Hai gã, một thấp béo, một cao gầy còn đứng nán lại đó, bật lửa mồi thuốc. Gió thổi tràn qua mặt sông. Âm thanh của vạt dừa nước nghe lao xao, rạc rời. Người thấp béo lên tiếng hỏi: "Đến nơi rồi hở ông?" Người cao gầy bảo: "Nơi thì đây, nhưng đến thì chưa. Chùa nằm trong núi, sau lưng thị trấn. Đường đi tìm Phật kể cũng xích gần." Người thấp béo lại hỏi: "Bây giờ tính sao đây?" Người cao gầy bảo: "Ta vào thị trấn tìm nhà trọ nghỉ ngơi đi. Đã nghe tiếng gà gáy rồi."
Hai người quen nhau ở phía bờ bên kia. Người thấp béo tên Toàn, dân lái xe. Người cao gầy tên Vương không nghề ngỗng. Toàn béo bảo "Có định đi đâu. Tôi đang chở ít hàng vào thành phố. Qua mấy trạm đều trót lọt cả. Đến một trạm có tay cảnh sát ra chặn xe hỏi: Đi đâu, chú mày. Đấy cũng là câu hỏi thường tình thôi. Nhưng không sao lúc ấy tôi muốn nổi điên lên. A! Thì tớ đang muốn chơi bời, lêu lổng mấy ngày đây. Lo âu, đối phó mãi chán lắm rồi. Thế là tôi có cách làm cho xe bị giam lại. Kiếm chỗ lung tung lang tang mấy ngày cái đã. Về tính sau.” Toàn béo lại bảo "Đây là lần đầu tiên tôi về nơi này. Thấy chỗ nào cũng toàn nước, mà tôi thì không biết bơi, sợ thật." Vương gầy bảo: "Tôi thì bơi giỏi quá, nên cũng sợ. Mà nơi đây không chỉ toàn nước mà còn là nơi "đất sinh sôi của đất" nữa đấy."
Hình ảnh minh họa. Nguồn pinterest |
Hai người xốc lại đồ đạc, qua cây cầu gỗ vào thị trấn. Chỗ mố cầu có hai cô gái đang ngồi. Một cô còn khá trẻ, ngực nở tên Thuỷ. Cô kia đã khá tuổi, tên Hương. Hai cô vừa kể cho nhau nghe một chuyện gì đó. Nghe xong, Thuỷ chửi: "Đ. con ngựa." Cả hai cùng cười. Ngực Thuỷ rung dập. Toàn béo ngang qua liếc mắt, chép miệng: "Con bé trông xinh đáo để nhỉ." Vương gầy bảo: "Lưng chữ cụ, vú chữ tâm. Đàn bà tướng ấy thì vô tâm. Nhưng làm vợ thì tốt." Toàn béo cười: "Ông cũng giỏi nhỉ. Biết xem tướng à!" Vương gầy bảo: "Giỏi gì. Đấy là do ông bà mình đúc kết, để lại. Ông bà mình cái gì cũng hay cả." Toàn béo gật gù: "Hay thật."
Hai cô ráng cười lâu một chút. Hương còn gọi là Hương già. Thật ra cô này già trước tuổi. Thuỷ còn gọi là Thuỷ Maria. Một lần có một gã tự xưng là nhà thơ trẻ, sau khi ngủ với cô một đêm, sáng ra khóc: "Ngực em Rằm đeo thánh giá lặng câm." Thuỷ Maria bảo: "Sao lại lặng câm?" Gã nhà thơ trẻ thở dài "Thơ cũng chẳng nói được gì. Cái chính là cần sự giao cảm của hiểu biết. Cô không hiểu nổi đâu." Rồi gã tiếp tục thở dài: "Thôi chào em. Tôi đi đây, bảo trọng em nhé. Đừng để đứa nào làm hư toà ngực đẹp đi." Thuỷ Maria nguýt dài: "Đồ quỉ. Đ.con ngựa."
