Tôi đang ở cùng Han ở Utah thì có cuộc gọi từ Việt Nam báo tin Nữ Hoàng Đậu Phụ đang nguy kịch trong bệnh viện. Tôi biết mình phải về ngay. Mới tuần trước, tôi cùng Han ở trong đám tang của Jane, bà mẹ nuôi người Mỹ của tôi, sau khi bà đã ra đi thanh thản vào một buổi tối bình thường. Khi biết Chúa gọi mình, bà đã từ chối ăn, bắt đầu tuyệt thực và bình yên chìm vào giấc ngủ sâu. Đó là lựa chọn của bà, bà đã yêu cầu tất cả tôn trọng nguyện vọng đó. Jane bằng tuổi với Nữ Hoàng Đậu Phụ.
Minh họa Đặng Tiến |
Tôi là Kiên. Tôi là trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ. Cha tôi chết vì giẫm phải đinh trong lúc làm ruộng, bị nhiễm trùng uốn ván, bệnh viện đành thua. Không có chồng, mẹ tôi kéo chiếc xe bò chở lúa ngược dốc, trong bụng mang thai đứa em tôi bảy tháng, vì đuối sức mà bị xe kéo ngược trở lại xuống chân dốc, chết không kịp cứu cả hai mẹ con. Khi ấy tôi mới ba tuổi. Tôi hầu như không còn nhớ gì về cha mẹ tôi. Tôi lớn lên với bà ngoại. Nữ Hoàng Đậu Phụ là hàng xóm của chúng tôi.
Tôi bằng tuổi Nam, con trai út của Nữ Hoàng Đậu Phụ. Chúng tôi chơi với nhau từ nhỏ. Tôi học giỏi, Nam học dở, dù Nam có mẹ là giáo viên. Nữ Hoàng Đậu Phụ là giáo viên tiểu học, nhưng bà nổi tiếng với nghề làm đậu phụ nên nhiều khi người ta quên bà là cô giáo. Một tay bà nuôi đàn con năm đứa vì ông chồng đau ốm liên miên. Và trong sâu thẳm, bà đã coi tôi như con bà dù cả hai không bao giờ nói ra. Tôi thấy bà chưa bao giờ đối xử với tôi có gì khác với Nam, con trai bà. Do vậy, với một đứa trẻ mồ côi như tôi, bà là người mẹ duy nhất mà tôi biết.
*
Không có chuyến bay thẳng, Han chở tôi chạy xe xuyên đêm đến California. Chúng tôi ôm nhau tạm biệt ở sân bay, tôi nhận ra Han như đã nhỏ hẳn lại trong vòng tay tôi, dù trước đó ông cao hơn một mét tám. Tôi hiểu Han vừa mất đi người bạn đời của mình, và ông cũng hiểu tôi sắp mất Nữ Hoàng Đậu Phụ. Rất có thể tôi không còn cơ hội kịp gặp lại Người lần cuối.
Tôi không thể nào ngủ trên máy bay. Chị gái thứ hai của Nam báo tin cho tôi, nói bà trải qua một cơn đau tim. Bà được nhập viện nhưng đã trễ, bà liên tục lên các cơn co giật dữ dội rồi ngất đi. Hậu quả của chứng đột quỵ hay nhồi máu cơ tim. Chị Hai nói tiếng được tiếng mất, chị trực tiếp ôm bà khi bà lên cơn co giật, chị biết tất cả đã quá trễ. Phải mất 15 phút chị mới kể xong chuyện xảy ra đêm qua.
Tôi nằm co ro trên ghế máy bay, đầu óc hoàn toàn tê liệt. Tôi thấy tim mình co thắt từng đợt. Tôi hình dung theo lời kể của chị Hai, Nữ Hoàng Đậu Phụ của tôi mắt nhắm nghiền, có lúc chồm lên như sư tử, có lúc nằm xẹp lép như mèo, hoàn toàn bất động. Tôi chắp tay cầu nguyện: Xin Đức Phật hãy phù hộ cho những người khốn khổ như chúng con. Xin hãy phù hộ cho Nữ Hoàng Đậu Phụ của con. Ngài hãy lấy đi tất cả sự may mắn của đời con, để con kịp gặp lại Nữ Hoàng.
