Năm 1959, Xuân Quỳnh được chọn đi dự Đại hội Thanh niên và sinh viên thế giới tại Viên, nước Áo, nhiều người những tưởng nghệ sĩ múa tài năng 17 tuổi này sẽ thăng tiến trên con đường nghệ thuật múa. Nhưng, số phận đã đưa chị rẽ sang một lối khác. Bởi, chị đã làm thơ, mà làm thơ thì rất muốn được in ra, như là được nói to trước đông đảo mọi người những suy nghĩ của mình. Một số bài thơ của Xuân Quỳnh đăng trên báo chí và được dư luận chú ý. Nhờ vậy, Hội Nhà văn Việt Nam đã gọi chị đi học Khoá I lớp bồi dưỡng các nhà văn trẻ. Sau khoá học một thời gian ngắn, năm 1964, Xuân Quỳnh được điều chuyển về công tác tại Tuần báo Văn nghệ của Hội Nhà văn. Đoàn Văn công Nhân dân Trung ương thiếu đi một nữ nghệ sĩ múa; còn cuộc đời có thêm một nữ thi sĩ mà với thời gian và những nếm trải, chị trở thành nữ sĩ tài danh bậc nhất của nền thơ ca Việt Nam nửa sau thế kỷ XX.
|
Ở báo Văn nghệ, Xuân Quỳnh làm biên tập viên, một công việc không chiếm nhiều thì giờ lắm. Vậy nên chị có nhiều thời gian cho sáng tác thơ, những bài thơ của người phụ nữ mới ngoài hai mươi tuổi, có năng khiếu thi ca và đang khát khao thể hiện bản ngã. Không bao lâu sau, chị đem dồn những bài thơ đăng báo để xuất bản thành sách, đầu tiên là tập Tơ tằm - Chồi biếc (in chung), rồi tập Hoa dọc chiến hào (in chung). Đây là chặng đương thơ đầu tiên của Xuân Quỳnh khi mới vào nghề văn chương, những câu thơ suy tưởng với xúc cảm trong trẻo: Lá vàng rụng xuống/ Cho đất thêm màu/ Có mất đi đâu/ Nhựa lên chồi biếc (bài Chồi biếc). Thời gian này, cuộc kháng chiến chống Mỹ đã lan rộng ra cả nước, bài thơ Chiến hào của chị mang được cái lạc quan chung: Mặt đất mở chiến hào/ Vạch đường ngang lối dọc/ Nào chỉ riêng nơi nào/ Khắp trên mình Tổ quốc… Thơ Xuân Quỳnh chặng này chưa nổi trội gì. Nhưng sống trong trường văn chương những năm này, Xuân Quỳnh đã được biết đến một sự “uất ức”, như sau này, chị tâm sự về nghề thơ: “Vì thích thú. Làm văn học cảm thấy như mình được sống thêm một cuộc đời nữa. Vì uất ức. Khi mới vào nghề bị xô đẩy, bị khinh rẻ nên tôi phải quyết sống. Mà sống tức là phải viết. Nói được niềm vui nỗi khổ của mình, tôi cảm thấy có cái sung sướng không mấy ai có! Như người khác không được yêu, mình được yêu. Như người khác chỉ biết im lặng mà mình biết nói, và nói lên được thành tiếng”. Tâm sự của nữ sĩ cho thấy chiều sâu của ý chí cùng khát khao thể hiện bản ngã của chị thật quyết liệt. Như vậy, tất yếu chị đạt được cái tôi trữ tình đẹp và sâu sắc hơn người:
Tôi đã đi đến tận cùng xứ sở
Đến tận cùng đau đớn, đến tình yêu!