Thanh minh trong tiết tháng ba. Hôm nay là ngày dẫy mả, chạp mộ. Khách từ xa đổ về tấp nập. Trước thăm viếng mồ mả ông bà. Sau lên chùa cầu tự, cầu duyên, xin lộc... Dân thị trấn bầy ra dịch vụ dẫy mả mướn. Mỗi cái từ năm chục đến một trăm, tuỳ lớn nhỏ. Gánh nước tưới mả, mỗi thùng năm ngàn. Có lão Dình không làm gì cả, chấp tay sau đít đến bảo với khách: “Tôi ở đây quanh năm, suốt tháng trông nom, vun vén mồ mả cho ông bà. Nhang đèn đầy đủ. Nay xin mấy đồng lấy lộc. Nếu ông bà không cho, từ nay mồ mả có bị ai đào xới tôi không chịu trách nhiệm." Khách cười, rút ví đưa hai, ba chục bảo cầm uống nước. Lão Dình bảo, thế mới được. Rồi dạo qua chỗ khác. Nửa ngày kiếm hơn trăm ngàn. Chiều tối nhậu lai rai.
Chùa đông nghịt. Đường băng qua vạt đồng lên chùa, lúa hai bên bờ bị dẫm nát. Một đoạn dốc ngắn la liệt kẻ bán nhang đèn, thuốc Nam thuốc Bắc, heo quay quệt phẩm đỏ lòm... Trong chùa hương khói mù mịt. Hai chú tiểu chạy tới chạy lui, chờ khách thắp hương xong liền rút ra dụi tắt. Mặt mày nhăn nhó, nước mắt nước mũi chảy lòng vòng. Có kẻ nhẫn nại trải chiếu nằm ngoài hàng hiên đợi hai, ba giờ sáng chùa vãn khách mới vào khấn. Sợ đông người ồn ào kinh động Phật không nghe.
Non trưa. Toàn béo mở mắt dậy. Vương gầy đi đâu mất. Cửa phòng mở toang hoác. Toàn béo giật mình soát lại đồ đạc, thấy còn nguyên vẹn, thở phào nhẹ nhõm. Toàn béo đi loanh quanh, gặp Vương gầy ở quán nước. Trước mặt là dòng sông. Lục bình trôi lịu dịu. Toàn béo ngồi phịch xuống ghế, ngả người ra bảo: "Đúng ra phải tạ ơn tay cảnh sát ấy. Khía có cái gợi ý hay thật. Về đây gió lồng lộng, mát mẻ ngủ sướng quá ông ạ!" Vương gầy cười, bảo "Ông có định đi chùa không. Ta cùng đi cho vui." Toàn béo bảo: "Đi chứ ông. Tôi cầu duyên. Sao cái số tôi nó khổ thế nhỉ, chả yêu được người tử tế. Toàn những thứ qua đường."
Lúc đó Thuỷ Maria và Hương già bước vào quán. Chủ quán bưng ra cà phê đá. Quán bên cạnh bưng hai bát phở đập trứng gà. Hai cô cắm cúi ăn uống. Lão Dình cũng lò dò bước vào quán. Ngồi chung bàn với Toàn béo, Vương gầy. Toàn béo đập tay Vương gầy khẽ reo "Ông nhìn xem. Con bé đêm trước ta gặp ở bến đò đấy." Vương gầy đưa mắt nhìn bảo "Phải." Cử điệu của hai người không qua được cặp mắt lão Dình. Lão đằng hắng lên tiếng hỏi "Chào anh Hai. Hai anh mới đến đây lần đầu?" Toàn béo bảo "Vâng. Ông có biết con bé ngồi dùng kia không?" Lão Dình bảo: "Biết chứ. Nó là Thuỷ Maria. Nếu anh Hai thích tôi sẽ giới thiệu cho. Kiếm mấy đồng uống rượu chơi." Mắt Toàn béo sáng rực lên "Gái à!" Lão Dình cười lục cục trong cổ họng, bảo: "Phải, gái đấy. Ở đây còn nhiều lắm. Anh Hai mà không thích tôi sẽ giới thiệu em khác." Toàn béo giẫy nảy "Tôi muốn cô đó." Nói xong dúi vào tay lão Dình tờ hai chục, rồi hỏi: "Chừng nào đây." Lão Dình nhét tiền vào túi, thủng thẳng "Để tôi thương lượng cái đã. Mà vội vàng gì, uống cà phê đi." Rồi lão quay sang Vương gầy hỏi "Còn anh Hai?" Vương gầy vội xua tay bảo "Thôi thôi, tôi tự lo được." Lão Dình nhăn mặt: "Anh Hai này khó chơi nhỉ. Ăn được hai chục đồng bạc cũng chua."
