Sáng tác

Cốt nhục - Truyện ngắn của Cao Duy Sơn

Cao Duy Sơn
Truyện
11:00 | 30/10/2024
Baovannghe.vn - Con vàng nhà gã là giống chó ta đích thực, giống ăn cám lớn ị phân đen. Ba mươi ngàn kể không đắt, bởi nó là giống cái rồi sau sẽ sinh lời. Gã sướng khi nghĩ đến chuyện ấy.
aa
Cốt nhục - Truyện ngắn của Cao Duy Sơn
Cốt nhục - truyện ngắn của Cao Duy Sơn

Nhưng vợ gã thì không, mụ không thích nuôi chó nên thường khéo mỉa:

- Lẽ ra phải là con đực, nhưng đằng này...

- Không có “nhưng” gì sất! – Gã bẻ quặp bằng giọng kẻ cả - Nó là con cái thì không cớ gì phải là con đực. Ngu ơi! Trong các giống vật, chó là loài trung thành, khôn nhất hạng đấy.

Nghe gã quả quyết đanh như dao chém gốc nghiến, vợ gã nín lặng, nhưng trong cái vẻ cam chịu ấy gã ngầm nhắc mình cảnh giác “mụ giả vờ đấy!” Không hiểu mụ định làm gì với con vàng đây?

Gã sợ rằng vợ gã sẽ đem con vàng ra chợ bán hoặc cho ai đó. Nhưng đời nào gã chịu, khỏi phải nói gã quý con vàng đến mức nào. Lí do nữa khiến gã lo. Từ khi bắt con vàng về nuôi, mụ Lùng cạnh nhà bỗng giở chứng sang chơi luôn. Trước đây có bao giờ thế đâu? Chuyện dông dài một hồi cuối cùng mụ thường nhằm vào con vàng đáng thương của gã với giọng chỉ trích: "Chó cái... thế mà cũng nuôi, tốn cơm ích gì, chúa bẩn, nhất là lúc đẻ, hôi hám lắm, với lại khó khăn như các vị của nả có gì đáng giá mà nuôi chó để giữ..."

Nghe mụ nói vợ gã chỉ nín nặng, ném cái nhìn rực lửa vào con vàng như sắp biến nó thành món nướng.

Trước chưa có con vàng có khi nào gã để ý đến mụ Lùng. Từ khi mụ tham gia vào cái việc không phải của mình, gã đâm thấy cộm tai mỗi khi nghe tiếng crốp... crốp... phát ra từ đôi guốc tre hướng về nhà mình. Ai mời mụ cơ chứ!

- Này, tôi thấy chẳng có lí do gì để mụ Lùng qua lại nhà ta!

Nghe gã lẩm bẩm, vợ gã tỉnh khô:

- Thì có ai mời! Với lại rước của nợ kia về nuôi xem ra mụ nói cũng đúng; chỉ bĩnh bậy khắp nhà với ăn vụng là giỏi.

- Im đi nhá... Tôi chẳng thèm chấp cái hạng ấy!

Nhìn gã giãy nảy như chạm nọc, vợ gã ngoảnh mặt ra của vẻ mãn nguyện rồi "hứ" một tiếng dài qua mũi.

Con vàng ngày một lớn. Âm thanh crốp, crốp... phát ra từ đôi guốc tre dưới chân mụ Lùng vẫn thường vang trước cửa gã. Nhiều khi nhìn mụ thẽ thọt bên mái đầu luôn gật của vợ mình, gã không hiểu mụ đang nói gì. Trong lòng đã thấy ghét lắm. "Khỉ thật, ba đời nhà nó sao lòi ra cái giống xấu thế, đàn bà mà có khuôn mặt đàn ông, da bì, răng dài, cặp môi thâm sì lúc nào cũng dính điếu thuốc sâu kèn, giọng thì rền rền, khê khê hệt tiếng thanh la vỡ mặt, đã thế lại luôn có cái tật thọc ngón tay trỏ vào lỗ múi ngoay ngoáy, cậy gỉ. Đến bữa bưng bát cơm, nghĩ đến cái tay mắn thô ấy thức ăn bỗng ứ đầy miệng chực thổ. Thế mà vẫn có đứa lấy làm vợ. Cái đồ gọi là chồng ấy xem ra không đến nỗi nào sao ngu đụt đến vậy? Kém mụ mười sáu tuổi, trai tân hẳn hoi, còn mụ đã có hai con riêng, cả hai đều không biết bố mình là ai? Đã hơn tứ tuần nhưng nghe nói "khoản ấy" mụ còn mạnh lắm, đồ "ngu đụt" kia vẫn thường phải trốn vợ như bị quỷ quấy. Mỗi lần như vậy mụ lồng lên như hổ đói tìm mồi. Tóm được gã ở đống rơm hay bụi cây nào đó mụ nắm tay lôi xềnh xệch về như bắt được đứa trẻ bị điểm kém bỏ trốn vì sợ mẹ đánh. Nhưng "đứa trẻ bị điểm kém" ấy cũng đã có với mụ ba mặt con. Đứa lớn tên là Ẹt, nó mười lăm tuổi, khác với vẻ thô lậu của mẹ, con bé xinh đẹp khác thường. Nó thường sang nhà gã với cái ống cân trên tay khi nhà nó hết gạo đổ vào nồi. Trước vẻ dửng dưng của gã, đôi chân nó cứ díu lại ngoài cửa với vẻ sợ hãi. Nhiều lúc nhìn bộ dạng thảm hại của nó, gã thoáng chạnh lòng bối rối, ghét vợ chồng mụ Lùng đâm không ưa cả nó, thế là không công bằng, gã thấy mình ích kỷ đáng trách.

