Sáng tác

Một bản du ca. Truyện ngắn của Tôn Nữ Thanh Yên

Tôn Nữ Thanh Yên
Truyện
08:00 | 29/12/2024
Baovannghe.vn- Hà Nội ơi, tôi đã đến. Tôi muốn thốt lên khi đoàn tàu chạy qua ga Giáp Bát. Bác hành khách cùng buồng, có tên Lâm, bảo: "Sắp đến nơi rồi đấy!".
aa

Một xao động nhẹ nhàng của cảm xúc khiến trái tim tôi khẽ run lên, hồi hộp. Tôi nhìn Duyên, con bé cũng nhìn tôi. Hai dì cháu cùng mỉm cười. Chúng tôi thấu hiểu với nhau ngụ ý của nó - nụ cười mãn nguyện của kẻ biết mình đã đi đến đích.

Đoàn tàu dừng lại, nhả ra từ những khuôn cửa đám hành khách đã trải qua cuộc hành trình dằng dặc bốn mươi tiếng đồng hồ. Mọi người hối hả lăng xăng với hành lý của mình. Duyên khẽ nói: "Thong thả đã dì...". Rồi đứng thẳng người dậy, thở ra một hơi dài. Tôi vặn vẹo người một lúc. Qua cuộc chuyện trò lan man trao đổi trên đường thiên lý, bác Lâm đã biết hai dì cháu tôi đi Hà Nội chuyến đầu tiên và địa chỉ sẽ đến là đâu; với sự ân cần nhiệt tình của người chỉ đường, bác bảo: "Các cháu cứ đi thẳng ra cổng rồi hãy gọi xích lô. Trả họ mười nghìn đồng là được". Hai dì cháu cảm ơn và xách va li đi theo sau lưng bác. Chân vừa chạm xuống mặt đất sân ga, lòng tôi bỗng có gì rưng rưng. Tôi thiếp đi trong một tích tắc với ý niệm mình là một khách hành hương vừa đặt chân đến thánh địa. Tôi đã đến, Hà Nội ơi!. ..

Cô Bài phải bỏ giấc ngủ trưa để đón hai đứa cháu họ từ Nam ra. Do chị Tiên, mẹ của Duyên đã có thư báo tin trước nên cô tôi đã chuẩn bị sẵn sàng nơi ăn chốn ở cho chúng tôi. Bà vồn vã đón chúng tôi vào nhà. Một cô bé khoảng mười lăm tuổi cứ đứng một góc nhìn chúng tôi. Cô Bài nói: "Đây là cái Hoa, giúp việc đỡ đần cho cô đấy!".

Duyên vào buồng tắm. Tôi ngồi trong phòng khách, ngắm những bức tranh của người hoạ sĩ quá cố, chồng của cô tôi, treo khắp các bức tường. Tôi đang ở trong ngôi nhà ông đã từng sống. Một ngôi nhà cũ nằm trên một phố của ba mươi sáu phố phường Hà Nội xưa kia. Nội thất đã được cải tạo tân trang bằng những vật liệu thời thượng. Phía trên cái tủ chè có treo bức di ảnh của dượng tôi. Mắt ông thăm thảm, sâu lắng đang ngước nhìn một phương trời nào khác. Phải chăng giờ đây ông đang ở phương trời đó? Đôi mắt ấy đã nhìn ngắm, thu nhận, thẩm thấu về Hà Nội của một thời Mỹ thuật Đông Dương - tuổi thanh xuân của ông, Hà Nội của mùa thu cách mạng, của những năm tháng hào hùng "đánh Mỹ giỏi"... Hà Nội bây giờ tôi đến, khi ông đã đi xa, hẳn đã thay đổi rất nhiều so với những gì ông đã vẽ về nó. Và, tôi sẽ nhìn ngắm, cảm nhận Hà Nội bằng đôi mắt của tôi, tò mò lẫn chiêm ngưỡng... Cô Bài đi lại chậm rãi khẽ khàng trong ngôi nhà còn lưu giữ những kỷ niệm và di sản của người chồng tài hoa. Tôi có cảm giác mình đang sống trong không khí hoài cổ.

