Tôi đến thăm nhà văn, dịch giả Thúy Toàn vào một chiều Hà Nội oi nồng đầu hạ. Ngôi nhà ông nằm sâu ở một ngõ nhỏ phố Đội Cấn, dịu mát và tĩnh lặng, tách mình khỏi những ồn ào phố thị ngay ngoài kia, nơi ông và vợ - nhà nghiên cứu, phê bình, dịch giả Chu Nga - sống đã hơn 20 năm nay để trò chuyện với ông về dịch văn học.
|
Theo dịch giả Thúy Toàn, nguyên tắc dịch từ xưa đến nay nói chung là phải “tín”: đã dịch là phải dịch đúng, chính xác với bản gốc; “đạt”: chuyển tải khiến người đọc hiểu được tác phẩm, có hồn; “nhã”: ngôn từ phải đẹp, hay. Khi dịch, trước hết phải hiểu thấu được tác phẩm, phải cảm bằng tâm hồn, phải diễn tả bằng cách tìm được lời đẹp. Muốn vậy người dịch phải hiểu ngoại ngữ nhưng cũng cần giỏi tiếng Việt, để tìm được đúng từ ngữ có thể lột tả được, thay thế được, đồng thời nói lên tâm hồn đồng cảm của dịch giả với tác giả.
Có những người tiếng Nga rất giỏi nhưng khi dịch lại không lột tả được hết cái hồn của tác phẩm cho thấy việc thông thạo ngoại ngữ là yếu tố cần nhưng chưa phải yếu tố quyết định thành công của bản dịch. Dịch giả Thúy Toàn lý giải: “Người dịch còn phải có con mắt nghiên cứu, biên tập, phải đọc nhiều, đọc rất nhiều, tìm hiểu rất nhiều. Riêng Pushkin, có dịch thơ thôi mà tôi phải nghiên cứu hàng chục cuốn sách về thơ Pushkin nguyên bản tiếng Nga, từ sách giáo khoa của giáo viên, giáo trình cho sinh viên giảng giải tường tận từng bài thơ một cho tới các bài viết của nhà nghiên cứu - phê bình... Để dịch tác phẩm cần đọc, nghiên cứu nhiều lắm chứ không đơn giản chỉ là tìm hiểu từ điển để dịch chữ. Không chỉ hiểu biết về chữ nghĩa mà còn phải hiểu những điều xung quanh tác phẩm, tức là hiểu văn hóa đất nước ấy và có một phông văn hóa rộng”.
Đó là điều không nhiều dịch giả làm được, có lẽ bởi vậy mà dịch giả Thúy Toàn tuy không phải là người dịch nhiều thơ Pushkin nhất, ông chỉ dịch được gần 100 bài, nhưng khi nhắc đến thơ Pushkin người đọc sẽ nhớ ngay đến dịch giả Thúy Toàn. Một lao động say mê và nghiêm cẩn mà ông gọi là “dịch tới nơi tới chốn”.
Khi nhắc đến sự sáng tạo của dịch giả, tôi đùa ông: “Có người bảo, trong bản dịch bài Tôi yêu em của Pushkin, có câu bác dịch không sát nghĩa”. Ông cười hiền: “Ừ chê”. Rồi ông trầm ngâm: “Khen chê là quyền của mỗi người, mình hết lòng và phải tin ở mình. Người dịch có thể sáng tạo để tác phẩm dịch đạt được hiệu quả cao nhất về nội dung và nghệ thuật nhưng trước hết, đầu tiên là phải hiểu cho đúng, diễn tả cho đúng. Và sự sáng tạo không được phép đi quá xa”. Khi dịch, trong nhiều trường hợp câu chữ sẽ không thể dịch và hiểu theo đúng nghĩa trong từ điển, mà cần hiểu về tác giả, đặt trong hoàn cảnh, trong văn hóa đất nước đó để dịch.
Trong dịch văn học, theo ông khó nhất là dịch thơ. “Như nhà thơ, dịch giả Bằng Việt nói đại ý: dịch thơ là khổ dịch, lao động khổ sai. Như vậy đủ để hiểu dịch thơ khó khăn đến mức nào”. Dịch thơ phải hiểu hết bài thơ ấy, đồng cảm, cảm thấy một điều gì đấy. Hiểu được nghĩa, cái thần, cái hồn rồi nhưng quan trọng nhất là phải tìm được từ thích hợp để chuyển thể theo. Dịch thơ phải có hồn, phải thành thơ, có âm điệu, nhạc điệu, vần... Dịch thơ nằm ngoài hiểu biết đơn thuần về ngữ nghĩa.
