“Rừng xanh núi đá
Viết lá thư này
Gửi đến tận tay
Mẹ cò thân mến...”
Lúc về hưu ông ngồi sáng tác văn chương.
Truyện của cha đã in ở các báo, tạp chí địa phương và trung ương. Văn của ông giản dị, theo kiểu tả chân. Người quê tôi thích đọc truyện của ông vì thấm đượm hơi thở làng quê, rất thật, gần gũi, được kể theo mạch thời gian từ đầu đến cuối. Trong khi đánh máy lại bản thảo viết tay của cha, tôi tranh thủ bố cục lại truyện. Có khi tôi đảo cuối truyện lên đầu, chèn những đoạn cần thiết vào giữa truyện thành không gian hồi tưởng để tăng sự hấp dẫn… Tôi gửi bài đến các tòa soạn báo cho cha. Khi báo đăng tôi mua vài chục số mang về biếu cha kèm nhuận bút. Ông đọc lại truyện của mình, cười: “Anh học trong trường viết văn có khác, sửa lại làm truyện của cha hiện đại hẳn. Con hơn cha nhà có phúc”. Sau khi khen, ông thủng thẳng bình các đoạn tôi biên tập: “Ở đời, được này, mất khác con à. Làm gì con cũng phải nghĩ đến người nghèo, kẻ khổ, ít chữ. Họ vị tình nhưng chân thật, nôm na, dễ kết lại thành một khối gọi bằng từ ghép “xã” và “hội”…
Đứa em tôi gàn: “Cha già rồi, nghỉ ngơi cho khỏe, viết lách làm gì cho khổ”. Tôi nghĩ, người già về hưu có đam mê, sở thích riêng, có người thích đi câu cá giải trí, người thì chơi cờ tướng, người lại say sưa rượu chè, cờ bạc, thậm chí có người dở chứng muốn làm ông nọ bà kia… Cha viết văn không vì tiền, như thế là lành mạnh, cao sang rồi, cứ để cho ông thỏa đam mê. Bởi vậy hai cha con tôi ngoài chuyện máu mủ còn là bạn văn chương tâm đắc. Mỗi người viết có một vùng văn học mà mình đã sống, là miền cảm hứng sáng tác riêng. Cha tôi có một vùng văn học, đó là miền cao với các nhân vật người Mường, người Thái, nơi ông dùng cả quãng đời trai trẻ dạy cái chữ cho người dân tộc thiểu số. Truyện của ông đứng được vì khai thác những tập tục, thế giới quan, nhân sinh quan khác lạ của các vùng dân tộc ít người, có sức sống tự nhiên nên cuốn hút độc giả.
Vào tuổi 76, cha tôi bị ung thư, điều trị ở bệnh viện K Hà Nội một thời gian, khối u di căn. Tuổi cao sức yếu, chẩn đoán không thể qua khỏi, bệnh viện cho xe cứu thương đưa ông về nhà. Vợ chồng tôi và các cháu bay từ Sài Gòn về đông đủ. Kỳ lạ là gia phả gia đình tôi từ ông cụ kỵ đến ông bà nội tôi đều mất vào ngày 22 âm lịch nên tôi đoán trước được ngày từ trần của cha.
Trước giây phút ra đi, cha tôi dặn: “Cái bút ký Lên vùng cao của cha, con đốt đi”. Lúc đó có mặt nhiều người nên cha chỉ dặn có thế rồi nở nụ cười rất tươi, ra đi thanh thản như không còn vướng bận gì trên cõi đời. Một luồng khí lạnh chạy dọc sống lưng. Thấy tôi run cầm cập; em gái tôi thì thào “Sao em lạnh thế này”. Cảm giác lạnh ấy phải năm phút sau mới hết. Tôi không hiểu tại sao có hiện tượng đó, nó là khoa học hay tâm linh?
Tang lễ xong, chúng tôi thu dọn đống bản thảo của cha rồi gói lại cẩn thận trong túi nilon để giữ được lâu. Cha tôi thường viết tay. Chữ chân phương, rõ ràng, dễ đọc. Ngay cả những bản viết nháp, có sửa chữa, gạch xóa, ngoặc lên ngoặc xuống vẫn không rối. Di cảo của cha còn lại là bút ký Lên vùng cao, nhưng ông đã dặn phải đốt đi. Tuy vậy tôi vẫn giữ lại, ngốn ngấu đọc. Bút ký này là tác phẩm hay nhất trong trước tác của ông bởi Người dành hết tâm lực vào nó, như ngọn đèn trước khi tắt chợt sáng bừng lên.
