Hôm nay bãi chầu sớm. Thầy về, không nói gì. Mắt hừng như lửa. Mặt thầy ửng đỏ như vừa vung gươm chém bay đầu một tên nịnh thần. Chúng tôi lặng lẽ rời Hoàng cung. Thầy trước. Trò sau. Một tay nải nhỏ. Vài ba bộ quần áo cũ. Ít sách thánh hiền. Mũ mão, cân đai gửi lại Hoàng thượng cùng Thất trảm sớ.
Từ xa chúng tôi thấy xa mã của Đồng tri Môn hạ Bình chương sự Đỗ Tử Bình, một vị đồng liêu của thầy. Ngựa vừa nhìn rõ mặt, bỗng rẽ lối khác. Bụi nhòe đỏ. Nắng lóc chóc xa dần. Trời xanh ngăn ngắt. Đi chừng hơn dặm, chúng tôi rẽ vào một con đường đất nhỏ, tránh cổng phủ đệ của Nhập nội Hành khiển Tri khu mật viện sự Phạm Sư Mạnh. Ngài vốn là học trò yêu của thầy. Hồi thầy còn dạy Thái tử, Phạm Sư Mạnh thường ghé thăm. Ngài là người có nghĩa, biết giữ lễ, thường vòng tay đứng cạnh giường vấn an thầy, đợi nghe thầy chỉ bảo, hết mực cung kính. Nghe đâu Ngài đang ốm, đã mấy hôm không vào chầu. Cửa phủ đệ đóng im ỉm, lặng ngắt như nhà đang chịu tang. Đi ngang cổng Quốc tử giám, thầy tôi đứng lại tần ngần một đỗi. Mùa này thường rất đông môn sinh, tụm chỗ này đọc sách, tụm chỗ kia luyện chữ viết bài, rộn ràng hối hả chờ ngày thi Đình. Lần nào thầy đến, các môn sinh cũng vội vã sắp hàng nghinh đón từ cổng. Hôm nay Quốc tử giám vắng lặng. Chỉ thấy lấp ló sau những vân mây vảy rồng những khuôn mặt lấm lét không rõ hình thù.
Chúng tôi bước qua cửa Đông lòng bùi ngùi xúc động. Chỗ này ngày xưa Thượng thư Hữu Bộc xạ Lê Quát từng quỳ đón thầy lúc lên kinh nhận chức Tư nghiệp Quốc tử giám. Hôm nay trời động. Lá xao xác. Tường rêu hoang phế. Nền gạch cỏ dại mọc đầy. Cứ như thể trăm năm chưa từng ai qua đây. Chỉ mỗi dấu quỳ của cậu học trò ngày xưa vẫn còn mới như vừa hôm qua.
Ra khỏi cổng kinh thành chừng năm mươi dặm thì gặp một hồ nước trong xanh giữa đồng. Chúng tôi xuống rửa mặt và tay chân trước khi tiếp tục hành trình. Lạ thay, nước đang trong văn vắt bỗng sủi bọt trắng, tôm cá nổi lên thở thoi thóp cả một vùng hồ. Thầy cho là điềm xấu nên hối lên đường.
Quá trưa, chúng tôi ghé vào một hàng nước, nép bên dưới một gốc đa cổ thụ. Thầy bảo, qua cây đa chừng trăm bước chân, cách một quãng đồng nữa là vào đến làng Huỳnh Cung, nơi thầy từng mở trường dạy học. Ăn qua quít một củ khoai luộc và uống vội một bát nước vối, chúng tôi chào cô hàng nước xinh xắn rồi hướng về phía cổng làng. Gió nhẹ. Hương đồng ngan ngát. Dưới nắng trưa chói chang, hai trụ biểu màu nâu hiện lên lừng lững và kiêu hãnh. Nắng lấp lóa như thêu gấm dệt hoa trên từng bước chân đi như chạy của thầy. Không ngờ thoắt cái đã gần ba mươi năm thầy mới trở lại quê nhà. Nghe kể, hồi Hoàng thượng cho vời thầy vào kinh thành nhận chức Tư nghiệp Quốc tử giám, cả làng vui như hội. Ai cũng tíu tít tiễn thầy ra cổng làng. Ai cũng muốn chen vào cầm tay, nói một câu gì đó với ông giáo đã làm rạng rỡ danh phận của làng…
Hai vị hộ pháp to lớn, mặt mày dữ tợn, ngăn không cho chúng tôi qua. Nói gì, hỏi gì cũng chỉ lắc đầu. Thầy khẽ thở dài, xá hai vị một xá rồi quay đi. Dáng thầy nghiêng nghiêng. Vai khẽ run. Dường như mắt thầy hơi đỏ. Thầy như già đi mươi tuổi. Ơ hay, đây chẳng phải là nhà nho từng lẫm liệt đứng dưới bệ rồng đòi chém bọn nịnh thần để yên vận nước, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng? Có lần thầy cười bảo tôi, chân đi chốn chốn miền miền, hóa ra lẩn quẩn hai bên cổng làng. Tưởng thầy tự trào vì nhớ quê hương, ai dè.
