Tôi thấy vị thuốc thực là ngon lành và ấm áp, như vòng tay quấn quanh cổ cùng lời thì thầm bên tai. Cho nên tôi không tài nào hiểu được những kẻ nhăn mũi, quắc mắc khi bước ngang qua một người hút thuốc.
Nhưng đêm nay thuốc có vị lạ quá! Chắc là vì trước đó tôi đã kịp say mèm nên cái gì nom cũng khang khác. Chẳng hạn như chuyện sao gió lại mạnh thế? Thường ngày gió trên tầng thượng chỉ đủ thổi bay tà váy. Riêng gió tối nay lạnh đến nứt tim gan.
Minh họa Đặng Tiến |
Phải rồi, tôi còn đang thất tình nữa kia mà! Tên người yêu đẹp trai nhất đời đã không còn coi tôi là người duy nhất trên đời. Hắn đá tôi một cú đau tới nỗi tôi ước gì đó là cú đá vật lý vào chân, vào hông, thế nào cũng xong. Nhưng hắn lại chọn đá thẳng vào tim tôi bằng lời chia tay. Hai năm qua tôi nằm êm ru trên tấm chăn tình yêu ấm áp mà không biết phía chăn của người mình yêu đã lạnh từ khi nào. Lời chia tay quá đơn giản khiến tôi không biết mình nên bắt đầu tranh luận từ đâu. Làm gì có kẽ hở trong câu “Anh không còn yêu em nữa.”
Quay trở lại chuyện gió, trận gió đêm nay lạnh và khét lẹt. Mùi khét không đến từ điếu thuốc trên tay mà ở trước mặt tôi, cách một khoảng rất xa, một cột khói đang sừng sững giữa trời. Làn khói không thổi được đến tận đây nhưng tôi thề rằng mình nghe thấy mùi khét.
Cháy!
*
Dù đầu còn nhức bưng bưng, điều đầu tiên tôi làm khi thức dậy là với lấy điện thoại. Đã 2 giờ chiều. Nhìn những tin nhắn bạn bè hỏi thăm về con tim tan vỡ của mình, tôi đặt tay lên ngực, cảm thấy nó vẫn vỡ như hôm qua, không vì một trận say mà liền da. Theo thói quen tôi lần tìm gói thuốc, điếu thuốc vừa đưa lên môi đột nhiên khựng lại. Tất cả tin tức đều đang nói về một vụ cháy. Trí nhớ tôi lần theo sợi dây ký ức: chính là vụ cháy ấy, cái cột khói ấy đã lên trang nhất mọi tờ báo hôm nay. Một cơn rùng mình chạy dọc sống lưng.
Hơn năm mươi người chết!
Đêm qua trong cơn mơ màng tôi đã dõi theo đám khói ấy rất lâu. Từ tầng thượng nơi tôi ngồi, đám khói không cao lên hay to thêm, nó bám víu ở đó như ống tay áo phất phơ của gã khổng lồ. Nào ngờ gã đã âm thầm mang theo hơn năm mươi linh hồn bay về trời trước mắt mình mà không hay. Sự chết hóa ra có thể thầm lặng và mênh mông đến thế dù được gói gọn trong tầm mắt.
Thấy cổ họng khản đặc, tôi quyết định cất lại điếu thuốc vẫn chưa châm. Tôi chậm chạp đánh răng, chải tóc, là áo, mang giày, vừa làm vừa nghĩ ở một nơi cách mình không xa, rất nhiều nếp sinh hoạt thường tình này đã vĩnh viễn dừng lại. Mất gần hai tiếng sau tôi mới chỉnh tề ra khỏi nhà.
Tôi bàn công việc với bạn một lúc rồi cả bọn ngẩn người trên ghế. Nếu là ngày hôm qua, ắt hẳn chủ đề để nói nhiều nhất chính là cuộc tình tôi đã chết như thế nào. Trong vòng tròn bạn bè của tôi ở thủ đô, mối tình của cô gái miền Nam một mình theo chân chàng trai Bắc ra đây đích thị là một thứ vô cùng to tát. Song cái chết của cuộc tình tôi bỗng trở thành một mẩu chuyện nhỏ bé như mẩu tin tuyển dụng nép mình ở góc dưới cùng của tờ báo, thận trọng dành chỗ cho những cái chết gây ra bởi gã khổng lồ đêm qua.
