Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều nhận định về thế giới hoang mang, sợ hãi nơi mà con người ích kỷ, xa lánh nhau. Nhưng đọc cuốn Tình thương của tác giả Hà Huy Thanh, ông nhận ra mọi người cần bàn luận và chuyển hóa những trang sách nhiều hơn nữa.
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều nhận định, khi tình yêu thương trên thế gian này vụt tắt là lúc bóng tối của sự chết chóc trùm phủ thế gian. Khi tình thương rời khỏi con người, con người trở thành hoang thú.
“Con đường lớn nhất của nhân loại đã đi và tiếp tục đi là con đường mang tên tình thương... Tác giả Hà Huy Thanh nhận ra những gì làm nên vẻ đẹp đời sống thế gian này, ông nhận ra con đường dẫn nhân loại đi tới sự kết thúc của mình. Và ông đã chọn tên cho cuốn sách đặc biệt của mình là Tình thương”, Nguyễn Quang Thiều nói.
Không coi cuốn sách là một giáo trình về giáo dục học, tâm lý học, đạo đức học hay tôn giáo, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam coi đây là vẻ đẹp và những nguyên lý của đời sống của một người "đã sống, đã chiêm nghiệm, đã thức tỉnh và cất tiếng bằng trí tuệ và lương tri của mình với đồng loại".
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều (giữa) cùng tác giả (ngoài cùng bên phải) và diễn giả nói về nguyên lý của tình thương - Ảnh: TPO |
Hà Huy Thanh ra mắt Tình thương năm 2017, gây chú ý với số lượng ấn hành đáng mơ ước. Cuốn sách được dịch ra tiếng Italia vào năm 2023. Tác giả có mặt giao lưu và ra mắt tại Vatican đầu năm 2024. Hà Huy Thanh có cơ duyên gặp gỡ, ký tặng sách cho Giáo hoàng Francis. Tình thương vừa ra mắt phiên bản song ngữ Anh - Việt: Compassion.
PGS.TS Nguyễn Văn Hạnh (giảng viên cao cấp, Khoa Sư phạm Khoa học xã hội, Đại học Sài Gòn) nhận định với chủ đề quen thuộc nhưng còn chưa được lý giải cặn kẽ, tác giả đã có cách nhìn, cách lý giải riêng qua những câu chuyện và trải nghiệm của bản thân.
“Với tác giả tình thương vừa là sự thể hiện trạng thái cảm xúc, trí tuệ, cá nhân - thấu hiểu cá nhân, thấu hiểu người khác, thấu hiểu hoàn cảnh, mối quan hệ giữa tình thương và giàu có hạnh phúc - vừa mang tính cộng đồng, vừa là sự thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang tính nhân loại, chìa khóa cho vấn đề toàn cầu…”, PGS.TS. Nguyễn Văn Hạnh nêu.
Tác giả viết sách và không ngừng đeo đuổi hành trình tình thương cả trong và ngoài nước - Ảnh: TPO |
Nhà phê bình Bùi Việt Thắng đọc Tình thương và thấy 13 chương ngắn nhưng “sáng rỡ câu chữ được chắt lọc từ những trải nghiệm sống và trải nghiệm văn hóa của tác giả, mỗi người sẽ có những suy nghiệm riêng thú vị để cùng tác giả đối thoại về một vấn đề lớn có nghĩa nhân sinh, văn hóa - Tình thương chìa khóa cho vấn đề toàn cầu. Tình thương thuộc về những con người có tấm lòng cao cả”.
Hà Huy Thanh đi vào những vấn đề trực diện “Tại sao chúng ta cần một cuốn sách về tình thương”. Ông chỉ ra những bi kịch thiếu tình thương, lý giải nguyên lý của tình thương ngay trong chương mở đầu.
Chưa tìm được ở bất cứ đâu sự cắt nghĩa cụ thể khái niệm “tình thương”, tác giả mạnh dạn đưa ra kiến giải về tình thương là “sự thấu hiểu, chia sẻ và kiến tạo giải pháp”. Ông dành 5 chương trong cuốn sách để nói về nguyên lý này.
Từ chuyện thấu hiểu bản thân “biết mình đang ở đâu”, ông nêu giải pháp cho tình thương trong gia đình, trong công việc và rộng hơn là trong cộng đồng nhân loại. Hà Huy Thanh cho rằng Việt Nam là quốc gia giàu tình thương và nhận định “tình thương là chìa khóa cho vấn đề toàn cầu”.
Ở đâu có các thảm họa, bi kịch thì ở đó chúng ta thấy mọi thứ bị lụi tàn, vùi dập nhưng tình thương bao giờ cũng là thứ sống sót và nhen nhóm lên sự sống và nuôi dưỡng nó để rồi cuộc sống lại quay trở lại sống động và rực rỡ hơn. Các tai họa càng đau thương thì tình thương càng thể hiện một cách rõ rệt và mạnh mẽ”, Hà Huy Thanh. |
Tác giả Hà Huy Thanh chọn kết lại cuốn sách bằng cách gợi mở để độc giả biết đến và thấu hiểu nguyên lý tình thương mà ông đưa ra, thúc đẩy mỗi người sẽ thành “đại sứ về văn hóa tình thương”.
Ông mong muốn tình thương được ứng dụng trong đời sống để đem lại sự thay đổi trong đời sống cá nhân và nhân loại.