Để đạt tới thơ ca như vậy, Xuân Quỳnh tài năng còn phải cần thêm thời gian, đồng thời cũng còn phải trải qua nhiều gian truân nữa. Là một người quyết chí, Xuân Quỳnh dám nhiều lần lên rừng, xuống biển. Có cơ hội đi thực tế là chị đeo ba lô lên đường, lúc lên vùng đồi núi Bắc Giang, khi về đồng ruộng Thái Bình, hay tới vùng biển Thanh Hoá. Đây là thời kỳ không lực Mỹ đánh phá dữ dội khắp cả miền Bắc. Sau những chuyến lên rừng xuống biển, Xuân Quynh viết được bài Sóng, khiến bạn đọc và những người quan tâm ngạc nhiên, bởi thấy bút lực của chị sâu và mạnh hơn trước nhiều: Dữ dội và dịu êm/ Ồn ào và lặng lẽ/ Sóng không hiểu nổi mình/ Sóng tìm ra tận bể… Giữa những năm bom đạn ác liệt, trong giai đoạn văn chương nặng về biểu dương tuyên truyền, bài thơ tình ái say đắm được in ra, là một hiện tượng khá đặc biệt:
Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức…
Bài Sóng của Xuân Quỳnh như thổ lộ một cõi lòng đang yêu, nồng nàn, hết mình, đó là chính là cõi lòng chị. Một tấm tình thật, trong một đời sống thật, không gượng gạo, không tô vẽ, vậy nên bài thơ Sóng được nhiều người yêu thơ khi đó chép vào sổ tay, họ còn chép gửi cho nhau như một món quà tình cảm. Hai năm 1969 và 1970, Xuân Quỳnh lặn lội vào tuyến lửa Khu IV, tới tận Quảng Bình, Vĩnh Linh nhiều tháng trời. Đến đâu, chị viết được thơ ngay tại đó. Tại xã Vĩnh Giang, bên bờ sông giới tuyến, chị viết bài Em có đem theo gì đâu. Xuân Quỳnh bày tỏ bản thân mình trên những dặm đường đất nước gian lao: Chỉ một chiếc ba lô thôi/ Em đi trên con đường của em/ Con đường luôn đổi thay trước mỗi lần giặc phá/ Con đường trong đêm nhiều những cầu phà…/ Trong ác liệt bỗng biết ơn màu cỏ/ Cỏ làm bớt hoang tàn/ Cỏ làm bớt thương đau… Chúng tôi nghĩ, đến thời gian này, với khát khao thể hiện cái tôi của mình trước cuộc đời, Xuân Quỳnh đã tìm ra bản lĩnh thơ của mình một cách thật tự nhiên. Tình cảm chị thế nào, lòng thương yêu cuộc sống của chị thế nào, muốn yêu thì phải gắng sức, phải hy sinh cách nào… chị bày tỏ bằng một ngôn ngữ giản dị, đầy tình thương mến, và nó thành cốt cách thơ của chị. Đó là một bản lĩnh thơ mạnh và sâu đặc biệt trong thơ thời kháng chiến chống Mỹ. Bài Gió Lào cát trắng Xuân Quỳnh viết năm 1969 cho thấy một bút lực mạnh mẽ: Ngọn gió Lào cát trắng của đời tôi/ Tôi của cát của gió Lào khắc nghiệt. Có thể nói, đó là bài thơ thể hiện rõ nhất bản lĩnh thơ Xuân Quỳnh, trình bày một thân phận ở miền quê cát trắng và gió như quạt lửa, có gốc gác, ngọn ngành, lại có chiều sâu đời sống kháng chiến:
Mẹ ru tôi hạt cát sạn hàm răng
Vừa lớn khôn tôi đã biết đào hầm
Dưới bom đạn gió Lào vẫn thổi
Và trên cát có thêm cồn cát mới
Cỏ mặt trời lăn như bánh xe…
Máu đồng đội và máu tôi đã đổ
Trên cát này mà gió quạt vừa se.
Gió Lào cát trắng viết về vùng tuyến lửa, nơi quân dân miền Bắc đối đầu với binh lực của Mỹ - Ngụy ở miền Nam. Bài thơ thể hiện một tình yêu sâu nặng của con người sống trên mảnh đất này, và cái tôi trữ tình của nhà thơ đạt tới tầm mức thật lớn:
Tôi sẵn lòng đem hiến cả đời tôi
Cho cát trắng và gió Lào quạt lửa.