*
Không có quãng thời gian nào trôi chậm hơn lúc con tim tan vỡ. Mặc dù cảm tưởng như mình có tất cả thời gian trên đời, cuộc đời tôi lại rất ít chi tiết diễn ra. Luôn là những ngày thức dậy muộn, hút dăm ba điếu thuốc, lướt điện thoại, vệ sinh cá nhân, mở máy tính làm việc đến khi đói mềm người thì kiếm gì bỏ bụng, thỉnh thoảng đi gặp vài người bạn để chắc rằng mình vẫn còn kết nối với xã hội.
Từ sau khi chia tay, tôi giảm bớt lượng công việc để có thêm thời gian thở dài, đồng nghĩa với tài khoản của tôi cũng eo hẹp lại. Tôi không còn đến dùng bữa ở những nơi xinh xẻo điệu đà, tấm tắc khen phần ăn bé xíu để nhận lại nụ cười trìu mến từ nhân viên phục vụ. Trước khi kịp nhận ra, tôi đã trở thành khách quen của hàng phở ngay góc đường vì chỉ mất ba lăm nghìn cho một bát tái gầu. Hễ thấy tôi ngồi đánh phạch xuống ghế, bà chủ liền cất giọng sang sảng:
“Có ngay một bát tái gầu cho con gái Sài Gòn!”
Chúng tôi chẳng cần trao đổi thêm cho đến khi tôi ăn hết bát phở, lấy sạch thịt giắt trong răng rồi nói với người đàn ông chạy việc kiêm chồng bà chủ:
“Cháu gửi tiền.”
Thế là xong một bữa ăn.
Thỉnh thoảng tôi đánh một con đường khác sang quán cơm rang dưa bò. Cũng có khi tôi ăn vội mấy thứ đóng gói trong cửa hàng tiện lợi. Nhưng sau cùng tôi ghé quán phở nhiều nhất vì nó rẻ, gần nhà và thực sự hợp khẩu vị.
Dần dà tôi bắt đầu để ý nhiều hơn, phát hiện quán phở có nhiều khách quen và trông ai nấy đều từ tốn với bát phở của mình. Không rõ có bao nhiêu việc đang đợi nhưng hễ thức ăn bưng ra, họ phải ăn cái đã, ăn một cách thật thà và nghiêm cẩn. Như ông bác luống tuổi lúc nào cũng vừa ăn vừa hít hà như là mới có lại khứu giác sau trận nghẹt mũi nghìn năm. Cậu thanh niên trạc tuổi tôi bao giờ cũng ngồi gần bà chủ, ăn xong chẳng vội đi mà nhẩn nha vừa hút thuốc vừa kể chuyện tình yêu tình báo cho bà nghe khiến bà cười khùng khục. Có một bà cô nom trẻ hơn chủ quán độ mười tuổi, thường đến sau tôi một chút và luôn gọi một bát phở nạm. Bát phở be bé không kèm quẩy nhưng bà ăn chậm hết cỡ, còn húp cạn nước dùng. Nhiều lần mắt tôi chạm vào mắt của những vị khách, trông họ thật lành tính và bình yên đến mức tôi tự hỏi họ có từng đi qua cơn trống rỗng thẳm sâu như mình hay không, có từng chạm vào nỗi đau chưa. Nhất là khi tôi chạm phải mắt của bà cô ăn phở nạm. Ánh mắt bà tĩnh lặng như dòng sông chảy bọc quanh ngọn đồi vô danh ở xứ sở không ai lui tới. Mọi thứ bà làm đều bình thản, cách bà đưa từng muỗng nước dùng lên miệng húp nhẹ một cái khiến tôi thấy thiện cảm với đồ ăn của bà hơn cả phần của mình.
