các quan, tâu, trình Chúa, chỉ thiếu vài quan binh ở xa trường không về đủ.
Chúa dụ, hôm nay Chúa chỉ nói chuyện với các khanh, nên không lập buổi chầu ở đại điện mà tụ tập ở phủ riêng của Chúa. Ta do may rủi mà ở phủ hợp hoan gặp được một cô gái, nhan sắc bình thường, nhưng có trí hơn người, tinh thông văn sách và cả kế trị quốc học được từ bé do cụ đồ xứ Nam Sơn Hạ dạy. Ta đã có nhiều phi, nên không lập thêm phi mà nàng cũng không muốn thế. Một tháng ba mươi đêm ở bên mà nàng vẫn giữ tay ta mà bảo, việc nước với Chúa lớn hơn việc đàn bà con gái. Ta hỏi, theo nàng, việc nên làm của Chúa vào sáng mai là gì? Vì ta cho phép, nàng không cần giữ lời, nên nàng nói luôn, thưa Chúa, việc sáng mai không phải đi săn cùng quan binh mà lo việc triều chính.
Ta không bực mình vì lời khuyên của kẻ chỉ đáng quỳ trước mặt, mà thấy nàng xứng là bầu bạn ở bên cạnh, không sợ chết, chỉ sợ không nói thật. Ta cần người này, vì lâu nay toàn thấy người quỳ lạy, thưa bẩm, không có người đám can gián. Ta muốn nàng cùng ta chăm lo nhiều việc. Ta đã có nhiều phi, hàng trăm từ phi tần, chả thể nào nhớ tên, nhớ mặt. Để có danh phận ta ban cho nàng danh xưa nay chưa có ở nhà Chúa, là Ân phi. Ân phi ở bên ta, việc gì màng làm đều do ta sai khiến, hoặc nàng bẩm báo mà ta cho phép.
Chúa quay mặt sang người con gái mặc đồ trắng ngồi bên trái, nói, ngươi đứng dậy lạy các quan và Thái phi để ra mắt danh phận Ân phi.
Ân phi chắp tay lạy đến lạy thứ ba thì bà Thái phi đùng đùng đứng dậy, bước xuống sàn phủ, cắm mặt đi, không nói một lời. Hình như ngày xưa bà cũng là con dân cày vào phủ, mấy chục năm đã gột bỏ cách đi đứng quê mùa, nay bỗng dưng do lộn ruột mà cách đi vùng vằng của gái quê quay lại, hai tay cứ bơi bơi, vẫy vẫy về phía sau như đang gánh nặng trên vai.
Lại một đêm ở phủ Chúa.
Trước khi giao việc, Chúa muốn một lần nữa xem xét Ân phi có đầu óc đến đâu để giao.
Chúa hỏi, thầy ta ngày xưa là Đại học sĩ có hỏi một câu: Dựa vào kinh Xuân Thu, trò nói cho ta biết, đối xử với trung thực và gian tà thế nào cho phải? Nay câu này ta hỏi Ân phi
Ân phi khấu đầu ơn Chúa đã tin hỏi, rồi nói, bẩm Chúa, muội (được Chúa ban danh phận Ân phi, nhưng với Chúa, nàng vẫn xưng muội) nghĩ, quan lại gian tà, thất đức, tham lam không thể vinh thân phì gia, nếu Chúa biết mà chỉ mặt. Ai cũng có ham muốn, nếu không làm chủ được sự ham muốn ấy tất sinh loạn. Còn đối với người trung thực, chỉ cần minh bạch, công bằng, không mua được bằng vàng bạc và vật phẩm. Với họ nhân phẩm cao hơn giàu có.
Chúa nghe xong bảo, thôi nghỉ đi. Nàng có ở lại với ta ở cung hợp hoan không?
Ân phi cúi đầu thưa, xin Chúa đừng chấp nhặt, muội xin về phòng mình để Chúa không bị quấy quả mà yên giấc lo đại sự. Xin Chúa cho muội một đặc ân, đợi khi nào muội làm được một việc hoàn mãn, muội sẽ tự đến với Chúa ở cung hợp hoan.
Chúa có xá gì một đứa vốn thân phận con ở. Nhưng Chúa không nỡ cưỡng ép. Những lần thị tẩm không thỏa nguyện thì đàn bà không có dâng hiến căng tràn. Chúa vẫn có ý chờ Ân phi tự dâng hiến.
Không phải việc gì Ân phi nói Chúa cũng nghe ngay. Chúa còn câm nhắc trước sau, phải trái đủ đường. Vài hôm sau, Chúa cho gọi Ân phi đến công đường phục mệnh. Có những việc Chúa muốn nói vào ban ngày, dưới ánh sáng trời, nhìn rõ mặt người ở công đường mà nói chứ không nói trong ánh sáng nến.
