Từ lâu, văn học Đông Nam Á đã trở thành đối tượng nghiên cứu của các học giả phương Tây. Chẳng hạn, công trình Imagined Communities: Reflections on the Origin and Spread of Nationalism (1983) của Benedict Anderson đã phân tích tiểu thuyết Noli me tangere (1887) của nhà văn người Philippines José Rizal (1861-1896) để chứng minh sự tham gia của văn chương vào việc hình thành ý niệm về quốc gia, dân tộc. Những công trình khác như Self and Society in Southeast Asian Fiction: Thematic Explorations in the Twentieth Century Fiction of Five ASEAN Countries (1988) của Thelma B. Kintanar, “Self” and “Subject” in Southeast Asian Literature in the Global Age (2007) của Tony Day, Cambodge: The Cultivation of a Nation, 1860-1945 (2007) của Penny Edwards và Traditions Redirecting Contemporary Indonesian Cultural Production (2017) do Jan van der Putten chủ biên cũng tập trung tìm hiểu các tác phẩm văn học Đông Nam Á. Bên cạnh đó, cũng có những tiếng nói từ chính những người trong cuộc - các học giả người Đông Nam Á, tiêu biểu như các công trình Essays on Literature and Society in Southeast Asia: Political and Sociological Perspectives (1981) do Seong Chee Tham chủ biên, The Southeast Asian Woman Writes Back: Gender, Identity and Nation in the Literatures of Brunei Darussalam, Malaysia, Singapore, Indonesia and the Philippines (2017) của Grace V.S. Chin và Kathrina Mohd Daud, Literature and Nation-Building in Vietnam: The Invisibilization of the Indians (2021) của Chi P. Pham. Những nghiên cứu này đã góp phần kéo văn học Đông Nam Á ra khỏi “vùng trũng của văn học thế giới” [1, tr.51] và khẳng định được vị trí, bản sắc của văn học Đông Nam Á trong bản đồ văn học thế giới. Tuy nhiên, hầu hết các công trình nêu trên đều tiếp cận văn học Đông Nam Á thông qua mối quan hệ giữa văn học và dân tộc, xem một số tác phẩm văn học như các hoán dụ cho những vấn đề kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội có liên quan. Vẫn còn những bộ phận văn học chưa được các nghiên cứu này đề cập đến, mà một trong số đó là văn học thiếu nhi Đông Nam Á.
Cùng viết về hành trình trưởng thành của những đứa trẻ tuổi hoa, nhưng mỗi tác phẩm là một câu chuyện độc đáo về cách thức những đứa trẻ vượt qua những vấn đề trong cuộc sống ở giai đoạn chuyển giao giữa trẻ con và người lớn với những thay đổi trong thể chất, tinh thần và nhận thức về bản thân cũng như về thế giới. |
Với mong muốn cung cấp tư liệu để khắc phục sự khuyết thiếu đó, bài viết tập trung tìm hiểu ba tác phẩm đặc sắc của văn học thiếu nhi Đông Nam Á là Chai thời gian (1985) của nhà văn Thái Lan Prabhassorn Sevikul (1948-2015), Chiến binh Cầu Vồng (2005) của nhà văn Indonesia Andrea Hirata (1967), và Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (2010) của nhà văn Việt Nam Nguyễn Nhật Ánh (1955). Cùng viết về hành trình trưởng thành của những đứa trẻ tuổi hoa, nhưng mỗi tác phẩm là một câu chuyện độc đáo về cách thức những đứa trẻ vượt qua những vấn đề trong cuộc sống ở giai đoạn chuyển giao giữa trẻ con và người lớn với những thay đổi trong thể chất, tinh thần và nhận thức về bản thân cũng như về thế giới. Sau khi đưa ra một cách hiểu về “tuổi hoa” để làm điểm tựa về mặt lý thuyết cho việc nghiên cứu, bài viết sẽ áp dụng mô hình so sánh cận kề mà học giả S.S. Friedman đề xuất(1) để phân tích và chỉ ra những tương đồng và khác biệt trong hành trình trưởng thành của những đứa trẻ ở ba không gian địa lý và văn hóa khác biệt nhau này.