*
Bà tôi kể, Nữ Hoàng Đậu Phụ là cô gái nhan sắc. Nhưng cô muộn chồng vì chiều cao tới 1m65. Với tiêu chuẩn của phụ nữ thời nay, chắc hẳn là cô đã có cuộc sống hạnh phúc của một hoa khôi. Và với sự thông minh sắc sảo của mình, cô đã có rất nhiều lựa chọn. Nhưng vào thời ấy, những người đàn ông xung quanh cô không có đủ sự tự tin. Họ cần những người phụ nữ bé nhỏ, câm lặng. Câm lặng sống, câm lặng nuôi con, câm lặng trước ngang trái cuộc đời. Nhưng Nữ Hoàng Đậu Phụ không phải người như vậy. Cô thẳng thắn, yêu ghét rõ ràng. Gặp chuyện bất bình sống chết cũng xông lên.
Có anh đại đội trưởng đóng quân ở làng, một hai ngỏ lời xin cưới cô nhưng cô không nhận lời vì không muốn đi xa khỏi ngôi làng của mình. Chàng trai ấy sau này cầm quân giỏi, thắng nhiều trận lớn, và được phong tướng. Mọi người biết chuyện thường trêu đùa: Nếu ngày ấy nhận lời người ta, thì giờ một bước lên bà tướng, đi lại lên xe xuống ngựa, kẻ hầu người hạ, chứ không phải xay đậu phụ mỗi ngày. Nữ Hoàng chỉ cười, không rõ buồn hay vui.
Tôi đặt tên cho bà là “Nữ Hoàng Đậu Phụ”. Ban đầu chỉ là đùa vui, ai dè thành tên mọi người trong làng đều gọi. Nữ Hoàng cực kì tháo vát, không hiểu học ở đâu mà bà làm đậu phụ ngon nổi tiếng. Kí ức tuổi thơ của tôi luôn có hình ảnh một Nữ Hoàng mặc áo hồng cánh sen, mái tóc dài đen nhánh, khi thì bước đi thoăn thoắt tay bê sàng đậu phụ nóng hổi bốc khói thơm ngào ngạt đến từng nhà ở làng trên xóm dưới, khi thì Nữ Hoàng đạp một chiếc xe cà tàng rao khắp các làng bên. Người ta bảo chồng của Nữ Hoàng đau ốm, không mấy khi ra khỏi nhà. Nữ Hoàng một tay kiếm tiền nuôi đàn con, có ông chồng phụ thêm nghề đậu phụ. Nhưng ngoài đậu phụ, Nữ Hoàng còn là một cô giáo. Cô giáo ấy nổi tiếng nghiêm khắc. Buổi sáng, khi cô đạp xe đến trường và về nhà, là hai bên đường ran lên những tiếng của cả học sinh và phụ huynh “Chào cô ạ!” đầy lễ phép và nể phục. Buổi chiều, Nữ Hoàng trút bỏ công việc nhà giáo để sống với nghề đậu phụ, tần tảo nuôi đàn con đông. Ai cũng biết nhà giáo thì nghèo, nhất là nhà giáo ở quê càng nghèo, nhưng rồi đàn con 5 đứa của Nữ Hoàng thì 4 đứa cuối cùng lại lao vào nghề giáo tiếp. Chỉ có mình Nam, con trai út, là đi bộ đội hai năm, rồi trở về nhà.
Có một buổi chiều, tôi và Nam đang trên đường đi học về thì có người đạp xe đi ngược chiều gào lên:
- Thằng Nam. Mẹ mày bị người ta đánh tơi tả kìa!