Chúa nhắc lại lời hồi đêm, giờ ta ban cho Ân phi làm việc, nàng muốn làm việc gì trước?
Ân phi nói, việc quốc gia đại sự muội không đám bàn. Muội chỉ xin cùng các cận thần của Chúa là ra tay dọn dẹp hậu cung. Muội nghĩ, Chúa cần gì đến cả trăm phi tần, cả trăm hoạn quan, cả trăm người đứng hầu hạ mà có khi không được hầu. Để họ trong hậu cung chỉ bận cho Chúa. Muội nghĩ, trong cung phi tần chỉ cần giữ lại vài chục người, còn cho họ về quê lo bề gia thất. Hoạn quan cũng vậy, Chúa đã có đội cấm vệ bên mình, hoạn quan chỉ mươi người đã đủ, còn cho họ về quê tụ họp với người thân. Cả cung tần và hoạn quan vào cung tay trắng, nay về lập nghiệp, Chúa nên cho họ chút vốn để họ bước qua khốn khó. Muội nghe từ Chúa trước truyền lại, phi tần và thái giám càng đông, Chúa càng có uy danh. Muội lại nghĩ, tiếng thơm của Chúa là làm cho quốc thái, dân an chứ đâu phải tiếng chí chóe của đám phi tần tranh được Chúa gọi hầu.
Chúa lặng nghe rồi nói, Ân phi đã nghĩ kỹ kỹ điều nói với Chúa chưa?
Giọng Chúa có vẻ hơi nặng, Ân phi vội quỳ xuống, nói, trình Chúa, nếu muội nói không phải, xin Chúa trị tội.
Chúa lặng một lúc rồi bảo, một người vừa nói ra đã rút lời xin chịu tội vì nói sai, thì người đó chưa đủ bản lĩnh.
Ân phi nói, muội phận mỏng, trước Chúa anh minh đâu dám giữ bản lĩnh.
Chúa cười mà rằng, ta nghe kế của nàng. Ta sẽ cử quan Bồi tụng để nàng nói rõ thêm, rồi quan Bồi tụng sẽ có người giúp dọn dẹp hậu cung chứ không phải đến tay nàng.
Nhưng phải đến nửa tuần trăng, quan Bồi tụng mới bắt tay vào việc dẹp hậu cung. Ân phi không phải ra mặt. Không chỉ hậu cung mà cả kinh thành như có loạn, nhiều tiếng cười nhưng cũng nhiều nước mắt, ai oán.
Bà Thái phi không nhô đầu ra ở chỗ nào trong những ngày hậu cung của bà bị dọn dẹp. Đến bữa người hầu bưng cơn đến tận đầu giường cho Thái phi. Thái phi hét vào mặt con hầu, ta không ăn mà đã no rồi! Bà hất cả mâm bát với canh sâm và đồ ăn quý xuống sàn cung. Thái phi không xuất đầu lộ diện, nhưng có không ít người che mặt vội vàng đến phủ Thái phi rồi lại vội vàng đi.
Một tháng, hậu cung dọn dẹp xong, phi tần, hoạn quan, người hầu và cả nhận sự ở lục bộ cũng giảm đi nhiều. Hậu cung quang quẻ hẳn, ít người đi lại bẩm lạy, ít phải nghiêng vai tránh nhau. Ban đêm thái giám không phải chạy ngược chạy xuôi lo cho cả tá cung nữ sửa soạn cuốn mình trong chăn để may được gọi vào cung hợp hoan thì vội khiêng vào.
Dẹp quang hậu cung, Chúa càng tin Ân phi. Nhưng Ân phi cũng không vì được Chúa tin mà tìm cách gần Chúa, ngược lại, nàng một mình ở phủ với rất nhiều sách do các học sĩ làm việc biên chép và hiệu đính kinh sách cho mượn đọc.
Một hôm Chúa lại cho gọi Ân phi đến để nói chuyện.
Chúa hỏi, lâu nay Ân phi ngồi đọc sách, có ý gì mới tấu với Chúa không?
Ân phi, dạ trình Chúa, muội có một ý, xin nói để Chúa chỉ dạy. Lâu nay triều đình nhà Lê và nhà Chúa đều vất vả về giao tranh với chúa Nguyễn đàng Trong. Bao nhiêu là trai đinh vào lính đều ném về sông Gianh. Bao nhiêu của cải đem ra lo sắm tàu thuyền, ngựa xe, khí giới, và nuôi binh sĩ mà hơn trăm năm phân tranh vẫn chưa yên. Muội nghĩ nếu lo yên được việc này thì không chỉ đàng Ngoài mà cả đàng Trong cũng chỉ còn việc làm ăn. Muội muốn Chúa lo việc này.