Thế là tôi tập cách hòa mình cùng họ, chậm rãi trở thành một phần của xã hội tí hon trong quán phở thay vì ăn vội để chạy về nhà. Dẫu sao cũng chẳng có ai đợi tôi sau cánh cửa, kể cả một con mèo. Lâu dần thành khách quen, bản thân tôi cũng thả lỏng hơn. Một lần vừa dùng bữa xong bỗng thấy thèm thuốc, tôi lôi ngay một điếu đặt lên môi. Cảm giác hút thuốc trong một quán nhỏ ven đường dưới bầu trời đêm mùa thu có cái thú khó tả. Tôi rít sâu một hơi, nhẩn nha phả đợt khói đầu tiên và đưa mắt nhìn xung quanh. Đó là lúc tôi nghe tiếng hét lớn nhất đời.
Một tiếng hét có tất cả cao độ, cường độ và trường độ đều vọt lên hẳn những tiếng hét mà tôi từng biết, nhưng nó không bật ra thành tiếng mà thu gọn trong ánh mắt của người phụ nữ ăn phở nạm quen thuộc. Thoạt tiên bà dừng đũa, nhìn trân trối vào tôi, đồng tử hết giãn ra rồi thu lại, đoạn bà bất chợt giật người ra sau suýt ngã khỏi ghế, cứ như vừa nhìn thấy ác quỷ. Dòng sông không còn tĩnh lặng trong ánh mắt ấy. Nó hóa thành đại dương sâu thẳm cuồn cuộn những đợt sóng thần cao trăm mét, cuốn phăng mọi sự ngon miệng và những điều tốt đẹp trên thế gian. Mãi sau một lúc bà mới lấy lại vẻ bình tĩnh, lặng lẽ thanh toán khi bát phở hẵng còn lưng chừng, để lại tôi ngơ ngác với điếu thuốc trên tay.
“Ôi con gái Sài Gòn!” Bà chủ quán đợi đến khi vị khách quen đi khỏi, mới chồm về phía tôi mà nói sau khi chứng kiến cảnh tượng vừa diễn ra. “Chắc khói thuốc của cháu xộc vào mũi bà ấy, thế thì phải tội. Bà ấy mất con trong vụ cháy, cháu không biết à?”
“Trận cháy chung cư vừa rồi ạ?”
Hai vợ chồng cùng gật đầu. Điếu thuốc tí hon trên tay tôi trong một thoáng đã hóa thành gã khổng lồ mà tất cả chúng tôi từng ghê sợ.
“Bà ấy mới về khu này, ngay sau vụ cháy.” Bà chủ rì rầm kể. “Trước đấy nghe bảo hai vợ chồng ở quê chuyên trồng trọt chăn nuôi. Có đứa con trai kháu lắm. Nó mê thành phố nên hở tí thời gian là lên chơi nhà ông bác trong cái chung cư ấy. Xui rủi khổ thân thế nào hôm ấy cả nhà ông bác, cả bà mẹ đều được cứu nhưng thằng bé thì lay mãi không tỉnh. Sau vụ đấy bà ấy mới xuất hiện ở đây thường xuyên, nghe đâu là lên bán mấy món rau quả nhà trồng. Cô cũng chưa thấy bán ở đâu, có khách ăn đây kể lại mới biết. Khổ thân thế chứ!”
Gần một tuần tiếp theo tôi không ghé quán phở vì ngại chạm mặt người đàn bà mất con kia. Có cảm tưởng như chính tay tôi châm thêm một ngòi lửa trong trái tim đang cần nguội đi của bà. Đấu tranh nội tâm rất lâu thì thói quen cũng chiến thắng cơn ngần ngại. Một phần vì chỉ có phở ở chỗ này là hợp vị. Phần khác là vì tôi cảm thấy đây là loại chuyện không thể trốn tránh mãi.
