Nhà Cảnh trầm lắng, bà San luôn lặng im với đôi mắt buồn u uất. Mai là ngày giỗ của Kỳ, anh trai Cảnh, anh biết mẹ vẫn đang sống trong những tháng ngày không tin con trai mình đã chết.
- Mai anh đưa mẹ lên đó.
- Thế mẹ có dự lễ kỉ niệm không, giấy mời họ đã gửi từ mấy hôm trước.
- Không, mình có là gì đâu.
Mẹ nói với Cảnh từ chiều, anh lặng im, vì biết có nói cũng không thay đổi được gì, ý mẹ đã quyết. Đã mấy năm nay, kể từ khi Cảnh ở chiến trường về, năm nào mẹ cũng bảo anh đưa lên lòng hồ mỗi dịp cuối năm. Trước đây vợ anh vẫn làm việc đó. Mỗi lần đi Liên lại sắp hai phần lễ, hai bộ quần áo hàng mã, hai đĩa muối, hai đĩa gạo, hai bó hoa và nhiều thứ khác tất cả đều hai loại. Lần này Liên đổ bệnh, mẹ anh trực tiếp sắm lễ.
Hai người đi từ khi trời còn mờ đất, trăng chênh chếch, yếu ớt buông ánh sáng lên những đám mây màu đùng đục. Trăng mờ ảo lững lờ mặt nước và cong lên trên những nhịp sóng. Vẫn lão ngư phủ ấy, vẫn ánh nhìn trầm tư, bước những nhịp tập tễnh cùng điệu bộ khật khừ, lão nhận ra bà San dù mỗi năm bà chỉ tới đây một lần. Chẳng ai chở khách giờ này, lão luôn từ chối, giờ là lúc ngủ, hơi đâu. Với bà San lại khác, lão hăm hở bưng mâm đồ lễ y như việc của nhà mình. Trên thuyền, bàn tay lão khoan thai đưa những nhịp chèo, hai ngón chân cái toẽ ra bấu chặt, đôi bàn chân Giao Chỉ ấy làm lão vững như bàn thạch trên con thuyền chòng chành lướt trên mặt nước. Suốt buổi, lão chẳng nói, chỉ gật đầu cười khi bà San hỏi về vết thương ở chân có còn đau nhức nhối.
Khi người ta ngăn sông, đắp đập, nghĩa trang chuyển về nơi khác nhưng mẹ vẫn quay lại đây, ngồi trên thuyền thả xuống mặt hồ trong những cành hoa - Ảnh minh họa: Pixabay |
Nhớ lần đầu hai anh em Kỳ, Cảnh đến đây, mẹ dẫn vào vào nghĩa trang liệt sĩ. Mộ cha nằm bên cạnh hàng trăm ngôi mộ khác, những ngôi mộ giống nhau, những ngôi sao vàng cũng giống nhau, kể cả những ngôi mộ không ghi tên người. Khi người ta ngăn sông, đắp đập, nghĩa trang chuyển về nơi khác nhưng mẹ vẫn quay lại đây, ngồi trên thuyền thả xuống mặt hồ trong những cành hoa. Cảnh thắc mắc, mẹ bảo, chết ở đâu, hồn ở đấy.
Nói thế nhưng sau mỗi lần lên hồ mẹ vẫn vào thăm nghĩa trang dọn dẹp mộ phần của bố, kể cả dịp hai bảy tháng bảy.
Trong kí ức của Cảnh, nơi đây xưa là những bản làng yên ả bên sườn núi, chợ Bờ rôm rả người người cười nói, trao đổi mua bán hàng hoá, khách vãng lai chẳng mấy khi đến đây. Mẹ nhìn hai anh em, mắt gợn buồn da diết, nói rằng cha ngã xuống nơi này. Mẹ nhớ rõ khuôn mặt cha, nhờ người vẽ bằng kí ức, sau nhiều ngày, bức họa cũng xong rồi cẩn thẩn đặt lên ban thờ. Cảnh không biết mặt cha, đôi khi anh ngắm di ảnh từ những nét chì để cố tưởng tượng ra khuôn mặt ông, càng ngắm, càng thấy bức ảnh như vẽ anh Kỳ.
Lão ngư dừng chèo khi thuyền đến giữa hồ, mặt nước tĩnh lại, tuyệt nhiên chẳng một gợn sóng, từng làn hơi trắng từ mặt hồ bay lên bảng lảng, con thuyền mỏng manh tan dần vào sương khói. Bà San ngồi đầu mạn, sau khi miệng khấn những điều chỉ mình bà biết, tay bà không ngừng rắc những hạt gạo và muối xuống nước, chúng như biến mất khi vừa chạm mặt hồ. Hàng nghìn con cá bống trắng muốt múa những vũ điệu uyển chuyển đón lấy những hạt ngọc trần gian, chúng xuất hiện rồi biến mất theo nhịp vung tay của người đàn bà.