Hoa mua về hai tô phở. Cô Bài giục hai dì cháu tôi ăn. Tôi nói: "Một hương vị Hà Nội đây!". Duyên cười, chun mũi hít hà. Cô Bài nói: "Ừ, phở Hà Nội đấy, ăn thử xem có ngon bằng phở Sài Gòn không!". Duyên đảo đôi đũa vào tô phở, trộn xốc từ dưới lên, nói: "Không có giá, phải không bà?". Cô Bài đáp: "Ừ, không. Phở Hà Nội thì không có giá, không có cả rau ăn kèm như phở trong Nam". Duyên nói: "Ồ, vậy là hạp "gu" của con, con chẳng bao giờ ăn giá ăn rau". Cô Bài cười: "Thế à! Thế thì Duyên ở đây bà nuôi bằng phở Hà Nội nhá!". Hai dì cháu sì sụp ăn, có lẽ, do lạ miệng và đói bụng nên cả hai đều ăn hết tô phở. Trong lúc hai dì cháu tôi ăn, cô Bài hỏi han về gia đình tôi và kể cho nghe về gia đình cô. Hiện cô Bài sống với con trai, dâu và hai cháu nội. Các cô con gái đều có chồng con và ở riêng cả. Những bức tranh của người hoạ sĩ quá cố đã bán đi khá nhiều với trị giá tính bằng đô la Mỹ. Một nếp sống tiện nghi hiện đại đang hiện diện trong nếp nhà xưa phố cổ này. Ngồi nơi một góc phòng, Hoa buột miệng: "Bà ơi, cô Bích và chị Duyên xưng với bà là con chứ không xưng cháu, bà nhỉ". Tôi và Duyên quay lại nhìn Hoa mà cười. Cô Bài nói: "Ừ, người trong Nam thường xưng con như thế".

Đến xế chiều, con trai của cô Bài cùng vợ con về đến. Cô Bài giới thiệu chúng tôi với nhau. "...Đấy, bà con với nhau mà người ngoài Bắc kẻ trong Nam, mấy mươi năm, chia cắt đến giờ hoà bình thống nhất rồi mà có mấy khi gặp nhau. Vả lại, nếu không có chuyện đi xin visa thì hai dì cháu biết bao giờ mới ra Hà Nội, phải không?" Chị Trinh nhìn Duyên trầm trò "Duyên xinh thế, cao thế, đã đi thi hoa hậu bao giờ chưa?". "Dạ, con không dám đâu, cô Trinh ơi". Anh Long bảo Duyên "Sáng mai chú sẽ chở cháu đến sứ quán Mỹ". Duyên nói: "Dạ... có phiền chú Long không? Hay là để con thuê taxi đi chứ chú Long mắc đi làm mà!". "Ôi dào, chú là doanh nghiệp tư nhân ấy mà, có bận gì đâu". Con gái nhỏ của anh Long từ lúc gặp, cứ nhìn khách bằng đôi mắt tròn xoe, chợt thốt lên: "Ở Sài Gòn ra mà sao mũi tẹt thế!". Cả nhà cười ồ lên. Cô Bài mắng yêu: “Ấy chết, mũi cô với chị như thế mà bảo tẹt ư? Tẹt mà còn hơn mũi nhà mình"... Ngay từ buổi đầu, gia đình cô Bài đã cho hai người khách phương Nam sống trong không khí đầm ấm, tự nhiên. Hai dì cháu an tâm tá túc.

Cả nhà thức dậy chừng như rộn ràng hơn với sự có mặt của tôi và Duyên. Tôi ra ngõ đứng ngắm một góc phố Hà Nội buổi sớm mai. Làn gió tinh sương lướt nhẹ qua, tôi so vai đón lấy. Và, tôi thầm thì với lòng: "Mình đang sống ở Hà Nội đấy". Qua mắt nhìn của tôi, Hà Nội thức dậy chậm rãi thong dong. Những xe cộ qua lại không cuống cuồng, ồn ào. Những cánh cửa phố lần lượt mở ra, như những con mắt còn mơ màng sau một giấc ngủ dài. Những người buôn gánh bán bưng đánh thức phố phường bằng lời rao mời... Có một bà mặc một bộ nâu sồng dân dã, đội trên đầu một cái thùng nhỏ, chân bước nhịp nhàng, tay đánh đòn xa, rao rằng: "Ai... gạo tám xoan không?". Giọng rao nghe như là khơi gợi nhắc nhở, chẳng phải thúc ép nài nỉ ai. Bà mang lời rao đi về cuối phố. Tôi nhìn theo, tưởng tượng về những hạt gạo đặc sản, thơm tho và trắng ngần...

