Từng là điểm đến lễ hội hàng đầu của cả nước, nhưng 3 năm qua (2020-2021 và 2022), nhiều hoạt động của Đà Nẵng dần đi vào trầm lắng. Đã có nhìn nhận thẳng thắn từ chính cơ quan quản lý của thành phố “với quy mô giảm dần nhiều sự kiện văn hoá đặc sắc, hoành tráng xứng tầm, đã khiến Đà Nẵng cũng giảm dần hình ảnh, sức hấp dẫn và vị trí của một thành phố trọng điểm khu vực miền Trung”.
Nguyên nhân hàng đầu, có tác động trực tiếp đến vấn đề là kinh phí. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao Đà Nẵng về thực trạng và giải pháp…
Ông Phạm Tấn Xử, Giám đốc Sở Văn hóa – Thế Thao thành phố Đà Nẵng tại lễ phát động Cuộc thi phim ngắn Đà Nẵng |
PV: Thời gian qua, hoạt động/sự kiện văn hóa – nghệ thuật trên địa bàn Đà Nẵng có phần trầm lắng, được biết, sau đại dịch COVID-19, nguồn lực kinh phí bố trí cho hoạt động văn hóa đã hạn chế hơn trước rất nhiều, thưa ông, cụ thể vấn đề này như thế nào ?
Ông Phạm Tấn Xử, Giám đốc Sở Văn hóa – Thế Thao thành phố Đà Nẵng:
Nguồn kinh phí ngân sách dành cho ngành Văn hóa và Thể thao được phân bổ hàng năm cơ bản đáp ứng được các nhiệm vụ chính trị được giao. Đối với hoạt động/sự kiện văn hóa – nghệ thuật lớn cần phải dành nguồn lực kinh phí lớn và cần phải có công tác xã hội hóa nguồn lực đầu tư.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid, nguồn lực kinh phí xã hội hóa cho các hoạt động sự kiện này gặp khó khăn do tình hình khó khăn chung của nhiều doanh nghiệp.
PV: Tương tự, các đề án như: Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn thành phố trong giai đoạn 2021 - 2025”; đề án “Phát triển hệ thống thư viện công cộng thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021 -2025”; đề án “Tổ chức các sự kiện, lễ hội đặc sắc gắn liền với hoạt động kinh tế đêm, giai đoạn 2022 - 2025”; đề án “Phát triển hệ thống thiết chế văn hóa thể thao cơ sở trên địa bàn thành phố đến năm 2025” cũng bị chậm tiến độ, do hạn chế bởi kinh phí đầu tư, thưa Ông ?
Ông Phạm Tấn Xử, Giám đốc Sở Văn hóa – Thế Thao thành phố Đà Nẵng:
Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đến nay vẫn gây ra nhiều tác động rất lớn đến kinh tế - xã hội của Việt Nam nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng và hoạt động quản lý nhà nước của ngành VH- TT chúng tôi cũng không là ngoại lệ.
Sau đại dịch, nguồn lực của Thành phố phải tập trung vào nhiều vấn đề, công việc có tính cấp bách hơn, do đó hầu hết các đề án chưa được bố trí kinh phí triển khai trong năm 2022, ảnh hưởng tới tiến độ và mục tiêu đề ra cho các Đề án.
Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn chung của cả nước và thành phố, ngành VH-TT rất chia sẻ và đã chủ động, linh hoạt lồng ghép, điều chỉnh quy mô, hình thức để triển khai một số nội dung, nhiệm vụ theo lộ trình các đề án đã đề ra, dù chưa đạt được mức độ kỳ vọng nhưng ngành chúng tôi cũng có thu hoạch được một số kết quả.