Như mọi lần, tôi ăn gần hết bát phở thì bà đến, dường như không bận tâm đến sự tồn tại của tôi. Còn chưa kịp ăn xong tôi bỗng thèm thuốc như điên. Kỳ thực tôi vốn không nghiện thuốc đến mức đó, nhưng đột nhiên não bộ dẫn truyền một loạt thông tin bắt tay chân tôi thèm châm một điếu thuốc ngay lập tức. Tiếc là người phụ nữ ấy đang ở kế bên. Cái mong muốn giản đơn tầm thường bị cản lại bỗng khiến tôi nhớ về khoảng thời gian mình phải nhịn thuốc mỗi khi ở bên người yêu vì mũi hắn trở chứng, chỉ cần hít phải chút không khí lạ liền hắt hơi liên tục. Kí ức chẳng mấy đặc sắc nhưng những tiếng cười, cái cau mày, tiếng hắt xì của chúng tôi trộn lẫn với nhau chợt khiến tôi hiểu sâu sắc rằng giờ phút này mình đang ở một mình nơi xứ người, không còn tình yêu dâng đầy trong tim. Nước mắt tôi rỏ tong tong xuống bát phở tự lúc nào.
“Cuộc sống quá khó khăn rồi sao? Hay là bị ai bắt nạt? Chuyện công việc, gia đình hay là tình yêu? Có ai mắng cháu à? Gì thì gì, khóc được là tốt lắm. Khóc được thì cứ khóc hết cho xong.”
Một loạt câu hỏi và tiếng nói đều đều vọng đến từ một bên tai khiến tôi không kịp lau nước mắt mà ngẩng lên nhìn người đàn bà đang nói chuyện với mình. Dòng nước trong mắt bà không còn cuộn sóng, cũng chẳng tĩnh lặng, nó như dòng sông buổi triều dâng, chầm chậm dâng lên những gợn lăn tăn lan qua vũng nước nơi tôi đứng. Tôi chỉ nhớ mình nói lí nhí một câu vô thưởng vô phạt gì đó rồi quệt nước mắt ra về. Các luồng cảm xúc và hình ảnh chạy loạn trong lòng. Duy có ánh mắt triều dâng của bà là hiện lên rõ nét.
Tôi dành cả tuần sau đó để suy nghĩ và đi đến một quyết định: tôi cần đi tìm người phụ nữ ấy. Chưa rõ gặp bà rồi tôi sẽ làm gì nhưng có gì đó mách bảo tôi phải thử, tôi muốn gặp bà ở bên ngoài hàng phở. Dù sao trước tiên tôi thấy mình nên đường hoàng hồi đáp những lời hỏi han đã lâu mới nghe bên tai.
Tôi lần theo thông tin ít ỏi do bà chủ quán phở cung cấp, dùng bán kính là khoảng cách từ chung cư xấu số đến khu nhà mình, vẽ một vòng tròn rồi tìm những khu chợ nằm trong vòng tròn này. Trông bà không có cái vẻ liến thoắng của tiểu thương trong chợ nên tôi đoán sạp rau của bà nằm đâu đó bên ngoài. Đến khu chợ nào tôi cũng đánh vài vòng, quan sát khắp các ngõ ngách. Không mất nhiều công sức nhưng khá tốn thời gian. Cuối cùng thì những ngày dậy sớm để xuất hiện ở chợ cùng lúc với tất cả những bà nội trợ khác cũng có kết quả. Một ngày tôi bắt gặp bà ngồi một góc bé xíu kế khu chợ nhỏ cách quán phở tầm hai cây số.
Ánh sáng ban ngày khiến sạp rau trước mặt trông thật to so với bà. Từ xa tôi đã thấy đủ loại rau củ được bày bán, còn có ít thịt lợn tươi nằm một góc. Đến gần hơn tôi nhìn thấy bảng viết tay bằng bút lông “RAU CHO HỌC SINH SINH VIÊN”.
Tôi lặng lẽ quan sát một lúc. Vài người đi qua có ghé tới trao đổi với bà mấy câu nhưng chưa thấy ai mua. Ít phút sau có cô gái nom rất trẻ, có lẽ độ mười tám, hai mươi ghé vào. Hẳn là khách quen vì tôi thấy hai người trao đổi mua bán rất nhanh và thuần thục, thậm chí không thấy cô trả tiền. Lát sau lại diễn ra một cảnh tương tự, người mua rau là một thiếu niên mang đầy những thịt cá trong giỏ xe, chắc là đi chợ giúp mẹ. Cậu thiếu niên cũng cười nói với bà rất lễ phép rồi cho bó rau muống vào giỏ mà không đưa tiền.