Tôi vào nhà, ăn sáng với cô Bài và Hoa. Anh Long chở Duyên đi Láng Hạ. Chị Trinh đưa hai con đến trường. Gian nhà bỗng vắng lặng. Tôi lấy giấy bút ra viết thư về nhà. Khoảng mười giờ, anh Long chở Duyên về. Cô Bài hỏi ngay: "Sao, công việc thế nào?". Duyên bước vào nhà với khuôn mặt rạng rỡ: "Dạ, thưa cô, họ phỏng vấn và nhận hồ sơ của con rồi, họ hẹn một tuần nữa đến sẽ có kết quả". Duyên kể: "Đến sứ quán Mỹ, người ta chỉ cho con vào cổng sau khi con trình hộ chiếu và các giấy tờ khác. Chú Long phải ngồi ngoài quán cà phê mà chờ. Một người bảo vệ bảo con để cặp hồ sơ lên bàn rồi bước qua cái thiết bị dò kim loại; kiểm tra xong mới cho con vào phòng đợi. Có khoảng hai chục người cũng đến nộp hồ sơ xin visa như con. Có ba khuôn cửa ghi sê, con chẳng biết cửa nào nhận hồ sơ. Một bác có lẽ thấy con ngơ ngác quá bèn chỉ chỗ cho con. Ngồi chờ hồi lâu, con nghe kêu tên mình. Con bước đến ghi sê thì đối mặt với một ông Mỹ. Ổng lật xem hồ sơ của con rồi hỏi bằng tiếng Việt: "Bà ma làm gì?". Con trả lời bằng tiếng Anh, con nói: "Ba má tôi đều là giáo viên". Ổng hỏi: "Ai bao lanh đi Mỹ đi học?". Con đáp: "Thưa ông, vợ chồng người dì ruột của tôi". Ổng cứ hỏi con bằng tiếng Việt, trời ơi, khó nghe lắm! Ổng nói: "Tôi nói tiếng Việt lơ lớ phải không? Tôi đang luyện giọng mà". Cứ vậy, người Mỹ thì nói tiếng Việt, người Việt thì phải nói tiếng Mỹ. Ổng lại hỏi: "Qua Mỹ học cái gì?". "Thưa ông, tôi xin học khoa điện ảnh và báo chí". "Học để làm gì?". "Thưa ông, để đem kiến thức chuyên môn về phục vụ đất nước tôi". "Phục vụ bằng cách nào?". Thưa ông, bằng những gì tôi đã được học". "Chứ không ở lại Hollywood à!?". "Dạ, không". "Tại sao?". "Thưa ông, vì tôi là người châu Á, không cạnh tranh nổi ở Hollywood đâu". Ổng cười: "Không cạnh tranh nổi à...". Rồi gục gặc cái đầu. Sau đó, ổng "quay" con bằng những câu hỏi về lý lịch, tình trạng gia đình, gia sản và mức thu nhập của người đứng tên bảo lãnh cho con đi du học - thật ra những cái đó đều đã được khai ra rõ ràng trong đơn xin bảo lãnh của vợ chồng dì La - mà ông vẫn hỏi để xem mình có biết đường trả lời hay không. Cuối cùng, ổng viết cho con một mẩu giấy hẹn. Lúc này, con đã vỡ lẽ ra là mình vừa trải qua một cuộc phỏng vấn chính thức. Ban đầu, con cứ tưởng ông Mỹ đó chỉ là nhân viên ở khâu tiếp nhận hồ sơ, còn người phỏng vấn phải là bệ vệ oai nghiêm ngồi sau cái bàn to đùng".

Lắng nghe Duyên, mọi người cùng vui vẻ. Cô Bài nhại giọng "Bà ma làm gì? Ai bao lanh đi Mỹ du học?... Hà hà. Thôi, thế thì yên tâm rồi. Một tuần lễ chờ đợi thì tha hồ hai dì cháu đi chơi".

