Văn hóa nghệ thuật

Đến chương trình hòa nhạc để… xem điện thoại?

Nguyễn Thùy Hương
Âm nhạc
09:06 | 26/11/2024
Baovannghe.vn - Điện thoại thông minh ra đời đã mang lại nhiều tiện ích cho con người, giúp người sử dụng tiết kiệm được thời gian, công sức, làm việc hiệu quả hơn. Nhưng nó cũng làm cho con người lệ thuộc vào máy móc, sống khô cằn hơn, ít quan tâm đến nhau...
aa

Chương trình có tên “Những giai điệu vượt thời gian” của Dàn nhạc Giao hưởng Mặt trời với những tác phẩm của các tác giả nổi tiếng thế giới: Mozart, Haydn, Bach, Beethoven đã có sức hút lớn. Các nghệ sĩ biểu diễn là những tên tuổi nổi tiếng như Chương Vũ (nghệ sĩ violin độc tấu, hòa tấu thính phòng biểu diễn khắp nam, bắc Mỹ, châu Á, châu Âu với các tiết mục từ cổ điển đến đương đại); là nghệ sĩ piano Juywonjin (tiến sĩ, giáo sư âm nhạc, Giám đốc Khoa Piano tại Đại học Santa Ana- Mỹ); là nghệ sĩ piano Ngô Phương Vi đoạt nhiều giải thưởng và huy chương trong các cuộc thi, liên hoan âm nhạc quốc tế; là nghệ sĩ cello Meehae Ryo, nghệ sĩ được biết đến nhiều nhất ở Hàn Quốc, mỗi năm cô biểu diễn hơn 30 buổi hòa nhạc với tư cách nghệ sĩ độc tấu cello và là giám khảo nhiều cuộc thi âm nhạc quốc tế.

Cuối tháng 10, chương trình được tổ chức ở phòng hòa nhạc lớn của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam (Hà Nội). Tôi đã xem ở đây vài lần nhưng đến lần này thì thấy thất vọng vì một số khán giả.

Có khá nhiều người đến muộn, tất nhiên họ phải đứng ngoài hành lang chờ khi nào các nghệ sĩ ngừng chơi giữa các chương (thường chỉ khoảng 1 phút) mới được vào. Điều đáng nói là có những khán giả đến muộn tới 30 phút (tôi nhìn đồng hồ khi họ được vào phòng là 20g39 phút), phòng thì tối, chữ các hàng ghế thì bé, nhân viên thì không đưa khách vào mà để khách tự mò mẫm tìm chỗ, sàn thì bằng gỗ nên dù cố gắng mấy, vài cô gái vẫn để phát ra những tiếng kêu lộc cộc của gót giày. Vị nhạc trưởng người Pháp tỏ ra không hài lòng khi phải dừng lại, nhìn lên chờ cho khán giả ổn định chỗ ngồi mới tiếp tục chương trình.

Dù không muốn tôi cũng phải so sánh: ở Nhà hát Lớn không có chuyện này xảy ra. Khách đến muộn quá 10 phút là không được vào. Những vị khách đến sau giờ biểu diễn sẽ được nhân viên đưa vào ngồi ở bất kỳ ghế nào còn trống gần cửa ra vào nhất chứ không để khách lộn lên, lộn xuống tìm ghế của mình.

Hai cô gái đến muộn nhất ngồi ngay gần chỗ tôi nên tự nhiên tôi chứng kiến cảnh họ hầu như không nghe nhạc mà lại hí húi mở điện thoại ra nhắn tin. Có lúc, chắc do tình cờ, một cô bấm vào clip làm vang lên tiếng ồn ào. Mọi người xung quanh nhìn cô ta với thái độ rất khó chịu. Luýnh quýnh một lát cô mới tắt được clip đi. Cứ ngỡ cô phải xấu hổ lắm, nhưng không, hai cô gái thì thầm và chúi đầu vào nhau cười rúc rích.

Ở hàng ghế ngay sau họ là hai bố con, cậu con trai khoảng 6 hay 7 tuổi. Suốt buổi diễn, bố cậu bé cũng chỉ cắm cúi vào chiếc điện thoại để mặc cho con hết rung đùi (vì sàn gỗ nên nghe được tiếng âm thanh phát ra từ đôi giày của cháu) lại co hai chân lên ghế ngọ nguậy.

