Sự kiện & Bình luận

Đạo diễn Đặng Thái Huyền: "Tôi muốn phản ánh chiến tranh qua góc nhìn của người trẻ"

Tiếng nói nhà văn
03:33 | 25/04/2016
Những buổi chiếu chật kín khán giả, những đôi mắt ngấn lệ, những cảm xúc nghẹn ngào trong lồng ngực…là điều dễ dàng bắt gặp và cảm nhận tại những buổi công chiếu
aa

Những buổi chiếu chật kín khán giả, những đôi mắt ngấn lệ, những cảm xúc nghẹn ngào trong lồng ngực…là điều dễ dàng bắt gặp và cảm nhận tại những buổi công chiếu "Người trở về" (Kịch bản: Đặng Thái Huyền, Nguyễn Thu Dung, đạo diễn: Đặng Thái Huyền) do Điện ảnh Quân đội nhân dân sản xuất.


- Thưa đạo diễn Đặng Thái Huyền, "Người trở về" là một dự án trọng điểm của Điện ảnh Quân đội nhân dân chuẩn bị cho những ngày lễ lớn, đồng thời cũng là một "bước ngoặt" trong sự nghiệp làm nghề của chị, mà như chị từng chia sẻ trên trang cá nhân của mình là "Tình yêu của tôi, khát vọng của tôi"… Giờ đây, sau rất nhiều chờ đợi, sản phẩm tâm huyết của chị và ê kíp đã ra mắt khán giả, cảm nghĩ của chị lúc này thế nào?


Thực sự tôi vui và xúc động lắm khi ở mỗi buổi chiếu, xung quanh tôi là ê kíp làm phim, bạn bè, đồng nghiệp và rất nhiều người thân đã tới chia vui. Thậm chí có người đã phải thu xếp công việc, bay cảngười cho rằng, hình như lâu lắm rồi, Việt Nam mới có được một bộ phim ấn tượng và gây xúc động mạnh đến thế! Chuyên đề CSTC đã có cuộc phỏng vấn với Đặng Thái Huyền - nữ đạo diễn 8x tài năng ngay sau khi phim ra mắt khán giả Thủ đô. chặng đường dài tới để chúc mừng. Nhưng bạn biết không, khi ngồi lặng lẽ ở hàng ghế khán giả, nghe những tràng vỗ tay của khán giả ở những cảnh xúc động, chứng kiến những giọt nước mắt của khán giả lăn dài trên má… đó mới thực sự là hạnh phúc vô bờ bến với những người làm nghề chúng tôi. Nếu bạn biết tôi 6 năm dồn tâm sức, lăn lộn cho bộ phim này thì bạn sẽ hiểu sự động viên ấy của khán giả với tôi có ý nghĩa như thế nào. Tôi hài lòng khi câu chuyện mình kể đã chạm được tới những rung cảm sâu kín trong tâm hồn người xem.
Đạo diễn Đặng Thái Huyền ở trường quay.

- Đây là lần thứ 2 chị lấy ý tưởng từ một tác phẩm văn học của Đại tá, nhà văn quân đội Sương Nguyệt Minh (trước đó, Đặng Thái Huyền từng chuyển thể truyện ngắn "Mười ba bến nước" thành một bộ phim cùng tên và tại LHP Việt Nam lần thứ 17, phim từng nhận tới 6 Bông sen vàng ở thể loại phim Video - PV). Được biết "Người về bến sông Châu" trước đó cũng đã từng được chuyển thể thành phim truyền hình…Tại sao chị cứ đắm đuối mãi về đề tài số phận con người, đặc biệt là người phụ nữ thời hậu chiến thế?

Cách đây 6 năm, khi bắt gặp truyện "Người về bến sông Châu" của anh Sương Nguyệt Minh trên báo, tôi đã rất tâm đắc và ngay lập tức xin gặp anh để khi nào có điều kiện thì chuyển thể. Tôi có một "nguyên tắc" là khi đã tâm đắc với đề tài gì rồi thì dù trước đó, một hay 10 người khác đã làm thì tôi cũng không vì thế mà dừng lại. Tôi vẫn tin, nếu mình thực sự yêu, thực sự tâm huyết, mình vẫn có cách làm khác với những người đi trước. Và có lẽ vì là phụ nữ nên tôi dễ đồng cảm với những mất mát, những nỗi đau mà người phụ nữ phải gánh chịu. Những người đàn ông bước ra từ chiến tranh đã đầy những thiệt thòi rồi nhưng những người phụ nữ còn phải gánh nhiều bi kịch hơn rất nhiều.

Tôi cứ ám ảnh với câu nói của Mây với San khi San muốn được quay lại với cô: "Chúng ta không thể hạnh phúc trên sự đau khổ của người khác. Một người lỡ dở đã là quá đủ". Không chỉ chịu đựng gian khổ trên chiến trường, những người phụ nữ ấy còn chấp nhận thiệt thòi về mình khi về với cuộc sống đời thường. Tôi tự tin vào tính nữ của mình có thể giúp tôi thấu hiểu và diễn tả một cách sâu sắc những nỗi đau ấy hơn những đạo diễn nam.

- Nhân vật Mây trong "Người trở về " của chị có một điều hơi khác so sới Mây trong "Người về bến sông Châu" là sự lành lặn về mặt ngoại hình, không phải là một người thương binh cụt mất một chân nữa? Liệu sự thay đổi này có phải vì chị không muốn "làm khó" các nhà quay phim?


Thực sự, hình ảnh người nữ quân nhân khoác balô tập tễnh in bóng trên đường đê đầy ám ảnh trong "Người về bến sông Châu", tuy nhiên, khi đưa vào phim tôi đã quyết định để Mây lành lặn. Tôi suy nghĩ thế này: Mây trở về quê sau chiến tranh với một tâm hồn đầy những ám ảnh đau thương, một vết thương lớn ở vùng bụng khiến cô không còn khả năng có con, một trái tim vỡ vụn khi ngày trở về cũng chính là ngày cưới của người yêu cũ…như thế là quá đủ với một người phụ nữ. Tôi thương và yêu Mây đến mức không nỡ để cô có thêm một vết thương nào nữa. Hơn nữa, tôi tin với người phụ nữ, hình thức luôn thực sự quan trọng. Tôi để Mây lành lặn còn bởi muốn lý giải rằng tại sao có 2 người đàn ông vẫn đắm đuối với Mây.

- Nhân chị nhắc tới vai Mây, một nhân vật mang đầy sức nặng nội tâm, đến khi phim ra rạp rồi, vẫn nhiều người thắc mắc tại sao chị lại chọn Lã Thanh Huyền, một diễn viên với tuổi đời còn khá trẻ và quen với phim truyền hình nhiều hơn?

Không chỉ riêng Lã Thanh Huyền mà lần này ê kip sản xuất phim của tôi hầu hết đều là những người trẻ, có người lần đầu tiên ra trường quay. Tôi khá cực đoan và thường phụ thuộc rất nhiều vào linh cảm khi chọn diễn viên. Thường thì khi nghiên cứu nhân vật, cảm giác rằng diễn viên nào hợp, tôi sẽ chọn ngay người đó. Với "Người trở về", ngay từ khi chắp bút chuyển thể kịch bản cùng chị Nguyễn Thu Dung, tôi đã nghĩ Mây phải là Lã Thanh Huyền, cũng như Quang phải là Trương Minh Quốc Thái, San phải là Tiến Lộc…

Ban đầu, nhiều người không đồng tình với tôi, cho rằng Lã Thanh Huyền hơi hiện đại, sắc sảo so với hình dung của họ về Mây nhưng tôi lại nghĩ khác. Chúng ta đừng tạo ra thói quen trong tư duy là nhân vật thế này thì ngoại hình phải thế này. Tôi muốn nhân vật của tôi khác quan điểm thông thường ấy. Mây không phải là một cô gái cam chịu, an phận. Đau khổ, đấy nhưng không bi lụy. Cô luôn chủ động trong mọi quyết định của đời mình. Thật khó để có thể giải thích hết với mọi người nhưng tôi đã không thất vọng khi Lã Thanh Huyền thể hiện tốt điều đó.