Sau một giấc ngủ trưa đẫy đà, chúng tôi hăm hở chuẩn bị một cuộc ngoạn du. Nhìn vào tấm bản đồ anh Long mua cho, Duyên kêu lên: "Ôi, Hà Nội có nhiều hồ quá! Mình đi hồ Gươm trước, dì Bích há". Tôi đồng ý ngay. Chúng tôi ra dáng khách nhàn du, bước lững thững và dán mắt vào mọi thứ. Duyên nói: "Ba mươi sáu phố phường có lẽ chỉ còn cái tên thôi, dì Bích ơi... Phố nào cũng buôn bán đủ mọi hàng hoá, không còn mang tính đặc thù của từng phường từng phố. Hình như, phố Hàng Thiếc còn giữ đúng cái tên của nó". Duyên lại tháng thốt: "Ôi, người ta xả rác quá!". Tôi sụyt: "Nói nhỏ chứ, người ta nghe được thì họ chửi cho". Duyên nhỏ giọng lại: "Con nói thật đó, dì Bích. Ở những hẻm hóc thì con không biết ra sao chứ đường phố mà xả rác như vậy coi xốn con mắt quá!". Duyên xốn con mắt, còn lòng tôi bỗng dưng xốn xang. Hà Nội như viên ngọc lóng lánh trong tâm tưởng tôi, lại có chút tì vết đáng buồn! Chúng tôi đi loanh quanh để biết qua vài đường phố rồi chọn ngã Hàng Đào để ra Bờ Hồ. Hồ Gươm kia rồi. Một xúc cảm nồng ấm dịu dàng toả khắp con người tôi. Trời nhiều mây, không có nắng, mặt hồ chìm một màu trầm mặc.

Không thể tả được cái đẹp của hồ Gươm - tôi nhủ lòng như vậy - và chỉ nên cảm nhận bằng thị giác và tâm thức. Mặt hồ xao gợn nhè nhẹ, trong tôi xao gợn nhè nhẹ nỗi niềm lá rụng về cội. Ôi, mặt hồ ngàn năm tĩnh lại. Người xưa từng ngắm, người nay đang ngắm. Hình như cùng một nhịp đập rung cảm, tôi và Duyên cùng thốt lên điều mà trái tim tha thiết muốn nói: "Đẹp quá!".

Có lẽ, âm giọng miền Nam của chúng tôi gây chú ý các tay thợ chụp ảnh, họ mời mọc săn đón. Tôi chọn một người nhờ ghi lại hình ảnh kỷ niệm bên cái hồ trứ danh. Tấm ảnh đầu tiên ghi dấu chúng tôi đứng bên cầu Thê Húc, Duyên nói: "Bác canh làm sao có Tháp Rúa phía sau nhé!”. Rồi, chúng tôi mua vé vào tham quan đền Ngọc Sơn. Bác thợ chụp ảnh đi theo, gợi ý hai dì cháu chụp ảnh nơi này góc nọ. Chúng tôi đứng bên khung kính cất giữ xác một con rùa hồ Gươm. Chụp một kiểu ảnh lưu niệm. Cụ rùa nằm bất động, đầu ngẩng lên như vẫn đang quan sát, theo dõi diễn biến đổi thay của cõi người. Hai dì cháu vào chánh điện. Đã gần bốn giờ chiều mà khách hành hương vẫn không ngớt. Người ta sì sụp dâng hương, lễ bái. Khung cảnh thâm nghiêm ở đây đang bị xáo động bởi những lời rì rầm van vỉ, mang nỗi khổ não gọi đến cõi khẩn cầu của những sinh linh trừu tượng hư vô. Một phần của thế giới vẫn còn ưu tư về sự mong cầu, sự mầu nhiệm thần thánh. Bản chất của con người là cầu an. Ai cũng mong điều may mắn, hạnh phúc cho mình. Mà cuộc sống thì vẫn nhiều phiền muộn, trắc trở, tai nạn, nan giải... Duyên vốn dị ứng với khói nhang nên đã bước ra sân. Tôi dâng hương nơi thắng tích cổ kính này với tưởng nhớ bao đời tiền nhân. Tôi đang bình yên và nhàn nhã, còn biết cầu xin van vái điều gì?