Tôi và Nam theo hướng tay người ta chỉ, chạy thục mạng tới nơi. Chị Hai đã tới trước. Chúng tôi nhận ra Nữ Hoàng đang ở trong vòng vây của mấy gã đàn ông. Bà vung đòn gánh lên, tả xung hữu đột với cả năm, bảy gã đàn ông cao lớn đang gây gổ. Họ đã mua đậu phụ của Nữ Hoàng những lần trước đó, nhưng không trả tiền. Khi bị đòi trả nợ, một người trong số họ phũ phàng dùng chân đạp đổ gánh đậu phụ của Nữ Hoàng xuống đường. Những kẻ bắt nạt sau đó xúm vào tấn công một người phụ nữ. Chị Hai thét lớn, tay vung lưỡi liềm nhặt được ở đâu đó, điên dại như người say. Đám đàn ông nhìn thấy một bà mẹ quần áo tơi tả tay vung đòn gánh quyết chiến, và một đứa con gái 16 tuổi đang lao vào bảo vệ mẹ mình bằng mọi giá, thì hiểu là chúng đang đùa với lửa, vội vã tản ra và bỏ đi mất hút. Nữ Hoàng nhặt lại chiếc nón mê, tước chiếc liềm trên tay của chị Hai đang trong cơn uất ức, bà bình thản phủi đất cát trên quần áo, rồi bảo tất cả chúng tôi ra về. Cả rổ đậu phụ đổ tung tóe trên nền đất, chúng tôi đi về tay không như những người vừa thất bại. Riêng tôi thì không. Tôi lặng lẽ đi bên mọi người, nhưng trong lòng thầm nể phục sự kiên cường của Nữ Hoàng. Phút giây Nữ Hoàng của tôi vung đòn gánh lên để đòi lại sự công bằng, bà là “người hùng” trong mắt tôi. Phải như vậy chứ, chỉ có thể là Nữ Hoàng của tôi. Nếu như người phụ nữ khác sẽ cam chịu hoặc khóc rống lên ai oán, bà đã hành động để tự cứu mình. Tối đó, bà kiểm tra từng đứa trong số chúng tôi xem có vết thương gì không, nhất là chị Hai. Chị Hai cũng giống bà, tính tình cương trực. Tôi và Nam không sao cả, nhưng Nữ Hoàng có rất nhiều vết thâm tím trên mặt, trên tay.
Một lần khác, tôi đang quanh quẩn chơi với Nam thì một nhóm ba phụ nữ xông vào nhà. Họ là ba cô em chồng của Nữ Hoàng, kéo nhau đến để “dạy một bài học” cho Nữ Hoàng vì tính tình ngang ngạnh, nhìn mặt không ưa. Họ nhìn lên bàn thờ kiếm chuyện:
- Tại sao ngày Tết mà mẹ con chúng mày để bàn thờ gia tiên đơn sơ thế này?
- Bà nuôi nấng thế nào mà mấy đứa cháu của chúng tôi gầy còm, khổ sở thế này. Trời ơi là trời, bà không phải là con người, bà sống không có đạo lí.
Hôm ấy ông chồng của Nữ Hoàng không có nhà. Nữ Hoàng Đậu Phụ nghe tiếng người kéo đến trước cửa thì bước ra.
- Mấy cô muốn gì? Nếu đến nói chuyện tử tế, tôi sẽ tiếp như người nhà. Còn nếu đến gây chuyện, tôi mời về.
Ba cô em chồng xông vào giữa nhà la lối. Họ vốn không ưa Nữ Hoàng, vì cho rằng Nữ Hoàng không hợp tuổi với anh trai mình, khiến kinh tế gia đình lụn bại. Họ không thừa nhận ông anh quanh năm đau ốm, tính tình cáu bẳn, không đỡ đần được Nữ Hoàng nuôi đàn con năm đứa. Và có thêm một đứa trẻ mồ côi hàng xóm quấn vào để có bữa đói, bữa no nữa tổng cộng là sáu.
- Tôi đã bảo các cô về. Các cô là em chồng tôi, tôi không chấp. Nhưng nếu hỗn hào, tôn sẽ không nể mặt.
Những người đàn bà lòng đầy sự hằn học mù quáng chực xông lên làm càn, thì bất ngờ Nữ Hoàng hét lớn, hất hàm về phía Nam và tôi: Mang roi ra đây cho tao!
Nhanh như cắt, Nam thả chiếc roi vào tay Nữ Hoàng Đậu Phụ. Chúng tôi thấy Nữ Hoàng đứng thẳng giữa nhà, chắp tay vái lạy bàn thờ gia tiên rồi dõng dạc nói lớn:
- Chuyện gia đình tôi khó khăn, không xin của các người. Các người không có lòng tốt thì không phải giúp, nhưng đến đây gây rối, làm càn, muốn đánh cả tôi, tôi sẽ cho các người biết thế nào là lẽ phải, thế nào là đến nhà người khác để áp đáo tại gia. Nữ Hoàng vung roi lên, đám ba người đàn bà bỏ chạy tán loạn ra cổng.