Mở đầu cha viết: “Ăn Tết Nguyên Đán xong, tháng rộng ngày dài, nhớ câu thành ngữ “Tháng giêng ăn nghiêng bồ lúa”; tôi quyết định thượng sơn một chuyến thăm lại cảnh cũ người xưa. Đường lên miền núi có nhiều thay đổi so với ba mươi năm về trước. Cầu qua sông Chu ở phà Mục Sơn đã được xây lại bằng bê tông cốt thép. Các loại xe ô tô lớn qua lại. Con đường từ thành phố Thanh Hóa lên miền núi đã được mở rộng, rải nhựa. Trời sang xuân, vẫn có hành khách còn mặc áo rét. Mưa phùn bay bay. Đường nhựa nhem nhép dưới bánh xe…”. Cha tôi đang kể về chuyến trở về vùng rừng núi huyện Lang Chánh, nơi ông có gần mười năm dạy học. Ông cố gói ghém những đổi thay của huyện miền núi cảm nhận được sau ba mươi năm, bây giờ mới trở lại.
Cha hồi tưởng lại những ngày mới bước chân về bản Giàng, thuộc xã Yên Khương, huyện Lang Chánh. Nằm sát biên giới nước Việt - Lào, heo hút trên đỉnh núi cao, phải leo núi mấy ngày trời mới lên đến bản; chỉ vài chục nóc nhà sàn, nằm rải rác cạnh con suối nước trong vắt hiền hòa về mùa khô, ngầu đục, hung dữ trong mùa mưa. Dưới thung lũng là ruộng lúa. Lúc cha lên, bản chưa có ngôi trường nào, người dân nơi đây đều chưa biết cái chữ. Cha nhớ lại những ngày cùng bà con vào rừng chặt cây về dựng lớp học. Sau nửa tháng, lớp học thành hình.
Buổi khai giảng đầu tiên, các em từ bảy tuổi trở lên ở các bản Giàng, bản Mê, bản Trận lũ lượt kéo đến: “Một hồi ba tiếng mõ của ông trưởng bản xôn xao rừng già. Bầu trời không một gợn mây. Chung quanh chói lòa ánh sáng. Những tia nắng ban mai lấp lánh trong không khí mát rượi của trận mưa rào đêm qua. Gần tám giờ học sinh ở các bản làng mới đến hết. Thấy các em đã tập trung lại, ông trưởng bản nói với tôi: “Bắt đầu học đi thôi!”. Quay về phía các em, trưởng bản nói bằng tiếng dân tộc: “Chúng mày vào lớp để thầy giáo dạy cái chữ”.
Các em vào lớp, thích chỗ nào thì ngồi vào chỗ ấy. Hôm nay tôi dạy các em bài hát ngắn để hàng ngày hát trước khi học chữ. Ngoài phụ huynh đưa con em đến lớp còn có các bà, các anh các chị ở chòm Giàng cũng ra xem lớp học có thầy giáo người Kinh ở đồng bằng lên dạy cái chữ như thế nào”. Đúng là buổi đầu cha cũng lúng túng vì thầy không biết tiếng của các em, còn các em chưa rành tiếng của thầy. Dạy các em mà không biết tiếng của các em là trở ngại lớn nhất, không thể khắc phục. Cha phải ra sức học tiếng Thái. Khi vốn tiếng Thái đã kha khá, ông nghĩ đem các tiếng ấy ghép vào từng nhóm văn vần cho dễ nhớ dễ thuộc như: “Tô chảng con voi / Tô hoi con ốc / Tô nốc con chim / Tô linh con khỉ / Mạc mỹ quả mít / Mác mít con dao / Phú xao con gái / Tảo ái anh cả...”
Ông xếp được hơn hai ngàn từ như vậy, đem các từ ấy ghép lại thành câu là nói được. Từ khi nghe, nói được tiếng Thái, tình cảm thầy trò, với phụ huynh khăng khít hơn.
Buổi tối, cha dạy bổ túc văn hóa cho cán bộ thanh niên trong bản Giàng. Buổi khai giảng lấy căn nhà sàn của anh Póm làm lớp học. Cả lớp có mười lăm người. Cô Lương Thị Ty mới mười tám tuổi, đẹp nhất bản Giàng làm lớp học lung linh. “Cô mặc đồ dân tộc may vừa vặn. Gương mặt tròn trịa như vầng trăng. Cổ cao mịn màng với mái tóc đen nhánh. Đôi mắt huyền thăm thẳm... Ánh nhìn của cô làm nhiều chàng trai ngẩn ngơ”. Cha nhớ lại những buổi giúp dân đi làm cỏ lúa, đi gặt lúa. Cha gặt lúa rất khéo và nhanh, được bà con dân bản khen. Họ nói: “Lúc khưởi hửm Nhâm phạt khấu lý lắm” (Con rể nhà Nhâm gặt lúa tốt lắm). Nhâm là chỉ cô Tỵ mà dân bản cáp đôi với bố. Họ cho rằng chỉ Người đẹp rực rỡ nhất Bản mới xứng với Thầy giáo người Kinh.