Rời đền, hai dì cháu mon men theo lối đi sát bờ hồ, mắt nhìn mơn man ra phía Tháp Rùa và bờ hồ bên kia. Chúng tôi nhận ra cây si trong câu thơ Nguyễn Duy đã tả. Quanh hồ là thế giới của sự thư giãn, hay là trong trạng thái thanh thoát mà mắt tôi nhìn ra như thế? Chúng tôi đi đến quãng đối diện nhà Bưu Điện thì tìm được một ghế đá rảnh rỗi. Duyên nói với giọng nhẹ nhõm: "Trời, con mê hồ Gươm quá!... Hôm nào có nắng dì cháu mình trở lại ngắm xem, chắc là đẹp lắm!". Tôi nói: "Dì nhận ra dì yêu Hà Nội... yêu từ lúc "gặp" hồ Gươm; thứ tình yêu này đằm thắm, cảm động lắm.". Duyên cười nhẹ. Tôi trải tấm bản đồ ra trên đùi, hai dì cháu cắm cúi vào đó, vạch ra một chương trình tham quan. Duyên nói: "Quá nhiều danh lam thắng cảnh, chỉ sợ mình không đủ thời gian...". Ngón tay tôi lần dò trên tấm bản đồ, tâm trí đã hiện lên viễn tượng một cuộc hành hương. Tôi sẽ nhìn ngắm, cảm nhận Hà Nội bằng đôi mắt tò mò lẫn chiêm ngưỡng. Hà Nội thu gọn trong tấm bản đồ trước mắt tôi, mà thênh thang rộng mở, mà đẹp đẽ yêu kiều vậy. Duyên nói: "Con sẽ có thêm một nỗi nhớ. Nhớ Hà Nội". Duyên khe khẽ hát những lời của nhạc sĩ họ Trịnh viết về mùa thu Hà Nội. Tôi lắng nghe. Bất giác, tâm hồn tôi như có một cung đàn, nẩy lên một giai điệu ấm áp dịu ngọt: Hà Nội ơi, tôi đã đến và tôi yêu Người!

Một bản du ca. Truyện ngắn của Tôn Nữ Thanh Yên
Hình ảnh minh họa. Nguồn pinterest
Văn nghệ Trẻ, số 13/1998
Mây trắng huyền diệu. Truyện ngắn dự thi của Võ Thị Xuân Hà

Mây trắng huyền diệu. Truyện ngắn dự thi của Võ Thị Xuân Hà

Baovannghe.vn - Bầu trời thành phố hôm nay trong xanh đến lạ. Những đám mây bồng bềnh bay qua. Mây thì trắng. Một màu trắng tinh khiết. Một màu trắng huyền diệu.
Nicotin cho tâm hồn. Truyện ngắn dự thi của Lương Khả Tú

Nicotin cho tâm hồn. Truyện ngắn dự thi của Lương Khả Tú

Baovannghe.vn- Dù đầu còn nhức, điều tôi làm khi thức dậy là với lấy điện thoại. Đã 2 giờ chiều. Nhìn những tin nhắn bạn bè hỏi thăm về con tim tan vỡ của mình.
Độc đáo sự kiện quảng bá nghề truyền thống “Quà tặng của nhân gian”

Độc đáo sự kiện quảng bá nghề truyền thống “Quà tặng của nhân gian”

Baovannghe.vn - Từ 2-5/1/2024, tại Văn Miếu sẽ diễn ra chương trình “Quà tặng của nhân gian” với sự tham gia của nghệ sĩ, nghệ nhân các làng nghề cả nước
“Biệt thự buồn”: Ngôi đền của kí ức lụi tàn

“Biệt thự buồn”: Ngôi đền của kí ức lụi tàn

Baovannghe.vn - Có thể nói " Biệt thự buồn" là những gì hay, đẹp nhất, đặc trưng nhất của một Patrick Modiano hiện ra như sự nối dài từ những cuốn trước của ông
Ngày hội "Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc" năm 2025

Ngày hội "Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc" năm 2025

Baovannghe.vn - Bộ VHTT&DL vừa ban hành kế hoạch tổ chức Ngày hội "Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc" năm 2025 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam