Ta biết người này. Chàng vốn là thư sinh, con của ông đồ Cao, tự là Cao Đường, nhà ở cuối làng. Gần chục năm trước, người làng định đắp đôi tượng voi ở trước cửa đình để thờ phụng, nhưng đôi voi đắp xong thì trông thật khôi hài: cái thân gầy nhẳng, tứ chi không cân đối, thành ra chẳng có vẻ uy nghi như mường tượng. Lúc đó, có một cậu bé đã trèo lên tượng voi viết mấy dòng thơ, ngầm ý mỉa mai thói cắt xén công quỹ của viên Lý trưởng. Hắn tức lắm nhưng không làm gì được, chỉ biết đe doạ ông đồ dạy con cho cẩn thận, vì thằng bé có mầm mống phản loạn. Ta đã thầm để ý con trai út của ông đồ kể từ dạo ấy.
Viết xong dòng thơ, chàng buông kiếm, đứng trầm mặc dưới những cánh hoa rơi lả tả. Lần này là câu thơ gì đây - ta nấp đằng sau bóng cây tùng, không thể ngừng tò mò. Bỗng từ trong làn gió lạnh buốt, chàng cất tiếng hỏi:
- Cô là ai?
Trên vai mang gùi măng, ta ngại ngùng bước ra.
- Tôi đi hái măng, tình cờ ghé ngang đây…
Sợ chàng cười nhạo nên ta bẽn lẽn cúi đầu. Nhưng chàng chỉ nhẹ nhàng nói:
- Cô lại đây xem thử đôi dòng thơ này! Cô có hiểu gì không?
Ta lại gần, nhìn chăm chú xuống mặt đất. Dòng thi pháp được viết bằng kiếm pháp, có nét cứng cỏi như cây rừng, lại có nét mềm mại như dòng sông. Ta lí nhí đáp:
- Xin thứ lỗi cho tôi ít học nên chưa hiểu được trọn vẹn ý tứ…
Chàng ngẩng mặt lên trời xanh, cao giọng ngâm: Thập tải luân giao cầu cổ kiếm / Nhất sinh đê thủ bái mai hoa(1). Nghĩa là: Mười năm giao du trong thiên hạ để đi tìm thanh kiếm cổ? Một đời chỉ biết cúi lạy trước hoa mai.
Rồi chàng quay sang nhìn ta, mỉm cười độ lượng.
- Không sao. Một ngày nào đó cô sẽ hiểu. Lần nào ta lên núi luyện kiếm cũng thấy cô đứng nấp ở đằng kia. Nếu đã hữu duyên như vậy, cô có đồng ý kết nghĩa phu thê…
Tranh minh họa. Nguồn pinterest. |
*
Sớm tinh sương năm ấy, ta chuẩn bị cơm nước, lều chõng cho chồng đi thi. Ra đến cửa, chàng nắm lấy tay ta bùi ngùi:
- Cảm ơn nàng đã chăm sóc. Nợ nước, tình nhà, ta nhất định sẽ trả!
Chừng mươi ngày sau chàng viết thư về báo tin đã đỗ Á Nguyên. Cả làng đều vui mừng. Chồng ta từ nhỏ đã nổi tiếng văn hay chữ tốt, lại thông minh, chăm chỉ, người làng ai cần biên giấy tờ gì đều đến nhờ vả chàng. Lúc ta đang chuẩn bị làm tiệc thết đãi, thì bóng chàng từ đằng xa trở về, mặt buồn rười rượi. Không biết chàng đã đắc tội gì với ai mà từ vị trí Á Nguyên lại bị xếp xuống cuối bảng.
Năm sau, chàng lại khăn gói đi thi. Mười năm đằng đẵng trôi qua, chưa một lần thi đỗ. Cha chồng ta lấy làm thất vọng lắm, không khi nào thôi thúc giục chàng vào kinh làm thân với các quan trong triều, đợi một ngày được họ chú ý mà ban cho một chức quan nhỏ. Chàng cũng ngậm đắng nuốt cay đến nhà quan lớn chầu chực, nhưng tính tình khảng khái làm sao đấu lại những kẻ giỏi khua môi múa mép. Mộng quan trường như đã tan tành mây khói. Chàng ở lại quê nhà nối nghiệp gia đình mở lớp dạy học cho lũ trẻ.