Đọc đến đây tôi nghi ngờ: “Hay là cha đã từng yêu cô Tỵ, bởi thế mẹ cô Tỵ mới nhận là con rể nhà mình? Phải chăng vì sợ vợ con phát hiện ra điều bí mật cho nên trước khi từ giã cõi đời cha đã dặn đốt bản thảo này đi?”.
Hôm sau tôi bàn với Quý, thằng bạn nối khố hồi học phổ thông: “Mình định lên Lang Chánh, tìm đến nơi cha mình dạy học để xem thời đó ông sống và công tác ra sao. Tham khảo vốn sống trong các tác phẩm của cha, biết đâu mình viết được một truyện ngắn hay, Quý có đi với mình không?”. Không ngờ Quý ủng hộ liền: “Ok, mình cũng muốn lên trên đó, biết đâu chộp được pô ảnh đẹp”. Quý là nghệ sỹ nhiếp ảnh, đã từng đoạt nhiều giải thưởng ảnh nghệ thuật trong nước lẫn quốc tế. Anh rất chịu chi cho nghệ thuật, sắm cả máy chụp ảnh hiệu Canon EOS 1D Mark III, có khả năng chụp toàn cảnh góc độ rộng với độ phân giải cao, giá 12 ngàn USD. Quý dành nhiều thời gian đi khắp các nẻo đường đất nước để săn ảnh. Từ vùng cao Hà Giang đến mũi Cà Mau tận cùng đất nước, không nơi nào không in dấu chân của Quý.
Di cảo của cha. Truyện ngắn của Nguyễn Trường |
Chúng tôi hẹn gặp nhau ở bến xe thành phố Thanh Hóa. Hôm nay Quý mặc áo có nhiều túi, kiểu áo ký giả, quần sậm, giày thể thao, đeo ba lô tư trang, vai khoác túi đựng máy ảnh, ra dáng một nhà báo. Tôi cũng đi giày thể thao, vì xác định phải leo núi nhiều. Lúc trên xe Quý chợt nói, “Có khi ông gặp em cùng cha khác mẹ trên ấy”. Tôi cũng phân vân, tuy vậy vẫn nói cứng: “Mình tin ở cha, một con người hiền lành, trung thực, luôn dạy chúng tôi phải sống trong sạch và lương thiện thì không có chuyện đó”. Quý bảo: “Nhưng cũng không thể nói trước điều gì vì anh hùng khó qua được ải mỹ nhân.”
Đến trưa, xe khách chở chúng tôi đến thị trấn Lang Chánh. Một thị trấn nhỏ, con phố chính dài khoảng nửa cây số, lác đác có nhà tầng, còn đa số vẫn nhà cấp bốn. Hơn ba mươi năm về trước, thị trấn toàn là nhà tranh, vách nứa, đường đất đỏ, hòa quyện phong cảnh thiên nhiên đẹp trong văn của cha: “Ánh chiều tà lụi dần sau chân trời xa tắp rồi ngả dần sang màu cỏ úa. Những tia nắng cuối cùng của ánh dương ửng lên, bỗng tối sầm lại để đêm buông. Bên này là phố núi, bên kia là rừng già cô quạnh, hoang vu với cổ thụ tầng tầng lớp lớp, dây leo quấn vào cây chằng chịt như những con trăn mốc được màn đêm quyện lại thành bức tường thành trầm mặc, uy nghi”.
Thị trấn như nằm lọt thỏm giữa trùng điệp các dãy núi cao. Giờ đây trước mắt tôi là khu phố cũng bằng phẳng như hàng trăm thị trấn dưới đồng bằng. Thời gian quá lâu đủ để con người chặt rừng, mở phố, đuổi rừng già vào tận những dãy núi cao xa xa kia.
Đáng chú ý nhất với thị trấn ngày nay là có siêu thị nằm ngay ngã tư, tấp nập người ra vào mua hàng. Có cả những người người Mường, váy áo một màu chủ đạo là xanh, trắng; người Thái áo bó sát người, nổi bật hàng khuy bạc và khăn piêu màu sắc sặc sỡ. Họ từ trên núi cao xuống nên dắt theo ngựa thồ, dừng trước siêu thị.