Ảnh: pixabay |
Chúng tôi về đến làng Kiệt Đặc khi trời đã nhá nhem. Thầy kính cẩn quỳ xuống lạy cái cổng làng ba lạy. Thinh không lặng im như tờ. Trời hâm hấp sốt. Đôi trụ biểu loang lổ màu gạch vỡ và rêu phong dường như vừa nghiêng mình đáp lễ. Chúng tôi khẽ khàng bước qua cổng rêu. Không gian đó đây bãng lãng mùi khói đốt đồng, mùi rạ ủ, mùi phân bò ngai ngái, thỉnh thoảng rộ lên tiếng chó sủa lẫn trong tiếng ếch nhái, tiếng côn trùng.
Vườn nhà ngoại của thầy um tùm bụi dại và gai góc nên tối đó thầy trò phải ngủ nhờ nhà ông cậu họ. Hôm sau, từ sớm tinh mơ dân làng đã lũ lượt tìm đến thăm chúng tôi. Mặt ai cũng đầy vẻ tò mò hớn hở. Họ mộc mạc đến thô lỗ và đôi khi cũng chân thành đến khó chịu. Thầy tôi luôn tươi cười đáp lễ với tất cả mọi người. Thầy từ tốn kể chuyện này chuyện kia nhưng tuyệt không đả động gì đến lý do thầy trò phải từ giã kinh thành hoa lệ trở về làng trong đêm hôm khuya khoắt, không kèn không trống. Hương lý của làng cứ đứng đực ra trước mặt thầy, vẻ ngượng nghịu, ấp úng như người có lỗi. Thế rồi Lý trưởng nảy ra một ý hay, mọi người ồ lên vui vẻ. Loáng cái, vườn nhà ngoại của thầy tôi được phát dọn sạch sẽ gọn gàng. Thêm một căn nhà tranh xinh xắn mọc lên trên nền nhà cũ. Làng vui như đang vào mùa. Chúng tôi trò chuyện cười nói râm ran mãi đến khuya. Khi khách khứa về hết, thầy liền bảo tôi đem nghiên mực và quản bút chôn ở góc vườn. Tôi định hỏi lý do nhưng thấy mặt thầy đăm đăm lại thôi. Hố sâu ba thước. Nghiên và quản được bọc trong ba lần lụa đỏ.
*
Thầy về làng non tháng thì hương lý đội mâm lễ đến xin thầy dạy chữ cho bọn con nít trong làng. Từ chối không đặng, thầy nhận lời. Từ đó trong lều cỏ sớm chiều rộn rã tiếng con trẻ ê a học bài. Lúc rảnh rồi, thầy đọc sách, làm thơ, thưởng trà một mình. Thỉnh thoảng tay gậy tay nải cùng tiểu đồng đi vào núi mấy hôm mới về. Thầy tự cho mình là lão hái củi quê mùa ở núi Phụng Hoàng, lấy hiệu là Tiều Ẩn.
Một hôm có một chàng trai trẻ tìm đến xin thầy dạy chữ. Dáng người cao lớn. Da đen nhẻm và bóng như đồng. Giọng nói rền vang như sấm. Thầy không muốn nhận nên bảo tiểu đồng thoái thác rằng:
- Thầy không khỏe, lại đang bận hái củi cho mùa đông tới. Xin hiểu cho.