Trong một lần chàng đi vắng, có quan tri huyện họ Lưu vốn là học trò cũ của cha chồng ta ghé chơi. Ta ở dưới bếp nghe hai người họ trò chuyện. Quan họ Lưu nói:
- Hội đồng khảo thí cứ nghe đến cái tên Cao Đường là mặt mày tái mét. Năm nào bài thi của hắn cũng đầy lời lẽ đả kích, chê bai cả bộ máy triều đình. Thử hỏi hắn muốn làm quan mà không biết trên biết dưới, lại tỏ thái độ ngông cuồng ngạo mạn, thì ai mà chấp nhận cho nổi!
Đợi quan họ Lưu về, cha chồng kéo ta ra một góc trách mắng:
- Cô làm vợ mà không biết khuyên bảo chồng, để nó khinh rẻ học hành, đi giao du với phường giang hồ thảo khấu, tan nát cả đường công danh!
Chiều hôm ấy chồng ta về nhà, trên tay cầm một thanh kiếm, chàng khoe được một người bạn tặng. Cả nhà không ai nói gì suốt cả bữa cơm. Tối đến, nằm bên cạnh chàng, ta thủ thỉ hỏi:
- Chàng đã viết gì trong những bài thi?
Chàng đáp:
- Viết về những mong ước của ta. Về một đất nước được trị vì bởi minh quân, nhân dân được ấm no, con người sống theo lẽ phải, hoà thuận, đạo đức…
Ánh mắt chàng bỗng đượm buồn.
- Nàng thất vọng về ta lắm phải không?
- Không! Thiếp rất tự hào về chàng.Mùa xuân năm sau, ta khăn gói theo chồng lên kinh nhận chức. Không biết cha chồng ta đã nhờ vả, lo lót kiểu gì mà chàng được quan huyện tiến cử lên quan tỉnh, rồi quan tỉnh tiến cử lên kinh thành, để chàng được nhận một chức quan nhỏ là trông coi sổ sách của triều đình.
Dọc đường đi, than ôi biết bao cảnh tượng đau lòng. Lúa nằm trơ gốc. Châu chấu bay xập xoè trên những cánh đồng. Người nông dân lay lắt khóc than. Quan binh đang áp giải những người chưa nộp đủ tô thuế. Tiếng kêu cứu rầm trời. Bóng người đi lại vất vưởng. Đằng kia, một cụ già đang nằm co ro không manh áo. Chồng ta cởi áo ngoài đắp lên cơ thể trơ xương của cụ. Mắt chàng nhỏ lệ.
- Cụ ơi, sao lại ra nông nỗi này…
Đi thêm vài bước, một thiếu phụ bồng con nắm lấy chân chúng ta.
- Ông ơi, làm ơn cho tôi chút gì để ăn! Đứa bé đang khát sữa…
Ta đưa cho cô một chiếc bánh. Cô nhai ngấu nghiến, trợn mắt nuốt.
Chồng ta vỗ vào lưng cô.
- Thong thả, thong thả thôi. Ăn như vậy làm sao thấy no được.
Thiếu phụ hai hàng nước mắt, nắm lấy tay chồng ta.
- Ông sắp lên kinh thành phải không? Nhờ ông nhắn với các quan phụ mẫu trên ấy rằng dân đen đang khốn khổ, còn các ông đang vui chơi hưởng lạc ở chốn nào mà sao không nhìn thấy?
Chưa bao giờ ta thấy sự tan nát hiện rõ trong ánh mắt của chồng ta đến vậy.