Một chiếc xe khách cỡ mười sáu chỗ ngồi dừng ở ngã tư thị trấn đón khách. Chúng tôi bước lên xe chờ khoảng mười lăm phút là xe chuyển bánh. Tôi lại nhớ đoạn bút ký hồi tưởng của cha lúc rời phòng Giáo dục huyện Lang Chánh để lên Yên Khương bằng cách đi bộ:
“Gần sáng, sương muối như rây bột xuống khu rừng. Trên đường sương mù càng lúc càng dày. Tám giờ đường vẫn dày sương. Đường sá núi rừng nhờ nhờ một màu sữa đục lạnh lẽo. Rời khỏi huyện lỵ, chúng tôi phải qua một con sông nhỏ. Chúng tôi phải tự chống bè lấy để sang sông. Từ đây cảnh vật bắt đầu đổi khác. Núi cao hơn khiến độ dốc cũng cao dần. Mười giờ sương tan hết. Thời tiết ở đây: đêm trời rét ngọt, sáng dậy mây mù nhiều thì cả ngày hôm đó trời nắng gay gắt.
Gần trưa chúng tôi đi vào con đường lau sậy mọc dày. Dưới chân bùn lầy dẻo như bột nếp, phải rút từng bước chân một. Mười hai giờ chúng tôi mới đến đỉnh dốc. Đây là dốc Ba Vai khét tiếng…
Chiều về, sương lam phủ dãy núi cao. Bóng tối đột ngột ùa về…Chúng tôi đi trong màn sương mỏng như khói nhẹ. Xa xa, dãy núi Pù Rinh chìm trong biển mây mù nhạt nhòa. Những chóp núi cao nhô lên xanh nhạt trông như những hòn đảo”.
Khi xe lăn bánh trên cây cầu bê tông bắc qua dòng sông nhỏ, nước trong xanh, đôi bờ lổn nhổn những bãi đá cuội trắng, bắt nắng sáng lóa như thiên nhiên phơi bạc trắng, tôi lại hình dung về đoàn lữ hành của cha tự vượt sông bằng bè nứa. Thời đó, người ta để sẵn bên bờ sông mấy chiếc bè nứa. Ai qua sông thì tự động dùng mái chèo để sẵn trên bè mà bơi sang, rồi cột dây bè vào cọc. Người đi ngược lại có bè mà bơi về. Xe chúng tôi gần đến dốc Ba Vai, tài xế vào số, nhấn ga cho xe bò lên dốc, tiếng động cơ nặng nề như hơi thở nặng nhọc của cha đang leo núi trong nắng trưa gay gắt, không một ngọn gió, người đẫm mồ hôi. Chân của cha kéo lê nặng nề bởi bùn dẻo như bột nếp níu giữ, không còn sức chống trả lũ muỗi rừng và vắt được bữa no nê: “Lúc đầu chúng tôi còn cúi gỡ vắt, sau thì mặc kệ. Nó cắn no thì rụng đi cho con khác bám vào”.
Thi thoảng, những người Mường, người Thái, mặc những bộ váy áo màu sắc sặc sỡ, đi ngược chiều lướt qua khung cửa xe chúng tôi. Có tốp người đi như chúi về phía trước bởi gùi bắp nặng trĩu trên lưng. Bầy ngựa, lẫn lộn sắc vàng trắng đang nhởn nhơ gặm cỏ. Có con đuổi nhau chạy tung bờm, lướt như gió bên sườn đồi thoai thoải, trong khung cảnh yên bình, tự do. Xe chạy sâu vào những cánh rừng già âm u, nổi bật những cây cổ thụ hàng trăm tuổi cao vút lên, xòe tán xanh đậm che rợp cả một vùng cây xanh non phía dưới. Giữa núi rừng trùng trùng điệp điệp, thỉnh thoảng gặp những cánh đồng lúa chín vàng rực lọt thỏm dưới thung lũng. Những đám ruộng bậc thang, đang mùa lúa chín trông xa như những sợi dây chuyền vàng trên cổ cô gái đẹp. Ngọn thác như dải lụa, dội nước xuống chiếc khe lổn nhổn đá đầu ông sư, tung bọt trắng xóa. Những ngôi nhà sàn lấp ló trong rừng cây, mái tôn bắt ánh nắng sáng lấp lánh như gương…
Chỉ bốn giờ chiều xe chúng tôi lên đến trung tâm xã Yên Khương. Ở đây chưa có nhà tầng, quanh ngã tư là những ngôi nhà cấp bốn. Đáng chú ý nhất là cửa hàng lớn bán đồ gỗ với đủ các loại bàn ghế, giường tủ… vàng óng, nổi những đường vân như mây. Ở đây có nhà nghỉ nho nhỏ, hỏi thăm mãi mới biết. Chúng tôi thuê hai phòng, không có nước nóng lạnh, máy điều hòa nhiệt độ… Buổi tối, trời se se lạnh. Mới tám giờ tối, trung tâm đã vắng lặng. Người dân ở đây đi ngủ sớm. Chúng tôi dạo một vòng quanh khu trung tâm xã rồi về nghỉ để sớm mai có sức lên bản Giàng.