Lúc sau, bà San lấy bộ quần áo quan ra đốt. “Đây là dành cho ông, hãy tha lỗi cho tôi.” Bà nói như khóc. Ngọn lửa bừng lên phơi sáng khuôn mặt buồn rầu, tiều tuỵ. Mặt hồ lã chã giọt lửa, chạm vào nước tạo những tiếng xèo xèo trước khi trở thành những những đụn tro bồng bềnh. Người đàn bà chợt cất lên những lời ca, nghe nỉ non, da diết:
Chăng ăn cầm lệ eng ơi, chăng ăn cầm lệ ún qua pui lòng.
Tình nồng thắm đất mường, tay em thêm miêng trầu cay…
Bà nhớ rõ khi ấy là cuối năm Tân Mão, bên bờ sông Đà, trong cái lạnh tái tê đêm đông, người lính Việt Minh trao vào tay San sợi dây bạc.
- Nhỡ tôi không về được, San cứ tìm đến làng tôi, hỏi nhà bà Sinh, là bu tôi đấy. San đưa cái này cho bu, thế nào bu cũng chấp nhận San.
- Đừng nói thế, rồi chúng ta sẽ về, nhưng liệu bu có chấp nhận em không?
- Chỉ cần San không chê, vợ tôi mất rồi, đứa con để lại cho bu nuôi. San đừng về cái xứ Mường tự trị ấy nữa.
San tròn xoe mắt, hỏi:
- Thế cho em theo Việt Minh được không?
- Được.
San mừng rỡ, tựa vào ngực chàng trai, cô nghe nhịp tim đập rộn ràng qua chiếc áo trấn thủ dày còn vương mùi khói đạn. San biết Nam cũng yêu cô, bàn tay San nắm chặt sợi dây bạc. Miệng cô mấp máy lời hát.
Bao năm qua em chờ mong, giờ này đất quê Mường.
Tay em thêm miếng trầu thương nhớ,
Bóng núi như tình anh thăm thẳm tiếng suối,
Tiếng lòng em gọi anh lời thề giữa đất trời,
Tình trầu với cau bao đời chuyện buồn vui có nhau”.
Lặng im một lúc, chàng trai cũng hát:
Mắt ăn, mắt khế thía nò/ Đở cho nó chống, nó klầm ún da, rà dựa ún hơi!
(Biết ăn biết nói thế nào/ Để cho nó giống, nó giống bên em, là em ơi !)
- Sao anh biết mà hát? - San ngạc nhiên ngước nhìn người lính hát lời dân ca Mường cổ.
- Vì trái tim anh đã thuộc về đất Mường. - Nam mỉm cười dịu dàng nói với người con gái.
Mặt San bừng lên nụ cười hạnh phúc, cô biết chàng trai không nói dối, những người Việt Minh đã tới đây, giải thoát cho cô trong một chuyến bị bắt đi vận chuyển muối về từ miền xuôi lên đây. Những người khác nghe tiếng súng sợ hãi chạy hết, chỉ có San đứng lại, bởi cô chẳng có gì nơi xứ Mường tự trị, không cha, không mẹ, chỉ có sự nô dịch và áp bức. San có một giọng hát trời phú, lúc nào cô cũng thích hát, nghe tiếng hát có thể biết tâm trạng San vui hay buồn. Tiếng hát làm mê đắm đám quan Mường, chúng thường ép cô vừa hát vừa phục vụ đám lính Pháp. Sau khi được giải thoát, cô tình nguyện ở lại theo những người Việt Minh làm dân công, ngày ngày cô nấu cơm rồi đem cho những người lính ở nhờ trong những nhà dân.
San liền cất lên lời hát đối lại:
Thiếu chi cáy nác klong bềng/ Bo eng chẳng vúc lệ mà đều óng là eng hơi!
(Thiếu gì cái nước trong chum/ Sao anh không múc lấy mà cùng uống, là anh ơi !)
Đêm ấy, họ tan vào nhau, sông Đà toả làn hơi ủ ấm đôi trai gái.