*
Thời gian chồng vào triều làm việc, ta ở nhà cơm nước dọn dẹp, rảnh rỗi lại lấy mấy tập thơ cũ của chàng ra đọc. Chàng đã làm thơ từ rất sớm, biết bao là tâm sự hoài bão của kẻ sĩ, dạt dào lòng ái quốc trung quân, khát khao đem sức lực giúp đời. Ta nghĩ mà thương cho chàng tài cao phận thấp.
Dạo này trong cung rộn lên cái thú làm thơ. Một vị hoàng thân còn lập ra hội thơ đặt tên là Thanh Vân thi xã để các quan lại trong triều đến họp mặt, thi thố tài nghệ. Chồng ta cũng tham gia và kết thân được với vài người ở đó, nhưng mục đích chính của chàng là để lân la dò hỏi tin tức về những sách lược của triều đình. Có lần chàng hỏi hai người bạn thơ, một người họ Nguyễn, một người họ Lý rằng:
- Dân chúng đang khốn khổ vì hạn hán, mất mùa, sưu cao thuế nặng, quan lại địa phương nhũng nhiễu hạch sách, không rõ ở trên đã có đối sách gì chưa?
Người họ Lý đáp:
- Đó là chuyện của hoàng thượng và các quan bề trên, phận hèn chức mọn như chúng ta làm sao biết được.
Người họ Nguyễn cười cười:
- Ở đây chỉ nên bàn chuyện thơ thôi!
Danh tiếng của Thanh Vân thi xã ngày càng lan rộng, đến tai Thiên tử. Nghe đâu nhà vua cũng ưa thích cái thú chơi tao nhã này. Một đêm trăng Người đã ghé qua. Đứng giữa quần thần, Người lim dim mắt mơ màng ngâm nga những câu thơ sang trọng. Xung quanh chăm chú gật gù, trước khi bùng lên những tràng vỗ tay và lời ca tụng không ngớt. Duy chỉ có chồng ta không động đậy. Mấy người đứng kế bên huých vào vai chàng.
- Anh làm gì thế? Không biết phép tắc à?
Nhà vua hình như đã nghe thấy. Người hỏi:
- Ngươi cảm thấy đoạn thơ vừa rồi thế nào?
Chồng ta suy nghĩ một lúc rồi đáp:
- Tâu hoàng thượng, sở dĩ thần im lặng là vì cảm thấy đoạn thơ vừa rồi khá quen thuộc, hình như đã nghe ở đâu đó.
Xung quanh im phăng phắc, không một tiếng thở mạnh. Nhà vua tái mặt. Người hỏi tên cận thần đứng cạnh:
- Hắn là ai?
- Thưa, hắn tên Cao Đường, là kẻ năm nào cũng viết những lời lẽ bất kính vào bài thi!
- Thì ra là hắn!
Nhà vua lấy lại vẻ điềm tĩnh, nhìn thẳng vào mắt chồng ta.
- Nếu ngươi nói đoạn thơ vừa rồi quen thuộc, chẳng khác nào nói Trẫm đã đạo thơ! Vậy Trẫm lệnh cho ngươi phải đọc được bài thơ gốc để chứng minh ngươi không nói láo.
- Thưa vâng.
Chồng ta chỉnh lại áo xống, bước ra chính giữa, nhìn về phía vầng trăng vằng vặc. Từ bốn câu thơ ban đầu của nhà vua, chàng biến tấu thêm mười sáu câu nữa, nhịp thơ ào ạt như cơn sóng lòng, lời thơ ai oán như rút ra từ ruột gan, chỉ mười sáu câu nhưng hiện ra biết bao cảnh tang thương của dân chúng. Không khí chùng xuống. Có người trách chàng đã làm hỏng một đêm thơ tao nhã, có người lại lo sợ nhà vua nổi giận. Nhà vua hắng giọng nói:
- Nếu quả thật có một bài thơ gốc như ngươi vừa ngâm, thì chắc là Trẫm đã nghe ở đâu đó mà không nhớ. Còn nếu bài thơ vừa rồi do ngươi nhất thời nghĩ ra, thì ngươi cũng là bậc kỳ tài, Trẫm sẽ không trách tội. Hôm nay tình cờ ghé ngang, vui chơi đến đây thôi, Trẫm về trước, các ngươi cứ ở lại đàm đạo.