Chúa hỏi, lo thế nào? Thân gái đâu hợp chốn xa trường?
Ân phi nói, muội đâu ra xa trường. Muội tính một kế đoản.
Chúa hỏi ngay, kế đoản là chuyện đàn bà, sao lại đem nói với Chúa?
Ân phi quỳ xuống, bẩm, kế đoản của muội là cử người vào đàng Trong gặp chúa Nguyễn xin hoãn binh để đàng Trong, đàng Ngoài rút quân, lo sinh kế cho gia đình.
Chúa nói, ta không giáng tội Ân phi về kế đoản này, nhưng phải kín miệng, không nói cho ai biết. Cả vua Lê và Chúa không trọng việc giảng hòa, vì không muốn tự phô ra mình yếu thế. Vua và nhà Chúa đàng Ngoài đường đường danh chính là hợp lẽ quốc gia, đại diện cho Đại Việt từ nhà Đinh để lại. Nay bọn giặc đàng Trong mưu phân định, chia quốc gia làm hai, ta đâu phải xuống nước xin hòa? Vậy há chẳng phải ta do yếu mà cầu hòa? Việc này không được làm. Chết cũng không làm. Thanh Tâm Tài Nhân nói đúng lắm, có chết thì chết đứng như Từ Hải. Thế mới là anh hùng trần ai…
Nói rồi Chúa đứng dậy, nhưng chưa kịp bước đi, thì Ân phi đã lên tiếng, trình Chúa, muội nghĩ, hợp tan của một đời người bất quá cũng chỉ mươi, mười lăm năm. Nhưng hợp tan một quốc gia có khi kéo dài mấy đời người, ai thắng ai thua rồi sau mới rõ. Nước Nam có khi mất cả nghìn năm rồi lại có Đại Việt nguyên vẹn. Hợp tan, mạnh yếu một quốc gia đâu phải phút chốc. Vì thế, muội vẫn cứ xin Chúa nghĩ lai việc thương thảo với bên kia để hai miền được yên bình. Nếu nhà Chúa và vua Lê muốn giữ thanh danh mà không cử phái bộ đi hòa đàn, thì muội xin đi. Một con tép riu, ai thèm để ý đến muội là đại diện cho Chúa, cho triều đình Lê. Tuy nhiên con tép riu mà gặp được phía bên kia, sẽ nói cái khao khát phía bên này để nghĩ lại việc xua quân ra phòng tuyến sông Gianh chém giết nhau cũng là có lợi.
Chúa nói cộc lốc, phi đòi vô Nam, ai tin phi?
Ân phi nói, miễn là muội đến được Ái Tử rồi nhờ cây…
Chúa hỏi cộc lốc, nhờ cậy ai?
Ân phi nói, ngày xưa cha của muội có một bạn vào đàng Trong mở trang ấp trồng mía ở lưỡng Quảng, mà giàu có. Chúa Nguyễn ép trang ấp nào cũng phải là trại nông binh, bắt lực điền vừa làm nông, vừa luyện khí giới, theo kế ngự binh ư nông có từ đời Lý Trần. Tổng quản các trại nông binh là một vị tướng có vai vế trong các tướng của Chúa Nguyễn. Muội vào đàng trong, tìm đến trang ấp mía của bạn cha muội, rồi từ đó mà nhờ cậy gặp được vị tướng quân thì không gì bằng…
Ân phi đặt vào lòng bàn tay một vật ngỏ óng ánh, nói, đây là viên ngọc dạ minh châu Chúa thưởng cho muội. Nhìn thấy viên ngọc, vị tướng quân sẽ tin muội là người của Chúa lặn lội vào đàng Trong để nói lời xin đừng đối đầu binh đao.
Chúa đi lại vài bước rồi nói, ta không tin đoản kế của muội, vì nó trẻ con, nó là cách nghĩ của đàn bà. Nhưng Ân phi muốn đi Ái Tử gặp bạn của cha, ta cũng không ngăn. Ta hỏi, Ân phi muốn đi như thế nào? Đường bộ hay đường thủy?
Ân phi như mở cờ trong bụng, nói kế đi đường.
Chúa và Ân phi đang nói thì con hầu bưng trà Long Hầu vào, nói, bẩm chúa, quan trấn thủ Bắc Bình mới cho ngựa trạm đem trà Long Hầu đâng Chúa. Xin Chúa và Ân phi thưởng trà.
Chờ con hầu dâng trà đi khỏi, Ân phi bẩm Chúa, đi đường bộ không an toàn vì phải qua nhiều đèo dốc, núi non hiểm trở. Muội tính đi đi đường thuỷ, đến Bố Hải Khẩu, Thái Bình là có thuyền ra biển, đi Ái Tử.
