Việt Nam có quy mô dân số lớn đứng thứ 15 trên thế giới, tuy nhiên xuất phát điểm về kinh tế - xã hội thấp hơn nhiều quốc gia khác. Các yếu tố dân số có ý nghĩa quan trọng trong sự phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, góp phần thúc đẩy đất nước phát triển nhanh và bền vững. Các nghiên cứu trên thế giới cho thấy dân số tăng 1% thì GDP phải tăng 4% mới đảm bảo mức sống và các dịch vụ xã hội.
Việt Nam đã khống chế thành công tốc độ gia tăng dân số. Từ năm 2006, dân số Việt Nam đạt mức sinh thay thế. Bắt đầu từ năm 2007, dân số Việt Nam bước vào thời kỳ “dân số vàng”. Đây là giai đoạn dư lợi dân số với tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động chiếm khoảng 70%, giảm gánh nặng tối đa dân số phụ thuộc là người già và trẻ em.
Giai đoạn “dân số vàng” chỉ xuất hiện một lần duy nhất trong lịch sử nhân khẩu học của mỗi một quốc gia. Độ dài của thời kỳ này phụ thuộc vào nhiều yếu tố, được dự kiến sẽ kéo dài khoảng từ 30 năm đến 40 năm, tối đa là 45 năm. Thời kỳ cơ cấu “dân số vàng” mang lại cơ hội và thách thức cho sự phát triển của quốc gia, dân tộc. Nhiều quốc gia đã tận dụng được cơ hội này để bứt phá, phát triển nhanh, nhưng cũng không ít quốc gia đã bỏ lỡ, chìm sâu trong bẫy thu nhập trung bình. Theo tính toán, thời kỳ “dân số vàng” của Việt Nam kéo dài 32 năm và sẽ kết thúc vào năm 2039. Như vậy, chúng ta đã đi gần nửa chặng đường của cơ cấu “dân số vàng”, nhưng có thể nói chưa tận dụng tối đa cơ hội này để cất cánh bay lên.
Chuyển đổi nhân khẩu học tác động đến phân bố tuổi dân số và tạo ra “dân số vàng” là một cơ chế tiềm tàng tác động đến thành công kinh tế. Tuy vậy, điều đó sẽ chỉ xảy ra khi một nước có thể chế xã hội, kinh tế, chính trị… cũng như các chiến lược, chính sách thích hợp cho phép hiện thực hoá tiềm năng tích cực của quá trình dân số. Điều này đã xảy ra với một số nước trên thế giới, đặc biệt ở khu vực Đông Á và Đông Nam Á, kể từ những năm 1960 đến nay. Các quốc gia như Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc… đã biết tận dụng triệt để cơ hội “dân số vàng” để tạo nên những kỳ tích trong phát triển kinh tế, đóng góp khoảng 1/3 vào tăng trưởng. Riêng Trung Quốc, cơ hội này đã mang lại 15% tăng trưởng kinh tế trong hơn 20 năm qua.
Với khoảng một nửa dân số trong độ tuổi lao động dưới 34 tuổi, Việt Nam có điều kiện thuận lợi trong việc đi tắt, đón đầu, tiếp thu khoa học, kỹ thuật, công nghệ và linh hoạt trong chuyển đổi nghề. Mỗi năm, nước ta có từ 1,5 đến 1,6 triệu người bước vào độ tuổi lao động nhưng lực lượng này vẫn chưa tạo nên sức bật cho nền kinh tế, vì có trên 70% là lao động giản đơn. Sự thiếu hụt trầm trọng lao động kỹ thuật trình độ cao và lao động dịch vụ cao cấp trong các ngành thương mại, tài chính, ngân hàng, du lịch... là những thách thức không nhỏ đặt ra cho giai đoạn cơ cấu “dân số vàng. Thực tế đáng buồn là không ít những người học vấn càng cao thì khi ra trường cơ hội có được việc làm tương xứng lại càng khó. Nhiều sinh viên tốt nghiệp vài năm vẫn chưa thể kiếm được việc làm. Trong đó, tỉ lệ thất nghiệp cao nhất vẫn ở nhóm có trình độ cao đẳng.
Thời kỳ “dân số vàng” sẽ rút ngắn hơn nếu năng suất lao động không thay đổi. Với xu hướng già hóa dân số ngày càng nhanh trong tương lai thì thách thức chính sách đảm bảo an sinh xã hội ngày càng lớn. Tuổi thọ của người Việt Nam hiện nay là 73,7 tuổi, tương đương với tuổi thọ của người cao tuổi ở các nước có thu nhập cao hơn. Điều đáng nói là tuổi thọ bình quân khỏe mạnh của Việt Nam khá thấp, chỉ 64 tuổi, xếp thứ 124/193 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Người cao tuổi Việt Nam đang mang gánh nặng “bệnh tật kép” do xu hướng bệnh chuyển từ lây nhiễm sang không lây nhiễm và các bệnh mãn tính. Đồng thời các căn bệnh mới đang xuất hiện ngày càng nhiều cùng với sự thay đổi trong cách sống đang ngày càng trở nên phổ biến như bệnh ung thư, bệnh tim mạch, căng thẳng và trầm cảm...