Nói xong, nhà vua phất áo bỏ đi.
*
Một năm sau, ta được tin chồng bị cách chức, phạt tù ba năm vì tội làm trái quy định trong triều. Mãn hạn tù, chàng lại bị đày ra biên thuỳ làm công cán. Ta về quê chăm sóc cha mẹ già và con nhỏ. Thời gian này, bầu không khí khắp nơi vô cùng căng thẳng. Quân lính địa phương cứ thấy đám đông tụ tập là lập tức đến giải tán. Thỉnh thoảng lại rộ lên tin tức một cuộc khởi nghĩa ở đâu đó. Nhưng tất cả đều bị dập tắt, bọn lính đem thủ cấp của những người lãnh đạo đi bêu rếu khắp nơi, không khỏi khiến người ta hoảng sợ.
Cha chồng ta vì buồn rầu mà sinh bệnh nặng. Cứ chiều đến, ông lại thẫn thờ ra cửa ngóng con trai. Có lúc lại lôi sách vở của chàng ra lau chùi, rồi than thở cho giấc mộng không thành của cả gia đình. Một thời gian sau, ông mất. Chồng ta được cho phép về nhà chịu tang. Triều đình cho chàng được phục chức, nhưng chàng lấy lý do ở lại chăm sóc mẹ già để từ chối lên kinh. Từ ngày chàng về, có nhiều khách lạ đến nhà. Người nào cũng bặm trợn, không giống với những bạn thơ của chàng ngày trước. Họ thường ở lại nhà ta bàn công chuyện đến tận khuya.
Có hôm ta thấy chàng đốt một đống lửa ở trước sân nhà. Chàng ngồi đối diện ánh lửa, trên tay cầm những tập thơ của chính mình. Đọc xong trang nào, chàng xé trang ấy thảy vào đống lửa. Ta đến gần ngồi cạnh bên chàng. Ba mươi năm bên nhau, mái tóc của chúng ta đều đã điểm bạc. Trở về từ tù tội và chuyến đi đày, gương mặt chàng cũng dạn dày sương gió, không còn nét phong lưu tài tử ngày trước. Trong tiếng lửa lách tách, chàng nói:
- Ta đã từng xem thơ là hương thơm của tâm hồn người thi sĩ, nhưng kể từ khi thấy bọn rác rưởi dụng thơ như một thứ trang sức vô hồn trên môi miệng, ta đã khinh miệt và chán chường tất cả. Ta đã từng nghĩ phụng sự triều đình là trách nhiệm của kẻ sĩ, nhưng khi nhận ra triều đại này không còn luân lý, ta không thể phụng sự, mà phải xoay chuyển nó.
Lời của chàng nửa như giãi bày, nửa như báo trước một điều to lớn sắp xảy ra. Ta không ngạc nhiên. Ta biết với tính khí của chàng, chuyện này sớm muộn cũng đến.
Mặt trời đỏ lẩn đi đằng nào
Để dân đen than thở mãi(2)
Đó là những dòng thơ cuối cùng chàng ném vào đống lửa.
*
Nghĩa quân làm lễ tuyên thệ trong rừng.
Chồng ta đã kêu gọi các thổ hào địa phương, bạn bè và học trò cũ mấy trăm người ngày đêm luyện tập chiến đấu. Họ cũng đã có được những chiến thắng đầu tiên, khí thế ngày càng hừng hực, danh tiếng lan khắp vùng. Quân triều đình lùng sục khắp nơi. Nhiều cuộc khởi nghĩa liên tiếp nổ ra. Nhiều người bị bắt oan. Mùi máu tanh lẩn trong không khí, hoà cùng tiếng kêu khóc rầm trời của dân chúng.