Ngày xưa đoàn của cha tôi từ thị trấn Lang Chánh, phải trèo đèo lội suối hai ngày trời mới lên đến xã Yên Khương. Cha tôi vào trình giấy ở Ủy ban nhân dân xã. Nghỉ ở đây một đêm rồi đoàn chia ra mỗi người đi một chòm. Cha tôi được phân công về chòm Giàng, cách trung tâm xã khá xa. Lần này, cha đi một mình, giữa rừng núi hoang vu.
Thời cha tôi tôi lên bản Giàng bằng cách chạy bộ, vì không nhanh, phải ngủ đêm lại trong rừng, vô cùng nguy hiểm: “Đi chừng 5 cây số, gặp một ngã ba, không biết đi đường nào, đường vắng tanh. Tôi ngồi bệt xuống đất. Bỗng nghe rùng mình, cơn sốt rét kéo đến, người run bần bật. Nhìn thấy ngôi nhà sàn bỏ hoang bên bờ suối, vịn cầu thang leo lên, tôi mở ba lô lấy chăn trùm kín từ đầu đến chân, thiếp đi lúc nào không biết. Khi tôi tỉnh dậy, đồng hồ đã chỉ ba giờ chiều. Tôi uống cạn bát nước lã rồi lại bước ra ngã ba đường. Tôi nghĩ: Ở đây rừng mênh mông quá. Chiều ở rừng giống như một phòng kín đã sập hết cửa. Trời lại đang đóng cửa rừng. Ngủ một mình lạnh lẽo nghĩ cũng sợ, thôi phải đi khẩn trương may ra còn tìm được chỗ trú qua đêm. Tôi rẽ trái, vừa đi vừa chạy, vắt chân lên cổ mà chạy. Trời tối hẳn nhìn thấy có ánh lửa, tôi tuông qua các bụi gai mà chạy tới”...
May hôm đó cha gặp được ngôi nhà sàn có ánh lửa để tá túc qua đêm. Nhà có hai mẹ con, người đàn ông đi săn chưa về. Cô gái đón cha vào nhà rồi dọn cơm cho cha ăn. Sáng hôm sau cha tôi lại bắt đầu chặng đường mới, đó là leo dốc, vì chòm Giàng nằm cheo leo như tổ chim trên lưng chừng núi cao.
Bây giờ, chúng tôi thuê được xe máy chuyên trèo đèo dốc. Đã có đường lên bản, xe máy phân khối lớn cài số nhỏ từ từ bò lên theo đường trôn ốc. Nhiều đoạn đường cao thăm thẳm, quanh co, gấp khúc, xe cứ gầm rú, tung bụi mù mịt bò từng thước một. Quý cứ hết nhìn bên phải lại nhìn bên trái, một bên là núi cao chót vót, một bên là vực sâu thăm thẳm. Rồi cánh đồng lúa chín vàng giữa thung lũng như mâm xôi hiện ra. Và kia, ruộng bậc thang đang mùa lúa chín như những vòng khăn vàng rực rỡ quấn nhiều vòng uốn lượn quanh sườn núi. Quý bảo lái xe dừng lại rồi xách chiếc máy ảnh gắn tê lê khủng chạy xuống thung lũng. Anh tác nghiệp rất thành thạo, lúc đứng, lúc quỳ, lúc chọn góc để bấm máy, cứ như người lính đang đánh trận, say sưa quên cả thời gian. Trên đỉnh núi xa xa ông mặt trời chiếu những vầng sáng hình rẻ quạt xuống ruộng bậc thang, như tăng độ sáng nghệ thuật cho người nghệ sỹ.