Nói xong, tiểu đồng phẩy tay áo bỏ ra sau vườn. Chàng trai trẻ không nói gì chỉ lẳng lặng ra về. Hôm sau, chàng gánh một gánh củi khô đến sân nhà thầy, xếp ngay ngắn một góc rồi đi. Từ đó ngày ngày đều đặn gánh củi đến. Chẳng mấy chốc đủ cả trăm gánh củi. Thầy xúc động lắm liền nhận làm học trò.
Nhưng học trò tuy sức vóc to khỏe nhưng tối dạ, học đâu quên đó, tiểu đồng nhắc nhở hoài mới nhớ. Thầy cho tập viết chữ Nhân có hai nét mà viết hoài chữ vẫn nguệch ngoạc, không thẳng. Thầy giận quá mắng:
- Chữ viết không thẳng, sao thành người đặng. Làm người không ngay thẳng, sao dám đứng với trời đất, núi sông.
Học trò nghe thầy mắng toát mồ hôi hột. Từ đó ngày đêm luyện rèn. Rồi một hôm nọ kính cẩn dâng lên thầy một chữ Nhân thẳng thớm và đẹp đẽ.
*
Năm đó, kinh thành có loạn. Hôn quân Nhật Lễ làm nhiều việc đại nghịch bất đạo, thí bỏ Thái hậu, giết con cháu họ Trần, làm rúng động nhân tâm. Công chúa Thiên Ninh cùng anh trai là Nghệ Tông bèn phất cờ nghĩa, phát hịch tòng quân. Tin về đến làng Kiệt Đặc, học trò liền vào lạy thầy xin đi. Thấy trò có nghĩa khí thầy ưng thuận. Tự tay thầy sắp xếp quần áo cho trò, ân cần tiễn trò ra tận cổng làng. Thầy còn nắn nót chép vào vạt áo của trò một chữ Nhân.
Khi Nghệ Tông hội quân ở sông Đài Lài, phủ Thanh Hoa thì có một tráng sĩ mình đen bóng như đồng xin vào yết kiến. Bảo: Chém nhánh sứ ngoài sân kia xem kiếm ngươi bén hay cùn. Thưa: Kiếm để giữ mình, không dùng bậy bạ. Nghệ Tông nhăn mặt. Thế, múa thử ta xem. Tráng sĩ phụng chỉ, xin múa ba đường kiếm. Tấn trước. Kiếm vung lên. Loang mấy vòng liền. Không thấy ảnh kiếm, không rõ hình nhân di động, chỉ thấy mảng rêu trước thềm đang xanh bỗng héo vàng. Lại hỏi: có dám chết vì nghĩa không. Tráng sĩ không nói gì, chỉ trật vạt áo cho Nghệ Tông xem. Trông nét chữ rắn rỏi, cương nghị, Nghệ Tông hài lòng lắm cho theo hầu bên mình. Nghệ Tông tiến quân về kinh sư, đánh đâu thắng đấy. Vào đến Đông Bộ đầu, Nhật Lễ dùng kế bẩn, Nghệ Tông suýt nữa mất mạng. May nhờ có tráng sĩ tả xung hữu đột mới thoát khỏi vòng vây. Tráng sĩ mình đầy thương tích, biết mình khó qua khỏi bèn thều thào xin được đưa xương cốt về làng Kiệt Đặc. Nghệ Tông gật đầu, ôm xác tráng sĩ khóc rống thành tiếng, rồi tự mình dùng kiếm báu đào huyệt, lập mộ.