Một hôm, ta trông thấy bóng một người xuất hiện từ đằng xa, dáng đi lảo đảo. Lại gần, thì ra đó là Thuận, người học trò yêu dấu của chồng ta. Thuận hình như đã bị thương, một tay nó ôm chặt bờ vai đang rỉ máu, tay còn lại nắm lấy tay ta, hổn hển nói:
- Nghĩa quân đã bị đột kích trong rừng, do có mật thám chỉ điểm. Bây giờ đang đánh nhau kịch liệt. Thầy đã dặn con nếu có chuyện bất trắc xảy ra nhất định phải dẫn cô và cả nhà đến nơi an toàn. Mọi người hãy mau chuẩn bị rời khỏi đây ngay!
Ta chỉ kịp thu xếp mấy bộ quần áo, rồi cùng mẹ già và con nhỏ đi theo Thuận. Trên núi có một hang động bị mấy bụi cây che khuất, Thuận bảo ta hãy vào đó ở tạm cho đến khi mọi việc lắng xuống. Khi thấy tất cả đã ngồi yên ổn trong hang, Thuận ngoảnh đi. Ta vội chạy theo hỏi:
- Con định đi đâu?
Nó quay lại, nở nụ cười trên gương mặt xanh tái.
- Con phải quay về chiến đấu cùng anh em tới hơi thở cuối cùng!
Có lẽ vì nhìn thấy vẻ bi thương trên gương mặt ta, giọng nó bỗng chùng xuống.
- Thầy từng nói với con rằng điều hối tiếc nhất trong cuộc đời thầy là đã làm liên lụy đến cô…
Ta hít một hơi thật sâu, nắm lấy tay Thuận dặn dò.
- Con hãy về nói với thầy rằng, điều duy nhất mà cô không bao giờ thấy hối tiếc trong cả cuộc đời, là được làm vợ của bậc chính nhân quân tử.
Thuận gật đầu, khẽ mím chặt môi, rồi quay đi.
*
Quân triều đình đã bắt giữ những người lãnh đạo khởi nghĩa, chúng định giờ Ngọ hôm nay sẽ xử tử để cảnh cáo dân chúng. Sáng sớm, ta ra bờ suối tắm rửa sạch sẽ, hái một ít trái cây rừng đem về hang, rồi khoác thêm áo ngoài, đeo mạng che mặt. Con trai hỏi mẹ định đi đâu. Ta nói trên núi Yên Sơn có một cây mai. Ta đến đó để từ biệt cha của con.
Hôm đó cũng là một ngày cuối đông, tiết trời se lạnh. Đường lên núi ngoằn ngoèo, rải rác những nụ măng mới nhú. Ba mươi năm rồi, cây mai vẫn ở đó, hoa trắng, nhuỵ vàng, thân thẳng, nhã nhặn vươn giữa trời xanh. Ta đứng dưới tán cây, ngậm ngùi bẻ một cành giấu vào vạt áo. Hoa mai ơi hỡi hoa mai, ngươi trắng trong làm sao trước lòng dạ con người…
Giờ Ngọ đã gần tới, ta chạy vội xuống núi, bàn chân giẫm gai rướm máu. Ra đến chợ, ta chen vào giữa đám đông, nơi người ta đang đứng xem cuộc hành quyết. Trên đoạn đầu đài, chồng ta bị trói toàn thân, cạnh đó là một tên đao phủ. Ta rướn người về phía trước, cố ý để chàng nhìn thấy. Khi bắt gặp ánh mắt của nhau, vẻ mặt chàng thoáng đau khổ. Ta gạt nước mắt, lấy cành mai từ trong vạt áo ra, hai tay dâng lên như lời tạ từ, để cái chết của chàng được trang nghiêm. Chàng nhìn cành hoa, khẽ nở nụ cười bình thản lạ thường.
Nguồn Văn nghệ số 3/2022
-------------
1. Tương truyền đây là câu đối của Cao Bá Quát. Nhưng cũng có tài liệu cho rằng đây là câu thơ của Ngải Tuấn Mỹ - tri phủ Hán Dương, đề tặng Nguyễn Tư Giản - sứ thần nhà Nguyễn.
2. Trích từ thi phẩm “Đối vũ” của Cao Bá Quát