Chúa cho Ân phi đi đường thủy, nhưng lại phải chờ mùa sóng yên biển lặng vào tháng ba. Với lại Ân phi phải chờ để Chúa sai người lo sắm vài việc lặt vặt, với ít quà mọn để Ân phi biếu xén người thân.
Đầu tháng ba âm lịch, hai ngọn gió Đông Nam và Đông Bắc đổi chiều bàn giao mặt nước cho nhau, biển lặng như tờ. Ân phi lặng lặng lên đường đi Bố Hải Khấu bằng xe một ngựa kéo, có ba người lính cưỡi ngựa không khí giới như dân thường, đi để hộ vệ. Tốp của Ân phi thong dong đi, chiều tà thì đến cánh đồng lúa bát ngát gần Bộ Hải Khẩu. Ngựa xe đang nước kiệu cho người trên xe thưởng gió biển và hương cỏ thì từ ruộng lúa nhô lên cả mấy chục người, đầu đội nón, chít khăn, tay cầm liềm, cầm cào cỏ và cuốc xẻng vây kín xe của Ân phi và tốp ba người lính tay không cưỡi ngựa. Tốp người sung sướng reo vui, bỏ nón và khăn bịt đầu, Ân phi chợt nhận ra một số gương mặt quen, vốn là thái giám và phi tần được về quê sau cuộc dọn dẹp hậu cung. Chỉ khác là những gương mặt trắng xanh ngày ấy nay đen hơn, gầy hơn, lấm lem và nhàu nhĩ.
Ân phi vui mừng lên tiếng, chào các người. Ta không ngờ lại gặp được các người làm ở đây.
Một người vốn là Thái giám lên tiếng, thật là hạnh ngộ, phải không bà Ân phi của Chúa?
Ân phi nói, đúng là hạnh ngộ, gặp được các người trong cảnh đã được tự do làm ăn vui thú với gia đình ta vui lắm.
Vẫn là viên thái giám cũ, nói, nhưng giọng gắt gao hơn, Ân phi nhìn chúng tôi, người không còn ra người thì biết, chúng tôi đâu cần giải phóng để có tự do trong nghèo đói. Ở trong cung, dù phải lết gối quỳ lạy, phải thưa bẩm, phải bán thân, phải mất tự do không bao giờ đứng thẳng trước các bề trên, từ câu nói đến cái cựa lưng khi nằm nghêng phải khẽ khàng, nhưng vẫn có cơm mà ăn, có áo mà mặc. Vậy mà Ân phi bày kế cho Chúa đuổi chúng tôi về quê. Đám phi tần về quê thì thành gái già, chứ còn ai đám lấy người vốn là vợ Chúa. Đám thái giám vì đã tịnh thân thì chỉ có biết quỳ trước Chúa mà sống, chứ sao còn cơ hội mà làm chồng. Bây giờ cái đám người quen quỳ, quen bẩm, quen hiến thân để sống, bảo thẳng lưng làm lụng thì không làm lụng được. Ai tước đoạt cuộc sống quen thuộc của chúng tôi? Ân phi chứ còn ai? Thù này chúng tôi chờ đã lâu ngày đòi trả.
Ân phi nói, các người nghĩ sai rồi, đứng thẳng người giữa đồng ruộng lại chả sướng hơn cúi lưng trong cung cấm à?
Nguyên thái giám nói, sao Ân phi không hỏi chúng tôi điều này từ trước, mà đã lấy danh Chúa đẩy chúng tôi vào bần hàn?
Đám người vừa mới đấy còn nói cười, bỗng mặt mũi trở nên dữ tợn. Ân phi không nói lại phải trái một lời, đám người tay liềm, tay cuốc xẻng ùa lên hung hãn phóng những nhát chém vào cơ thể cô gái mảnh mai ngồi trên xe một ngựa kéo. Chỉ một thoáng đám người biến mất cánh trên đồng lúa bạt ngàn, để lại trên lộ về Bố Hải Khẩu cái xác Ân phi bị băm vằm.
Ngày sau phu trạm Bố Hải Khẩu đưa xác Ân phi về phủ Chúa, đến cổng đã thấy Thái phi đứng đón ở cửa phủ. Bà không lật mở xem cái xác, chỉ nói lạnh băng, chở xác quay đầu về Hải Hậu, trả con hầu về cho gia gia đình nó lo hậu sự.
Hôm đó Chúa thấy nóng ruột mà không biết Ân phi đã bị giết.
Truyện ngắn dự thi của Hà Đình Cẩn
Nguồn Văn nghệ số 39/2023