Chúng tôi xuống xe đi bộ, leo dốc chừng năm trăm mét đã nhìn thấy một bản làng nhà sàn, mái lợp cọ… Nó khác bản Giàng của cha khi ông mới bước chân lên đây: “Chiều nhọ mặt người tôi mới bước đi trên con đường đầy phân heo thì gặp một bản nhỏ nằm trên vạt đất bằng phẳng lưng chừng núi, rừng rất rậm, âm u. Vài chục nhà sàn lợp lá cọ loi nhoi trong các lùm cây. Đất bụi mù vì thiếu nước. Những hàng rào tre xiêu vẹo, những con lợn bẩn thỉu sục mõm trong lòng đất. Thấy người lạ, đàn bà trẻ con lặng lẽ nhìn ra. Các ngôi nhà sàn ở đây đều giống nhau, trên sàn thì người ở, dưới nhà sàn dùng để nuôi trâu, bò, gà, lợn… Bước chân lên bậc thang kọt kẹt. Sàn nhà ghép bằng luồng đập dập…”
Cha tôi hỏi thăm nhà trưởng bản, một ông già có nước da đỏ au, sức còn khỏe mạnh phấn khởi đón cha. Câu đầu, ông hỏi ngay: “Thầy giáo đi đường nào lên bản đó?”. Cha trả lời: “Tôi đi theo đường mòn, qua khu đá đen”. “Pả ơi, chỗ đá đen, anh Sao, xã đội trưởng hôm qua suýt bị hổ vồ đó”. Cha tôi thấy ớn lạnh sống lưng mặc dù người còn đẫm mồ hôi. Trong bút ký của mình, cha tôi kể: “Anh Sao to khỏe như đô vật, trưa hôm ấy anh nằm ngủ, vừa chợp mắt thấy có cô gái đến tỏ tình. Theo tục lệ của người Thái, con trai mơ thấy con gái tỏ tình, đi vào rừng sẽ tìm được cây quế tốt. Vì tin như thế nên anh lấy con dao năm đeo vào người đi sâu vào hướng bắc, đến khu đá đen, trong bụi rậm thấy một con nai rất to đang ngủ. Bỗng nhiên nó đứng dậy. Trời ơi! Đó không phải là con nai mà là con cọp lớn. Nhanh như một con vượn, anh lao lại cây đa, nắm lấy rễ phụ đu mình lên chạng ba. Con cọp phóng đến vừa gầm thét vừa cào xuống đất tung tóe. Nó dùng uy lực để anh mất vía rơi xuống. Nhìn sang đồi bên cạnh, Sao thấy đàn trâu và bốn người lớn, anh gọi thật to: “Pí nọng ơi! Khói thức tố sứa du ní bò ni pang mưa. Pí nọng trói dưa nóng khói”. Có hai người chạy đi, hơn nửa giờ sau mới nghe tiếng trống gõ thanh la. Có hai người cầm súng bắn hai phát chỉ thiên. Con cọp chạy vào rừng biến mất. Có đông người, anh mới tuột xuống. Bà con nghe tin đến hỏi thăm anh Sao suýt chết, mỗi người cho anh một con gà bồi dưỡng”
Còn bây giờ, khu đá đen đã có đường xe máy qua lại, chắc là không còn cọp lai vãng nữa rồi. Tôi hỏi thăm nhà bà Nhâm, bà Tỵ một người đàn ông cỡi trần đang vót tên bên cửa sổ chỉ ra cánh đồng, nói:
“Có bà Nhâm đang cắt lúa dưới nương”.
Dưới thung lũng tốp người đang lom khom cắt lúa. Khăn áo màu xanh đỏ nổi bật trên nền màu lúa chín vàng rực kéo đến tận bìa rừng xanh đậm xa xa.
Bà Nhâm dẫn chúng tôi về nhà. Ngôi nhà sàn thoáng mát. Sàn nhà vẫn ghép bằng luồng đập dập như thời bố mới lên đây. Tảng thịt rừng và những túm bắp ngô treo lủng lẳng trên bếp đang đỏ lửa. Nơi tiếp khách là chỗ trang trọng nhất, gần cửa sổ, có các tấm đệm để khách ngồi xếp bằng xuống sàn.
Nghe tôi giới thiệu là con trai cả của thầy giáo đầu tiên lên bản dạy chữ; bà Nhâm sôi nổi:
- Chúng tôi nhớ thầy giáo, người thấp nhỏ, đẹp trai, thầy hết lòng dạy học. Thầy giỏi lắm. Nhớ những buổi thầy cùng chúng tôi đi làm nương rẫy…
- Thưa bà, cách đây khoảng một năm, cha tôi có lên thăm lại bà con trên này…
Bà Nhâm ngạc nhiên:
- Chúng tôi trông mong thầy lên mà có thấy đâu. Nếu thầy lên bản Giàng, thế nào thầy cũng đến nhà tôi hay nhà Tỵ, vì hồi dạy trên này, thầy ở nhà chúng tôi, lại thân thiết với chị em chúng tôi nhất.
Thấy chúng tôi nóng lòng muốn gặp bà Tỵ, bà Nhâm không giữ chúng tôi lại chơi nữa mà chỉ đường cho chúng tôi.