Nhà 96 phố Huế vốn là một khách sạn thời Pháp, sau thành khu chung cư của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam. Đầu năm 1968, gia đình Xuân Quỳnh, gồm hai vợ chồng cùng đứa con và bà mẹ chồng, được phân hai căn phòng, mỗi căn chừng 9 mét vuông, một ở tầng ba một trên tầng bốn. Ăn, ở, tiếp khách, người chồng chơi đàn, chị làm thơ, con học… đều trong hai căn phòng đó. Thời ấy mọi người đều quen sống nghèo khó. Năm 1972, có lần chúng tôi cùng nhà thơ Cảnh Trà đến thăm mới biết, Xuân Quỳnh không có bàn viết, chị thường nằm bò ra sàn để viết. Chị bảo, “may mà làm thơ, ít chữ, chứ viết văn xuôi thì mỏi chết”. Xuân Quỳnh là người sống rất chi chút, thương quý mọi người. Nhà văn Vương Trí Nhàn nhận xét rất tinh về chị: “Trong đời sống hàng ngày cũng như trong sáng tác, không chịu được cái gì trung bình nhợt nhạt. Yêu hay ghét đều phải hết lòng. Thái quá còn hơn là bất cập…” Xét theo lẽ thường tình, có người coi cá tính của Xuân Quỳnh là cực đoan. Nhưng, chị là một thi sĩ, một nữ sĩ hiếm có trong cuộc đời này. Xuân Quỳnh phải sống đúng như chị, dẫu cuộc đời chị sự thành, bại cũng chỉ là thứ yếu, thơ ca do chị sáng tạo nên mới là thiết yếu. Quãng ngày Xuân Quỳnh viết được những bài thơ quan trọng trong đời thơ của chị mà chúng tôi vừa nêu chút ít ở trên, là những năm tình cảm riêng tư của chị vập vào những khó khăn rất lớn, đến mức không yên lành được. Xuân Quỳnh và người chồng ly hôn. Cuộc khủng hoảng tình cảm này vào thơ chị, ngay cả bài Cỏ dại viết ở Vĩnh Linh năm 1969 bom đạn bời bời, vẫn bộc lộ một tâm hồn cứng cỏi, nhưng cũng hé lộ sự tủi phận: Cỏ dại quen nắng mưa/ Làm sao mà giết được/ Tới mùa nước dâng/ Cỏ thường ngập trước/ Sau ngày nước rút/ Cỏ mọc đầu tiên… Thơ viết về chiến tranh của Xuân Quỳnh chất chứa nội tâm rất đa cảm của chị, ý tứ bài thơ thường không bị lên gân. Hơn thế, chị có khả năng đặc biệt trong việc phát hiện những giá trị nhân bản qua những chi tiết đời sống tưởng như rất bình thường. Như bài Những sự vật còn sống, nữ sĩ nhìn nhận Cánh buồm trôi như một sự vô tình, nhưng chính cánh buồm trôi cho dòng sông sống lại. Người nữ sĩ này hiểu: Cây rau sam trên gạch vỡ vẫn chua, và chính Rau sam chua cho biết đất đang còn… Chúng tôi cho rằng, các nhà thơ Việt Nam cùng thời với Xuân Quỳnh, không ai có nguồn lực thơ đặc biệt như chị. Bởi, chị sống để làm thơ, hơn thế, chị sống cật lực trong đời và cuộc sống ấy thành thơ, thứ thơ riêng chị có!
Suốt đời thơ, nữ sĩ Xuân Quỳnh viết được khá nhiều. Sau hai tập thơ đầu (in chung) chị có thêm các tập Gió Lào cát trắng (1974), Sân ga chiều em đi (1984), Tự hát (1984), Lời ru trên mặt đất (1987), Hoa cỏ may (1989). Chị còn viết một số tập thơ và truyện cho thiếu nhi… Có thể nói, đời thơ của Xuân Quỳnh có hai mảng thơ rất thành công, đó là mảng thơ viết về chiến tranh mà tôi vừa nói tới, và mảng thơ về tình yêu. Song song với thơ viết về chiến tranh, trong những năm trước 1973, Xuân Quỳnh đã có thơ tình thật hay, như bài Sóng mà đã nói ở trên, và đặc biệt là bài Thuyền và biển. Bài thơ ra đời, lập tức được bạn đọc và đồng nghiệp tán thưởng; sau đó được phổ nhạc và ca khúc này cũng được thính giả hết sức yêu mến. Nhiều bạn đọc và những người quan tâm coi Thuyền và biển là điểm sáng chói trong những thành công của thơ Xuân Quỳnh. Nhà thơ Anh Ngọc viết: “Với tôi, bài thơ Xuân Quỳnh (Thuyền và biển) còn hơn một bài thơ… thực sự nó đã trở thành một phần trong ký ức tôi, và như vậy cũng chính là một phần của đời tôi vậy”. Nhìn nhận hiện tượng thơ Xuân Quỳnh, tôi vẫn nghĩ, khi chị “quyết sống. Mà sống tức là phải viết”, đã bắt đầu bùng lên trong chị một khát vọng lớn, là trình bày