Trong văn học và nghiên cứu văn học ở Việt Nam hiện nay, độ tuổi từ 12-13 đến 18-19 tuổi được định danh theo những cách khác nhau. Cách định danh phổ biến nhất là “tuổi mới lớn” và những tác phẩm văn học viết về/viết cho các thanh thiếu niên ở lứa tuổi này thường được xếp loại là “văn học viết cho tuổi mới lớn”. Năm 2002, Nhà xuất bản Kim Đồng đã cho ra mắt Tủ sách Tuổi mới lớn, bao gồm các sáng tác của Nguyễn Thị Châu Giang, Vũ Đình Giang, Phan Hồn Nhiên, Nguyên Hương, Nguyễn Thiên Ngân, Dương Thụy... về cuộc sống của các thanh thiếu niên và những rung động đầu đời. Từ phía người sáng tác, các nhà văn cũng gặp gỡ nhau trong quan niệm về “tuổi mới lớn”. Chẳng hạn, nhà thơ Đinh Hùng viết: Khi mới lớn, tuổi mười lăm, mười bảy/ Làm học trò, mắt sáng với môi tươi (Khi mới nhớn) [2]. Nhà văn Đoàn Thạch Biền, chủ bút tập san Áo trắng dành riêng cho tuổi học trò tâm sự rằng: “Tôi thường viết cho lứa tuổi 16+, tạm gọi là ‘tuổi mới lớn’” (Dẫn theo [3, tr.44-45]). Trong một cuộc phỏng vấn, nhà văn Lê Phương Liên - nguyên trưởng ban Văn học thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam - cho biết “cách gọi Tuổi mới lớn (hiện nay nhiều người gọi là tuổi teen) vốn được bắt nguồn từ một khái niệm mang tính chất y khoa để gọi lứa tuổi từ 13 đến 19, về mặt sinh lý đây là lứa tuổi dậy thì về giới tính” (Dẫn theo [4]). Các nhà nghiên cứu văn học thiếu nhi ở Việt Nam cũng thường sử dụng khái niệm “tuổi mới lớn” để định nghĩa hành trình chuyển tiếp từ trẻ con thành người lớn ở mỗi con người. Ví dụ, Võ Văn Nhơn và Nguyễn Bảo Châu định nghĩa rằng “tuổi mới lớn là giai đoạn quá độ từ trẻ con thành người lớn. Vì vậy, những thay đổi về tâm sinh lý, những cảm xúc và trải nghiệm mà một thiếu niên trải qua sẽ có những cách biệt rất lớn nếu so với khi họ là nhi đồng và khi là người trưởng thành” [5, tr.1244-1245]. Từ đó, hai tác giả cho rằng: “Văn học tuổi mới lớn là sự đan cài giữa văn học nhi đồng và văn học người lớn. Tức là, các tác phẩm viết cho tuổi mới lớn sẽ phải đề cập đến những vấn đề phức tạp của các mối quan hệ gia đình và xã hội mà lứa tuổi này đang đối mặt nhưng tất thảy phải được thể hiện qua lăng kính ngây thơ của những tâm hồn chưa kịp lớn một cách toàn diện” [5, tr.1245]. Mặc dù không đưa ra một định nghĩa cụ thể về “tuổi mới lớn” như hai nhà nghiên cứu trên, nhưng Thanh Tâm Nguyễn cũng khẳng định đây là “độ tuổi trung gian chuyển trẻ em sang thế giới người lớn gắn với nhiều chuyển biến tâm lý phức tạp” [3]. Tương tự, Nguyễn Thị Thanh Hương cũng chú ý đến sự phát triển tinh vi và phức tạp về mặt tâm sinh lý của trẻ em trong giai đoạn dậy thì (từ 9-10 tuổi đến khoảng 15-16 tuổi) và cho rằng “đây là khoảng thời gian đặc biệt trong cuộc đời của mỗi người, là quãng đời hàm chứa nhiều chuyển biến” [6, tr.122]. Trong quá trình nghiên cứu về những nhân vật ở lứa tuổi này, cô đặc biệt chú ý tới những rung động đầu đời khiến các nhân vật bối rối khi đứng trước ranh giới tình bạn, tình yêu.
Các nhân vật trong phim điện ảnh chuyển thể từ truyện dài "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" |
Bên cạnh “tuổi mới lớn”, một số khái niệm khác cũng được sử dụng trong văn học Việt Nam đương đại để định danh lứa tuổi này như “tuổi trăng tròn”, “tuổi mộng mơ”, tuy nhiên, chưa có một định nghĩa cụ thể, chính xác về những khái niệm này ở Việt Nam. Ngoài ra, một khái niệm nữa đã được nhà văn Nguyễn Trường Sơn đề xuất vào năm 1967 khi ông thành lập Tủ sách Tuổi Hoa với ba loại ấn phẩm: 1. “Hoa Xanh”, bao gồm những tác phẩm viết về lứa tuổi hồn nhiên, trong sáng; 2. “Hoa Đỏ”, bao gồm những câu chuyện phiêu lưu, mạo hiểm của thiếu niên; 3. “Hoa Tím” viết về những rung động đầu đời (Dẫn theo [7]). Có thể thấy khái niệm “tuổi hoa” mà Nguyễn Trường Sơn sử dụng có phạm vi rất rộng, bao quát cả tuổi nhi đồng, thiếu niên và tuổi mới lớn với nhiều vấn đề đa dạng, phong phú.