Đối với đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn thành phố trong giai đoạn 2021 - 2025”: năm 2022, ngành VHTT đã tham mưu xếp hạng 4 di tích cấp thành phố, phê duyệt “Đề cương trưng bày Bảo tàng Đà Nẵng tại cơ sở mới 42-44 Bạch Đằng”; Bia ma nhai Ngũ Hành Sơn được UNESCO công nhận là di sản tư liệu Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương; triển khai các dự án tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích Thành Điện Hải giai đoạn 2; dự án nâng cấp, cải tạo cơ sở 42 Bạch Đằng làm Bảo tàng Đà Nẵng; dự án Bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan. Năm 2023, ngành đã chủ động tham mưu thành phố tiếp tục quan tâm và bố trí kế hoạch vốn để bảo tồn, tôn tạo các di tích trên địa bàn thành phố (13 di tích thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư).
Với đề án “Phát triển hệ thống thư viện công cộng thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021 -2025” thì mạng lưới thư viện công cộng thành phố Đà Nẵng được quan tâm đầu tư phát triển từ thành phố đến xã, phường, khu dân cư (6/7 quận huyện có thư viện; 17/56 xã, phường có phòng đọc sách cơ sở); nhiều hoạt động từ thành phố tới quận huyện được tổ chức hưởng ứng Văn hóa đọc nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21/4), Ngày Bản quyền thế giới (23/4), hay Ngày hội Văn hóa đọc Đà Nẵng, Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc…. các sự kiện đã thu hút sự quan tâm của nhân dân thành phố, từ đó hình thành thói quen đọc sách, phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.
Về đề án “Tổ chức các sự kiện, lễ hội đặc sắc gắn liền với hoạt động kinh tế đêm, giai đoạn 2022 - 2025”: Năm 2022, không được cấp kinh phí triển khai kế hoạch tổ chức sự kiện lớn.
Tuy nhiên, đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân thành phố được đảm bảo tương đối thông qua các hoạt động chuyên môn của ngành VHTT như: Kế hoạch hai bên bờ sông Hàn với 13 hoạt động định kỳ và 37 hoạt động văn hóa - lễ hội thường niên được tổ chức trong các dịp lễ, tết, ngày kỷ niệm; lĩnh vực thể thao sôi động với cuộc thi Marathon Quốc tế Đà Nẵng năm 2022 đã thu hút gần 5.000 VĐV tham dự, cuộc thi IRONMAN 70.3, SPRINT VÀ IRONKIDS thu hút hơn 2.500 VĐV tham dự...
Đề án “Phát triển hệ thống thiết chế văn hóa thể thao cơ sở trên địa bàn thành phố đến năm 2025": đã nhận được quan tâm đầu tư và có chuyển biến tích cực so với thời điểm ban hành (năm 2020) từ cấp thành phố đến cấp quận/huyện và phường/xã. Đến nay, đã có 31 nhà văn hóa, 32 khu thể thao, 12 khu vui chơi giải trí và 15 công viên, vườn dạo. So với năm 2020 đã tăng thêm được 5 Trung tâm VHTT phường, xã.
Triển lãm trực tuyến tại Bảo tàng Đà Nẵng |
PV: Trong bối cảnh tác động của giai đoạn hậu đại dịch COVID-19 còn kéo dài, sự điều tiết của nguồn chi ngân sách sẽ hướng đến nhiều vấn đề cấp thiết (phục hồi kinh tế, bảo đảm an sinh), nguồn chi cho các hoạt động/sự kiện văn hóa, nghệ thuật, chắc chắn nhất định hạn hẹp, lãnh đạo Ngành văn hóa thành phố sẽ tháo gỡ khó khăn về kinh phí như vừa qua bằng biện pháp, giải pháp gì ?