Từ khi con vàng có mang, gã càng chăm lo bảo vệ nó hơn. Trước khi đến công sở gã thường nhốt nó vào gian nhà ngang đầu hồi rồi cẩn thận khoá lại. Trưa nay đi làm về, dựa chiếc xe đạp ngoài cổng, vừa bước vào sân gã bỗng sững người "Ai như con Ẹt...? Nó đang vuốt ve âu yếm con vàng xem ra có vẻ thân thiết lắm...".

Gã nhớ sớm nay mình cũng đã nhốt con vàng, sao giờ nó lại ngoài này? Gã khẽ hắng giọng. Tiếng động làm cho con Ẹt giật mình, nhìn thấy gã nó hốt hoảng, giọng run run:

- Hình như con vàng sắp đẻ, cháu thấy nó phá cửa rồi chạy lung tung ngoài này, nên cháu...

- Có lẽ vậy, nhưng không sao, chú đã về đây rồi... Cháu thấy con vàng ngoan đấy chứ?

- Vâng...! - Mắt con bé chợt long lanh.

- Cháu có thích một con thế này không?

Nghe hỏi, con bé nhìn gã gật đầu.

- Bao giờ nó sinh chú sẽ chọn cho một con mà nuôi.

- Cháu cám ơn, chú nhớ nhé, chọn cho cháu một con vàng... Chào chú cháu về.

Con Ẹt chạy nhanh ra cổng. Thoáng trong nắng thu, gã thấy bàn tay xinh xắn của nó vẫy vẫy cùng đôi mắt tràn đầy niềm vui.

*

- Nhà mụ Lùng hôm nay có cỗ hay sao mà đông người thế?

Đi làm về đến nhà, thấy vợ tay vịn hàng rào, nhìn đám đông lố nhố trước cửa mụ Lùng, gã lên tiếng tò mò.

- Mụ Lùng hoá ra là mẹ "mìn" vừa lừa mấy đứa con gái qua biên giới, cái Ẹt con mụ cũng bị mụ bán mất rồi.

- Con Ẹt... con gái mụ? - Gã tròn mắt nhìn vợ - Còn mụ?

- Công an đến bắt, nhưng mụ đã trốn.

- Trốn! Biết ngay mà, hạng thối tha ăn thịt người.

"Con Ẹt, ôi cái con bé xinh đẹp" gã bỗng cảm thấy buồn, lòng thoáng ân hận về thái độ cư xử bất công của mình trước đây với nó.

Đêm. Đã khuya lắm nhưng gã vẫn không sao chợp được mắt. Vợ gã khẽ hỏi:

- Chưa ngủ sao?

- Ừ!

- Mụ Lùng thối tha, vô lương, con bé ngoan thế.

- Trước đây sao vẫn đi lại với mụ, xem ra còn thân thiết nữa cơ đấy!

- Ai thèm quan hệ, mụ tự dẫn xác đến, chỉ để hỏi vay tiền!

- Vay tiền...?

- Vay để buôn bán gì đó, nhưng nhà này đào đâu ra tiền.

Đầu óc gã chợt vẩn vơ. "Tiền, con người ta sao cần nhiều để làm gì cơ chứ? Cần đến mức bán cả con để tiêu xài kể cũng là lang sói. "Hổ dữ không ăn thịt con" nếu quả như thế ông "ba mươi" cũng đáng được nể trọng hơn cái đồ bất lương này nhiều.

Chợt có tiếng tru lên rùng rợn, rồi đuối lả thảm thiết, vợ gã giật thót mình.

- Nghe như tiếng khóc của ai ấy?

- Đâu như con vàng. Lại tru nữa rồi. Hình như có chuyện gì đó - gã thò chân khỏi giường, khua túi bụi trên mặt đất tìm dép.

- Chờ với!

Nhìn gã lao ra cửa, vợ gã cũng chân đất te tái chạy theo. Bóng điện nhà ngang bật sáng. Phía góc nhà con vàng nằm ghếch mõm, mặc cho vợ chồng gã đến gần, âm thanh âu... âu... u... u... u vẫn tru lên như tiếng khóc người câm.

- Nhìn kìa! - Vừa nói vợ gã vừa đến ngồi xuống bên con vàng. - Nó đã đẻ hình như chỉ có một con!? Mình nhìn xem, trời, sao nó lạnh ngắt? - Thị đưa bàn tay run run chạm vào cái xác cũng lạnh, đỏ hỏn như một cục máu. Đôi mắt con vàng nhìn thị như cầu cứu.

