Chuyện nội Tám mỗi lần bài tiết luôn vén một bên quần rồi tè xuống cầu Tràm làm Lý buồn cười. Nội Tám chết lúc vừa đôi tám. Bố Lý bấy giờ mới bập bẹ i, a. Nội Lý lẻ loi nên đi bước nữa với nội Gái. Họ chẳng sinh con cái gì thành thử bố Lý được hưởng trọn tình thương. Chẳng may lúc bố Lý lên năm cũng lúc nội Gái nằm chết dưới cầu Tràm lúc đôi mươi. Các cô gái làng Tràm về sau có ý ngại nội Lý, dù nhà ông ghe thuyền, tôm cá nhiều.
Lúc trăn trối nội nắm tay Lý, dặn cháu hãy lánh xa vùng nửa biển nửa đồng này. Có vợ không được dắt về, dù chỉ một lần.
Làng Tràm nhô mặt ra biển. Chẳng biết nghề tổ có từ thời nào chứ trong gia phả họ Hà có ghi cách đây vài thế kỷ, năm nào làng cũng gặp Ông, to bằng mấy căn nhà ba gian. Làng Tràm mỗi lần gặp Ông đều lo cúng kiếng linh đình. Sau ấy đưa Ông hồi cố biển khơi. Nếu lỡ vào đất liền Ông quy tiên, dân lo chôn cất tử tế, mồ cao chất ngất. Thuở sinh thời nội Tám chống đối kịch liệt vấn đề này. Theo bà mấy Ông chả là thá gì - Việc chi làm người mà tôn sùng cá.
Năm nào cầu Tràm thông ra biển cũng bị nước cuốn. Dân làng phải quang gánh chạy về núi Dục: Chuyện kể, năm ấy thủy thần bất ngờ đổ ập lên làng vào một đêm cuối hạ, dân số từ ngàn người chỉ vỏn vẹn còn đôi ba trăm; tài sản, ghe thuyền phần nhiều trôi ra biển. Làng Tràm đói khủng khiếp, đến nỗi ông cố Lý giàu có đến thế phải bôn ba vào phủ lập nghiệp. Bà cố Lý là con gái thuộc tuồng hát bội. Trước bà có đời chồng đánh trống chầu suốt ngày chỉ thích rượu, mê gái. Ấy vậy về làng Tràm vài năm, bà cố được liệt vào hạng tiết phẩm, nết na của làng. Số ông cố dang dở, người vợ về sống cùng ông bảy mùa thu đã trầm mình theo biển. Cố ở vậy nuôi con, chả tơ tỉnh thêm ai nữa. Có người bảo ông gàn, tội gì mà không đi hưởng lạc khi túi tiền mình rủng rỉnh, sức khoẻ mình tràn sinh khí.
Chị Châu của Lý đẹp hơn người. Da dẻ gái biển thường sậm như ngựa xám mà chị lại trắng hồng. Mắt chị mơ màng. Môi chị mọng. Tóc chị óng mượt như dải tơ hồng. Chị làm việc nhà, ít khi giao du cùng các cô đồng trang lứa. Mấy lần Lý đùa chị sau này sẽ ế chồng. Chị cười. Không giận hờn chi. Chị học giỏi lắm nhưng đến lớp mười bố bảo chị thôi ở nhà đặng lo nội trợ.
Lý biết mẹ qua tấm ảnh nhỏ cũ kỹ chị Châu lúc nào cũng giữ bên người. Lớn, Lý hỏi mẹ bây giờ ở đâu, bố chỉ ngón tay về biển; nhiều lần lặp lại như vậy nên Lý tin. Lý hỏi tại sao cầu Tràm năm nào cũng trôi, bố bảo do kết cấu không chặt. Lý hỏi vì sao dân làng Tràm không di cư vào sâu trong đất liền cho cuộc sống đỡ vất vả hơn, đến đây thì bố không nói gì. Khi Lý hỏi chị Châu có yêu làng Tràm không, chị nhìn ra biển, mắt mơ màng. Sau dạo ấy Lý nhìn cảnh vật, con người ở làng với đôi mắt khác.