Bàn bên kia. Hương già kể "Hồi đêm. Lúc tao gần đi ngủ thì lão Dình có dẫn độ đến một bố già. Bố già bảo, đi theo vợ lên chùa. Chen lấn mệt quá bố lẻn ra ngoài. Dạo chơi, tìm mua được thang thuốc Nam "ích âm cường dương" hay lắm. Thử cái đã. Thấy lão tí tổng, tao nên cười. Lạ gì mấy cái rễ cây ba láp của bọn lang băm. Chưa được ba mươi giây bố già tụt xuống nhăn nhó bảo "Tụi chó, nó lừa ông. Thế là mất toi trăm ngàn bạc." Tao nhắc, bố cho con xin tiền. Bố già thở hắt hơi "Thế là đi đứt tháng lương hưu." Tao hỏi: "Bố làm cán bộ Nhà nước à?" Bố già bảo "Hồi đó ngon lành lắm. Tôi từng xử nhiều vụ nổi tiếng." Rồi bố già kể: "Một lần có một người đến thưa hai người kia để bò dẫm nát ruộng lúa bà. Tôi cho gọi hai người kia lên. Một người bảo: "Tại bò bà này." Người kia cãi “Tại bò ông này." Sự tình thế này. Hai con bò của hai người kia đang trong cơn động cỡn, giao phối với nhau bất chấp ruộng lúa. Bây giờ xử sao đây. Suy nghĩ một hồi, tôi bảo: "Cả hai người phải bồi thường cho bà này. Nhưng trong khi làm "việc ấy" bò của ông cỡi lên lưng bò của bà. Cho nên bò của ông chỉ đứng hai chân, trong khi bò của bà trụ cả bốn chân. Mức độ gây thiệt hại về phía ông nhẹ hơn. Tất nhiên là phía bà phải bồi thường nặng hơn." Kể xong bố già hỏi tao: "Cô xem tôi xử có tài không?" Nghe Hương già kể xong Thuỷ Maria cười như nắc nẻ. "Tài gì lạ thế. Đ.con ngựa."
Lão Dình đã mò sang bàn của Thuỷ Maria và Hương già. Một lúc lão vẫy Toàn béo sang. Toàn béo lật đật đứng dậy nói với Vương gầy: "Ông về trước nhé. Tôi đi vui vẻ một chút." Toàn béo đi, nửa đêm mới mò về phòng trọ. Hắn thở hồng hộc, cố lay Vương gầy dậy, khoe: "Con bé tuyệt lắm ông a! Nó quần tôi mấy trận chí chết." Vương gầy bảo "Tắm gội sạch sẽ đi. Sáng sớm mai lên chùa." Toàn béo ngáp: "Tôi chẳng thiết lên chùa nữa." Nói xong ngã vật xuống giường ngủ như chết.