Nữ Hoàng của tôi là thế. Vẫn mang cho bà ngoại tôi từng củ sắn, củ khoai. Và kéo tôi vào ăn cơm cùng với Nam hàng ngày, dù bữa cơm của gia đình đông con cũng chỉ toàn cà chua và bã đậu chưng. Nhưng món bã đậu chưng ấy là món ăn tuổi thơ của tôi. Những đêm nằm nghe mưa trong căn nhà ở bên hồ Salt Lake ở Utah, tôi vẫn mơ màng thấy lại hương vị của nó. Nó lùa vào trong óc tôi kí ức về những bữa cơm tối, bên ánh đèn leo lét, bà cháu tôi nương tựa vào bữa cơm nhà Nữ Hoàng. Chúng tôi cùng với bảy người khác vừa xúm xít quanh nồi cơm nóng bốc khói, trên chiếc mâm có rau, có canh, mấy con cá khô, có đậu phụ, và bã đậu chưng. Tôi nhớ cảm giác mình xúc từng thìa bã đậu bỏ vào chén cơm nóng, lùa nó qua cổ họng mà thấy nghẹt thở. Tôi nhớ Nữ Hoàng Đậu Phụ, nhớ những phút giây những con người nghèo khó chúng tôi tựa vào nhau một cách ấm áp.
*
Chị Cả đi về, giục gánh nước vào một xó nhà nằm khóc tu tu. Nữ Hoàng mắc bệnh hiểm nghèo: bệnh lao phổi. Không có thuốc chữa!
Sau đó, chúng tôi kinh hoàng biết được những cô giáo trong làng nhiều người cũng đã qua đời nhanh chóng vì lao phổi. Họ hít phải bụi phấn, họ làm việc quá sức, họ mắc bệnh mà không biết, mà không được chữa. Nữ Hoàng được đưa vào bệnh viện vì trong lúc khuân gạch, một mảnh nhỏ đã văng vào mắt bà. Bà vào viện, tưởng đâu đã hỏng một bên mắt, nhưng lại không sao. Nhưng Nữ Hoàng đã ngất đi trong tay bác sĩ ở bệnh viện. Người ta phát hiện ra bà kiệt sức. Và họ cũng phát hiện ra bà đã mắc bệnh lao phổi.
Không có thuốc chữa, Nữ Hoàng được đưa về nhà. Bà tôi nhất định bắt tôi không sang ăn cơm nhà Nữ Hoàng nữa. Không có Nữ Hoàng, gánh đậu phụ cũng bỏ hoang. Cối xay, khuôn ép, nồi, chảo… tất cả bỏ không. Một bầu không khí tang thương bao trùm lấy căn nhà ấy. Bà ngoại tôi lại ra vườn bòn rau, nhổ khoai lang sớm để hai bà cháu sống lần lữa qua ngày. Bà không muốn hai chúng tôi trở thành gánh nặng thêm cho một gia đình đã có tới bảy miệng ăn.
Tôi không sang nhà Nam ăn cơm, nhưng tìm cách trốn trong một góc nhà Nam vào buổi tối để có thể nhìn thấy Nữ Hoàng Đậu Phụ từ phía xa. Bữa cơm dọn lên cho bà có thêm quả trứng, nhưng bà không ăn. Tôi thấy Nữ Hoàng đã tiều tụy đi trông thấy. Bà chống tay ngồi dậy thêm khó khăn. Tôi vẫn ở trong góc tối, trốn sau mớ quần áo treo trên tường để không ai nhận ra, cắn chặt môi để không ai nghe thấy tiếng nấc và nước mắt chảy. Tôi vẫn đi theo Nữ Hoàng như thế. Và cũng chính vì luôn rình theo Nữ Hoàng, tôi biết được một ngày kia, khi đàn con đã đi đến trường, và ông chồng đang chạy quanh xóm, chỉ còn Nữ Hoàng ở nhà một mình, thì Nữ Hoàng đã ra khỏi nhà tìm đến hiệu thuốc tây. Nữ Hoàng năn nỉ mua một nắm thuốc.
