Diễn đàn lý luận

“Con tê giác văn chương”

Nguyễn Việt Chiến
Chân dung văn học
10:00 | 11/02/2025
Baovannghe.vn - Tê giác tiến bước theo kiểu tên lửa nhiều tầng bay trong không gian. Vừa bay, tên lửa vừa bỏ lại những thùng nhiên liệu đã trống rỗng. Tê giác cũng để lại sau lưng nó những khoảng trống ký ức…
aa

Nguyễn Khắc Phục quê gốc ở làng Cổ Lễ, Trực Ninh, Nam Định. Ông sinh năm 1947 ở Sài Gòn, năm 1952 theo gia đình trở về quê Bắc. Năm 20 tuổi, đang học Trường Trung cấp hàng hải, Nguyễn Khắc Phục đã nổi danh là người viết truyện ngắn hay (như Hoa cúc biển, Ngã ba vô tình) và kịch bản sân khấu “Người từ giã cuối cùng” sau đó được đạo diễn Đặng Nhật Minh chuyển thể thành kịch bản phim đầu tay “Những ngôi sao biển”. Ông được cử đi học lớp bồi dưỡng những nhà văn trẻ khóa IV của Hội Nhà văn Việt Nam ở Quảng Bá, Hà Nội rồi được cử vào chiến trường khu V làm công tác tuyên huấn và dân vận. Năm 1976 ông chuyển về công tác tại Xưởng phim truyện Việt Nam và nổi tiếng khắp nước với nhiều kịch bản phim nhựa như: “Chiến trường chia nửa vầng trăng”, “Sơn ca trong thành phố”, “Tự thú trước bình minh”, “Nhiệm vụ hoa hồng”, “Học trò thủy thần”, “Lạc cầm thứ mười ba” và đặc biệt là phim “Bọn trẻ” đã được trao giải thưởng huy chương vàng cho kịch bản văn học trong liên hoan phim quốc tế Á - Phi năm 1994.

Cố nhà thơ Phạm Tiến Duật thời còn sống gọi nhà văn Nguyễn Khắc Phục là “Con tê giác văn chương” còn sót lại. Ông Phục bị bệnh trọng, đang điều trị tại Viện 103. Năm nay, Nguyễn Khắc Phục 68 tuổi, đã viết 12 cuốn tiểu thuyết, 12 kịch bản phim, 70 kịch bản sân khấu được các nhà hát tầm cỡ quốc gia công diễn, chưa kể hàng mấy chục kịch bản các “Lễ hội”, trong đó có 2 kịch bản cho Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Một buổi chiều cách đây dăm tháng, tôi vào thăm nhà văn Nguyễn Khắc Phục khi nghe tin anh vừa đi xạ trị ở Viện 103 về. Dường như Nguyễn Khắc Phục đang cố gồng mình lên để bạn bè khỏi ái ngại: “Tớ không chịu thua cuộc đâu các cậu nhé, sau một tháng rưỡi xạ trị, nếu tốt cũng cầm cự được vài năm nữa, để hoàn thành nốt mấy cuốn sách đang viết dở!”.

Trông anh có vẻ béo hơn thời gian trước, da mặt căng lên. Phục bảo tôi: “Xạ trị được mười mấy buổi rồi, nó tích nước đấy. Bệnh viện quân đội 103 tốt lắm, biết mình trước đây có thời gian dài ở chiến trường phía Nam, cùng cánh lính với nhau cả, họ miễn viện phí cho mình và tìm thuốc tốt để điều trị. Xạ trị đợt đầu một tháng rưỡi, nếu chuyển biến tốt sẽ làm tiếp đợt sau. Còn nếu dở thì đành cho về nhà… lúc ấy thì chào bác em ngược!”. Anh nhoẻn cười, nụ cười thật khó khăn, tôi như nghe thấy có tiếng rít trong phổi. Phục kể, năm ngoái đi chụp chiếu phổi chẳng thấy u cục gì (ngoài việc một vùng phổi bị xẹp do hút thuốc lá). Nhưng tháng 6 năm nay, anh thấy khản tiếng, mất giọng, đi khám chụp, phát hiện một cục như trứng gà trên đỉnh phổi, sinh thiết cho thấy tế bào ác tính không được mổ và đã hình thành hai cục nữa phía dưới, may mà nó chưa di căn lên não và vào xương. Viện 103 đang phải dùng hóa chất và xạ trị để chặn 3 cục ấy lại không cho nó di căn.