Mấy hôm sau, San dẫn người yêu đi trinh sát những nơi thuộc xứ Mường tự trị. Họ bị phát hiện, đám quan quân đuổi theo, cùng đường, họ nhảy xuống dòng sông Đà cuồn cuộn. Hai người được cha con ngư phủ cứu và đưa về che giấu. Đám lính tìm đến, chúng lùng sục, tra tấn, đánh đập nhưng hai cha con nhất định không khai. Cuối cùng, một tên Pháp chĩa súng vào người con trai, hòng uy hiếp người bố, nhưng ông nhất định không hé nửa lời, súng nổ, viên đạn găm thẳng vào đùi, cậu con trai đau đớn, quằn quại la hét. Lính Pháp vẫn không lấy được thông tin gì, bởi hai cha con sống chết thề rằng không biết. Chúng đành bất lực bỏ đi.
- Đây là dành cho con, hãy tha thứ cho mẹ.
Những nắm gạo và muối lại được rắc ra từ đôi tay bà. Hàng nghìn con cá lại nhảy múa, trông như dải lụa trắng uốn lượn bay trong nước.
Cảnh lấy ra bộ quần áo giấy thứ hai đưa mẹ và châm lửa, từ tay bà lửa nhanh chóng bùng lên liếm gọn. Hồ lặng gió, nước như tờ, chiếc thuyền bung bênh nhè nhẹ như nôi. Mặt trời hừng lên phía núi, đáy hồ trăng trôi. Giọng bà San lại cất lên, lần này tiếng hát ấm áp, du dương.
Bồng bồng con nín con ơi
Dưới sông cá lội, trên trời chim bay
Uớc gì mẹ có mười tay
Tay kia bắt cá, tay này bắt chim
Một tay chuốt chỉ luồn kim
Một tay làm ruộng, tay tìm hái rau
Một tay ôm ấp con đau
Một tay vo gạo, tay cầu cúng ma
Đó là lời hát quen thuộc mẹ San vẫn hát ru hai anh em, nước mắt Cảnh trào ra, chảy thành dòng. Bỗng chốc kí ức dội về, hình ảnh về người anh trai đã mất khiến anh đau đáu. Cảnh nhớ anh Kỳ. Tính Kỳ hiền lành, điềm đạm, Cảnh hiếu động, ham chơi. Dù trạc tuổi nhưng chẳng bao giờ đánh nhau, ngược lại, hai anh em thân thiết, lúc nào cũng bênh nhau chằm chặp. Kỳ lo lắng, quan tâm em và luôn nhận phần thiệt về mình, có miếng ăn ngon, bộ áo đẹp nào cũng nhường em.
Cảnh nhớ hồi mười ba, mười bốn tuổi, hai anh em đi kiếm củi bơi sang tận bờ bên kia sông Đà, khi trở về mưa lớn, nước dâng chảy siết không bơi về được. Đêm ấy, mẹ San ở nhà lo lắng, chạy đôn đáo khắp nơi tìm con trong vô vọng, ai cũng nghĩ hai anh em xấu số. Sáng hôm sau, hai anh em mới tìm đường về đến nhà. Trước cơn thịnh nộ của mẹ, anh Kỳ đã dứt khoát nhận lỗi, rằng chính mình rủ rê em trai. Thực tế Kỳ là người ngăn cản, không đồng ý cho em trai bơi sang sông khi thấy trời sắp giông, nhưng Cảnh cố chấp không nghe. Không ngăn được sự bướng bỉnh ấy, Kỳ phải miễn cưỡng đi theo. Thế mà kì lạ, người mẹ đánh là Cảnh, mẹ vừa đánh vừa khóc, còn Kỳ thì bị bắt quỳ trước vong linh cha.
Cảnh có sở trường bắn nỏ, mũi tên bắn ra là sẽ trúng mục tiêu, mùa hội nào của xứ Mường anh cũng giành giải cao, chả thế mà đám con gái trong vùng say mê Cảnh như điếu đổ, trong đó có Liên. Còn Kỳ, mỗi lần em trai đạt giải, anh lại công kênh em trên vai ăn mừng như một niềm tự hào.
Chiến tranh biên giới nổ ra, ngày Kỳ có giấy gọi nhập ngũ, đôi mắt mẹ quầng thâm, cả ngày hôm sau mẹ đôn đáo chạy lên uỷ ban ý kiến.
- Cha chúng nó là liệt sĩ, phải được ưu tiên…
Mẹ nói một thôi, một hồi không ai giải quyết, liền lên gặp mấy người bạn của mẹ từ hồi chống Pháp, giờ làm lãnh đạo tỉnh để trình bày, họ thông cảm nhưng vẫn lắc đầu với mẹ. Bất đắc dĩ mẹ nghiêm túc đề nghị:
- Vậy để thằng Cảnh đi thay anh.