Tôi nhìn vào toa thuốc. Thay vì mỗi ngày một viên làm thuốc an thần, thì Nữ Hoàng của tôi lại dồn lại thành một toa để uống một lần. Tôi đã được cô giáo dạy ở trường về những người muốn tự tử. Tôi đã nhìn thấy chị Sáu hàng xóm, vì mối tình ngang trái bị cha mẹ cấm, và bị đánh đập quá dữ đã dốc cả chai thuốc sâu vào miệng để quyên sinh. Tôi cũng được cô giáo kể về những bệnh nhân muốn từ giã cõi đời, đã mua cả căn phòng hoa về, bày hoa quanh giường, trên sàn nhà, đóng cửa lại, và có một giấc ngủ say không bao giờ thức dậy. Ắt hẳn là Nữ Hoàng Đậu Phụ đã rất tuyệt vọng vì bệnh lao phổi không thuốc chữa, bà cũng muốn được ra đi thanh thản trong một căn phòng tràn ngập hương hoa, nhưng chắc chắn không thể nào có tiền mua chừng ấy hoa, và càng không để đàn con biết được. Vào những ngày cuối, khi số thuốc nhiều lên, tôi thường thấy Nữ Hoàng thở dài, cho đến khi bà trút tất cả các viên thuốc ngủ vào miệng, nằm xuống giường và kéo chăn phủ lên đầu.
Nhưng Nữ Hoàng Đậu Phụ đã không ra đi. Bà không thể biết vì sao như thế. Bà quay lại tiệm thuốc phàn nàn họ bán nhầm thuốc cho bà. Nhưng y sĩ khẳng định không nhầm. Chỉ có tôi biết mình đã kịp tráo mớ thuốc đó bằng những viên thuốc cảm của bà tôi, mà tôi thấy nó giống hệt. Tôi đã mang những viên thuốc ngủ ấy rải xuống ao trước nhà. Tôi đã đứng hàng giờ cầu nguyện phép màu sẽ đến với Nữ Hoàng và với Nam để bà khỏi bệnh.
Những ngày sau đó, Nữ Hoàng kéo chúng tôi đi đào cây bọ mẩy. Có ai đó mách nước rằng, nếu uống nước từ củ của loài cây này, sẽ khỏi được bệnh. Thế là Nữ Hoàng và hai đứa nhóc 11 tuổi là tôi và Nam xông xáo lên đường. Chúng tôi bổ cuốc vào gốc của những cái cây với niềm hi vọng tuyệt đối như những người đi đào vàng. Khi gặp những rễ cây lớn, chúng tôi reo lên sung sướng. Tôi thấy ánh mắt của Nữ Hoàng Đậu Phụ cũng ngời lên ánh sáng. Nhưng cũng có lúc Nữ Hoàng Đậu Phụ ngồi thụp xuống nói với cả hai chúng tôi:
- Mẹ chết đi, nó cũng là cái số. Thầy tử vi đã bấm cho mẹ, nếu mẹ vượt được qua tuổi 69 thì cũng phải sống được tới tuổi 73. Nào ngờ đến sớm vậy. Nhưng mẹ đi rồi, các con phải đùm bọc nhau sống tốt.
Cả hai chúng tôi khụy xuống. Chúng tôi rất sợ chính Nữ Hoàng Đậu Phụ nói ra bà muốn bỏ chúng tôi mà đi. Cả tôi và Nam đều mếu máo:
- Mẹ chờ chúng con lớn, chúng con sẽ đi làm rồi nuôi mẹ. Nhất định chúng con làm được. Mẹ nhất định phải sống.
Nữ Hoàng đành ôm chúng tôi vào lòng, im lặng.
Thế rồi như có phép lạ, sau hơn một năm uống vỏ cây và chữa trị, Nữ Hoàng Đậu Phụ đã hoàn toàn khỏi căn bệnh lao phổi của mình. Không ai trong số những người “đồng nghiệp phấn trắng” của bà sống sót với căn bệnh đó vào thời ấy. Nữ Hoàng Đậu Phụ một lần nữa đã kiên cường đi qua số phận đầy thử thách của bà.
*
Mẹ đâu? Giọng tôi lạc đi khi hỏi Nam. Nam đứng trước tôi, cả cơ thể toát lên vẻ lam lũ, vất vả. Nam dẫn tôi đi băng qua một dãy các căn phòng trong bệnh viện cho đến khi chúng tôi tới khu vực dành cho các bệnh nhân bệnh tim nặng nhất. Nữ Hoàng Đậu Phụ nằm thoi thóp trên giường bệnh, phía đầu giường được kéo cao lên như thành ghế vì bệnh nhân khó thở. Bà đang hôn mê. Hai tay gắn vào hai thành giường đầy các dây nhợ và chai lọ. Tiếng máy báo nhịp tim, nhịp thở yếu ớt.
