Sáng tác

Phố phường Hà Nội - mạch nguồn bất tận

Quỳnh Anh
Tản văn
09:38 | 27/11/2024
Baovannghe.vn - Với bề dày lịch sử và văn hiến hơn nghìn năm tuổi, Hà Nội đã trở thành một vùng địa lý quen thuộc trong văn chương. Các nhà văn đương đại vẫn luôn viết về mảnh đất này, ghi chép lại những đổi thay của Hà Nội trong dòng chảy không ngừng của đất nước.
aa

Có bề dày về văn hóa và lịch sử đáng nể, Hà Nội là một địa danh quen thuộc, thường xuất hiện trong các tác phẩm văn chương. Từng là kinh đô của nhiều triều đại phong kiến và sau giờ đây là thủ đô, trái tim của cả nước, thành phố này có những thế mạnh về lịch sử và văn hóa mà ít địa danh nào có được, những yếu tố này đã trở thành nguồn chất liệu dồi dào cho văn chương ở các giai đoạn khác nhau trong dòng chảy của văn học hiện đại.

Hà Nội là vùng đất thu hút nhiều trí thức và giới văn nghệ sĩ, thế nên việc nơi này xuất hiện dày đặc trong văn chương cũng là điều dễ hiểu. Các nhà văn tới đây để sống và làm việc rồi yêu mảnh đất này từ lúc nào không hay. Sự khác biệt trong cách nhìn và cảm nhận về Hà Nội của những nhà văn sinh ra và lớn lên ở nơi đây, so với các “lữ khách” cũng mang đến cho người đọc những phong vị khác nhau.

Khi nói tới những nhà văn viết về Hà Nội giai đoạn trước Cách mạng tháng Tám, người ta nhớ đến Thạch Lam với Hà Nội băm sáu phố phường. Bộ mặt của phố thị, cái tinh tế trong cách ăn mặc, đi đứng, nói năng… của người Hà Nội đều được các cây bút nổi danh một thời của Tự lực Văn đoàn tỉ mỉ đưa vào trang viết. Bức tranh về Hà Nội trong thời kỳ 1930-1940 cũng được ông đưa vào nhiều truyện ngắn.

Trong bộ ba tác phẩm Quê người, Mười năm, Quê nhà, Hà Nội cũng được nhà văn Tô Hoài chọn làm bối cảnh chính. Ông đã kể những câu chuyện rất cảm động về những kiếp người bên lề đô thị: nhà nghèo tan tác vì vỡ đê, gái quê ra phố bị dụ dỗ thành gái bán hoa…

Những năm tháng Hà Nội bị tàn phá bởi chiến tranh đã lưu dấu trong Nguyễn Huy Tưởng những cảm xúc khó quên để rồi ông viết nên tiểu thuyết Sống mãi với thủ đô. Là một người sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, nhà văn Nguyễn Khải đã có gửi gắm nhiều trăn trở về thành phố này trong hai tập truyện ngắn Một người Hà Nội và Hà Nội trong mắt tôi.

Ở mỗi thời kỳ, người cầm bút lại có một câu chuyện khác nhau về Hà Nội. Nhưng “câu chuyện về một đô thị” vẫn là chủ đề quen thuộc, trở đi trở lại trong văn chương.

Mới đây, chủ đề Hà Nội được các nhà văn Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Trương Quý, họa sĩ Đỗ Phấn, PGS.TS Phạm Xuân Thạch bàn thảo tại tọa đàm “Hà Nội của Phố và Người - Bóng hình Hà Nội trong dòng chảy văn chương đương đại”. Các nhà văn, nhà phê bình đã đưa ra rất nhiều quan điểm về chủ đề này. Câu chuyện về những con phố đông đúc ở Hà Nội, nơi người dân tứ xứ đổ về mưu sinh dường như đã quá quen thuộc, nhưng các nhà văn vẫn không ngừng viết về nó.

Các tiểu thuyết: Con mắt rỗng, Rụng xuống ngày hư ảo của Đỗ Phấn, Cơ hội của Chúa, Khải huyền muộn, Ba ngôi của người, Tuyệt không dấu vết của Nguyễn Việt Hà, hay Phố vẫn gió, Gió từ thời khuất mặt, Những ta của Lê Minh Hà là những tác phẩm sắc sảo viết về Hà Nội của hiện tại. Trong đó có sự tiếc nuối những giá trị đã đi vào quá vãng của mảnh đất này, nhưng hơn hết, các nhà văn vẫn luôn nuôi hy vọng vào những điều tốt đẹp đang lớn lên từng ngày.

Bức tranh về đời sống đô thị ở Hà Nội không chỉ là nguồn cảm hứng cho các nhà văn, mà nó còn là chủ đề được yêu thích của phần lớn độc giả. Tìm đọc về Hà Nội, người ta luôn thấy hấp dẫn bởi những câu chuyện về phố phường, nơi có những ngôi nhà, những con phố với tuổi đời hàng trăm năm. Nơi đây đã chứng kiến nhiều biến động lịch sử dưới hình hài một đô thị. Thế nên câu chuyện của phố phường Hà Nội dường như đã trở thành điểm giao giữa nhà văn và độc giả.

Phố phường Hà Nội - mạch nguồn bất tận
Phố Hàng Đào ngày nay nhìn từ trên độ cao hơn 10 mét. Ảnh Nhandan.
Mời quý vị đón đọc báo Văn nghệ số 50/2024

Mời quý vị đón đọc báo Văn nghệ số 50/2024

Baovannghe.vn - Báo Văn nghệ số 50/2024 ra ngày 14/12/2024 có các nội dung sau đây:
Thơ Lê Vĩnh Thái và những cuộc đi hoang

Thơ Lê Vĩnh Thái và những cuộc đi hoang

Baovannghe.vn - Lê Vĩnh Thái luôn mang tâm thế là một thầy giáo nghèo vùng ngoại ô của Huế. Sự vất vả, lam lũ, khung cảnh nông thôn chính vì thế luôn là không gian nghệ thuật nổi bật trong thơ anh.
Ngôn ngữ mỹ thuật trong tranh Trương Đình Hào

Ngôn ngữ mỹ thuật trong tranh Trương Đình Hào

Baovannghe.vn - Trong tranh của Trương Đình Hào, ta thường bắt gặp nón quai thao, một cặp nam nữ đang hát quan họ, các con vật và vật dụng thường ngày… Thoạt nhìn, rất dễ để xem tranh Hào dưới góc nhìn văn hoá, di sản: các tác phẩm ghi lại các hoạt động bình dị hằng ngày của đời sống nông thôn ở miền Bắc Việt Nam giai đoạn trước Đổi mới.
Trông đám đông hỏi lấy một người: Phỏng vấn một cái cây ở sân 51 Trần Hưng Đạo

Trông đám đông hỏi lấy một người: Phỏng vấn một cái cây ở sân 51 Trần Hưng Đạo

Trong đáBaovannghe.vn - 51 Trần Hưng Đạo - Hà Nội là trụ sở của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Tòa nhà bình dị này mang một ý nghĩa rất lớn.
Ở trong tôi - Thơ Kim Chuông

Ở trong tôi - Thơ Kim Chuông

Baovannghe.vn- Tôi gặp mùa thu trên mặt sông đầy/ nhịp cầu giống chiếc đòn gánh lớn