Cuối cùng, sau một thời gian bàn đi bàn lại, họ thu hồi chiếc giấy gọi nhập ngũ đầu tiên, thay vào đó là giấy gọi nhập ngũ khác, người được gọi tên là Cảnh.
Kỳ sững sờ, vì anh đã sẵn sàng chờ ngày lên đường, định lên hỏi rõ ngọn ngành nhưng mẹ San ngăn lại, nhất định không cho đi.
- Con ở nhà với mẹ. Đi công nhân thuỷ điện, kiến thiết cũng là chiến đấu.
Cảnh cũng cản anh.
- Em sẽ làm rạng danh gia đình, để vong linh bố tự hào. Mẹ và anh đừng lo cho con.
Trước lúc Cảnh lên đường, bà San muốn nói với Cảnh điều gì nhưng lời cứ nghèn nghẹn không thoát. Cuối cùng chỉ biết ôm con rưng rức khóc.
Kỳ đi công nhân thuỷ điện, rảnh rỗi lại về thăm nhà, còn Cảnh huấn luyện tân binh mấy tháng, trước khi ra chiến trường anh nghỉ phép về cưới Liên. Cảnh đã trải qua những thời khắc ác liệt của chiến tranh, sống giữa lằn ranh sinh tử nơi chiến trường K, phải đến gần 5 năm sau anh mới có cơ hội trở về, trong một dịp tranh thủ, chớp nhoáng, lúc ấy Cảnh mới biết anh Kỳ không còn nữa.
Ảnh minh họa: Pixabay |
2.
Trận đánh với quân Pháp hành quân từ Hoà Bình lên chợ Bờ diễn ra ác liệt, bộ đội chủ lực lăn xả giữa bom đạn tuyến trên, dân công tiếp đạn tuyến sau, nhất là khi quân Pháp được một xe tăng tiếp viện bắn xối xả vào trận địa quân ta, làm vỡ trận địa, bộ đội thương vong nhiều. Vài dân công, trong đó có San lao lên cầm súng của những người ngã xuống hướng về phía quân thù. Khi San đứng lên bóp cò bất ngờ Nam lao đến đẩy cô nằm xuống trước khi có một loạt đạn bắn tới làm San thoát chết trong gang tấc.
- Sao em lại lên đây? Nguy hiểm lắm, em về tuyến sau đi! - Nói rồi, anh ghì chặt lấy đầu cô khi một loạt đạn nữa bắn tới găm xối xả vào mô đất trước mặt.
Tình thế nguy hiểm, đạn xuyên thép đã dùng hết để tiêu diệt xe cơ giới, chiếc xe tăng xả súng như chỗ không người, vài quả lựu đạn được bộ đội ném đến nổ tóp tép dưới gầm xe như gãi ngứa. Chiếc xe tăng hung hăng như con quái vật.
- Về sau đi! - Anh gắt với San.
- Không, em ở đây với anh.
Nam thấy San đang mang trên người hai quả lựu đạn.
-Em ở yên đây!
Nói rồi, anh cầm lấy một quả, chờ đợi khi tháp pháo quay sang hướng khác liền lao đến chiếc xe tăng, anh rút chốt, ném vào tháp pháo và chạy ra chỗ nấp. Nhưng đám lính Pháp ranh ma trong xe tăng nhanh chóng ném trả quả lựa đạn ấy ra ngoài. Nam tiếp tục thử lần thứ hai, lựu đạn không những bị ném ra nổ ở phía ngoài mà Nam còn bị trúng đạn, anh đổ gục lên người San khi chạy về. Anh nén đau, gắng gượng nói với một chiến sĩ vừa chạy đến trên tay cầm vài quả lựu đạn.
- Khi rút chốt, đợi lựu đạn xì khói mới ném vào đó.
Người chiến sĩ gật đầu, dũng cảm lao về phía trước và trèo lên tháp pháo, người chiến sĩ liền rút chốt vài quà lựu đạn và hành động y như lời anh dặn. Đám lính trong xe tăng không kịp ném lựu đạn ra ngoài. Một tiếng nổ long trời, con quái vật trúng đạn bùng lên như ngọn đuốc. Quân ta xung phong, reo mừng chiến thắng.
San gục đầu vào ngực Nam nức nở, chiếc áo trấn thủ thấm đẫm máu, hơi thở anh thoi thóp, bàn tay nắm chặt lấy San, kịp nhắn nhủ đôi lời rồi lịm trên tay cô. San gào lên, những người đồng đội đứng xung quanh tiếc thương cho người đồng đội và cô gái dân công mới cưới nhau được mấy tháng. Cạnh đó, dòng sông Đà cuộn chảy, vọng đến chiến trường tiếng nước oằn mình lớp lớp thay nhau xô cào vào vách núi, nghe như tiếng khóc than của xứ Mường.