Vương gầy dậy sớm, hoà theo đoàn người lên chùa. Vai mang một cái bọc, trong đựng một tượng Phật cổ, tạc bằng đồng. Tượng này cha anh lấy cắp của nhà từ đường trong cơn đói mùa giáp hạt năm xưa. Trước khi nhắm mắt, ông cụ hối anh tìm chuộc lại tượng Phật trả cho người ta. Vương gầy đã tìm chuộc lại tượng Phật. Mang đến nhà từ đường thì ông già trưởng họ trong cơn hấp hối, tiết lộ, tượng Phật ấy đúng ra là của sư trụ trì một chùa ở rất xa. Bây giờ ông sẵn sàng chi tiền và cậy nhờ anh mang tượng Phật đến trả cho chùa ấy. Đó là ngôi chùa mà anh cùng đoàn người tấp nập đang đổ về đây.
Chú tiểu bảo: "Sư trụ trì đang bận tiếp khách. Có mấy người khách ở nước ngoài về.” Vương gầy ôm tượng Phật tìm chỗ nghỉ chân. Anh ngồi xuống đám cỏ, ngước mắt lên mấy bông hoa vàng trên giàn lá xanh. Con ong cong róng tìm mật. Vương gầy chợt nhớ quê, nhớ vợ con. Vợ anh lại sắp sinh. Thật ra Vương gầy vốn là một giáo viên dạy văn trường làng. Sau bỏ dạy, ở nhà nấu rượu nuôi heo.
Chờ mãi không gặp được sư trụ trì. Vương gầy trở về. Anh gặp Toàn béo và Thuỷ Maria ở phòng trọ. Thuỷ bảo: "Hôm nay "tưởng niệm" ngày mất của bà già. Em không đi khách, anh thông cảm." Toàn béo bảo: "Ngày mai anh về rồi. Công việc làm ăn không bỏ được. Chiều anh lần cuối đi cưng." Thuỷ Maria dứt khoát "Không được." Rồi cô quay sang Vương gầy hỏi "Anh vừa đi chùa về à!" Vương gầy bảo "Cần gặp sư trụ trì nhưng không gặp." Thuỷ Maria bảo "Mùa này mấy thầy bận lắm. Tu cũng khổ nhỉ." Toàn béo bảo: "Khổ gì?" Thuỷ Maria bảo: "Em cũng không biết, nhưng đi tu phải "hy sinh" nhiều khoản." Toàn béo cười. Vương gầy bảo "Ta không hiểu được đâu. Nhưng có điều này: "Đã tu tu trót, qua thì thì thôi." Nói xong Vương gầy thẫn thờ đi ra ngoài. Toàn béo sán lại hôn lên trên ngực Thuỷ Maria. Cô đứng phát dậy, tát Toàn béo một nhát, chửi "Đừng cà chớn. Đ.con ngựa."
Hôm sau. Giữa trưa Vương gầy mới gặp được sư trụ trì. Vương gầy trình bày sự việc. Sư trụ trì sau khi xem xét tượng Phật, đã bảo: "Tượng này là do cụ tổ nhà anh làm. Nay anh có quyền sở hữu." Sư trụ trì lại bảo: "Gặp lại người cùng làng ta mừng lắm. Năm nay tuổi đã lớn rồi, ta không có cơ hội trở lại nữa. Xin được mời anh ở lại nhà chùa dùng bữa cơm chay."
Xế chiều, nắng quái xiên khoai vai người. Vương gầy lững thững đi xuống núi. Anh đã mất thời giờ thuyết phục sư trụ trì nhận lấy tượng Phật. Trước sau sư vẫn nói một câu: "Không phải của ta thì ta không nhận. Hãy trả về nơi nó ra đi. A di đà phật." Thế là nhọc công ôm tượng đi, giờ lại phải ôm tượng về. Nước mắt chực rơi xuống. Vương gầy lẩm nhẩm đọc hai câu thơ. Không biết có đúng là câu này:
Đường gặp kiếm khách xin trình kiếm
Không phải thi nhân chớ đùa thơ.
3-1998