Những đêm trăng sáng, dân làng hay kéo nhau ra ngồi bên biển. Đàn ông nếu không ra khơi thì quây quần chén thù chén tạc với nhau. Đàn bà hốt những nắm cát vãi tứ tung theo con nước, sau đó nắm tay nhau nhảy ào xuống biển. Sóng mơn trớn, ve vuốt họ. Mấy lần như vậy chị Châu luôn có mặt. Có đêm về mơ, chị gọi giật giọng: "Biển! Biển! Mẹ!" làm bố cùng Lý choàng tỉnh.
Chị Châu không sinh ra ở làng. Thời trẻ bố từng sống ở phố. Mẹ gốc phố. Lúc chị Châu lên hai cùng lúc Lý cất tiếng chào đời. Người ta bảo chị giống mẹ: yểu điệu tha thướt. Lý giống bố như đúc từ khuôn mặt đến dáng đi, nhưng tính lại khác.
Bố ít khi ở nhà, trừ ngày biển động. Ông bảo với mọi người đời ông sống chết với biển. Có lần ông hỏi Lý thích theo thuyền ra khơi không, Lý lắc đầu nên từ đó ông không đả động cùng Lý chuyện sông nước nữa. Ông khuyên Lý hãy gắng học nhiều chữ vào cho bằng chúng bạn, có điều kiện phải về thành Nam mà lập nghiệp.
Những chiều xám mây Lý hay ra đứng tựa cầu Tràm để nhìn biển. Biển mênh mông chừng nào, cầu Tràm bé tẻo teo chừng ấy. Con nước mang hai dòng dưới chân cầu lúc nào cũng quặng. Lý nghe kể, thời tổ Lý dân làng muốn chung sức xây nên chiếc cầu toàn đá vôi kiên cố nhưng ông ra sức chống. Ai hỏi ông không bày tỏ nguyên do. Thời cố, nội, bố Lý binh biến đến thời Lý chẳng nghe ai bàn chuyện xây xiết gì nữa. Lý nghĩ vậy mà hay, năm nào cái cũ cũng trôi để người ta dựng nên cái mới. Mỗi lần như thế lòng Lý có điều chi khó tả lắm.
Bên tả cầu Tràm có cái miếu thờ các Ông, mặt nhô ra biển. Ngày 15 tháng 4 âm lịch năm nào làng cũng mở hội. Bà con vừa ăn uống vừa xem đoàn hát bội được mướn từ phố ba ngày ba đêm. Đàn ông, thanh niên bắt buộc phải say, phải vui, phải quên bao vụn vặt đời thường. Năm mười lăm tuổi, Lý lén bố uống vài cốc, giữa cuộc trêu ghẹo tí tỏng cùng mấy em trang lứa. Cuối buổi, chị Châu nắm tay Lý, hai chị em cùng tha thẩn suốt đêm bên biển. Lý hỏi chị trong khi biết bao anh trai chài to khoẻ thế, hiền lành thế mê tít thò lò chị mà mặt cùng lòng chị lại luôn phẳng lì. Chị bóp chặt tay Lý, giọng trầm, bảo chị không thể yêu được mấy anh như thế.
Lý có bà cô ruột tên Tiên. Chồng con đề huề nhưng lúc nào gặp chị Châu cô cũng than buồn. Suốt ngày cô Tiên không làm gì cả, luôn ngồi lì trong căn phòng mặt nhô ra biển để đọc truyện. Xem xong cuốn nào cô cũng liền mang cho chị Châu mượn. Có vẻ chị Châu thích, đêm đêm chị hay chong đèn đến khuya, đọc lấy dọc để. Lúc tắt đèn đi nằm, Lý nghe chị trăn trở; có lúc sáng ra Lý trông mắt mi chị thâm quầng. Một lần Lý mượn sách đọc vài trang, mới biết trong đấy toàn truyện yêu đương trai gái. Có nhiều đoạn tác giả miêu tả cảnh yêu đương rất mùi, rất đời. Có tin đồn cô Tiên bồ bịch nhì nhằng với mấy tay lái tàu nhưng bố Lý luôn phủ nhận.