Trên giường bệnh nghe vợ hát thơ “Đừng đi đâu anh nhé”

“Con tê giác văn chương”
Nguyễn Khắc Phục 1(947 - 2016)

Tôi lặng người đi khi thấy vợ anh (nhà báo, nhà thơ Trang Thanh) lên giường ngồi cạnh chồng, bảo hát cho anh và tôi nghe bài thơ “Đừng đi xa anh nhé!” chị mới sáng tác và tự phổ nhạc. Trang Thanh khe khẽ hát, Khắc Phục chớp mắt rồi chìm đắm vào cái giai điệu thiết tha, sâu lắng, da diết như trong một giấc mơ: “Anh đừng xa em nhé anh/ Ngoài kia đang đêm bão giông/ Đường mơ ta chưa đi hết/ Mộng yêu đâu đã xanh đầy/ Anh đừng đi đâu nhé anh/ Ở bên em đây yên lắng/ về bên sông mây trắng/ chiều tương tư mắt cay/ nghe tre gầy trút lá nhớ mùa thu đầu tiên/ Cùng bầy sẻ nâu nhớ hơi nhau ríu ran nhau/ và chiều nay ấm áp líu lo tiếng con thơ, thưa mẹ cha, con đã đi học về/ Đừng đi đâu nhé anh/ đừng quên anh đã sống yêu em…”.

Tôi bất ngờ vì ca từ của Trang Thanh giầu cảm xúc thơ và giai điệu đẹp như một bài hát dân ca Nga trữ tình và ấm áp. Trang Thanh làm thơ từ đã lâu, đã in mấy tập thơ và chính cảm xúc văn chương đã đưa chị đến với tình yêu của chồng. Tôi cũng ngỡ ngàng khi Nguyễn Khắc Phục vùng ra khỏi giường, dẫn tôi đi xem cả chục bức tranh sơn mài khổ lớn, treo khắp mấy gian phòng. Hóa ra ông này vẽ sơn mài từ cách đây gần chục năm. Tranh của Phục đẹp thật, không những chỉ đẹp về hình họa, đẹp về màu sắc mà điều quan trọng là ý tưởng. Anh không hề được học gì về hội họa, mua được cuốn sách dạy vẽ tranh sơn mài, mang về đọc rồi mầy mò, tìm hiểu và làm sơn mài luôn. Nhà văn cười, chỉ các bức tranh sơn mài khổ lớn choán hết cả mấy bức tường: “Vô giá đấy, tớ mà chết đi thì bán được nhiều tiền đấy!”. Có lẽ anh không nói đùa khi trước đây đã từng bán một vài bức sớn mài với giá vài ngàn đô-la Mỹ.