Trong khi đó, các nhà nghiên cứu phương Tây thường sử dụng khái niệm “coming of age”. Trong Cambridge Dictionary, danh từ “coming of age” chỉ “ai đó đến tuổi trưởng thành là thời điểm người đó trở thành người lớn một cách hợp pháp và đủ tuổi để bầu cử”; “thời điểm ai đó trưởng thành về mặt cảm xúc hoặc theo một cách nào đó” [8]. Merriam - Webster Dictionary giải thích “coming of age” là “từ đồng nghĩa với tuổi trưởng thành, đạt được sự nổi bật, sự tôn trọng, sự công nhận” [9]. Có thể thấy, cả hai từ điển nêu trên đều nhấn mạnh “coming of age” là thời điểm có sự thay đổi, khác biệt so với giai đoạn trước, tức là “trưởng thành” về một mặt nào đó hoặc theo một cách nào đó. “Coming of age” cũng được dùng như một tính từ để chỉ một loại văn học đặc thù, như định nghĩa của Oxford Dictionary về khái niệm “coming of age novel”: “Những tác phẩm đi theo nhân vật chính từ lúc sơ sinh cho đến giai đoạn đầu của người trưởng thành (early adulthood)”; hoặc “những tác phẩm tập trung cụ thể vào giai đoạn cuối của tuổi vị thành niên” [10]. Trong một nghiên cứu về những tiểu thuyết coming of age trong văn học đương đại Mỹ, Scott Bradfield và Mark Richard nhấn mạnh rằng “những cuốn tiểu thuyết này cũng có thể có dạng kể về một hành trình đã ‘trật bánh’. Những câu chuyện về sự mất mát và thất bại với giọng kể tuyệt vọng đi ngược lại những ý tưởng thông thường về hành trình khám phá bản thân” [11, tr.98].
Sử dụng khái niệm “tuổi hoa” để phân tích ba tự sự đặc sắc về những cô bé, cậu bé đang ở giai đoạn chuyển giao từ tuổi thiếu niên sang tuổi thanh niên của ba nhà văn đến từ Thái Lan, Indonesia và Việt Nam, bài viết sẽ chú trọng vào hành trình trưởng thành của họ qua nhiều biến cố, vấp ngã để khám phá và bước đầu nhận diện, định vị bản thân trong môi trường gia đình, học đường và xã hội. |
Kế thừa một cách có chọn lọc từ những đề xuất của các học giả phương Tây và Việt Nam, đồng thời dựa trên những quan sát và nghiên cứu mang tính cá nhân, người viết sử dụng khái niệm “tuổi hoa” để định danh thời điểm chuyển giao từ mốc cuối của tuổi thiếu niên sang tuổi thanh niên để chuẩn bị cho việc trở thành người lớn, tương đương với lứa tuổi từ 12-13 tuổi đến trước 18 tuổi - thời điểm trẻ em Việt Nam được công nhận quyền công dân và chính thức được tham gia bầu cử. Vì mỗi cá nhân có đặc điểm tâm sinh lý và hoàn cảnh riêng nên tốc độ phát triển về thể chất và tinh thần không đồng nhất, do đó, thời điểm “tuổi hoa” ở mỗi cá nhân có thể không trùng khít với nhau. Cụm từ “tuổi hoa” được lựa chọn bởi người viết quan niệm rằng lứa tuổi từ 12-13 tuổi đến trước 18 tuổi là một giai đoạn mấu chốt trong cuộc đời mỗi cá nhân, giống như sự quan trọng của thời điểm ra hoa trong vòng đời của một cái cây. “Hoa” là vẻ đẹp bừng nở, hiển lộ, dễ nhận thấy, nhưng chính “hoa” là tiền đề quyết định của “quả”, giống như toàn bộ chặng đường sau này của mỗi con người trong tư cách người lớn, một cá nhân độc lập. Vì vậy, “tuổi hoa” chính là lúc mỗi cá nhân đồng thời nhận thấy sự phát triển về thể chất và những đổi thay lớn mang tính bước ngoặt về tinh thần của mình. Đây là giai đoạn hết sức khó khăn với những cá nhân vừa giã từ tuổi niên thiếu nhưng hoàn toàn chưa có trải nghiệm và bản lĩnh của người trưởng thành, lại phải đối mặt với nhiều biến cố bất ngờ, cần gánh vác và giải quyết. Chặng đường này thường quyết định những phẩm chất và định hướng phát triển sau này của mỗi cá nhân. Sử dụng khái niệm “tuổi hoa” để phân tích ba tự sự đặc sắc về những cô bé, cậu bé đang ở giai đoạn chuyển giao từ tuổi thiếu niên sang tuổi thanh niên của ba nhà văn đến từ Thái Lan, Indonesia và Việt Nam, bài viết sẽ chú trọng vào hành trình trưởng thành của họ qua nhiều biến cố, vấp ngã để khám phá và bước đầu nhận diện, định vị bản thân trong môi trường gia đình, học đường và xã hội.