Nhà bà Tỵ ở cuối bản, dựa lưng vào núi, hướng mặt về phía suối nước luôn réo ồ ồ, xa nữa là thung lũng có nhiều đường lượn mềm mại của ruộng bậc thang đẹp như trong những bức ảnh nghệ thuật mà Quý từng đem đi triển lãm giải quốc tế làm khách tham quan trầm trồ. Đó là căn nhà sàn như bao căn nhà sàn dân tộc Thái, cũng nuôi nhiều gà, lợn, nhưng cửa nẻo không đóng. Chờ nửa tiếng, bà mới về. Bà Tỵ cao dong dỏng, tuy có tuổi tác, tôi vẫn nhận ra là người đàn bà đẹp thời xuân sắc. Bà quấn chiếc khăn thêu trên đầu có nhiều màu sắc, hoa văn đối xứng đẹp một cách hài hòa. Bà mặc áo màu mận chín, bó sát vào người; váy màu sẫm, có nhiều hoa văn, gấu váy có nhiều đường diềm thêu hình lá sồi. Khăn thắt lưng màu xanh quen thuộc của phụ nữ Thái, hay Mường. Qua cuộc nói chuyện, tôi được biết bà có hai người con, người con gái lớn lấy chồng ở bản kế bên. Bà ở với người con trai út, nhưng cậu đang học trung học dưới thị trấn, chủ nhật mới về. Thảo nào trên kệ có nhiều sách Anh văn, sách tin học, và một dãy sách văn học, cả những cuốn tiểu thuyết kinh điển trong và ngoài nước gáy dày cộp. Tôi cầm thử vài cuốn thấy có nhiều trang ghi chép, đánh dấu bằng bút chì, chứng tỏ chủ nhân của nó không những có đọc mà còn đọc rất cẩn thận. Chồng bà là y sỹ xã, đã mất gần chục năm rồi.
Nói chuyện với bà một lúc, tôi lại tò mò hỏi: “Cách đây hơn một năm, cha con có lên thăm bản Giàng, bà còn nhớ không?”
- Đã hơn 30 năm rồi mẹ chưa gặp lại ông giáo - Bà xưng mẹ với tôi.
Như vậy ba mươi năm qua cha tôi chưa hề trở lên bản Giàng. Càng lạ hơn nữa, trong bút ký Trở lên vùng cao, cha tôi viết khi gặp lại bà Tỵ: “Ăn cơm xong mọi người đương ngồi uống nước, nói chuyện thì một phụ nữ gần năm mươi tuổi xuất hiện. Cô ta rực rỡ trong bộ đồ màu xanh. Mái tóc xõa ngang lưng, trên đầu găm cây trâm màu cánh cam óng ánh như ngọc. Đôi má vẫn mịn màng và ửng hồng. Thời gian nếu không bất lực cũng phải tạm lui trước vẻ đẹp của cô. Vừa nhìn thấy tôi cô đã cất lời chào ngọt như nước giếng ban trưa rồi sà đến ngay như một con bướm. Đôi mắt ướt sương nhìn tôi vuốt ve, giọng nói mềm mại như con chim chìa vôi núi gọi chiều.
Lúc đó ông Xum, anh May, anh Phiêng, anh Ét, chị Chương kéo đến ngồi chật cả gian nhà. Họ trò chuyện sôi nổi đến khuya. Trước lúc ra về, ai cũng hẹn một câu: “Ngày mai thế nào cũng mời thầy giáo đến nhà tôi chơi. Ông không đến là chúng tôi giận đấy”.
Tôi phải hứa với mọi người là ngày mai sẽ đến chơi thăm tất cả mọi nhà. Mọi người ra về hết chỉ còn lại cô Tỵ và anh May. Lúc đó anh May mới nói:
- Thầy giáo! Sáng mai mời thầy giáo đến tôi chơi. Tôi sẽ đưa thầy giáo lên trang trại quế của gia đình tôi.
Tôi nhận lời và tiễn anh May về. Còn lại một mình, Tỵ nói với tôi:
- Trong ngày mai đến nhà em, thầy bớt chút thời gian đến thăm trang trại nuôi đàn bò thịt của gia đình em.
Tôi cười vui nói:
- Cô Tỵ cũng năng động đến thế à? Sớm mai tôi đi thăm vườn quế của anh May, chiều mai cô lại đây, đưa tôi đến trại chăn nuôi của cô nhé!...”
Và đây là đoạn cha lên thăm vườn quế của anh May: “Trong thung lũng, những cây quế to cao, gió thổi qua bần bật rung lên như gặp bão, trên mặt đất quá bình yên. Có cây im phăng phắc, nghe rõ tiếng chân đàn kiến trên những chiếc lá khô. Tôi xúc động nói:
- Trồng nhiều quế như thế, anh May lấy giống ở đâu? Có đến mấy ngàn cây quế chứ có ít đâu?
- Phải sang tận Bát Mọt, huyện Thường Xuân mới mua được cây giống thầy giáo ạ. Thầy không nghe người ta nói: Đặc sản của Thanh Hóa là cây Quế đó sao? Nó có thể chữa được nhiều bệnh lắm. Quế Thường Xuân là một trong những giống quế tốt nhất nước. Mỗi nhà dân Việt Nam mà có được thanh quế trong nhà là có một thầy thuốc giỏi đấy, vì quế của ta cùi dày, mùi rất thơm, trong vị cay hắc có chút ngọt ngào”.