Trí tò mò nổi lên, tôi tấp vào.
“Cô ạ.” Tôi gật đầu chào và nhìn vào mắt bà thật lâu đợi bà nhận ra.
Có lẽ cũng như tôi, mất một lúc trong ánh sáng ban ngày bà mới nhớ ra một khuôn mặt chỉ quen thuộc trong ánh đèn đêm.
“Cháu lấy hai quả mướp thì bao nhiêu ạ?”
“Miễn phí đấy. Cháu có phải là sinh viên không?”
“Không ạ. Cháu hăm bốn rồi.”
“Thế thì cháu đi thêm hai chục mét vào sâu trong chợ có hàng rau rẻ lắm. Rau này để cho các cháu học sinh, sinh viên.”
“Cháu trả tiền cũng không mua được ạ?”
Bà lắc đầu, môi hơi mím lại.
“Vì sao thế ạ? Cháu muốn mua cho cô nhanh hết mà.”
“Vì đấy là quy định.”
“Của ai cơ?”
“Của cô.”
Đến đây thì tôi nhận ra mình thật vô lý. Bà có một quy định và tôi đang cố lách luật vì cho rằng mình muốn làm gì đó tốt đẹp. Tôi thấy hơi xấu hổ nên toan rời đi, nhưng ánh mắt điềm tĩnh của bà khiến tôi không thể rời bước.
“Cháu muốn cảm ơn cô vì chuyện hôm trước. Những lời hỏi thăm của cô rất có ý nghĩa với cháu, không dễ gì được nghe những lời như vậy ở đây, chỉ là lúc đó cháu chưa nghĩ thông. Cháu chỉ muốn cảm ơn và cả xin lỗi cô nữa. Lúc châm thuốc, cháu đã không biết…”
Lần này cái nhìn bà trao tôi thật khác. Nó giống như ánh nhìn của bà tôi dưới quê lúc tôi nhận lỗi vì trót trốn đi chơi khiến cả nhà nháo nhào đi tìm. Cảm giác như bà vừa muốn lay thật mạnh song cũng muốn vỗ nhẹ lên vai để tôi thôi thút thít. Thấy không còn lời nào hay hơn để nói, tôi cáo từ thì bỗng nghe tiếng bà khẽ vọng từ sau.
“Cháu cần người hỏi thăm thì cô vẫn ăn phở ở đấy thôi.”
Tất nhiên tối đó tôi lại đi ăn phở.
Một buổi trưa tôi xong việc, vừa hay tiện đường ngang khu chợ, bèn len lén đứng nhìn cảnh bán buôn của bà. Lúc sắp chạy đi tôi bỗng nhận ra biểu cảm của bà thay đổi. Chân bà hơi khuỵu xuống, khuôn mặt chừng như đang toát mồ hôi. Tôi vội tấp xe tới trước hàng rau.
“Cô làm sao đấy?”
“Tự dưng hoa mắt, tay chân toát mồ hôi lạnh.”
“Cô bị hạ đường huyết rồi.”
Hạ đường huyết ở chợ có lẽ là điều khá may mắn. Tôi chạy ù sang mấy mét đã mua được ly sữa đậu nành và cái bánh cua. Bà nhận lấy không từ chối.
“Thỉnh thoảng lại bị vậy.” Khí sắc bà đã hồng hào hơn khi bắt đầu ăn. “Cảm ơn cháu.”
“Cô ngồi nghỉ đi ạ. Cháu nghĩ là mình giúp cô bán được vì chả cần bán gì cô nhỉ! Chỉ cần hỏi xem có phải là học sinh, sinh viên không.”
Bà gật đầu, nhấp một ngụm sữa.
“Nhưng sao lại là học sinh, sinh viên ạ? Lại còn miễn phí. Bọn trẻ bây giờ khá lắm, không nghèo như mấy chị gái trong Phía trước là bầu trời đâu.”
“Cũng sẽ có người cần hỗ trợ bó rau, cân thịt. Chả bao nhiêu nhưng không nên để bọn trẻ bận tâm chuyện cơm áo, để còn an tâm học hành.”