Chưa kể, Lã Thanh Huyền có lợi thế là đôi mắt long lanh, biểu cảm. Đó là điều rất quan trọng với điện ảnh. Và thực sự không chỉ Lã Thanh Huyền mà Trương Minh Quốc Thái, Tiến Lộc, Thu Thủy cùng những nghệ sĩ tên tuổi như Như Quỳnh, Dũng Nhi…đều khiến tôi vô cùng hạnh phúc vì sự hết mình của họ.

- Nhà văn Sương Nguyệt Minh khi ra khỏi rạp đã tấm tắc: "Không ngờ một nữ đạo diễn 8x mà làm được những cảnh quay chiến tranh chân thực và xúc động đến thế!". Đó cũng là cảm nghĩ chung của nhiều khán giả sau khi xem phim. Làm phim chiến tranh với chị có khó không?


Anh Sương Nguyệt Minh là một tác giả khá kĩ tính mà nhận xét như vậy thì tôi thấy vui rồi (cười). Sự thực là nếu đơn thuần làm một bộ phim về chiến tranh thì tôi nghĩ có nhiều sự lựa chọn khác tốt hơn tôi, nhưng tôi rất cảm ơn lãnh đạo Điện ảnh Quân đội đã tin tưởng và giao cho tôi trọng trách vinh quang ấy. Bên cạnh việc nghiên cứu, tìm hiểu thì trong suốt quá trình làm phim, tôi nhận được sự cố vấn, giúp đỡ rất lớn của các đơn vị, các chuyên gia trong lĩnh vực này. Nhưng ngay từ đầu, tôi đã tâm niệm không chủ định làm một bộ phim mô phỏng chiến tranh, mà với tôi, chiến tranh chỉ là nền, là cái cớ để làm nổi bật câu chuyện về cuộc đời, số phận, nỗi đau và cả những yêu thương của các nhân vật. Không tham vọng làm một bộ phim hoành tráng về chiến tranh, tôi làm những gì thuộc về sở trường của mình. Đó là kể một câu chuyện dung dị, xúc động về thân phận con người sau cuộc chiến tranh bằng suy nghĩ, cách nhìn của thế hệ trẻ.
Một cảnh trong phim “Người trở về”.

- Nghe các diễn viên chia sẻ sau buổi chiếu thì có lẽ "Người trở về" cũng là một dấu ấn với họ về sự vất vả, gian khổ?


Nói về sự vất vả thì "Người trở về" lấy nhiều công sức của tôi nhất từ trước đến nay. Đơn giản như thế này bạn nhé! Bối cảnh phim là mùa hè nhưng chúng tôi lại phải quay vào mùa đông trong khi có không ít cảnh mưa, diễn viên phải ngâm mình dưới nước khi nhiệt độ chỉ hơn chục độ...

Trong quá trình quay phim, Lã Thanh Huyền không ít lần bị ngất, phải truyền nước và thậm chí viêm phổi vì lạnh quá. Có một cảnh mà cả đoàn không sao quên được. Đó là cảnh Quang ôm Mây dưới lòng sông. Thực sự khi quay gần xong thì Lã Thanh Huyền đã ngất trong tay Trương Minh Quốc Thái rồi. Anh Thái đã phải vừa diễn, vừa đỡ để Huyền không bị ngã. Với những cảnh quay dưới nước, nhiều người lo tôi ốm, khuyên tôi đứng trên bờ nhưng tôi quan niệm, khi diễn viên còn ngâm mình dưới nước thì tôi cũng phải ở đó.

Với những cảnh chiến tranh, dù tôi đã đợi tới 2 tháng để có được những vật liệu nổ an toàn nhất nhưng với những diễn viên trẻ, chưa một lần chứng kiến cảnh bom đạn khi phải diễn mà những tiếng nổ chỉ cách mình có vài mét thì chắc chắn không phải là chuyện đơn giản... Có người khóc thét, thậm chí ngất ngay sau cảnh quay. Nhưng thật may mắn là chúng tôi đã có ngày đóng máy an toàn.