Còn đây là trang trại nuôi bò thịt của cô Tỵ: “Vào đến trại tôi thấy bốn dãy nhà làm theo kiểu liên hoàn trên sườn một quả đồi rộng đến bốn héc ta. Những chú bò đực ngông nghênh đôi sừng lúc lắc nhìn khách. Những cô bò cái hiền từ đứng trong chuồng nhìn ra thở phì phì. Những bé bê hoa ở riêng một dãy chuồng. Nhìn đàn bò béo tốt, xinh xắn, tôi thấy lòng vui hồ hởi lạ thường. Tôi nói với cô Tỵ:
- Thế thì anh chị sắp trở thành triệu phú nhỉ.
Thời gian ở Yên Khương có ba ngày, tôi cảm nhận được nhiều điều: Họ đã lớn lên về nếp nghĩ trong sinh hoạt hàng ngày (Từ khâu ăn uống, vệ sinh đến việc giao tiếp). Đã biết thế nào là tín ngưỡng. Xóa bỏ được mê tín dị đoan. Thầy cúng thầy mo đã tự động giải nghệ. Bỏ hết tục cưới xin, ma chay lạc hậu. Nhà nào cũng sắm được đồ dùng bằng điện. Có một số khá giả đã có tủ lạnh để dự trữ thức ăn. Thanh niên nam nữ đã biết dùng xà phòng tắm, gội, dùng kem đánh răng. Lẻ tẻ có nhà mua được xe máy, xe công nông chuyên chở lâm thổ sản xuống phố huyện bán để có tiền mua đồ dùng. Họ đã biết chung vốn để thành lập trang trại vừa và nhỏ như chăn nuôi bò, trồng các loại cây ăn quả đạt sản lượng cao, nâng mức sống lên khá giả…”
Nhưng bây giờ nhìn bản làng và gia cảnh bà Tỵ không có gì là khá giả. Bản chưa có điện dĩ nhiên trong nhà cũng chưa có đồ điện. Chẳng có trang trại chăn nuôi bò, và ông May cũng không có rừng quế. Bà Tỵ đã quá già, không phải là người đàn bà mà “thời gian cũng bất lực trước nhan sắc của cô”. Tóm lại, Trở lên vùng cao của cha chỉ có nửa sự thật ở phần hồi ức, còn phần hiện tại trở lại cảnh cũ người xưa là sản phẩm tưởng tượng. Có lẽ thành ý của cha tôi mơ ước vùng cao đổi mới, người người tiến bộ, nhà nhà giàu có mà viết như trên. Tác phẩm viết với chủ nghĩa lạc quan thời cha đã sống và cống hiến, rất hợp với thể chế, sẽ dễ được các báo in ấn chăng?
Lúc nghỉ mệt sau một chặng cuốc bộ thở ra cả bằng lỗ tai, Quý bỗng buột miệng: “Nhắc đến ông giáo, mãi bà Tỵ mới nhớ, mức độ thể hiện tình cảm chứng tỏ bà ấy không có nhiều kỷ niệm sâu sắc với cha bạn”. Rồi Quý cười vui nhắc lại lời mời chúng tôi ở lại bằng câu rất chân thật kiểu người dân tộc của bà Tỵ: “Con ở lại ngủ với mẹ một đêm”.
Còn tôi nước mắt tràn mi. Cha ơi, con xin phép cha chỉ thực hiện một nửa lời cha dặn lúc lâm chung: đốt đi phần không thực của bản di cảo! Bởi vì ngay cả phần không thực cũng đã hé lộ nhiều điều có thực, vì con đã thấy giá sách trên nhà bà Tỵ. Một thế hệ người dân tộc có học vấn đang lớn lên, phải chăng là nhân quả từ lớp thầy giáo đầu tiên đem cái chữ lên với người dân bản. Con sẽ ở lại đây ít bữa để sống và cảm nhận về thời cha đã cống hiến. Trên đường về xuôi, con ghé lại phòng giáo dục của huyện để xác thực lại danh hiệu thầy giáo người Kinh đầu tiên lên bản; gặp những thầy giáo thủa đó để tìm lại các thông tin bị thời gian làm mờ và cả do ánh hào quang làm lóa đi. Con sẽ biên tập lại và tìm cách in để mọi người hiểu tại sao, bằng cách gì con chữ lên được vùng cao, tạo ra sự thay đổi đến tận gốc rễ tư duy của bà con dân bản. Tuy cha đã cho con một bài học thật sâu sắc đối với người cầm bút: Tác phẩm thể loại này dù hay đến mấy mà không có thật thì chỉ có hại, không nên giữ lại, càng không nên đem xuất bản… Nhưng Cha ơi, việc của đời xưa thường mơ hồ, thật hư lẫn lộn, phải tìm ra sự thật mới được vinh danh.
Đó là con đang làm đúng di huấn của Người.