Nội Lý thương nội Tám nhất. Ông từng lấy dầu hắc phết lên mạn tàu to nhất của mình hàng chữ "Tám - Đời Quý Là Tình"; trên đôi tay ông xăm hình thiếu nữ tóc dài chấm mông, đứng chéo chân, bên dưới cũng hàng chữ y chang mạn thuyền. Sau lần con thuyền to nhất làng Tràm bị nước cuốn đi, nội không ra biển nữa, suốt ngày ở nhà cười nói oang oang. Ông cho rằng thần biển mất dạy. Ông chửi trời. Trăng bên ngoài sáng láng tưởng thiện ý nhưng bên trong chỉ có tài nhìn đàn bà, con gái làng Tràm cởi truồng. Nếu say quá hớp ông đem gia phả các họ trong làng ra chửi. Chẳng ai nghe ông. Họ bảo ông bị thần biển ém do lần ông đồng tình ý kiến vợ cho các Ông không là gì cả. Lúc nội Lý hấp hối trên giường bệnh, ông kể cho Lý nghe đầy đủ về cuộc tình của ông với nội Tám.Cô Tiên giống nội Lý, mỗi lần ghét ai đều nói toạc ra. Bố nhìn cô cãi cọ với người ta với vẻ mặt dửng dung. Chị Châu mấy bận như vậy thường lánh mặt. Có lần Lý chứng kiến cảnh cô Tiên xé toạc quần áo vợ ông lái tàu tên Quýnh do bà này dám úp úp mở mở chuyện cô ăn nằm với chồng bà. Bố cho rằng cô Tiên hành động như thế phải đạo, đúng đời. Lý biết với tính khí của bố thì chẳng ai dám hành hung, nhục mạ lại cô Tiên. Trước, ở phố bố từng nổi đình nổi đám ở sở trường phóng dao vào hình nhân trong gánh "Sơn Đông mãi võ" lưu động.
Đêm trăng suông Lý chứng kiến cảnh bố đem những chiếc dao găm cũ kỹ ra phóng lia lịa vào các gốc bạch dương cuối vườn. Lý rùng mình. Lý suy đoán bố nhớ ngày cũ. Một đêm trăng như thế Lý trộm thấy chị Châu đi nhặt dao cho bố; cuối buổi bố ôm chị vào lòng, vuốt hoài mái tóc óng ả của chị. Sau đó, hai bố con đi về phía biển. Sáng ra Lý mới biết chuyến này bố đi làm ăn hơn tháng mới về. Bố để lại cho Lý dòng ngắn, nhắc Lý phải đầu tư nhiều nữa vào sách vở, kỳ thi đại học của Lý đã gần kề. Bố khuyên Lý tránh việc suy nghĩ viển vông, nhất là yêu đương gái gú. Bố từng bảo những người đàn bà chỉ đem lại cho người đàn ông sự bất hạnh. Con trai càng muốn thành công việc đầu tiên phải tìm cách lánh xa những "của nợ" ấy. Theo bố cái đẹp chính là tai ương. Bố đã đến tuổi nhìn vào cái đẹp thấy những cái không đẹp tạo nên cái đẹp, nhìn vào cái xấu thấy những cái không xấu tạo nên cái xấu. Bố thương chị Châu lắm, có điều kiện ông luôn sắm sửa tư trang, quần áo đẹp cho chị. Ông quan niệm con gái sống trong gia đình nghèo luôn khốn nạn. Lý chả hiểu tại sao bố lại có thái độ nghiêm khắc đối với mấy anh làng chài, mấy tay lái tàu chưa vợ mỗi khi tìm cách lân la chị Châu đến thế. Lúc bố có nhà đêm nào ông cũng treo bảng gỗ viết nguệch ngoạc "không tiếp khách", thành thử các anh, các ông chỉ biết thở dài. Chị Châu cũng lạ, lúc bố vắng nhà chị cũng chả buồn đón khách. Có anh bạo gan xộc thẳng phòng chị, gõ cửa côm cốp nhưng chị vẫn mặc.
Một bận, cô Tiên dẫn giới thiệu chị Châu anh chàng trai phố tướng khôi ngô tuấn tú, nghe đang học trường đại học nào đó to lắm ở Nam nhưng chị tiếp qua quýt, có lệ. Sau vài bận anh này biến luôn. Cô Tiên chửi chị ra rả, cho trên đời này chẳng còn đứa con gái nào ngu bằng chị, một tấm chồng đáng thế mà chê, sau này thế nào cũng vớ thằng không hồn vía gì. Bố biết được, nổi cáu. Ông đập bàn ầm ầm, cấm từ nay cô Tiên không được vào nhà thờ họ Hà nữa. Cô Tiên công môi, ngoáy đít, bỏ đi, để lại tràng cười choen choét. Nói thế chớ mấy ngày sau cô quay lại, đốt nhang khấn lầm bầm bàn thờ tổ.