Chai thời gian của Prabhassorn Sevikul, Chiến binh Cầu Vồng của Andrea Hirata và Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh của Nguyễn Nhật Ánh đều mang yếu tố tự truyện ở những mức độ khác nhau. Chiến binh Cầu Vồng, như lời giới thiệu ở bìa 1 của dịch phẩm bằng tiếng Việt xuất bản năm 2022, dựa trên câu chuyện về cuộc đời có thực của chính nhà văn Andrea Hirata. Tương tự, trong một cuộc phỏng vấn, tác giả của Chai thời gian chia sẻ rằng tác phẩm này được viết bằng những hồi ức về tuổi trẻ của chính tác giả và nhân vật chính của tiểu thuyết - Nat - là hiện thân của ông, còn những người bạn của Nat đều được lấy hình mẫu, cảm hứng từ bạn bè của ông (Dẫn theo [12]). Trong khi đó, dấu ấn của quê hương, gia đình và tuổi thơ của chính nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cũng phảng phất qua bóng dáng của từng nhân vật trong tác phẩm Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh. Sự hiện diện của yếu tố tự truyện trong trong ba tác phẩm này cho thấy giai đoạn chuyển giao từ tuổi thiếu niên sang tuổi thanh niên là khoảng thời gian quan trọng, để lại dấu ấn khó phai mờ trong ký ức của ba nhà văn, và viết chính là cách để họ được sống lại những năm tháng đặc biệt và ý nghĩa ấy.
Mặc dù ra đời vào những thời điểm khác nhau, nhưng cả ba tác phẩm gặp gỡ nhau ở bối cảnh của những câu chuyện. Tác phẩm Chai thời gian viết về những thiếu niên người Thái Lan sống vào khoảng thập kỷ bảy mươi của thế kỷ XX - thời điểm mà ca khúc Chai thời gian của Jim Croce khá thịnh hành. Bên cạnh đó, những chi tiết về hoạt động giải trí yêu thích của các học sinh trung học thời đó cũng cho thấy một đời sống xã hội vắng bóng internet và các phương tiện giải trí trên mạng xã hội. Chai thời gian đưa người đọc đến với Thái Lan những năm 1980 qua hình ảnh những quán cà phê chuyên bán cà phê đá, kẹo lạc và nước ngọt, ở đó, có những chiếc ghế đẩu bằng gỗ có ba chân và chiếc máy hát tự động cũ mèm mà khi bỏ tiền vào, người ta sẽ được nghe ca khúc mà mình yêu thích. Trong khi đó, một thông tin cụ thể được nêu ở phần cuối của Chiến binh Cầu Vồng - “Đầu thập niên 1990, giá thiếc thế giới tụt thê thảm từ 16.000 đô la một tấn xuống còn 5.000 đô. P. N sụp đổ ngay tức thời. Mọi xí nghiệp sản xuất đều đóng cửa; hàng ngàn nhân công mất việc làm. Đây là đợt sa thải thợ lớn nhất ở Indonesia, có thể là nhất thế giới nữa” [13, tr.409] - hé lộ rằng câu chuyện về hành trình trưởng thành của mười một cô bé, cậu bé người Mã Lai thuộc cộng đồng nghèo nhất trên đảo Belitong này diễn ra vào khoảng những năm 1980. Khác Chai thời gian và Chiến binh Cầu Vồng, tự sự của Nguyễn Nhật Ánh không có một dấu mốc thời gian nào cụ thể nào. Tuy nhiên, những trò đuổi bắt, bắn bi, bán hàng (với hàng hóa là những mảnh bát vỡ và lá cây xé nhỏ) mà các nhân vật thiếu nhi thường chơi với nhau và chi tiết “Cách đây ba năm, đoàn xiếc mô tô bay về dựng rạp ở sân trường làng” [14, tr.337] là những chỉ dấu cho thấy Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh cũng có bối cảnh là những năm 1980, khi việc biểu diễn mô tô bay rất thịnh hành ở Việt Nam và cuộc sống ở các vùng nông thôn của Việt Nam còn rất nghèo khó. Như vậy, điểm chung trong ba tự sự về hành trình trưởng thành của những đứa trẻ tuổi hoa người Việt Nam, Indonesia, hoặc Thái Lan này là chúng đều diễn ra vào những năm 1970-1980, khi chưa có bóng dáng của mạng internet cũng như những trò chơi công nghệ. Đưa người đọc ngược dòng thời gian về thế kỷ trước, ba tự sự này đều cho thấy những bước chuyển không dễ dàng để trở thành người lớn của các nhân vật thiếu nhi người Đông Nam Á.