con người mình trước cuộc đời. Và cũng bắt đầu giai đoạn bừng nở tài năng thơ Xuân Quỳnh, mà thành công đỉnh cao của thời kỳ này thể hiện qua các bài Sóng, Thuyền và biển, rồi Gió Lào cát trắng và Những người mẹ không có lỗi… Là một nữ sĩ, phẩm chất thơ mang nữ tính cao, chị thể hiện bản ngã trong thơ tình là rất tự nhiên. Bản ngã của chị bộc lộ đầy đủ, phải có cả ồn ào và lặng lẽ, có cả dịu êm và dữ dội, có sự không hiểu mình mà phải ra tận bể… (bài Sóng). Chưa đủ với Xuân Quỳnh tài năng, với Thuyền và biển, có hiền từ, thì thầm và cả vô cớ ào ạt xô đẩy. Hình tượng con thuyền và biển cả biểu đạt người đang yêu và một mối tình lớn: Chỉ có thuyền mới hiểu/ biển mênh mông dường nào/ Chỉ có biển mới hiểu/ Thuyền đi đâu về đâu. Cặp hình tượng trên, với sự thăng hoa của Xuân Quỳnh tài năng, còn nói về một bản ngã mạnh bạo và bể tình ái bao la, xúc cảm rất hiện đại mà ngôn ngữ thơ đạt tới vẻ đẹp cổ điển:
Những ngày không gặp nhau
Biển bạc đầu thương nhớ
Những ngày không gặp nhau
Lòng thuyền đau - rạn vỡ
Nếu từ giã thuyền rồi
Biển chỉ còn sóng gió
Nếu phải cách xa anh
Em chỉ còn bão tố…
Năm 1973, nữ sĩ Xuân Quỳnh cùng nhà thơ Lưu Quang Vũ xây dựng một gia đình mới. Đây là một bước ngoặt lớn trong đời sống cũng như đời thơ Xuân Quỳnh. Chị sống chi chút hơn trong đời sống gia đình, và viết nhiều thơ về tình yêu. Đến chặng này, hiện rõ một Xuân Quỳnh hiền thảo, yêu tha thiết, đã có nét cười lặng lẽ trong thơ: Chẳng dại gì em ước nó bằng vàng/ Trái tim em, anh đã từng biết đấy/ Anh là người coi thường của cải/ Nên nếu cần anh bán nó đi ngay. Những người biết chút ít về đời tư của Xuân Quỳnh, đọc bài thơ Tự hát, sẽ biết ngay chị viết về Lưu Quang Vũ, là bày tỏ tình yêu của chị:
Em lo âu trước xa tắp đường mình
Trái tim đập những điều không thể nói…
Khi thành một gia đình, vợ chồng nữ sĩ Xuân Quỳnh mỗi người có một đứa con riêng, rồi lại có một đứa con chung nữa, lo miếng cơm manh áo không dễ dàng gì. Những ngày đầu, Lưu Quang Vũ viết nhiều, nhưng không được báo nào đăng, nên anh phải làm đủ thứ việc để kiếm sống, từ vẽ quảng cáo, trang trí sắp đặt cho các triển lãm, cho đến in bưu thiếp thuê… Thơ Xuân quỳnh bày tỏ nỗi lo và tình thương yêu đối với chồng, chân thực và cũng sâu sắc lẽ đời: Trái tim đập cồn cào trong cơn đói/ Ngọn lửa nào le lói giữa cô đơn. Bài Tự hát là bài thơ tình rất hay của Xuân Quỳnh và cũng là bài thơ tình thật hay của thơ Việt Nam hiện đại. Đấy là tình yêu đời thường mà dài lâu hơn một đời người:
Em trở về đúng nghĩa trái tim em
Là máu thịt, đời thường ai chẳng có
Cũng ngừng đập lúc cuộc đời không còn nữa
Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi.
Mối tình Xuân Quỳnh chia sẻ cùng Lưu Quang Vũ là một mối tình lớn, điềm nhiên chịu mọi khốn khó cùng chồng, và chị cũng nhận biết tất cả hạnh phúc của đời thường. Những chi tiết sống đơn sơ rất thường tình cũng khiến chị có được những xúc cảm hạnh phúc, và nó thành thơ một cách tự nhiên: Sao không cài khuy áo lại anh/ Trời lạnh đấy, hôm nay trời trở rét. Thơ Xuân Quỳnh nhất quán suốt đời với sự chân thật trong xúc cảm, và hết sức tự nhiên trong nghệ thuật thi ca. Chúng tôi nhớ, có một nhà phê bình văn học nhận xét rất hay: “Thơ Xuân Quỳnh tự nhiên, như đã là phụ nữ thì phải sinh con, đẻ cái vậy”. Nhiều câu thơ tưởng như chị tiện miệng mà nói ra, mà hay: Tháng mười trời trải nắng hanh/ Có cô hàng xóm phơi chăn trước thềm… Đến khi bắt vào khổ thơ sau, mới thấy là thơ rất điêu luyện (bài Thơ viết tặng anh):
Em không có đến bức mành
Để che nắng gió cho anh tháng ngày
Gia tài chỉ có bàn tay
Đường gân xanh, vết chai dày từ xưa
Gia tài chỉ có bài thơ
Bao năm viết để bây giờ tặng anh.