Vừa hay có một nhóm ba cô gái trẻ măng hệt mấy cô sinh viên trong bộ phim tôi mới nhắc ghé lại. Các cô lấy một bó cải ngọt, bó mồng tơi và nửa cân thịt cắt sẵn. Cả ba gật đầu chào tôi và cảm ơn bà rối rít. Tôi quay sang định hỏi gì đó thì thấy bà ăn mẩu bánh cuối cùng trông thực ngon lành, không kìm được mà thốt lên.
“Trông như đang ở Đà Lạt ấy cô ạ. Trời se lạnh, ăn bánh ngọt uống sữa đậu nành. Nếu là ban đêm nữa thì…”
“Cô đã ở Đà Lạt đâu mà biết.”
“Cháu từng biết nhưng giờ không biết nữa. Không còn người đi cùng.”
“Thế người ta không muốn đi cùng cháu nữa à?”
Tôi lắc đầu, sợ nói thêm giọng mình sẽ lạc đi.
“Thế cháu đã khóc được hết chưa? Chưa thì cứ khóc nốt, không cần ngại!”
“Khóc tại đây ạ? Vào giữa trưa mùa thu bên hàng rau miễn phí?”
Bà cúi đầu vài giây rồi ngẩng lên nhìn tôi với một cái thở dài không còn sức nặng.
“Đã muốn khóc thì còn có thể khóc như mưa ngay ở bậc thang xe buýt.”
Ánh mắt bà cho tôi biết điều đó là thật. Nó đã từng diễn ra, có lẽ không quá xa, thậm chí mới đây. Dòng sông chỉ trở về dáng vẻ tĩnh lặng sau những trận mưa như lũ lụt. Đột nhiên tôi cảm thấy vô cùng buồn bã, bèn xua tan bầu không khí bằng một câu vô thưởng vô phạt.
“Sao trên bảng không đề chữ ‘miễn phí’ để người ta đến lấy nhanh hơn hả cô?”
“Cái chữ đấy quá thu hút. Người ta sẽ vì món hàng miễn phí mà bất chấp nhiều thứ để lấy được. Ai có nhu cầu mua sẽ biết thôi.”
***
“Hôm nay cháu vẫn chưa no. Cô chia đôi với cháu cái quẩy được không?”
Cứ vài hôm tôi lại đề nghị và bà không từ chối. Khi là thanh quẩy, khi là một bát nạm thêm đủ lấp vừa in cơn đói. Lần nào tôi cũng trả tiền trước rồi chạy ù về nhà. Dáng vẻ loạng choạng của bà vào buổi trưa hôm đó khiến tôi thấy bà nên có ai trông chừng. Những lúc tâm trí rảnh rỗi tôi thường hình dung đến cảnh bà đứng trao những bó rau miễn phí cho đám thanh thiếu niên. Bà không có chút gì giống mẹ tôi, lại trẻ hơn mẹ dễ đến năm, bảy tuổi, nhưng bà có tất cả dáng vẻ của một người mẹ, sau khi đưa con đến trường liền quẩy gánh ra chợ bán rau, tối về lấp đầy bụng bằng bát phở rồi đón con ở lớp học thêm về.
Một buổi tối tôi đã no kễnh với phần ăn của mình nhưng đợi mãi bà vẫn chưa xuất hiện. Tôi thoáng nghĩ tới điếu thuốc nhưng rồi nhận ra mình không thực sự thèm đến thế. Nghịch điện thoại thêm một lúc ngẩng lên thì thấy bà tập tễnh đi vào.
“Chân cô làm sao đấy?”
“Lúc chiều về bị ngã xe. Xem qua rồi, ổn cả thôi nhưng còn đau nên chưa đi thẳng thớm ngay được.”
“Thế cô ăn đi, chốc cháu cùng cô về nhà. Cô đừng từ chối làm gì, cô mà ngã nữa là phải nghỉ ra chợ mấy ngày đấy.”