Tôi nhớ có lần xem ở Nhà hát Hồ Gươm, cậu thanh niên ngồi cạnh tôi phải với lên hàng ghế trên đề nghị người phụ nữ tắt iPad vì chị ta xem gì đó xong cứ để nguyên iPad trên đùi khiến ánh sáng gây khó chịu cho những người ngồi hàng ghế sau.

Tối diễn ra chương trình “Những giai điệu vượt thời gian”, tôi cũng ngồi sau hai mẹ con - cậu con trai cũng chạc 6 hay 7 tuổi quậy liên tục, hết quàng tay ghì cổ mẹ lại xem điện thoại, có lúc hứng chí còn đặt chai nước lavie lên đầu rồi giữ thăng bằng như người đang làm xiếc... Và người mẹ ngồi bên cũng không hề tỏ thái độ gì với con.

Tôi lại phải so sánh, ở Nhà hát Lớn, các nhân viên luôn quan sát và kịp thời tiến đến nhắc nhở người nào không giữ đúng nội quy của nhà hát, đặc biệt là trong những đêm diễn giao hưởng. Cảm giác khán giả không dám thở mạnh nữa.

Tôi đoán mấy vị khách kia chắc là được cho vé nên họ đi vì tò mò, vì đi cho biết hoặc đang rảnh chứ không ai bỏ ra vài trăm ngàn mua vé để vào nhà hát xem điện thoại cả.

Trong khi đó, ngay sau hàng ghế tôi ngồi là một tốp khách nước ngoài có cả trẻ em và người lớn. Họ đến trước giờ diễn và quay lại ngồi sau giờ giải lao khi vừa có tiếng chuông báo. Tuyệt đối trong suốt buổi diễn, tôi không nghe thấy dù là một tiếng thì thầm hay âm thanh nào chứng tỏ mấy đứa trẻ không ngồi yên trên ghế. Cùng một khung cảnh, cùng một thời gian, địa điểm, nhưng cách ứng xử của các vị khách ta và Tây khác hẳn nhau. Chắc hẳn những đứa trẻ ngoại quốc kia ngay từ nhỏ đã được người lớn giải thích cho biết cái gì nên làm, không nên và không được phép làm nơi công cộng, đặc biệt là khi đi thưởng thức nghệ thuật, nhất là nghệ thuật đỉnh cao cần một môi trường yên lặng gần như tuyệt đối mới nghe, thấm được sự vi tế của những âm thanh. Còn những ông bố, bà mẹ Việt kia bản thân không tôn trọng quy tắc chung nơi công cộng thì làm sao có được những đứa trẻ biết cách ứng xử văn hóa, văn minh.

Và, những đứa trẻ ngoại quốc kia chắc chắn được người lớn yêu cầu: cần đúng giờ, đúng hẹn từ những cuộc gặp gỡ trong gia đình đến những hoạt động ngoài xã hội như đi học, đi họp, dự sự kiện, đến nhà hát, rạp chiếu phim. Đúng giờ là biểu hiện đầu tiên và dường như bắt buộc

Trước hết, việc đúng giờ thể hiện mình là người có văn hóa, biết tôn trọng chủ nhà, ban tổ chức, những người xung quanh... Sau nữa, đúng giờ là một thói quen, là nếp sống của xã hội văn minh. Vậy mà đáng buồn thay, nhiều khi, với nhiều người có tác phong tuỳ tiện, thì đến đúng giờ có nghĩa là đến sớm. Thói quen đúng giờ vì vậy rất cần được hình thành và thực hiện trong nhà trường.

Việc con người quá lạm dụng phương tiện máy móc, kĩ thuật cũng làm chai sạn tâm hồn, tình cảm, biến thành nô lệ cho kĩ thuật. Điện thoại thông minh ra đời đã mang lại nhiều tiện ích cho con người, giúp người sử dụng tiết kiệm được thời gian, công sức, làm việc hiệu quả hơn. Nhưng nó cũng làm cho con người lệ thuộc vào máy móc, sống khô cằn hơn, ít quan tâm đến nhau, chia sẻ những suy nghĩ, tâm tư tình cảm thực mà lại nghiện những câu chuyện ảo, tình huống, hình ảnh ảo đến mức cả ngày (có khi cả đêm) không mấy khi rời chiếc điện thoại.