Bất ngờ hơn khi Nguyễn Khắc Phục cho tôi biết, ngày anh tới bệnh viện xạ trị, tối về chơi với con trai ba tuổi. Lúc nó ngủ là anh ngồi vào bàn viết. Anh bảo tạm dừng viết kịch bản sân khấu, lễ hội để dồn sức viết cho xong cuốn sách “Những bài học giữ nước”. Nhà văn Nguyễn Khắc Phục cho biết thêm, đây là công trình do Nxb Hà Nội đặt với chủ đề “Từ truyền thống thượng võ tới chủ nghĩa anh hùng”, đáng lẽ tháng 6.2015 phải hoàn thành nhưng do bệnh tật nên ông viết chưa xong. Nói về gia cảnh hiện tại, nhà văn Nguyễn Khắc Phục cho biết thật khó nói. Lương hưu của ông được 5 triệu đồng, lương nhà báo của vợ 5 triệu đồng (hiện nay xin nghỉ không lương để chăm sóc chồng), tháng nào cũng phải chi tiêu tới 30 triệu đồng. Vậy nếu không viết là có “nguy cơ đói”, vì thế ông vẫn phải gồng mình lên để viết. Nhà văn cho biết, hôm mới rồi, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn tới thăm, cho ông 10 triệu đồng tiền tài trợ sáng tác. Ông Phục chỉ mấy bức tranh sơn mài của mình, nói với ông Thỉnh: “Nhà văn dù có hấp hối thì vẫn còn viết được, chứ còn cánh họa sĩ không có sức khỏe thì không thể vẽ được đâu. Tôi giờ vẫn đang viết hối hả, sắp tới cuốn tiểu thuyết gần ngàn trang “Hỗn độn” xuất bản, có nhiều điều đáng nói đấy!”. Nguyễn Khắc Phục cho tôi xem bản thảo cuốn tiểu thuyết “Hỗn độn” đang viết dở của ông. Trong số 12 cuốn tiểu thuyết của mình, ông tâm đắc nhất là 3 bộ tiểu thuyết: Thăng Long ký, Bay qua cõi chếtHỗn độn. Những tháng ngày này, có lẽ tình yêu của người vợ và đứa con trai mới 3 tuổi cùng văn chương và hội họa đang cứu rỗi anh chăng?

Chỉ cần hai cốc bia hơi và bát bún bung là có thể viết suốt ngày

Có thể nói, trước tiên Nguyễn Khắc Phục là một nhà văn hết lòng với nghề, với cuộc sống và quê hương mình với những đóng góp ở nhiều lĩnh vực nghệ thuật. Tuy “vang bóng” trên văn đàn như vậy, ông lại là một người có nếp sống rất giản dị và dân dã. Ông thường nói vui với bạn bè: “Cả ngày tớ chỉ cần hai cốc bia hơi và một bát bún bung dọc mùng là có thể viết kịch bản một mạch từ sáng đến tối”. Trong mấy thập niên qua, ông là một nhà văn có nội lực viết và sức làm việc vào loại hàng “khủng”. Có thời điểm trước đây, vào mùa hội diễn sân khấu hàng năm, nhiều đoàn kịch lớn đến chầu chực ở nhà ông để lấy kịch bản. Vậy mà ông vẫn thích rong chơi, đàn đúm với bạn bè và có cơ hội đi chơi xa là ông “tút” đi liền, không do dự gì cả. Đi là để tích lũy vốn đời, đi và viết và lang thang sống, ít khi người ta thấy Nguyễn Khắc Phục ở cố định một nơi nào đó dài lâu.

Khi tôi hỏi ông lấy sức đâu mà viết tới cả trăm kịch bản sân khấu, kịch bản phim, kịch bản lễ hội và năm, sáu ngàn trang tiểu thuyết như vậy thì Nguyễn Khắc Phục nhìn tôi một cách rất hóm hỉnh và đầy ý nhị: “Mình chỉ là một kẻ ham chơi và ham sống, còn viết thì đã có một đấng nào đó trong con người mình viết ra đấy, mình có làm gì đâu!”. Nguyễn Khắc Phục là như vậy, dù nho nhã, hiểu biết nhiều nhưng vẫn cứ rất mực khiêm tốn “Mình chả là cái quái gì trong cuộc đời này, cuộc đời này quan trọng, chứ còn các thứ khác cũng chả là đinh rỉ gì khiến mình phải quan tâm, cứ rong chơi vậy thôi…”. Tuy hồn nhiên bộc bạch như thế nhưng tôi vẫn thấy sau ánh mắt đăm chiêu, u ẩn của ông, một nguồn mạch sục sôi của sự sáng tạo không bao giờ chịu lụi tắt.