Hỡi, người thương! Em gọi anh như con cuốc kêu mùa hè.
Em chờ anh giận em như con suối giận bờ mùa lũ
Hỡi ! Người thương cho em được thương anh, cho ta được yêu nhau
Như cây lúa yêu đồng...mường ta!
Thương thiết thương nồng bước chân đi dọi doi
Thương thiết thương nồng bước chân đi dọi dòi
Khứa vóng nhà em có mặt tlăng mặt tlời
Khứa vóng nhà em có pông tlăng ngời ngời…
3.
Họ bảo Kỳ bị ngạt nước khi được giao nhiệm vụ lặn xuống nước kiểm tra van nhận nước bị trục trặc ở đập chính, mãi chẳng thấy anh ngoi lên, mọi người tìm kiếm nhưng không thấy. Mấy hôm sau, xác anh nổi lên gần chờ Bờ, chẳng ai giải thích được, người thì bảo do dòng chảy ngầm, người thì nói vùng nước ấy thiêng, xác ai trôi đến đó cũng dừng lại. Bà San đau khổ, nỗi đau cứ ngằn ngặt giày vò mỗi ngày khi không làm tròn lời trăn trối của người chồng trước lúc hi sinh.
Ngày bà San đón Kỳ về nuôi cũng là lúc bà phát hiện mình đã mang trong mình giọt máu của chồng, bà không đi bước nữa, cứ ở vậy mà nuôi hai đứa con. Cái chết của Kỳ luôn làm bà day dứt, dù là con riêng của chồng nhưng tình cảm bà dành cho hai đứa con như nhau, chẳng phân biệt đối xử để đứa nào cảm thấy thiệt thòi. Chỉ đến khi Kỳ có giấy gọi nhập ngũ bà mới hiểu trách nhiệm của người vợ không chỉ là thương con. Việc đấu tranh trong lòng bà khốc liệt như đi giữa lửa đạn khi quyết định xin cho Cảnh nhập ngũ thay anh. Sau khi tiễn Cảnh lên đường nhập ngũ, ngày nào bà cũng khẩn cầu trời phật phù hộ độ trì cho con nơi chiến trường lành lặn. Hễ nhìn đứa con dâu bụng mang dạ chửa, chịu khó, hiền lành bà lại tự trách mình. Nghe tin người ta vớt xác con ở vùng nước nơi trước đây người chồng đã hi sinh, bà càng bàng hoàng. Khoảnh khắc ấy, trời đất như sụp đổ dưới chân bà.
4.
Thuyền cập bến khi trời đã sáng hẳn, ánh nắng chảy lênh láng mặt hồ những luồng sáng lấp lánh. Lão ngư gật gù khi bà San hẹn năm sau sẽ quay lại và không quên đưa cho lão lọ thuốc đặc trị xoa bóp xương khớp những ngày trở trời bà vẫn dùng.
Cảnh nói với mẹ mai phải trở về đơn vị nhận nhiệm vụ đột xuất. Bà San nghe thế liền ngắm nhìn anh rất lâu, đôi mắt rưng rưng. Bất kì điều gì khiến gương mặt hiền hậu của mẹ trở nên u trầm, biến sắc, đều khiến Cảnh bối rối, dằn vặt. Ánh mắt mẹ khiến Cảnh nhớ đến lần tiễn anh nhập ngũ, anh chợt hiểu ra mẹ muốn nói điều gì với anh hôm đó.
- Nhất định con sẽ trở về, mẹ đừng lo, chiến tranh kết thúc rồi.
Cảnh mỉm cười trấn an, xoa dịu nỗi lo lắng vừa nhen lên của mẹ. Nụ cười con trai làm gương mặt bà San từ từ dãn ra, nhẹ nhõm. Đã lâu rồi bà mới có cảm giác bình an trong cõi lòng đến thế. Bà nghe thấy những tiếng chiêng Mường đâu đó ngân vang vọng tới, Cảnh bảo đó thanh âm mừng lễ khánh thành thuỷ điện, mọi người đang nhảy múa hát ca.
Cuộc sống không ngừng chảy trôi, dẫu buồn vui, được mất, hạnh phúc hay đau khổ thì quá khứ đã là quá khứ. Mọi người đang hân hoan đón điều tốt đẹp.
Cả xứ Mường đang reo vui. Lòng bà cũng vui.
Bùi Tuấn Minh | Báo Văn nghệ