Hằng ngày tôi đi tập yoga của trung tâm, các giáo viên cả ta và người Ấn Độ đều nhắc nhở trước giờ tập: đề nghị tất cả tắt điện thoại di động, không sử dụng điện thoại hay nói chuyện riêng trong suốt thời gian tập (mà thời gian có 1 tiếng chứ bao lâu!). Trước các buổi biểu diễn nhạc giao hưởng, bao giờ ban tổ chức cũng nhắc khán giả để chế độ rung hoặc tắt điện thoại. Lẽ ra, ở những nơi đó, việc giữ yên lặng là tất nhiên, sao phải nhắc! Đến bao giờ thì người Việt chúng ta hiểu được và tự giác thực hiện những điều đó bởi đó là văn hóa tối thiểu.

Song, những yêu cầu tối thiểu ấy, những cách ứng xử tất nhiên cần có ấy phải được gia đình, nhà trường và xã hội uốn nắn, dạy dỗ từ khi con người là đứa trẻ. Cuối cùng, vấn đề vẫn là ở giáo dục - dường như chúng ta vẫn chỉ chú trọng vào việc nhồi nhét kiến thức vào đầu những đứa trẻ mà chưa (hoặc không) coi trọng việc dạy chúng trước hết phải là những con người có nhân cách, hiểu biết, tôn trọng quy tắc ứng xử (thành văn và bất thành văn) để có thể hoà nhập vào xã hội văn minh, hiện đại một cách tự nhiên như hơi thở vậy.

Muốn thế, người lớn chúng ta phải nêu gương trước, bởi như các cụ xưa dạy nhà dột từ nóc mà!

Đến chương trình hòa nhạc để… xem điện thoại?
Thưởng thức nghệ thuật cần một thái độ nghiêm túc. Ảnh minh họa. Nguồn Internet.
Ngục chữ - Thơ Nguyễn Ngọc Hưng

Ngục chữ - Thơ Nguyễn Ngọc Hưng

Baovannghe.vn- Khuôn sáo cứng đơ giết mòn ngữ nghĩa/ Muốn tự do tông tột đến sứt sờn
Một thế giới khác - Truyện ngắn dự thi của Vũ Thị Huyền Trang

Một thế giới khác - Truyện ngắn dự thi của Vũ Thị Huyền Trang

Baovannghe.vn - Có hôm đang đi Nhã dừng xe ngồi lại trên ghế đá công viên nhìn dòng người qua lại. Nhã tuyệt nhiên không nghe thấy tiếng xe cộ ầm ĩ nữa. Nhã đã rơi tõm vào một thế giới khác. Thế giới của hồi tưởng và ký ức. Nó hoàn toàn khác với những ngày Nhã thấy mình sắp phát điên. Triệu chứng sợ ánh sáng và tiếng ồn lúc nhỏ lại trở về...
Về miền ánh sáng - Truyện ngắn của Phạm Đức Hùng

Về miền ánh sáng - Truyện ngắn của Phạm Đức Hùng

Baovannghe.vn - Một buổi chiều Hậu ngồi tết tóc cho bé Duyên ở sân chùa thì cô bảo bé hát. Bé Duyên đứng lên, cất tiếng hát trong trẻo, cao vút khiến Hậu hết sức bất ngờ. Sự vô tư lự của bé khi giơ hai cẳng tay không có bàn tay lên cao đu đưa người theo nhịp điệu bài hát đã tiếp thêm nghị lực sống và khát vọng sống cho Hậu. Tự dưng cô khao khát có con, khao khát sống...
Xã hội hóa xuất bản sách giáo khoa: Thành tựu của đổi mới toàn diện giáo dục

Xã hội hóa xuất bản sách giáo khoa: Thành tựu của đổi mới toàn diện giáo dục

Baovannghe.vn - Kết quả bước đầu trong thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa đã khẳng định đây là chủ trương đúng đắn, phù hợp với xu thế, là cơ sở để đạt được mục tiêu của đổi mới giáo dục.
Một thực hành di sản tại Nhật Bản

Một thực hành di sản tại Nhật Bản

Baovannghe.vn - Khi tới Bảo tàng Tokugawa từ ngày 22/10/2024 đến ngày 04/11/2024, khán giả có dịp chiêm ngưỡng bộ sưu tập của gia tộc Tokugawa về “Truyện Genji” cùng thế giới Miyabi (Nhã) đại diện cho văn hóa quý tộc Nhật Bản xưa.