- Mẹ ơi! - Tôi không nói thành lời mà gọi khẽ trong tâm thức. Tay tôi nắm lấy bàn tay quen thuộc của Nữ Hoàng. Bàn tay ấy như đen hơn, chỉ còn da bọc ngoài ống xương. Bất chợt, bàn tay ấy bóp nhẹ vào tay tôi. Tôi hiểu rằng Nữ Hoàng nhận ra tôi, và biết tôi đã trở về. Có một dòng nước mắt rơi nhẹ từ khóe mắt đầy nếp nhăn của Người. Tôi đã gặp ánh mắt ấy của voi mẹ trong khu bảo tồn quốc gia ở Mỹ trước khi nó qua đời, nặng nhọc huơ chiếc vòi khổng lồ chạm vào con của nó một lần cuối.
Bác sĩ gọi tất cả chúng tôi lên, nói rằng gia đình chuẩn bị cho người sắp đi xa. Tim tôi nghẹt thở, tôi gọi Phật, xin ngài hãy rộng lượng với mẹ của tôi. Cả cuộc đời hơn 80 tuổi, bà chưa có lúc nào ngơi nghỉ. Đến gần tuổi 70, bà vẫn còn xay đậu cho đến khi đứa con cuối cùng yên bề gia thất, bà mới có thể hạ gánh lo toan.
Trong giờ phút ấy, tai tôi chỉ còn văng vẳng tiếng thơ mà chồng của Nữ Hoàng Đậu Phụ thường hay ngâm nga:
Giang sơn còn nặng gánh tình.
Giời chưa cho nghỉ thì mình cứ đi
Bao giờ giời bảo thôi đi
Giang sơn cất gánh, ta thì
nghỉ ngơi…
(Thơ Tản Đà)
Giờ phút tử biệt, sinh ly đã đến. Nữ Hoàng của tôi hoàn toàn tỉnh táo. Nữ Hoàng dặn dò từng người, tiền còn bao nhiêu, ai còn nợ, xóa nợ cho ai. Khi tôi và Nam ghé sát tai vào nghe lời dặn của Người, tôi đã chết điếng khi người nói thều thào: “Mẹ có để lại mấy chỉ vàng. Đã dặn bố các con rồi, khi nào mẹ đi, để lại cho mỗi đứa một chỉ để làm kỉ niệm.”
Không mẹ ơi! Biết bao giờ gặp lại. Căn nhà của chúng ta, những bữa cơm thơm mùi đậu phụ, những rễ cây bọ mẩy… tất cả đã đưa chúng ta đến với thế gian này như là số phận. Chúng ta đã dũng cảm sống, chúng ta không thể mất nhau. Đêm như kéo dài vô tận. Các chị gái của Nam quấn chặt bên giường. Những người con gái được mẹ kèm cặp, chỉ đạo từ bé, bỗng chốc bơ vơ như đàn gà con mất mẹ. Tất cả phủ phục xuống cầu nguyện trong những phút cuối cùng. Và chúng tôi ngủ thiếp đi lúc nào không hay.
Các bác sĩ hoảng hốt đánh thức chúng tôi:
- Trời ơi, đi trông người bệnh mà ngủ thế này à?
Chúng tôi vùng dậy. Trên giường, Nữ Hoàng đang mở mắt. Bà cất tiếng đòi ăn sáng. Bà đã từ chối lời gọi ra đi. Bà muốn ở lại để đón nhận sự yêu thương từ tất cả chúng tôi. Phải, Nữ Hoàng Đậu Phụ đã vượt qua cửa tử ở tuổi ngoài 80 một cách ngoạn mục. Đó chính là bà, người phụ nữ kiên cường của chị em chúng tôi. Như những lần khác, bà đã tự tay giành lấy số phận của mình thay vì trao nó cho bất cứ một ai khác. Chắc bà ngoại tôi ở trên thiên đường giờ này cũng sẽ rất hãnh diện vì Nữ Hoàng đã kiên cường như thế. Phải, chúng tôi tự hào về Người, Nữ Hoàng Đậu Phụ của tôi!