Văn hóa nghệ thuật

Đạo diễn Phạm Ngọc Lân và hành trình đến Berlin

Ngọc Trân
Điện ảnh
08:12 | 07/11/2024
Baovannghe.vn - Sáng 5/11, tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, đã diễn ra sự kiện chiếu phim và tọa đàm Phạm Ngọc Lân: Hành trình đến Berlin với sự tham dự của đông đảo sinh viên và những khán giả yêu mến điện ảnh.
aa

Buổi chiếu phim và tọa đàm có sự tham gia của các diễn giả: đạo diễn Phạm Ngọc Lân, diễn viên Hoàng Hà, TS Lê Thị Tuân; dưới sự điều phối của TS Nguyễn Thị Bích; cùng các khách mời: Nghiêm Quỳnh Trang (đồng biên kịch, nhà sản xuất phim Cu li không bao giờ khóc), Cao Thiên Thanh (nhà sản xuất phim Cu li không bao giờ khóc), ThS Hoàng Dạ Vũ, GVC Trần Hinh, PGS.TS Phạm Xuân Thạch, TS Trần Thị Thục, PGS.TS Hoàng Cẩm Giang, PGS.TS Phùng Ngọc Kiên.

Đạo diễn Phạm Ngọc Lân và hành trình đến Berlin
Các diễn giả tại buổi tọa đàm - Ảnh: CLBĐA

Theo chia sẻ của đạo diễn Phạm Ngọc Lân, làm phim là quá trình đòi hỏi sự tập trung, người làm phim cần kết hợp và cân bằng nhiều kỹ năng. Và những hiểu biết trong lĩnh vực kiến trúc đã giúp anh có thêm những thể nghiệm mới mẻ trong phim ảnh, đặc biệt là sự nhạy cảm về không gian, những thứ nằm ngoài hình ảnh như mùi hương và các sắc thái khác trong quá trình làm phim. Từ đó, đạo diễn có thể diễn dịch những quan điểm và góc nhìn của anh trên màn ảnh. Bên cạnh đó, khoảng thời gian thử sức với các công việc như nhiếp ảnh, viết cũng giúp anh có thêm nhiều trải nghiệm để làm phim.

Có thể nói, dòng sông, đập thủy điện, con người và đời sống Việt Nam đương đại là những cảnh quan và đề tài quen thuộc trong phim của đạo diễn Phạm Ngọc Lân. Đề cập đến sự định nghĩa về Việt Nam trong các phim của mình, Phạm Ngọc Lân chia sẻ, những nỗ lực thể hiện và tái trình hiện Việt Nam theo cách riêng là một "vấn đề" không chỉ của riêng anh mà còn là mối quan tâm chung của các đạo diễn cùng thế hệ. Ngay cả đối với những bộ phim "đặt hàng", đạo diễn vẫn không ngừng nỗ lực thể hiện những góc nhìn và quan điểm của riêng mình qua các thước phim.

Phim của đạo diễn Phạm Ngọc Lân mang đến cảm giác như một hành trình không hồi kết của những mảnh ghép ký ức, nơi các nhân vật thường xuất hiện trong trạng thái giằng xé giữa quá khứ, hiện tại và tương lai, khơi gợi những tầng ý nghĩa sâu xa, nơi ký ức không chỉ được hồi tưởng mà còn được tái kiến tạo, mở ra những khả thể mới trong câu chuyện.

Định nghĩa và kiến tạo về Việt Nam đối với đạo diễn Phạm Ngọc Lân là sự tái định nghĩa về Việt Nam bên trong bản thân mình. Với anh, làm phim là một cái "nợ" với môn nghệ thuật thứ bảy, cần nhiều nỗ lực và sự tập trung. Điện ảnh và người làm điện ảnh tồn tại trong sự soi chiếu vào nhau, tác động và biến đổi lẫn nhau. Mỗi bộ phim là một cuộc di chuyển tinh tế, nơi những trải nghiệm cá nhân của đạo diễn gặp gỡ với bối cảnh xã hội và văn hóa rộng lớn. Ở đó, anh không ngừng đặt mình vào các vị trí khác nhau để khám phá cách thức Việt Nam có thể được diễn dịch lại trong không gian điện ảnh, để rồi mỗi tác phẩm đều mở ra một Việt Nam vừa quen, vừa lạ cùng những hành trình tự thân trong văn hóa, thời gian và ký ức.

Theo TS Lê Thị Tuân, phim của Phạm Ngọc Lân mang đậm tính chủ thể và thống nhất với nhau từ phong cách tới cách thể hiện suy tư và chiêm nghiệm, mang đến cảm giác như một hành trình không hồi kết của những mảnh ghép ký ức, nơi nhân vật thường xuất hiện trong trạng thái giằng xé giữa quá khứ, hiện tại và tương lai, khơi gợi những tầng ý nghĩa sâu xa, nơi ký ức không chỉ được hồi tưởng mà còn được tái kiến tạo, mở ra những khả thể mới trong câu chuyện. Bằng lối kể chuyện phi tuyến tính, khước từ cách tự sự truyền thống, đạo diễn Phạm Ngọc Lân đã xâu chuỗi các mảnh ghép, những lát cắt cuộc sống trong phim ảnh, để từ đó mở ra cho người xem một hiện thực đa diện.