Ông Phạm Tấn Xử, Giám đốc Sở Văn hóa – Thế Thao thành phố Đà Nẵng:
Tác động của giai đoạn hậu đại dịch COID-19 còn kéo dài cùng với những bất ổn của tình hình chính trị thế giới, nguồn chi ngân sách của thành phố sẽ phải gánh thêm nhiều vấn đề cấp thiết là điều trong chúng ta ai cũng nhìn nhận được; tuy nhiên, hơn lúc nào hết, việc duy trì, tổ chức các hoạt động/sự kiện văn hóa, nghệ thuật như một món ăn tinh thần phục vụ cải thiện, nâng cao chất lượng đời sống cho nhân dân cũng như tạo nên nhiều sản phẩm mới góp phần phát triển du lịch lại cũng trở nên cấp thiết.
Ngay từ đầu năm 2023, ngành chúng tôi đã chủ động tham mưu, đề xuất lãnh đạo thành phố: Đẩy mạnh việc triển khai các Đề án và tổ chức các sự kiện văn hóa, nghệ thuật theo tiến độ đề ra. Tiếp tục phối hợp các đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất UBND thành phố một số giải pháp huy động nguồn lực xã hội hóa các hoạt động văn hóa: chính sách ưu đãi, khuyến khích các thành phần xã hội và toàn dân cùng tham gia đầu tư, tổ chức các hoạt động văn hóa (hỗ trợ địa điểm, tuyên truyền trực quan...); tổ chức sự kiện văn hóa, nghệ thuật theo hình thức công – tư phối hợp.
Tham mưu xây dựng quy trình phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị trong quá trình tổ chức, hỗ trợ về địa điểm công cộng cho việc tổ chức các sự kiện văn hóa, xã hội... Hy vọng, thời gian đến, với nhiều nỗ lực của ngành VHTT, sự phối hợp của các ngành và sự ủng hộ của anh chị em báo chí gắn bó với Ngành, các hoạt động văn hóa thể thao sẽ tiếp tục được lan tỏa, tạo được không khí sôi nổi, kết nối được sự chung tay từ cộng đồng. Chúng ta cùng nhau xây dựng Đà Nẵng trở thành một điểm đến được yêu thích với đa dạng các hoạt động “đậm sắc đặc trưng Đà Nẵng”.
PV” Được biết, năm 2023, Sở nêu quyết tâm “tiếp tục triển khai thực hiện Đề án sử dụng tài sản công nhằm khai thác tối đa mặt bằng, cơ sở vật chất của ngành”, vậy kế hoạch và lộ trình cho đề án này sẽ bao gồm những gì để không lãng phí nguồn lực ?
Ông Phạm Tấn Xử, Giám đốc Sở Văn hóa – Thế Thao thành phố Đà Nẵng:
Trong những năm qua, ngành VHTT là đơn vị dẫn đầu trong công tác triển khai thực hiện Đề án sử dụng tài sản công theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian đến Sở sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị sự nghiệp trong ngành nghiên cứu, đề xuất khai thác, phát huy hiệu quả việc sử dụng tài sản công theo đúng quy định của Luật. Trước mắt chỉ đạo bảo tàng Điêu khắc Chăm tổ chức đấu giá theo Đề án đã được phê duyệt. Chỉ đạo Bảo tàng Mỹ thuật, Trung tâm Huấn luyện đào tạo vận động viên hoàn thiện các hồ sơ pháp lý để trình Đề án khai thác tài sản công tại Bảo tàng Mỹ thuật, Bể bơi thành tích cao, Nhà tập võ Teakwondo,...
PV: Trong báo cáo tổng kết năm 2022, lãnh đạo Ngành cũng thẳng thắn nhìn nhận “chuyển đổi số là nội dung quan trọng nhưng ngành chưa có nhiều nguồn lực để triển khai thực hiện đạt hiệu quả cao”; ngoài kinh phí, lãnh đạo Ngành cũng nhìn nhận thêm “nguồn nhân lực có chuyên môn nghiệp vụ và được đào tạo bài bản về công nghệ thông tin, chuyển đổi số còn hạn chế”; vậy thực trạng và giải pháp cho yêu cầu chuyển đổi số của Ngành sẽ như thế nào ?
Quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng vừa đầu tư tổ chức thành công Lễ hội Cầu ngư 2023 – nét văn hóa đặc sắc của ngư dân miền biển từ bao đời. -Ảnh: T.Ngọc |
Ông Phạm Tấn Xử, Giám đốc Sở Văn hóa – Thế Thao thành phố Đà Nẵng:
Với đặc thù là Sở đa ngành, đa lĩnh vực (văn hóa, thể thao và gia đình) với nhiều chức năng, nhiệm vụ, trong khi đó nguồn lực con người, cơ sở hạ tầng và kinh phí đầu tư cho công nghệ thông tin chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Nguồn nhân lực công nghệ thông tin rất mỏng (chiếm tỷ lệ 2% tổng nhân lực toàn ngành), phải kiêm nhiệm thêm các nhiệm vụ khác nên chưa có điều kiện tập trung nghiên cứu, theo dõi, cập nhật các xu hướng công nghệ mới để đảm bảo triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số; đồng thời nguồn kinh phí chi cho hoạt động công nghệ thông tin hạn chế nên kết quả hoạt động chuyển đổi số của ngành đạt hiệu quả chưa cao.
Trước thực trạng đó, ngành VHTT đã đề xuất một số giải pháp tại Kế hoạch chuyển đổi số ngành Văn hóa và Thể thao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, theo hướng tập trung quán triệt, tuyên truyền nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác chuyển đổi số, thích ứng với bối cảnh thế giới và Việt Nam; chủ động, linh hoạt vận dụng nguồn lực đã có của ngành: triển khai chuyên mục “Chuyển đổi số” trên Website của Sở.
Đặc biệt, sử dụng, vận hành và khai thác hiệu quả các phần mềm Quản lý Văn bản và Điều hành và các phần mềm chuyên ngành do Sở đảm nhận xây dựng: phần mềm quản lý Quảng cáo, phần mềm quản lý nhà nước chuyên ngành văn hóa, thể thao và gia đình, phần mềm Quản lý Thư viện, phần mềm quản lý hiện vật,…; ứng dụng công nghệ số tối đa trong các hoạt động chuyên môn: tiếp nhận và xử lý thủ tục hành chính một cửa và ngoài một cửa; chia sẻ dữ liệu phục vụ Chính quyền số; xử lý bằng hồ sơ điện tử, không dùng bản giấy…
Thời gian tới, ngành tập trung tham mưu triển khai Kế hoạch chuyển đổi số đã ban hành, trọng tâm là triển khai xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu số về di sản văn hóa phục vụ cho hoạt động nghiên cứu, trưng bày, giáo dục và giới thiệu về di sản văn hóa trong không gian số; Xây dựng hệ thống phần mềm lưu trữ, quản lý và khai thác tài nguyên số ngành văn hóa và thể thao; số hóa dữ liệu trên nền tảng kỹ thuật công nghệ 4.0; xây dựng các hệ thống: bản đồ số 3D di sản văn hóa; tên đường và công trình công cộng; quản lý và phát hành phim trực tuyến; không gian triển lãm giới thiệu và trải nghiệm trực tuyến nghệ thuật biểu diễn, nhiếp ảnh, triển lãm, trên nền tảng số 3D; phần mềm bảo tàng số 3D cho các bảo tàng trực thuộc Sở...
Đối với nguồn nhân lực: phối hợp với ngành Thông tin và Truyền thông tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về chuyển đổi số cho toàn ngành Văn hóa và Thể thao; triển khai các chương trình đào tạo kỹ năng lãnh đạo, quản lý chuyển đổi số cho cán bộ chủ chốt, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị; tổ chức đào tạo, tập huấn, cập nhật kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số, áp dụng công nghệ số cho CCVC cơ quan Sở, các đơn vị sự nghiệp thuộc Sở và cán bộ ở cơ sở…
PV: Trân trọng cảm ơn Ông.
TRẦN NGỌC – LÊ ANH DŨNG
thực hiện