- Thôi nào để nó yên! - Gã biết sinh linh bé bỏng kia đã chết, cái chết của con vật bé bỏng không làm gã đau đớn lắm nhưng nó khiến gã phải động lòng vì nhiều lẽ, trong nhiều cái lẽ lẫn lộn không tên có cả tiếng tru của con vàng nghe hệt như tiếng khóc con. Chẳng lẽ giống vật này biết khóc sao? Chao ôi vợ gã kìa! Mặt thị đỏ cả lên rồi. Gã cứ nghĩ kẻ buồn lòng hơn cả là gã chứ không phải mụ vợ. Thế mà thị đang run lên vì xúc động, giọng nghe tắc ngang mũi.

- Không thể tin nó tru ai oán thảm thiết như tiếng khóc ấy. Anh gắng nịnh nó, đưa con nó ra khỏi đây và đem chôn cất tử tế, đừng vứt vào bờ bụi, làm thế tội nó lắm.

Nói xong thị đứng dậy bước vào nhà. Đã khuya gã vẫn nghe vợ thở dài trằn trọc. Trong mênh mông của đêm tháng mười, qua lỗ thủng mái ngói gã bắt gặp những chòm sao lấp lánh như ánh mắt của nỗi buồn ghé xuống căn nhà trống vắng. Dường như cùng lúc từ phía ấy gã nhìn thấy bàn tay nhỏ nhắn của con Ẹt giơ lên vẫy vẫy. Giờ Ẹt đang ở phương trời nào? Con chó vàng mà gã hứa sẽ cho nó đã chết rồi, nếu biết, chắc là nó buồn lắm.

Cao Bằng, tháng 11-1997

Cốt nhục - truyện ngắn của Cao Duy Sơn
Dog Lying in the Snow. Tranh của Franz Marc
Đọc truyện: Ngày biển động . Truyện ngắn dự thi của Lê Sơn Đọc truyện: Những ngôi sao xô lệch. Truyện ngắn dự thi của Minh Vũ Đọc truyện: Mật mã lạc quan. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Tiến Hóa Đọc truyện: Đời hoang. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Đình Tú Đọc truyện: Tiếng chuông chùa. Truyện ngắn dự thi của An Chinh
Văn nghệ Trẻ, số 7/1998
Hơn 1.000 nhà văn và chuyên gia xuất bản kêu gọi tẩy chay các Tổ chức Văn hóa Israel

Hơn 1.000 nhà văn và chuyên gia xuất bản kêu gọi tẩy chay các Tổ chức Văn hóa Israel

Baovannghe.vn - Sally Rooney, Arundhati Roy và Rachel Kushner cùng hơn 1.000 nhà văn, chuyên gia xuất bản đã ký một thư kêu gọi tẩy chay các tổ chức văn hóa Israel do cáo buộc họ "đồng lõa hoặc im lặng trước sự áp bức người Palestine." Thư kêu gọi này nhấn mạnh rằng các tác giả sẽ không hợp tác với các nhà xuất bản, lễ hội, hoặc cơ quan văn học Israel có hành vi vi phạm quyền của người Palestine.
Một tương lai tươi đẹp cho các em

Một tương lai tươi đẹp cho các em

Baovannghe.vn - Hẳn là đa phần các ông bố bà mẹ đều yêu thương con cái mình. Thế nhưng, có khi vì thiếu hiểu biết nên đã gây ra những tổn thương nơi những đứa trẻ... Tránh đi những ấn tượng xấu và tạo lập những giá trị tốt tích cực nơi tuổi thơ là cách chắc chắn để định hình xây dựng nên một tương lai tươi đẹp cho các em.
Trần Tiến, người sáng lập thể kí tự thuật trong văn xuôi Việt Nam từ năm 1764

Trần Tiến, người sáng lập thể kí tự thuật trong văn xuôi Việt Nam từ năm 1764

Baovannghe.vn - Trần Tiến người làng Điền Trì, tỉnh Hải Dương. Ông sinh giờ Dần ngày 18/11 năm Kỉ Sửu (1709), tên tự là Khiêm Đường, cũng có tên tự khác là Hậu Phủ, tên hiệu là Cát Xuyên, là con Tiến sĩ, Tham tụng Lễ bộ thượng thư - Diệu Quận Công Trần Cảnh, nhà nông học đầu tiên của Việt Nam.
Như Bình - người đàn bà đạp chân lên gai nhọn

Như Bình - người đàn bà đạp chân lên gai nhọn

Baovannghe.vn - Như Bình chọn tập viết là “tạp bút”, như một sự định danh thể loại hết sức linh hoạt, đủ không gian để trút vào con chữ những sắc thái biểu cảm.
Nhớ Thanh Tùng - Thơ Phùng Văn Khai

Nhớ Thanh Tùng - Thơ Phùng Văn Khai

Baovannghe.vn- Cảng - Phố - Thanh - Tùng/ Mùa phương Nam réo gọi