Điểm chung trong ba tự sự về hành trình trưởng thành của những đứa trẻ tuổi hoa người Việt Nam, Indonesia, hoặc Thái Lan này là chúng đều diễn ra vào những năm 1970-1980, khi chưa có bóng dáng của mạng internet cũng như những trò chơi công nghệ. Đưa người đọc ngược dòng thời gian về thế kỷ trước, ba tự sự này đều cho thấy những bước chuyển không dễ dàng để trở thành người lớn của các nhân vật thiếu nhi người Đông Nam Á. |
Theo học giả Rudolf Steiner, “trẻ ở tuổi thanh thiếu niên mong muốn trải nghiệm cuộc sống thông qua khả năng suy nghĩ của mình để nghĩ về bản thân, về những người khác và về thế giới” (Dẫn theo [15]). Tuy nhiên, trên thực tế, quá trình trải nghiệm cuộc sống với rất nhiều va đập và biến cố không phải là một hành trình dễ dàng với trẻ em. Một mặt, biến cố và trải nghiệm có thể giúp ích cho việc thay đổi suy nghĩ, thúc đẩy trẻ em trưởng thành. Mặt khác, nếu trẻ em gặp phải những biến cố quá lớn, vượt quá khả năng suy nghĩ và hành động thực tế, các em có thể bị lâm vào bế tắc và chật vật xoay xở để thoát khỏi nghịch cảnh. Dù thế nào đi chăng nữa, hành trình khó khăn, chật vật này luôn khiến trẻ em không còn những hồn nhiên, ngây thơ của ngày hôm qua nữa. Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh của Nguyễn Nhật Ánh là một minh chứng. Thiều, Tường và Mận là ba nhân vật chính của tự sự này. Là anh trai của Tường, Thiều học giỏi, thông minh nhưng sợ ma và thường đùn đẩy việc nhà cho em trai làm. Tường đẹp trai nhưng học không giỏi, sẵn sàng làm việc nhà cho anh trai học bài. Tường yêu quý và ngưỡng mộ anh, luôn nhường nhịn và tìm cách bảo vệ anh, thậm chí chịu đòn thay cho anh. Mận là bạn cùng lớp với Thiều. Nhà nghèo, cha bệnh, mẹ bán hàng tạp hóa, Mận phải chăm sóc cha và phụ mẹ bán hàng nên ít có thời gian học bài. Cả ba nhân vật đều hồn nhiên, ngây thơ và nghịch ngợm. Tuy nhiên, những biến cố liên tiếp xảy đến với Mận khiến nó phải thay đổi. Nhà nó bị cháy, mẹ nó bị bắt lên đồn công an, cha nó có thể đã chết trong đám lửa. Trong phút chốc, con bé bỗng mất tất cả. Mận phải sang ở nhờ nhà Thiều, khiến cuộc sống của hai anh em Thiều đổi thay từ đó. Thấy Tường thân thiết với Mận, Thiều rất khó chịu. Ngọn lửa ghen ghét được nhóm lên, đẩy Thiều đến những sai lầm liên tiếp. Sai lầm thứ nhất là việc Thiều cố ý để ông Năm Ve bắt con cóc yêu quý của Tường để nấu cháo. Sự việc này khiến Thiều tự nguyền rủa mình suốt mấy ngày liền, còn Tường trở nên buồn bã, không còn là đứa trẻ vui vẻ, hoạt bát nữa. Hành động của Thiều khiến cả hai anh em đều không thể sống những tháng ngày ngây thơ, vô tư như trước được nữa. Sai lầm thứ hai của Thiều còn nghiêm trọng hơn: Vì hiểu lầm và ghen tị với Tường, Thiều đã lấy gậy đánh vào lưng Tường, khiến Tường bị chấn thương và nằm liệt giường. Kể từ đó, ba đứa trẻ sống trong những tháng ngày tăm tối. Thiều bị giằng xé bởi nhiều nỗi niềm khác nhau và không còn suy nghĩ giản đơn nữa: “Thực lòng, tôi không sợ tiếng khóc của mẹ tôi hay tiếng quát thét của ba tôi bằng ánh mắt của con Mận. Ánh mắt nó nhìn tôi lặng lẽ và thăm thẳm, giống như không phải nhìn tôi mà nhìn xuyên qua tôi để xem bụng dạ tôi có gì mà độc ác đến thế” [14, tr.287]. Những biến cố xảy ra với mỗi nhân vật dù khác nhau nhưng vẫn ảnh hưởng đến các nhân vật còn lại, khiến cả ba đứa trẻ ngây thơ đều bị “chấn động” và buộc chúng phải tìm cách thích ứng và vượt qua.