Những năm tám mươi thế kỷ XX, Lưu Quang Vũ đạt được thành công lớn trong nghệ thuật sân khấu, và anh cũng bị cuốn hút vào kịch trường. Là thi sĩ, Xuân Quỳnh có những lúc đi viết. Thời trẻ, chị lên rừng xuống biển, vào tuyến lửa, cũng viết thơ tình, nhưng thơ thời ấy không có dấu vết đời sống tình cảm với người chồng đầu tiên của chị. Còn đến chặng này, ngoài bốn mươi tuổi, hầu như bài thơ tình nào cũng có hình bóng Lưu Quang Vũ. Đôi khi, những câu thơ tình da diết đến mức thấy dường như chị sợ hãi sự cô đơn vì xa vắng anh (bài Chỉ có sóng và em, viết ở Quảng Ninh):
Một trời xanh, một biển tận cùng xanh
Và gió thổi và mây bay về núi
Lời thương nhớ ngàn lần em muốn nói
Nhưng bây giờ chỉ có sóng và em…
Những bài thơ Xuân Quỳnh viết khi ngoài bốn mươi tuổi đã xuất hiện những xúc cảm cô đơn, hoang vắng: Mắt anh nâu một vùng phù sa/ Vùng đất của nơi nao trong trí nhớ/ Em chiếm đoạt rồi em hoảng sợ/ Giữa vô cùng hoang vắng, giữa cô đơn. Cái tôi trữ tình của Xuân Quỳnh đến chặng này có thêm sự yếu đuối. Có thể do bệnh tim của chị đã chớm phát. Chỉ với tài năng, sự trải đời sâu sắc, với cảm xúc đau nhói ở ngực, nữ sĩ mới viết được thơ thế này:
Dòng sông này bãi cát cánh buồm quen
Hoa lau trắng suốt một thời quá khứ
Tôi đã đi đến tận cùng xứ sở
Đến tận cùng đau đớn, đến tình yêu
Ta đã thấy, ngay cả khi viết với xúc cảm nhói đau ở ngực, khí lực trong thơ Xuân Quỳnh vẫn thật mạnh. Nhiều lần nằm viện vì bệnh tim, nhưng lúc có thể, thì Xuân Quỳnh lại làm thơ. Bởi người như chị, “sống tức là viết”. Thực sự là chị thèm được sống, thèm vô cùng mới viết bài thơ Nếu ngày mai em không làm thơ nữa:
Ôi trời xanh xin trả cho vô tận
Trời không xanh trong đáy mắt em xanh
Và trong em không thể còn anh
Nếu ngày mai em không làm thơ nữa!
Xuân Quỳnh không mất bởi bệnh tim, mà qua đời cùng Lưu Quang Vũ và đứa con của anh chị, bởi tai nạn giao thông đau đớn ngày 29 - 8 - 1988. Người chị yêu nhất đã cùng với chị đi khỏi cuộc đời này. Chỉ những bài thơ là Xuân Quỳnh để lại cho đời. Những bài thơ của chị là mong muốn được cất tiếng nói với mọi người, là khát vọng thể hiện bản ngã trước cuộc đời, là tình yêu và những gian nan khổ nhọc của chị trong cuộc sống trần thế, sẽ ở lại lâu dài trong cuộc đời này! Chúng tôi đồng cảm với nhà văn Lại Nguyên Ân, rằng: “Xuân Quỳnh là hiện tượng thơ rất quan trọng của nền thơ chúng ta. Có lẽ từ thời Hồ Xuân Hương, qua các chặng phát triển, phải đến Xuân Quỳnh, nền thơ mới thấy lại một nữ sĩ mà tài năng và sự đa dạng của tâm hồn được thể hiện ở tầm cỡ đáng kể như vậy, dồi dào và phong phú như vậy”.
Văn nghệ số 24/2016
Hình ảnh minh họa. Tranh Marina |