Dẹp xong nội loạn, Nghệ Tông lên ngôi, mải lo việc triều chính quên bẵng lời hứa. Một bữa trưa nọ, đang nằm mơ mơ màng màng trên sập rồng thì thấy một chàng trai trẻ lực lưỡng, mình đen bóng như đồng, cắp gươm đứng hầu một bên. Nghệ Tông thức dậy, hối tả hữu sửa soạn xa giá. Đích thân vua đến nơi cũ làm lễ lấy cốt tráng sĩ. Khi đào mộ lên, không thấy xương cốt đâu, chỉ thấy một khối đất cứng và đen bóng như gỗ mun, lại thoang thoảng mùi hương trầm. Đúng là mộ kết. Vua cho rước về làng Kiệt Đặc. Đám rước về tới cổng làng thì không đưa khúc gỗ kết vào được. Nó nặng quá. Thanh niên trai tráng hè nhau khiêng mà nó không chịu nhúc nhích. Thầy ra đến nơi, chạm tay vào, thì khúc gỗ kết bỗng nhẹ như không, trên thân gỗ còn sáng lên rờ rỡ một chữ Nhân. Thầy ứa nước mắt, ôm khúc gỗ kết về nhà, làm lễ cầu siêu, xong đem chôn ở góc vườn. Tới lúc lấp huyệt làm mộ mới hỡi ôi. Bấy lâu theo thầy học chữ, thầy chưa hỏi tên trò lần nào. Thầy thoáng chút bối rối. Sau một hồi ngẫm ngợi bèn khắc lên thẻ tre hai chữ Đại Nhân. Chữ thầy sắc. Nét thẳng. Vững chãi mà đẹp tựa rồng bay. Ráng chiều chiếu lên thân tre làm chữ sáng lên lấp lánh như cảm động tấm lòng của thầy. Mắt thầy cũng long lanh. Mặt thầy hửng sáng như màu đất tươi roi rói vừa cạo lên từ dưới đáy huyệt.
Khuya đó, có một cụ già râu tóc bạc phơ chống gậy trúc đến thăm thầy. Chuyện vãn một hồi thì nhận mình là cha của chàng trai trẻ. Vợ mất sớm nên ông cưng chiều con. Nó lớn lên lêu lổng, không chịu học hành, chỉ thích hái hoa bắt bướm. Một lần giận quá ông bắt quỳ trước mộ mẹ sám hối. Ngờ đâu nó bỏ nhà đi biền biệt. May nhờ thầy thương yêu nhận làm học trò và dạy dỗ nên người. Cụ già nói tới đó bèn đứng dậy xá thầy một xá, rồi biến mất. Thầy giật mình thức giấc, lật đật quỳ xuống lạy vào thinh không. Thì ra cụ già đó là Thần núi Phụng Hoàng.
*
Lần đó, thầy cho học trò nghỉ học, bảo thầy đi xa. Cửa cài then. Cổng khép hờ. Thầy và tiểu đồng đi đâu không rõ. Một hai con trăng trôi qua vẫn chưa thấy thầy. Một chiều nọ có một đàn bướm ngũ sắc bay về, che rợp cả cổng làng Kiệt Đặc. Sáng ra, đàn bướm biến mất không để lại dấu vết gì. Mươi hôm sau, Nhập nội Hành khiển Phạm Sư Mạnh đi kiệu về thăm thầy. Cửa mở, thấy thềm nhà đầy xác bướm. Áo thầy treo trên vách còn thoảng mùi mồ hôi. Mọi người xì xầm bàn ra tán vào. Người già cả thì bảo thầy vào núi tu tiên. Kẻ hay chữ thì đoán thầy hiển thánh ở sân Trình cửa Khổng. Còn dân làng Kiệt Đặc thì xầm xì truyền tai nhau rằng thầy hoài quê, nhớ học trò đến nỗi sinh bệnh nặng, người gầy dần, teo dần, rồi xác kia tan thành bướm, hồn theo về núi Phụng.
Phạm Sư Mạnh cho gia nhân lục tìm nghiên mực và quản bút của thầy để đưa về Kinh sư. Nhưng tìm khắp nơi không thấy đâu. Sách thánh hiền cũng theo thầy mất dạng. Thấy góc vườn có một vạt đất nâu, cỏ không mọc được, Phạm bèn sai đào thử. Dưới ba thước sâu phát hiện một bọc lụa điều. Mở ra thì thấy nghiên và quản mốc meo. Phạm phải cho rửa bằng rượu trắng hồi lâu mới sạch.
Đêm đó trời bỗng mưa to gió giật, sấm chớp ầm ầm. Sáng ra, tôm cá chết trắng cả một vùng Sơn Nam Hạ.
T.L.V