Trưởng thành chưa bao giờ dễ dàng cũng là thông điệp của Chai thời gian. Nat, Eik và Chai vốn đã chơi thân với nhau từ lớp một, sau đó, chúng có thêm một cô bạn thân nữa là Porm. Bốn đứa trẻ thân thiết và yêu quý nhau, ngày nào cũng trò chuyện vui vẻ với nhau trong lớp, ở căng tin và ngay cả lúc đợi xe buýt để về nhà. Tuy nhiên, nhiều biến cố ập đến, khiến chúng không thể vô tư được nữa. Chai bị chấn thương lúc chơi đá bóng và trở thành “một thằng tập tễnh” [16, tr.59] - một cú sốc lớn khiến cậu bé đau khổ, suy sụp vì không thể thực hiện ước mơ trở thành một người lính như bố mình. Trong khi đó, mong ước về một gia đình trọn vẹn của hai anh em Nat và Ning hoàn toàn chấm dứt khi cha mẹ chúng tìm được hạnh phúc mới sau nhiều năm ly thân. Chai và Nat đều phải đối mặt với những buồn đau dằng dặc và những tháng ngày u ám, cô đơn. Porm bị bố mẹ bắt chuyển sang trường dành cho học sinh nữ. Một nhân vật khác - Jom - cũng lâm vào bế tắc khi phát hiện ra cha mình ngoại tình. Những đứa trẻ trong trong Chai thời gian đều suy sụp, buồn đau và không thể tiếp tục sống như trước được nữa. Chúng không có cha mẹ ở bên, không có sự đồng cảm, đồng hành của người thân, hoàn toàn không có bất cứ kinh nghiệm nào để đối phó với những giông tố của cuộc đời.
Ba tác phẩm được khảo sát trong bài viết |
Những nhân vật thiếu nhi trong Chiến binh Cầu Vồng cũng phải đối mặt với những biến cố liên tiếp, khiến các em buộc phải thay đổi để thích ứng. Con đường học hành vốn đã rất gian nan với những đứa trẻ trên đảo Belitong - hòn đảo nhỏ nhất của Indonesia, sở hữu vẻ đẹp nổi bật giữa đại dương nhưng cũng là nơi sinh sống của những cư dân bản xứ nghèo nàn tới thảm hại. Phần lớn cha mẹ của những đứa trẻ trong đội Chiến binh Cầu Vồng đều mù chữ, phải chạy ăn từng bữa và không hề nhận thức được rằng đi học là một quyền cơ bản của con người. Để được đi học, dù là học ở Muhammadiyah, một ngôi trường đã xuống cấp đến mức mà mái nhà chi chít lỗ thủng, nền xi măng cứ mủn ra, xà gỗ mục ruỗng, cửa sổ và cửa lớn không thể đóng lại, những đứa trẻ nghèo khổ của đảo Belitong đã phải chiến đấu như những chiến binh thực thụ. Thế nhưng, con đường học hành ấy càng thêm phần gian nan khi thầy Hiệu trưởng trường Muhammadiyah - người đóng vai trò quan trọng trong việc giúp những đứa trẻ nghèo khổ được cắp sách đến trường - mắc bệnh nặng. Ngôi trường Muhammadiyah cũng lâm vào tình trạng ngàn cân treo sợi tóc và có thể bị đóng cửa bất cứ lúc nào. Không những thế, người ta còn phát hiện ra khu đất của ngôi trường này có hàm lượng thiếc rất lớn và có giá trị cao, nên khả năng tồn tại của trường Muhammadiyah càng mong manh hơn. Những tin tức không vui dồn dập ập đến trong hoàn cảnh thầy Hiệu trưởng ốm nặng và ra đi mãi mãi khiến những học sinh của trường Muhammadiyah cảm thấy cuộc đời thật trớ trêu, chúng buộc phải suy tư nhiều hơn về lựa chọn của mình: bỏ học, về đi làm thuê phụ giúp gia đình hay tiếp tục ở lại, tìm mọi cách để bảo vệ sự tồn tại của ngôi trường? Việc phải vật lộn suy nghĩ để đi tới lựa chọn và hành động đã khiến những đứa trẻ phải bước qua ranh giới của tuổi thơ và không bao giờ quay trở về được nữa.