Bà không nói thêm gì. Lúc về bà cũng không cần tôi dìu. Bước chân của bà hơi nghiêng và chậm nhưng nom vẫn đi được, tôi chỉ sóng bước bên cạnh để chắc rằng ngày mai bà vẫn đủ sức đứng bên hàng rau quen thuộc.
“Cuộc sống khó khăn lắm đúng không ạ?”
Câu hỏi bất thình lình của tôi không có lời hồi đáp.
“Người ta bảo cháu đừng nhắc gì nhưng cháu thấy thà nói hết còn hơn. Cháu tin là cô cũng thấy vậy. Cháu biết sẽ không ai thay được con của cô nhưng cũng nên có ai để tâm đến cô ở cương vị đó. Cô có ổn không?”
“Làm sao mà ổn được!”
Câu hỏi của tôi quả thật dở tệ nên không khó để đoán được câu trả lời.
“Nếu bây giờ cô muốn khóc, hoặc muốn thở dài cho ai đó lắng nghe thì chọn cháu cũng được. Cháu sẽ cố không nói gì ngu ngốc. Cháu chỉ muốn chắc rằng cô sẽ ổn vì cô đã từng hỏi cháu những điều như thế mà.”
Bà không nói gì. Càng bước cùng bà tôi càng cảm thấy bước chân bà nặng nề hơn, nhiều lúc bà quay đi để giấu vẻ mặt nhăn lại vì đau. Đoạn đường mấp mô khiến bà bước hụt một cái rõ kêu.
“Để cháu đỡ cô.” Tôi vừa nói vừa ngồi xuống vén chân bà lên xem. Một ụ sưng to như quả trứng gà. “Chết chửa. Mai cô phải đi viện thôi, nó sưng tới mức này cô càng cố đi càng nặng cho mà xem.”
“Người ta lại bắt nằm nhà thoa thuốc, phí thời gian.”
“Ngày nào cũng phải ra chợ mới được ạ?”
Bà khẽ gật đầu.
“Nghỉ dăm ba hôm thì có làm sao!” Tôi cố nhẹ giọng để không tỏ ra chống đối. Tôi toan siết cánh tay bà chặt hơn thì đột nhiên nghe một tiếng thở dài. Tiếng của dòng sông rút cạn rồi chầm chậm dâng lên.
“Cô đã hứa với nó. Nó không nghe được nữa nhưng cô đã hứa sẽ làm tròn trách nhiệm chăm sóc nó đến tuổi tốt nghiệp đại học. Nó mới có mười tuổi mà ông trời đã bắt nó đi mất. Mười hai năm còn lại bàn tay cô dành để chăm sóc ai? Cái mong muốn chăm nom con của người mẹ chẳng thể mất đi được.”
“Nên cô đặt vào bó rau, cân thịt cho đám trẻ ư?”
Vừa ngẩng lên tôi đã bắt gặp màn mưa trong mắt bà. Hóa ra cái sạp rau thịt con con ấy là tất cả sự chăm sóc mà bà gói ghém từ của riêng hóa thành của chung. Đứa trẻ máu mủ ruột thịt của bà không thể nhận được nữa, tình yêu đành chia đều thành vạn mảnh cho những đứa trẻ khác.
“Cháu nói có thể nghe dở tệ nhưng vì cô đã từng hỏi nên bỗng nhiên cháu muốn nói quá. Cuộc sống từng khó khăn với cháu lắm. Cháu đã nghĩ mình là người bất hạnh nhất trên đời vì chia tay một người. Chỉ thế thôi. Chúng cháu sống sờ sờ ra đấy nhưng cháu thấy bất hạnh khủng khiếp vì một cuộc tình tan vỡ. Cháu tin rằng chẳng ai đau khổ bằng mình. Cháu xin lỗi vì đã nghĩ thế, nó chẳng là gì so với mất mát của cô. Giờ cháu thấy mình nông cạn hết chỗ nói.”
Bà đột ngột rút cánh tay ra khỏi tay tôi. Hai đôi mắt nhìn nhau một lúc rõ lâu. Tôi chưa bao giờ thấy điều gì trìu mến hơn thế trong ánh mắt bà, nhất là dưới ánh đèn đường êm ru như giấc ngủ. Môi bà đột nhiên mím lại, kèm theo đó là một âm điệu nho nhỏ. Giờ đến lượt tay bà đặt lên tay tôi.