Vì vậy, Việt Nam cần có kế hoạch tận dụng cơ hội “dân số vàng” và ứng phó với những thách thức của giai đoạn già hóa hiện nay trước khi quá muộn. Đây là vấn đề rất phức tạp, đòi hỏi có cái nhìn tổng thể, không bó hẹp trong lĩnh vực dân số mà liên quan đến nhiều ngành như: Giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội, lao động, việc làm… Cơ hội “dân số vàng” không tự động mang lại tác động tích cực mà nó phải được “giành lấy” để “đẻ” ra lực lượng lao động vàng, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững. Nếu giai đoạn “dân số vàng” diễn ra trùng với thời kỳ kinh tế ổn định, hệ thống giáo dục đảm đương tốt việc cung cấp tri thức, kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động… thì sẽ trở thành động lực mạnh của nền kinh tế. Ngược lại, thì đất nước phải đối mặt với những thách thức mới. Trước tiên là lực lượng đông đảo trong độ tuổi lao động thiếu việc làm. Người thất nghiệp dễ mắc tệ nạn xã hội, trở thành gánh nặng cản trở sự phát triển của đất nước. Như vậy, “dân số vàng” sẽ không có giá trị nhiều nếu không thực sự “vàng” về tri thức và tay nghề.
Thời kỳ “dân số vàng” là cơ hội có một không hai dành cho Việt Nam trong nửa đầu kỷ nguyên này. Đầu tư cho thế hệ trẻ về giáo dục, y tế, sức khỏe sinh sản… có ý nghĩa quan trọng đối với năng suất lao động và sự phát triển của Việt Nam trong tương lai. Trong vòng 17 năm nữa, tận dụng cơ hội “dân số vàng” để tăng năng suất lao động là vô cùng quan trọng. Điều này không thể chờ đợi được nữa, nếu như chúng ta không muốn già trước khi giàu, thậm chí già mà vẫn nghèo. Cần đẩy mạnh công tác thông tin và dự báo cung - cầu nhân lực theo ngành, nghề đào tạo trong các ngành kinh tế. Bên cạnh đó, chú trọng xây dựng đồng bộ và hoàn thiện hệ thống các chính sách sử dụng lao động từ tuyển dụng, sử dụng, tiền lương, thăng tiến… lấy hiệu quả làm việc là tiêu chí ưu tiên hàng đầu trong sử dụng và đãi ngộ lao động. Việc dự báo nhu cầu nhân lực ở cấp độ này phải có tầm nhìn ngắn hạn và dài hạn.
Tình hình thế giới và trong nước đang có nhiều biến động. Quá trình toàn cầu hoá, đô thị hoá, công nghiệp hoá… dưới tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và biến đổi khí hậu, thay đổi lối sống, môi trường sống và làm việc… đã và đang dẫn đến thay đổi nhanh chóng về mô hình gia đình, kết hôn, ý thức về sinh sản và khả năng sinh sản, thúc đẩy nhanh quá trình di cư khó kiểm soát. Hiện nay, tuy cả nước đã đạt mức sinh thay thế nhưng mức sinh giữa các vùng còn chênh lệch đáng kể: Khu vực kinh tế - xã hội nhiều khó khăn có mức sinh cao, có nơi rất cao; trong khi ở một số vùng đô thị, kinh tế - xã hội phát triển, mức sinh đã xuống thấp, có nơi thấp hơn nhiều so với mức sinh thay thế; Mất cân bằng giới tính khi sinh đã ở mức nghiêm trọng và ngày càng lan rộng; Già hóa dân số với tốc độ nhanh, đòi hỏi sự thích ứng của xã hội; Phân bố dân số, quản lý di cư còn nhiều bất cập, việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người di cư còn nhiều hạn chế; Chất lượng dân số còn thấp, tầm vóc, thể lực của người Việt Nam chậm được cải thiện… Mặt khác, Việt Nam vẫn đang nằm trong nhóm các nước có thu nhập trung bình thấp. Một trong những lý do là nền kinh tế mặc dù đã tận dụng được nguồn lao động dồi dào nhưng lại chủ yếu dựa vào khai thác lao động giá rẻ và giản đơn͖, chất lượng công việc nằm trong chuỗi giá trị thấp. Hơn một nửa số việc làm chỉ đòi hỏi kỹ năng trung bình, 33,2% là việc làm kỹ năng thấp, chỉ có 11,2% việc làm kỹ năng cao (trung bình các nước phát triển trên thế giới là 20%). Bên cạnh đó, đa số người lao động của Việt Nam đang tham gia vào các công việc phi chính thức có thu nhập thấp, ít có sự bảo vệ (54% lao động phi chính thức); trình độ chuyên môn của lao động còn hạn chế (chỉ khoảng một phần tư người đang làm việc được đào tạo từ sơ cấp nghề trở lên).
Chúng ta cần hướng đến đạt mục tiêu cao hơn trong các chiến lược về giáo dục, đào tạo, lao động - việc làm, xuất khẩu lao động, thu hút đầu tư nước ngoài... Cần nghiên cứu, xây dựng các chiến lược, chương trình về các lĩnh vực nói trên cho tầm nhìn 2030 với mục tiêu tăng tối đa số lượng việc làm, nâng cao tỷ lệ lao động được đào tạo, cải thiện chất lượng việc làm. Hướng đến mục tiêu cao hơn trong các chiến lược, chương trình về chăm sóc sức khỏe với mục tiêu đảm bảo cho mọi người lao động đều được chăm sóc sức khỏe và có sức khỏe tốt. Chú trọng nâng cao hơn nữa chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng để cơ cấu “dân số vàng” thực sự có ý nghĩa, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Nguồn Văn nghệ số 41/2022