Khi còn sống, nhà thơ Phạm Tiến Duật đã viết về người bạn thân Nguyễn Khắc Phục như thế này: “Dù tê giác là loài thú quí hiếm, hiện còn tồn tại mấy con ở rừng già Việt Nam thì cũng như con rồng, ít ai biết tới. Thế nhưng tê giác là linh vật được Kinh Phật nhắc tới. Ý niệm về sự khỏe mạnh và trường tồn, đã ám ảnh một thằng người có tên là Nguyễn Khắc Phục, sinh vào hào lục, quẻ càn của tử vi; cất tiếng gọi mẹ đầu tiên vào giờ liên không; bởi thế, có tài mà đa đoan; cả đời đi tìm tri âm tri kỷ mà số đông chẳng mấy ai hiểu. Gã như một kẻ tội đồ, tự sám hối bằng cách đi tu không cần cắt tóc, không cần nâu sồng, gã đi tu không ở chùa mà ở giữa cái đám gọi là chợ người. Gã chính là con tê giác không sừng, lầm lũi đi từ suốt những năm 50 của thế kỷ trước xuyên qua thế kỷ này, ném vào mặt thiên hạ hàng vạn trang sách đủ mọi thể loại. Nào phim, nào kịch, nào thơ, nào lý sự đông tây, nào báo chí, nào tiểu thuyết. Rút cục thì một câu hỏi lớn, lúc tóc đã bạc phơ, chân đi chếnh choáng, tim đập thất thường, gã vẫn không trả lời nổi: Liệu có đến được không, ngôi đền của cái Đẹp đang lộng lẫy tồn tại ở đường chân trời ?”.

Vua kịch bản và ngôi đền Văn hóa

Cách đây mấy năm khi đến chơi với ông, Nguyễn Khắc Phục cho tôi xem bản thảo cuốn tiểu thuyết “Hỗn độn” đang viết dở của ông. Trong số 12 cuốn tiểu thuyết của mình, ông tâm đắc nhất là 3 bộ tiểu thuyết: Thăng Long ký, Bay qua cõi chếtHỗn độn. Nhìn gương mặt nhà văn lúc ấy, phảng phất nét gì đấy cương trực, gân guốc của một sĩ phu yêu nước. Tóc bạc phơ, mắt khẽ nhắm lại, ông chậm rãi lý giải: “Thăng Long tồn tại và đứng vững qua ngàn năm bằng cái gì nhỉ? Chắc chắn không phải bằng vũ khí, không phải bằng lợi thế về người và đất đai. Theo tôi, Thăng Long đứng vững được qua ngàn năm là do thái độ anh hùng và văn hóa. Thăng Long đứng vững được là còn do các triều đại biết tập hợp tinh thần yêu nước của trăm họ. Đây không phải là câu chuyện của ngày hôm qua và cũng không phải là câu chuyện của riêng ngày mai khi hùng khí Thăng Long vẫn là sức mạnh muôn thủa…”.