Thơ cũng chính là mối duyên đưa ông đến với công việc dịch văn học. Dịch giả Thúy Toàn kể: “Khi học ở Nga, năm 1956, lúc đang nghỉ để chuẩn bị vào năm học mới, hơn 10 người học một lớp có 2 cô giáo phụ trách, một cô giáo chính, dạy tiếng Nga, một cô giáo phụ dẫn đi chơi, tham quan, tìm hiểu về thành phố. Buổi sáng hôm ấy là một buổi sáng mùa đông, cô giáo dẫn đi ra ngoại ô Moskva, đẹp lắm! Đứng trên đồi cao, nhìn phong cảnh Nga ở dưới lớp lớp những dãy đồi núi, nó quá đẹp, cô giáo ấy cao hứng đọc một bài thơ - Buổi sáng mùa đông của Pushkin. Một giọng trẻ trung mô tả cánh đồng, tuyết trắng... cảm thấy không gian nước Nga đẹp đến rung động hồn mình. Tối hôm đó, tuy học 2 năm tiếng Nga, đã hiểu lơ mơ, giở từ điển để tra và ngồi dịch chỉ dịch được 2 câu thôi, nhưng còn âm thanh, vần điệu…”.
Từ đó ông thêm say mê và theo đuổi dịch văn học. Còn với bài thơ ấy, để hiểu hết thì phải 30 năm sau mới hoàn thành được bản dịch. 30 năm trăn trở đi tìm lời dịch thật tâm đắc. Công phu lắm!
Ông ngồi đọc thơ, sôi nổi và tha thiết yêu thương như chàng thanh niên tràn đầy nhiệt huyết năm nào đứng trên ngọn đồi cao ngắm nhìn nước Nga: Băng giá và mặt trời ngày tuyệt đẹp/ Còn ngủ ư ơi người bạn diễm kiều/ Dậy đi thôi ơi người đẹp thân yêu/ Mở đôi mắt còn say nồng mệt mỏi/ Hãy hiện lên như ngôi sao chói lọi/ Miền Bắc phương chào buổi sáng Bắc phương!/ Mới chiều qua em nhỉ bão cuồng điên/ Một màn tối giăng đầy trời mù mịt…
Báo Văn nghệ ngay sau đó in bản dịch bài thơ Buổi sáng mùa đông nhân dịp 150 năm ngày mất của Pushkin - năm 1987. Văn nghệ đã chắp cánh cho nhiều tác phẩm của ông đến với công chúng.
Ngày nay, thời đại thông tin bùng nổ, ngành xuất bản phát triển mạnh mẽ, sách dịch ngập tràn khiến độc giả choáng ngợp, hoang mang trước chất lượng sách và chất lượng bản dịch. Nhà xuất bản và người dịch - cầu nối đưa tác phẩm đến với bạn đọc là nhân tố hết sức quan trọng. Dịch giả Thúy Toàn nhắc lại, để làm tốt, thành công trong dịch thuật, trước hết phải học hiểu nguyên bản đến nơi đến chốn, hiểu tiếng mẹ đẻ, có vốn từ phong phú, tức là không chỉ giỏi ngoại ngữ mà cả tiếng mẹ đẻ đồng thời phải hiểu văn hóa ngôn ngữ đất nước ấy. Ngoài dịch cho đến nơi đến chốn, khi dịch văn học cần có tiêu chí chọn tác phẩm rõ ràng. “Chọn đúng bài thơ/ tác phẩm hay, hợp lòng người là diễn cảm tình cảm sâu sắc, đồng cảm với mình, chứ không nên giở ra thấy bài nào cũng dịch theo thì không diễn hết được nội tâm của bài thơ. Tức bản thân tác phẩm ấy hay, nguyên bản là một bài hay, thật có ý nghĩa, diễn ra được một tình cảm thật sâu sắc, đọc lên thấy lòng mình rung động thì người khác mới có thể rung động. Thứ hai là có tư tưởng, có tính nhân bản, nói lên cái đẹp của tâm hồn” - ông nhấn mạnh.
Bây giờ, có những người dịch chỉ cần cho AI dịch tự động rồi sửa, rất nhanh. Sự thông minh của AI khiến người ta bất ngờ. Trong tương lai, AI sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa, nhưng dịch giả Thúy Toàn nhận định, AI không thể thay thế được con người: “Đó chỉ là máy móc, điều quan trọng nhất là cái hồn, sự rung cảm từ sâu trong tâm hồn - thứ mà máy móc không có được”.
Dịch giả Thúy Toàn tâm sự: “Hiện nay tôi vẫn thỉnh thoảng dịch, bởi không thể “bập” vào là dịch ngay được, nhất là thơ. Năm 2016, lần gần đây nhất trở lại Nga, tôi mua được tập thơ, có những bài thơ ngắn, siêu ngắn. Thơ Pushkin có nhiều bài rất ngắn, mà càng ngắn dịch càng khó. Tôi vẫn cứ dịch nhưng dần dà, đọc đi đọc lại không lại thành… buồn cười”.
Ông tiết lộ, sẽ ra một tập thơ tuyển, do Thúy Toàn tự tuyển, có những bài hiện ông đang dịch, vì trước đó có những tập tuyển thơ Thúy Toàn nhưng là người khác tuyển.
Xin chúc mừng và mong chờ tác phẩm mới của ông.
Dịch là sự rung cảm từ sâu trong tâm hồn - thứ mà máy móc không có được”. Ảnh của Katelindsay |