“Cháu nhầm rồi! Nỗi đau không thể so sánh ai to hơn ai, ai đau hơn ai. Cho đến tận bây giờ cô vẫn đau lòng không thể diễn tả nổi, càng không thể so sánh. Và cháu cũng nên như vậy với nỗi đau của mình. Cháu có biết rằng những điều mình đang trải qua là thứ cả nhà chúng ta đã mong chờ con mình cũng nếm trải? Chúng ta mong nó lớn lên, đi làm, yêu đương, thất tình, có thể nhiễm vài tật xấu, rồi trưởng thành và hiểu chuyện. Nhưng trước hết nó phải lớn lên được cái đã. Cô thà bắt gặp nó tập tành hút thuốc hay khóc òa vì chia tay còn hơn chỉ có thể tưởng tượng ra bóng hình nó mỗi ngày.”
Tôi để yên cho bà khoác tay mình. Chúng tôi chậm rãi tiến về phía trước và tránh nhìn vào mắt nhau một lúc. Mặt trăng lọt thỏm giữa con hẻm trước mặt, ánh lên thứ ánh sáng kiên định. Đi hết đoạn đường xấu, tôi có cảm giác đã gần đến nơi bà ở.
“Mẹ cháu chăm sóc cháu rất chu đáo cô ạ. Mẹ nấu ăn ngon và thú thật là rất thích bày vẽ. Nhưng cũng có những ngày mẹ cháu chỉ nằm trên giường rồi thỉnh thoảng xoay người qua lại. Lúc nhỏ cháu rất thắc mắc sao mẹ không dậy nấu cơm mà lại để cháu ăn rau luộc, trứng chiên dở ẹc của ba làm. Nhưng lớn chút thì cháu hiểu, mẹ vừa là mẹ nhưng cũng vừa là một người bình thường có thể nhiễm nắng mưa cảm lạnh, lúc đó điều mẹ cần là nghỉ ngơi. Mười hai năm tiếp theo của cô, cô cho phép mình có vài ngày ốm để nghỉ ngơi được không? Cháu rất tiếc vì con cô không còn nữa, nhưng sẽ không ai ngăn được cô làm mẹ, một người mẹ cũng cần vài hôm nằm yên để được chăm sóc ngược lại. Ngày mai cháu đưa cô đi viện xem nhé.”
Giờ thì tôi cảm nhận được sức nặng từ bà tựa qua người mình nhiều hơn. Cơ thể bà trở nên mềm yếu và mệt mỏi khi không gồng sức. Đến lượt tôi thấy cơ thể mình vững chãi dù vẫn ôm con tim chưa lành lặn. Bà nói chỉ cần tôi đưa thêm chưa đến trăm mét nữa. Một trăm mét ngắn ngủi mà tôi đã kịp luyên thuyên đủ điều. Tôi nói với bà về dự định cho năm tới, có lẽ qua năm mình sẽ rời đi, đặt chân vào một chặng đời mới, còn phải hồi hương ăn lại những mâm cơm mẹ dày công bày vẽ. Nhưng khi ngày của năm cũ chưa dứt, tôi vẫn còn điều muốn hoàn thành. Tôi cũng nói mình sẽ thử bỏ vài tật xấu xem sao.
“Thế thì tốt cho cháu. Cô không biết hết thú vui của bọn trẻ bây giờ. Nhưng cô biết bỏ được phải khó lắm.”
Tôi bảo dăm ba điếu thuốc sẽ không làm khó mình đến thế. Những chuyện khó hơn tôi còn có thể cùng người khác làm được. Mạnh dạn vòng tay ôm vai bà, tôi cảm nhận hơi ấm của một người sau rất lâu mới có lại. Đêm thu se lạnh mà tay tôi ấm lên từ lúc nào. Vị thuốc quả thực rất ngon, nhưng chắc tôi không cần nhờ đến nó để làm ấm người nữa. Luôn có những cách khác và tôi đoán mình còn nhiều thời gian để tìm ra.