Đạo diễn Phạm Ngọc Lân và hành trình đến Berlin
Các diễn giả và khách mời tại buổi tọa đàm - Ảnh: CLBĐA

Cũng tại buổi tọa đàm, khán giả đã có dịp lắng nghe diễn viên Hoàng Hà chia sẻ về tình bạn lâu năm và chặng đường dài làm phim đầy kỷ niệm với đạo diễn Phạm Ngọc Lân. Mỗi dự án mới lại là một hành trình độc đáo. Đặc biệt, với Cu li không bao giờ khóc - một tác phẩm lớn cả về quy mô lẫn ý nghĩa đối với anh, diễn viên Hoàng Hà coi đây là một trải nghiệm vô cùng đáng nhớ.

Tọa đàm Phạm Ngọc Lân: Hành trình đến Berlin đã phần nào giúp khán giả tiếp cận gần hơn với hành trình nghệ thuật, cũng như mở ra nhiều góc nhìn thú vị về các tác phẩm của Phạm Ngọc Lân. Đạo diễn chia sẻ, đối với anh, các Liên hoan phim không phải nơi để săn giải thưởng hay tìm kiếm sự nổi tiếng mà là cơ hội quý giá để tác phẩm của anh được trình chiếu trong điều kiện tốt nhất, tiếp cận được nhiều khán giả hơn. Theo anh, phong cách cá nhân không nên là mục tiêu theo đuổi từ đầu mà là kết quả tự nhiên trong quá trình sáng tạo. Để xây dựng phong cách nhất quán và có chiều sâu, người làm phim cần xây dựng một thái độ nghiêm túc với điện ảnh, và trên cả là với cuộc sống.

Đạo diễn Phạm Ngọc Lân và hành trình đến Berlin

Đạo diễn Phạm Ngọc Lân sinh năm 1986, tốt nghiệp Đại học Kiến trúc Hà Nội năm 2009 và tự học làm phim năm 27 tuổi. Anh đã thực hiện một số phim ngắn nổi bật như: Chuyện mọi nhà (2011), Một thành phố khác (2016), Một khu đất tốt (2019), Giòng sông không nhìn thấy (2020)...

Trước khi đạt được bước đột phá lớn trong sự nghiệp làm phim với giải thưởng Phim đầu tay xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Berlin dành cho Cu li không bao giờ khóc (2024), đạo diễn Phạm Ngọc Lân cũng từng đạt được một số thành tựu lớn như: giải Chú ý đặc biệt trong hạng mục Phim ngắn của Liên hoan phim Quốc tế Phim Độc lập IndieLisboa tại Bồ Đào Nha; giải thưởng Tưởng niệm Ingmar Bergman tại Liên hoan phim ngắn Uppsala Thụy Điển 2016; giải Đạo diễn xuất sắc cho hạng mục Phim ngắn tại Liên hoan phim quốc tế Hà Nội 2016 với Một thành phố khác (2015).

Phim ngắn Một khu đất tốt (2019) của anh cũng giành được giải cao nhất hạng mục Phim ngắn nước ngoài tại Liên hoan phim ngắn quốc tế Vienna và giải Đề cử đặc biệt cho phim ngắn nước ngoài xuất sắc nhất trong khuôn khổ Liên hoan phim Las Palmas Tây Ban Nha. Ngoài ra, phim ngắn Giòng sông không nhìn thấy (2020) của anh được công chiếu trong tuyển tập sông Mekong (MEKONG 2030) của Liên hoan phim Luang Prabang tổ chức tại Lào.

Có thể nói, Phạm Ngọc Lân là một đại diện tiêu biểu cho thế hệ đạo diễn, nhà làm phim trẻ đầy tiềm năng của Việt Nam; thiết lập nên những mốc son mới chói lọi cho chặng đường phát triển phía trước tuy gian nan nhưng đáng mong đợi của nền điện ảnh nước nhà.

Ngọc Trân | Báo Văn nghệ

Khai mạc: Hội nghị về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam

Khai mạc: Hội nghị về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam

Baovannghe.vn - Trong hai ngày 21 và 22/11, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.
Trượt - Thơ Vũ Thanh Hoa

Trượt - Thơ Vũ Thanh Hoa

Baovannghe.vn- Đám mây chiều sũng nước/ trùm lên thành phố
Bài thơ "Không nói" của Nguyễn Đình Thi

Bài thơ "Không nói" của Nguyễn Đình Thi

Baovannghe.vn - Nhà thơ Nguyễn Đình Thi - gương mặt thơ tiêu biểu của thơ ca kháng chiến, từng để lại ấn tượng đáng quý trong bạn đọc yêu thơ về sự cách tân, tìm tòi và sáng tạo cho thơ ca hiện đại...
Bài thơ “Chợ chim” của Hữu Thỉnh

Bài thơ “Chợ chim” của Hữu Thỉnh

Baovannghe.vn - Nói đến Chợ chim là nói đến chim và chợ. Đây là cuộc họp mặt ăn tiệc rộn ràng của họ hàng nhà chim tại cái chợ của chúng - chợ theo cách hiểu của tác giả bài thơ...
Thời tiết ngày 22/11: Bắc Bộ duy trì lạnh về đêm và sáng, ngày nắng hanh

Thời tiết ngày 22/11: Bắc Bộ duy trì lạnh về đêm và sáng, ngày nắng hanh

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, thời tiết ngày 22/11: Bắc Bộ đêm và sáng sớm trời rét, ngày nắng hanh.