Gió động. Biển nổi sóng. Trời giông chớp đì đùng. Đêm ngoài kia lùa vào làng Tràm thanh âm cuộc thuỷ chiến của các vị thuỷ thần. Lý sốt vó bởi bố đi hai tháng mà chẳng tin tức gì. Dạm hỏi các bạn thuyền nhưng họ lắc đầu, những ngày ngoài khơi họ chẳng bắt được tín hiệu của bố. Cô Tiên đứng ngồi không yên. Chồng cùng hai đứa con trai đầu của cô cũng có mặt trên chiếc thuyền to nhất làng Tràm đấy. Cô không thiết tha dọc truyện nữa, hết chạy ra ngóng cổ ngoài biển lại chạy thẳng vào nhà Lý thở ngắn, than dài. Cô lạy trời, khẩn đất, câu phật, van xin cùng tổ tiên. Cô càng khẩn, tiếng động ngoài kia đập vào mạnh hơn. Người ở làng dự đoán cầu Tràm năm nay xây dựng sớm hơn mọi năm hai mùa trăng.
Chị Châu úp mặt vào gối, tấm tức khóc. Toàn thân chị xanh xao, cổ vừa ốm vừa dài, ngực đổ xuống như cành liễu mỏng. Truyện chị chả buồn đọc. Cơm chị thả thiết ăn. Đêm nào Lý cũng thấy đèn phòng chị chong đến khuya. Nhang chị dốt cắm khắp nhà, khắp ngã. Chiều, chị cùng cô Tiên và đám đàn bà, con nít ra đứng bên đồi cát cho đến tối mịt mới chịu lò dò về. Lý thấy lòng mình đã rối mà lòng chị rối hơn. Lý muốn khuyên chị, an ủi chị, vỗ về chị nhưng nhìn vào đôi mắt u uẩn ấy Lý không thể thốt nên lời. Lý thương chị quá. Rồi đây nếu có điều chi thì chị sẽ chết mất. Không còn chị cõi lòng Lý cũng không còn. Lý muốn nắm tay chị, vuốt tóc chị nhưng như giữa Lý và chị gần mặt nhưng cách lòng. Ngày sau phải người con gái y chang chị từ vóc dáng đến tâm tính mới có thể lay động trái tim Lý - Lý nghĩ thế. Chị Châu ơi! Em quyết rồi, người con gái em cần phải trắc ẩn bằng chị, đa đoan bằng chị.
Đêm, Lý đứng cuối cầu Tràm, gào "chị Châu...!". Thuỷ thần đáp lại Lý bằng cơn động dữ dội.
Ông nội kể, nội Tám từng là con gái của ông tri phủ H - mà bây giờ địa danh đổi thành phố. Bà chẳng những đẹp mà còn giỏi giang địa đồ, thiên văn cùng cầm, kỳ, thi, hoạ. Năm ấy, nội Lý lang bạt ở phủ, công việc là quản lý kho mắm của ông tri phủ giàu có này. Cô tiểu thư tuy có nhiều mai mối, nơi đâu cũng toàn công tử, các quan khoa bảng còn trẻ cũng như các vị lớn ở các thành khác nhưng cô vẫn chưa thuận tình. Suốt ngày cô thích tha thẩn bắt bướm, hóng gió, đánh đàn, ngâm nga thơ phú hoặc tha thẩn bên cành đào, cành mai trong khuôn viên phủ. Chiều kia, nội Lý do công việc quá nặng nề mà suất ăn tôi tớ ở phủ có hạn nên mệt lả, ngủ vùi trong đống lá khô cuối vườn. Tiểu thư sau hồi ngâm nga chán chê, khi đi ngang đống lá, tiện tay châm lửa đốt. Sau này vết sém trên chân, trên lưng và một khoảng đầu trọc lóc nội vẫn còn.
Nội dẫn nội Tám về làng trong sự ngỡ ngàng của làng Tràm. Một người san sẻ cùng nội. Lúc ấy là cố.
Lúc bố Lý dẫn người đàn bà cùng đứa bé gái nhỏ tẹo trên tay vào nhà họ Hà, nội Lý ra chiều không vui. Có điều tâm sự này về sau ông mới thổ lộ cùng Lý. Nhiều tin đồn mẹ Lý sống quá ư phóng túng ở phố.