- Đặng Thái Huyền giờ đây đã là một nữ đạo diễn trẻ được chú ý bởi sự năng nổ, quyết liệt, dám nghĩ, dám làm, có thể làm tốt nhiều thể loại phim khác nhau… Chắc hẳn là chị đã có kế hoạch cho dự án kế tiếp?

Tôi luôn rất ít khi nói về những dự định vì sợ "bước không qua" nhưng tôi nghĩ mình đang ở giai đoạn sung sức và chín chắn nhất về nghề, vậy thì một thời gian nữa, các bạn có thấy tôi làm phim kinh dị hay phim hài hước cũng không có gì là bất ngờ nhỉ? Tôi nghĩ rằng, những người trẻ đừng bỏ qua bất kỳ một cơ hội nào đến với mình. Và phải bắt tay vào làm mới biết mình mạnh, yếu ở điểm nào.

- Xin cảm ơn chị và chúc chị thành công ở những dự án kế tiếp!

Thảo Duyên (thực hiện)
Nguồn VNCA

Yêu người cây mở đất - Thơ Chung Tiến Lực

Yêu người cây mở đất - Thơ Chung Tiến Lực

Baovannghe.vn- Như những mũi lao cắm vào vùng ngập mặn/ Mầm sống gieo trên sóng nước hoang sơ
Nên bị gai đâm - Tản văn của Chu Văn Sơn

Nên bị gai đâm - Tản văn của Chu Văn Sơn

Baovannghe.vn - Và ta cứ yên trí đi qua thế giới này với bước chân quen xéo lên cỏ hoa. Thỉnh thoảng bàn chân nên bị gai đâm, để ta được giật mình: Tổn thương là rỉ máu.
Trịnh Hoài Đức - Nhà thơ, nhà viết kịch tài hoa

Trịnh Hoài Đức - Nhà thơ, nhà viết kịch tài hoa

Baovannghe.vn - Kịch Trịnh Hoài Đức ngoài chất hài ý nhị, sâu cay, cười ra nước mắt còn bao hàm cả triết lý sâu sắc về thế giới quan, nhân sinh quan... Thơ của ông như gieo vào lòng người cái tình sâu lắng, ngôn ngữ giản dị mà nhân văn đa nghĩa đầy tính bác học...
Microsoft ra mắt nhà xuất bản sách in truyền thống

Microsoft ra mắt nhà xuất bản sách in truyền thống

Baovannghe.vn - Tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới - Microsoft đã chính thức bước chân vào ngành xuất bản sách với việc ra mắt 8080 Books, một nhà xuất bản được thiết kế để thúc đẩy sự đổi mới trong xuất bản và kể chuyện. Được đặt tên theo bộ vi xử lý Intel 8080 – nền tảng cho sự khởi đầu của Microsoft trong thập niên 1970 – 8080 Books không chỉ là một cột mốc mới trong chiến lược đa dạng hóa của công ty mà còn đại diện cho tham vọng đưa công nghệ vào thay đổi ngành xuất bản vốn còn nhiều hạn chế.
Trong y, một tảng băng trôi. Truyện ngắn của Hiền Trang

Trong y, một tảng băng trôi. Truyện ngắn của Hiền Trang

Baovannghe.vn- Đối diện nhau, con cá mập và Tử thần, kẻ bị giết và kẻ giết, con mồi và gã thợ săn, đối tượng của cái chết và tay sai của cái chết, con cá mập nằm sóng soại trên sàn thuyền, Tử thần thì đứng thẳng hiên ngang, một trục hoành - một trục tung, tạo thành một hệ tọa độ bất đắc dĩ giữa biển xanh sâu thẳm, mỗi kẻ đeo đuổi những huyễn tưởng khác nhau, nhưng sau rốt đều xuất phát cùng từ một gốc: ám ảnh về những trò ảo thuật.