Đặt Chiến binh Cầu Vồng, Chai thời gian và Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh bên cạnh nhau, có thể thấy ba tác phẩm này dù viết về những đối tượng khác biệt ở những vùng đất có văn hóa, lịch sử khác nhau nhưng chúng đều cho thấy hành trình đi qua tuổi thơ không dễ dàng của những đứa trẻ “tuổi hoa” trong những năm 1970, 1980, khi các quốc gia Đông Nam Á đang đứng trước những thử thách về kinh tế, chính trị, văn hóa: một Indonesia vật lộn với đói nghèo và thất học, một Việt Nam thiếu thốn và khó khăn, một Thái Lan với thất nghiệp và sa thải. Hành trình trưởng thành của nhân vật thiếu nhi trong ba tác phẩm dường như tương đồng với bước chuyển mình không dễ dàng của các quốc gia Đông Nam Á này trong nửa sau thế kỷ XX. Tuy nhiên, như phần tiếp theo của bài viết sẽ cho thấy, bằng những cách không giống nhau, những đứa trẻ ấy đều vượt qua giông tố để “nở hoa” với những hương sắc khác nhau.
Xuất hiện nhiều lần trong Chai thời gian là bài hát về chiếc chai đựng thời gian: Nếu chứa được thời gian trong chai/ Điều đầu tiên tôi mong được làm/ Là chắt chiu dành dụm từng ngày/ Cho tới khi vĩnh hằng trôi qua/ Chỉ để dành trọn chúng bên em [16, tr.9]. Đây là bài hát mà nhân vật Nat đặc biệt yêu thích, không chỉ cất lên trong quán cà phê mà còn vang vọng trong ký ức, trong tâm tưởng của Nat. Hình ảnh ẩn dụ này gợi lên một thực tế tương phản với mong muốn của con người: không thể nào “nhốt” thời gian trong chai, nên dù muốn hay không, những đứa trẻ đều phải lớn lên, đối diện với khó khăn và lựa chọn con đường cho riêng mình và không thể trở về ngày hôm qua được nữa. Ngày hôm qua, Nat và Ning có cuộc sống êm đềm, hạnh phúc bên mẹ cha nhưng ngày hôm nay, gia đình của chúng đã đổ vỡ, tan hoang. Chai đã từng là cầu thủ cừ khôi nhưng hôm nay đã biến thành kẻ tập tễnh, giết nỗi u sầu bằng cần sa. Cô bé Ning hồn nhiên, ngây thơ đã thuộc về quá khứ. Tương tự, gia đình đã từng xiết bao hạnh phúc ngọt ngào của chị Jom giờ bị phá nát bởi người thứ ba xuất hiện. Những biến cố dồn dập mang tới tai ương, đau khổ, khiến những đứa trẻ buộc phải đối diện và vượt qua bằng những cách khác nhau. Nat và Ning âm thầm chịu đựng những đau khổ chất chồng, đồng thời tìm mọi cách để hiểu và thương cả cha lẫn mẹ khi họ tìm thấy hạnh phúc mới. Lựa chọn này của hai đứa trẻ phản ánh tinh thần bao dung, từ bi hỷ xả của đạo Phật vốn là quốc đạo của Thái Lan. Dù Nat và Ning không được miêu tả là những đứa trẻ sùng đạo, hình ảnh chùa chiền và niềm tin tôn giáo cũng gần như không xuất hiện trong tác phẩm, nhưng những chi tiết như cứ đến ngày sinh nhật, mẹ của Nat và Ning sẽ làm cỗ, cả nhà mang cỗ vào chùa cho thấy tinh thần Phật giáo thấm sâu vào đời sống vật chất và tinh thần của người dân Thái Lan. Tinh thần bao dung của Phật giáo chính là điểm tựa để Nat và Ning đi qua những sóng gió mà hai anh em gặp phải và cũng góp phần tạo nên nghị lực cho những thiếu niên khác như Eik, Chai, Pom vượt qua đau khổ. Chai thời gian kết thúc bằng chi tiết Ning có thai khi vẫn là một học sinh, báo hiệu rằng giông tố còn chưa kết thúc và một vết thương mới sẽ chồng lên vết thương cũ chưa kịp lên da non của Ning - một đứa trẻ trong một gia đình không trọn vẹn. Mặc dù vậy, hình ảnh Nat ôm lấy Ning để che chở cho em gái đã nhen lên một niềm hy vọng về việc nếu không thể nhốt thời gian lại để giữ mãi những tháng ngày bình yên, hạnh phúc thì những ngày tháng đau buồn, bất hạnh cũng sẽ không tồn tại mãi, chúng nhất định sẽ đi qua. Hình ảnh “chai thời gian” vì thế vừa mang hơi thở hiện đại vừa thấm đẫm tinh thần Phật giáo về lẽ vô thường và sự giải thoát khỏi những khổ đau khi con người đã thấu triệt được lẽ vô thường.