Sáng kia, Lý tình cờ trông cảnh chị Châu ôm bụng nôn thốc nôn tháo, khạc nhổ ậm ọc nơi cuối vườn. Quần áo chị nhàu nát. Thân chị cúi lum khum trông rất mỏi mệt. Nhác trông Lý đến gần, chị hốt hoảng, ấp ớ rằng chị quá lo về bố nên mới đến cơ sự như thế.
... Nội Tám sinh bố Lý thiếu đúng mùa trăng mới đủ chín tháng mười ngày. Bà chuyển dạ khi đứng ngóng gió ở cầu Tràm. Cố Lý là người đầu tiên ôm cháu vào lòng nựng lấy nựng để. Khi nội Tám chết nằm úp mặt xuống vũng nước lợ cầu Tràm, người ôm xác bà chạy thẳng một mạch từ ấy về nhà, mặt mũi nước mắt, nước dãi chảy lòng thòng là nội Lý. Năm ấy mai táng nội Tám được tổ chức có một không hai trong lịch sử làng Tràm. Ngôi mộ đá tổ ong xây kiên cố ấy chẳng có gì xô ngã, cuốn phăng nổi...
Cô Tiên ôm mặt nấc liên hồi. Cô đập bàn, đá ghế nhà Lý trong cơn cùng cực. Lý nhìn cô với sự đồng cảm. Lý cũng muốn la hét lên, đập tanh bành tất cả để tìm nguyên do sự ra đi đột ngột của chị Châu. Chị chẳng để lại gì cho Lý cả ngoài vài dòng gởi cho cô Tiên. Cô Tiên xem xong vò nát rồi nuốt vào bụng.
Mấy ngày sau, thuyền bố tôi đột ngột cắm neo làng Tràm. Tất cả thoát nạn do lánh kịp vào hòn đảo nọ. Trong đêm, Lý bỏ làng Tràm ra đi, không giã từ ai.
Lý đi tìm chị Châu. Lý lang thang khắp các ngả đường. Lý kinh qua các nghề. Lý hiểu thêm nhân tình thế thái. Lý nhớ làng Tràm, nhớ biển da diết nhưng Lý thề rồi, thề độc nữa là khác, chẳng bao giờ Lý quay lại cố hương.
Lý khản giọng gọi tên chị. Qua miền nào Lý cũng tìm cách dò la tung tin của chị nhưng chỉ nhận những cái lắc đầu. Lý mong gặp lại chị một lần để quỳ xuống hôn bàn chân, nắm hai tay mềm mại, vuốt mái tóc óng ả của chị.
Hai mươi mấy tuổi đầu mà chẳng có người con gái, người đàn bà đáng cho Lý hiểu, Lý nhớ. Vài người chạy theo Lý, cầu xin tình yêu trong Lý nhưng Lý chẳng buồn. Lý muốn thét vào mặt họ, chửi ra rả như cô Tiên, bảo tất cả hãy để cho Lý yên.
Biết tin đăng tìm người thân của bố trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhưng Lý vẫn mặc. Lý phải tìm cho được chị Châu. Có thể Lý dẫn chị quay về làng, lạy xin bố tha lỗi. Ừ, cội nguồn - Lý nghĩ - phải có thời gian đi thật xa, thật lạ sau đó quay về thì mới đáng quý, đáng trân trọng.
Đêm kia, trên đường phố mang tên T. ở thành Nam có gã trai trông tướng phong trần, quần áo bụi bặm, đang đi tha thẩn bỗng nghe tiếng gọi giật từ gốc cây vọng ra:
- Anh gì ơi, đi không?
Gã trai lù lù nhìn cô gái mặt hoa da phấn nhập nhoạng ánh đèn, để sau hét toáng:
- Châu! Phải Châu làng Tràm không?
Cô gái lủi thẳng vào đêm.
Gã trai đứng lặng như cây, tỉnh lại được nhận ánh mắt cùng cái chỉ tay mạnh mẽ của gã đàn ông mặt ngựa:
- Cút đi, "bố"!
Gã trai bước đi, đuổi ngay mọi ý nghĩ nảy ra từ đầu mình.
Sài Gòn 30/9/1997
Hình ảnh minh họa. Nguồn pinterest |