“Con tê giác văn chương”
Một số tựa sách của nhà văn Nguyễn Khắc Phục

Với sức làm việc đáng sợ nêu trên, người ta có thể gọi Nguyễn Khắc Phục là “vua kịch bản” của những lễ hội văn hóa. Khi tôi đề cập vấn đề này, nhà văn tâm sự: “Mình chỉ tận dụng mọi cơ hội, tìm mọi cách để tham gia vào việc truyền cảm hứng anh hùng, cảm hứng yêu nước và cảm hứng văn hóa cho các bạn trẻ”. Tôi còn nhớ, tại một lần khai mạc “Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam” tại Đồng Mô, Sơn Tây, nhà văn Nguyễn Khắc Phục tuyên bố dành toàn bộ nhuận bút kịch bản của ngày lễ này là 39 triệu đồng để tặng các cháu dân tộc ít người Rơmăm ở làng Le, tỉnh Kon Tum, mọi người đã lặng đi vì xúc động. Ông dặn bạn bè ở Hội Văn nghệ Kon Tum khi mang giúp ông quà tặng tới các cháu: “Với tôi, 39 triệu đồng là cả một gia tài, nhưng các vị không được nói là tôi giúp các em mà phải nói thế này: Có một ông già ở vùng xuôi, bây giờ con cái lớn rồi, ông sống bằng lương hưu đủ rồi, và lần này ông làm thêm được một ít tiền, ông gửi biếu các cháu bé ở làng Le, Kom Tum là nơi chiến trường trước đây ông từng công tác”. Nguyễn Khắc Phục là thế đó, tạm ngừng viết tiểu thuyết thì chuyển sang viết kịch bản liên miên, hết làm từ thiện lại đi vẽ tranh, viết và sống và rong chơi, đàn đúm trong cuộc đời này, ông như một người hiền còn sót lại của chốn phù du trong những năm tháng qua.

Có lẽ không ai hiểu nhà văn Nguyễn Khắc Phục như cố nhà thơ Phạm Tiến Duật, ông đã viết về tiểu thuyết “Ngôi đền” của bạn với những dòng trăn trối như sau: “Tê giác tiến bước theo kiểu tên lửa nhiều tầng bay trong không gian. Vừa bay, tên lửa vừa bỏ lại những thùng nhiên liệu đã trống rỗng. Tê giác cũng để lại sau lưng nó những khoảng trống ký ức… Nguyễn Khắc Phục không phải là con tê giác, gã là một nhà văn lớn và một thằng người nhỏ, đi lấp những khoảng trống ký ức mà con tê giác để lại…”.

Mấy năm gần đây, Nguyễn Khắc Phục dường như vui hơn và trẻ ra nhiều khi vợ ông (nhà báo, nhà thơ Trang Thanh) sinh con trai. Ông sướng lắm, gọi bạn văn tới nhậu lu bù. Nay ông phải nằm viện, chắc vẫn thèm lắm cái thời: “Cả ngày chỉ cần hai cốc bia hơi và một bát bún bung rọc mùng là có thể viết một mạch từ sáng đến tối”. Vâng, bạn văn và những người yêu mến Nguyễn Khắc Phục vẫn mong ông khỏe lại như con - tê - giác - văn - chương thuở nào.

Văn nghệ số 3/2016

Một thoáng chiều quê… - Thơ Huỳnh Thị Kim Cương

Một thoáng chiều quê… - Thơ Huỳnh Thị Kim Cương

Baovannghe.vn- Chiều về qua ngõ vắng/ Thấy nụ cười bâng khuâng
Triển khai Giải Báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực

Triển khai Giải Báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực

Baovannghe.vn - Chiều 25/3, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức cuộc họp Ban Chỉ đạo (BCĐ), Ban Tổ chức (BTC) Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực lần thứ 5, giai đoạn 2024-2025.
Thăm bệnh - Thơ Vũ Ngọc Đan Linh

Thăm bệnh - Thơ Vũ Ngọc Đan Linh

Baovannghe.vn- Nằm lại trong bệnh viện/ nhìn hàm răng cha rỉ máu
Đôi mắt của sương mù. Tản văn của Gia Hân

Đôi mắt của sương mù. Tản văn của Gia Hân

Baovannghe.vn - Ngôi nhà không có cửa sổ, trong nhà tối âm âm, ánh sáng dường như vất vả lắm mới len được vào qua cửa chính...
Mãn nhãn với gần 1000 cổ phục Việt trong phim "Thám tử Kiên: Kỳ án không đầu"

Mãn nhãn với gần 1000 cổ phục Việt trong phim "Thám tử Kiên: Kỳ án không đầu"

Baovannghe.vn - Đạo diễn Victor Vũ và nhà sản xuất Đinh Ngọc Diệp quyết định may mới gần 1.000 bộ phục trang để phục vụ làm phim