(Chú giải lại “Nghiên cứu bản đồ các cửa sông, hải cảng Việt Nam thế kỷ XV” của Dumoutier).
Tranh vẽ thuyền Nhật Bản khi đến Việt Nam vào thế kỷ 17. http://www.archives.go.jp/event/jp_vn45/english/ch02.html
“Nghiên cứu bản đồ các cửa sông, hải cảng Việt Nam thế kỷ XV” là một ấn phẩm sớm nhất hiện biết về địa lý học lịch sử, bản đồ học lịch sử, và lịch sử giao thông Việt Nam thời cổ của học giả người Pháp Gustave Dumoutier xuất bản năm 1895 chắc chắn đã là một tư liệu quan trọng, tham khảo đầu giường cho nhiều thế hệ học giả trong một thế kỷ qua. Nhưng phải đến lần xuất bản này vào năm 2020, lần đầu tiên chuyên luận này mới được dịch sang tiếng Việt và xuất bản một cách chính thức ở Việt Nam. Như tôi biết, đã có rất nhiều bạn đọc ở Việt Nam háo hức chờ đợi bản dịch tiếng Việt của cuốn sách. Bởi lẽ, tác phẩm này là một nghiên cứu về bản đồ cổ viết bằng Hán Nôm, được công bố bằng tiếng Pháp - thứ tiếng mà các bạn trẻ ham Anh ngữ ngày nay cũng không nhiều người đọc được, trong đó có tôi. Tuy nhiên, công trình này có một số lỗ hổng về văn bản học và sử liệu mà tôi nghĩ rằng cần phải thảo luận và chú giải lại để độc giả có sự phân tích, cẩn trọng khi sử dụng.
Như cái tên của nghiên cứu, tác giả đã bắt vít đích xác thời điểm biên soạn của cuốn Bản đồ mà ông có trong tay vào thế kỷ 15, ông xác quyết đây là một tập bản đồ được biên soạn vào thời vua Lê Thánh Tông, với lời trích sử liệu trong Đại Việt sử ký toàn thư (Toàn thư). Ông dựa vào Toàn thư mà khẳng định chắc rằng người vẽ bản đồ là thổ dân Nguyễn Vũ được vua Lê Thánh Tông sai vẽ sau năm 1471 (Ngô Sĩ Liên 1479/1998 T2: 448). Thế nhưng, nghiên cứu này không thấy có mô tả hiện trạng thư tịch, giám định niên đại biên soạn, giám định niên đại định bản, hệ thống truyền bản của văn bản được sử dụng. 25 trang văn và 25 trang bản đồ không có thông tin nào về tên bản đồ, người soạn, người vẽ, người chép. Thực chất đây là các bản đồ đã vẽ lại của Dumoutier trên một bản đồ cổ nào đó mà ta không biết được lai lịch. Tức là về mặt văn bản học người đọc ở thời điểm hiện tại hoàn toàn bị đóng sập cánh cửa để tìm hiểu về văn bản này. Và như chúng tôi sẽ chỉ ra, dù cố gắng sao chép nguyên xi với nỗ lực lớn nhất, tác giả cũng đã chép nhầm sao nhầm nhiều địa danh, nhiều văn tự nhầm lẫn, và các lỗi phiên âm, ấy là chưa kể cái sai vốn có của các bản đồ này, bởi như ta biết mỗi một bản đồ là tù nhân của thời đại sinh ra nó. Chúng tôi tạm đặt tên cho bản đồ này là Bản đồ Dumoutier (theo cách đánh số La Mã từ I đến XXV, các chữ số của địa danh đánh theo Dumoutier) để tiện kiểm chứng:
1. Cửa biển không được ghi tên thứ nhất trong bản đồ số IV. Phía trong cửa biển này có ghi “Ngã ba Non Nước” (我