“COMPASSION - TÌNH THƯƠNG” của tác giả Hà Huy Thanh gồm 13 chương ngắn với những chất liệu được chắt lọc từ những trải nghiệm sống và trải nghiệm văn hóa của tác giả. Mà như nhà thơ Nguyễn Quang Thiều ghi nhận, Hà Huy Thanh như một nhà truyền giáo bằng một con đường riêng biệt của mình để thức tỉnh tình yêu thương trong mỗi con người và lan tỏa tình yêu thương đó. Tình thương chính là chìa khóa cho vấn đề toàn cầu. Tình thương thuộc về những con người có tấm lòng cao cả.
Trong những dòng cảm nhận của mình về cuốn sách, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều bày tỏ, chỉ khi ta thấu hiểu con người mình ta mới có khả năng thấu hiểu người khác. Và với sự thấu hiểu đó ta mới có khả năng chia sẻ. Và trên nền tảng “nhân tính” ấy, TÌNH THƯƠNG mới có khả năng xuất hiện. |
Bìa sách |
Đọc tác phẩm “COMPASSION - TÌNH THƯƠNG” mỗi chúng ta sẽ có được một hành trình thú vị. Đó là hành trình đi từ chính nơi chúng ta sống bình dị như mọi con người ra đến một thế giới rộng lớn. Các chương trong cuốn sách mang một cấu trúc vô cùng khoa học. Cấu trúc đó tạo ra một nguyên lý của đời sống, của lịch sử, của tôn giáo và văn hóa để dẫn tới chân lý về giá trị của TÌNH THƯƠNG. Từ thấu hiểu bản thân đến thấu hiểu người khác.
Cuốn sách “Tình Thương” của tác giả Hà Huy Thanh đã đến đúng lúc! Dù chưa thật hoàn hảo, nhưng các nội hàm Văn hoá Tình thương đã được đề cập trên nhiều khía cạnh. Văn hoá Tình thương – chìa khoá cho các vấn đề toàn cầu và là hành thuyết cốt lõi, đáng ghi nhận, đáng luậnbàn. ( Nhà văn Trần Thị Hảo) |
PGS. TS Nguyễn Văn Hạnh lại có những cảm nhận khác khi ông cho rằng, việc tiếp cận “COMPASSION - TÌNH THƯƠNG” giống như một cơ duyên, và khi đọc phần mở đầu: Tại sao chúng ta cần một cuốn sách về tình thương? Hỏi người, và cũng là hỏi mình... thì ông mới thấy rằng mong muốn được đối thoại và lối ứng xử thân tình, cầu thị, của tác giả: “Tôi sẽ hạnh phúc để được nghe quan niệm của bạn về tình thương, và sẽ vô cùng hạnh phúc nếu chúng ta được chia sẻ với nhau” (tr.10). Một sự giản dị, tự nhiên như vậy, thực sự chỉ có ở người luôn tin vào sức mạnh của sự chân tình, thành thực - thành thực với đời, với người, và thành thực với mình. Tôi đã bị tác giả dẫn dụ, mê hoặc, từ những điều giản dị, bình thường ấy.
Tác giả Hà Huy Thanh |
Và ở chương cuối cùng - chương thứ 13, “Bạn có phải là sứ giả của tình thương?” Đấy không phải là một câu hỏi mang tính văn phạm của tác giả. Đấy là niềm tin vào con người, là sự đánh thức tinh thần mỗi “Vị thánh” trong mọi con người. Đó là lời kêu gọi lớn nhất với lương tri làm người trong mọi sinh linh và trong mọi hoàn cảnh. Hà Huy Thanh đã chứng mình, tình thương không cần bất cứ một điều kiện mang tính vật chất nào để sinh ra mà chỉ là sự thấu hiểu và chia sẻ trên tinh thần đối thoại với người, với mình, về nguyên lý tình thương... điều mà lâu nay vì quẩn quanh với cơm áo, gạo tiền mà đôi chỗ, đôi lúc bị vùi dập, quên lãng
Ở “COMPASSION - TÌNH THƯƠNG” có nhiều vấn đề được Hà Huy Thanh phân tích, diễn giải chi tiết, cụ thể; có những vấn đề chỉ mang tính gợi mở cho những đối thoại. Đọc cuốn sách, mỗi người chúng ta đều phải đặt mình vào tâm thế của người trong cuộc, có tinh thần đối thoại, thấu hiểu, sẻ chia. Với lối viết sinh động, logics, thuyết phục… không khó để hiểu nhiều người đón đợi và thưởng thức “COMPASSION - TÌNH THƯƠNG” .