Sự trưởng thành của những cá nhân đã đi qua tuổi thiếu niên đẹp rực rỡ như ánh sáng kỳ diệu của cây cầu vồng xuất hiện sau mưa. |
Giống như Chai thời gian, câu chuyện của Andrea Hirata cũng là một tự sự hàm chứa nhiều thông điệp qua những hình ảnh ẩn dụ. Ẩn dụ quan trọng nhất trong tác phẩm này nằm ngay ở nhan đề: Chiến binh Cầu Vồng. Mười một học sinh của trường Muhammadiyah đã phải chiến đấu như những chiến binh thực thụ giữa chiến trường. Chiến trường của lũ trẻ là nguy cơ ngôi trường tồi tàn của chúng có thể bị đóng cửa bất cứ lúc nào, là cái chết cận kề trên đường tới lớp, là cuộc sống thiếu ăn thiếu mặc, là tiếng máy khoan, máy xúc có thể hất đổ ngôi trường để khai thác mỏ thiếc quý dưới lòng đất. Cùng với những thầy cô giáo như những “dũng tướng” quả cảm, những đứa trẻ đi qua sợ hãi và sự khinh rẻ, miệt thị của người đời với niềm tin sắt đá về tương lai, về sức mạnh của tri thức trong việc thay đổi cuộc đời. Sự trưởng thành của những cá nhân đã đi qua tuổi thiếu niên đẹp rực rỡ như ánh sáng kỳ diệu của cây cầu vồng xuất hiện sau mưa. Mỗi học sinh là một sắc màu, tất cả cùng nhau dệt nên chiếc cầu vồng đặc biệt của trường Muhammadiyah. Ý chí và nghị lực đặc biệt của những chiến binh nhỏ tuổi này dường như có gốc rễ từ những bài giảng về tinh thần đạo Hồi mà thầy Hiệu trưởng và cô giáo Mus dạy chúng ngay từ buổi học đầu tiên. Ở chính giữa tấm bảng ghi tên trường Muhammadiyah là dòng chữ viết bằng tiếng Ả Rập: “Nên làm điều thiện, tránh làm điều ác”. Cùng với những lời răn và bài giảng, ý chí kiên cường của thầy Hiệu trưởng và cô giáo Mus cũng là những tấm gương sáng cho lũ trẻ noi theo. Niềm tin tôn giáo, sự thực hành tôn giáo đều đặn cùng với việc tôi luyện ý chí vượt qua khó khăn mỗi ngày đã biến những cô bé, cậu bé trở thành những chiến binh mang vẻ đẹp của bảy sắc cầu vồng. Tinh thần này xuyên suốt từ những dòng đầu tiên đến dòng cuối cùng của Chiến binh Cầu Vồng, tạo nên màu sắc riêng cho tác phẩm của Hirata.
Trong khi đó, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh lại cho thấy sức mạnh của cổ tích trong việc nâng đỡ tâm hồn trẻ thơ. Cậu bé Tường mê truyện cổ tích và có niềm tin sâu sắc vào triết lý “ở hiền gặp lành” trong các câu chuyện cổ tích. Trong số đó, Tường thích nhất truyện Cóc tía, kể về một con cóc biết nói tiếng người đã giúp một anh trò thi đỗ và lấy được công chúa. Khi Tường gặp tai nạn và phải nằm liệt giường, chính niềm tin vào việc ở hiền gặp lành và những điều kỳ diệu đã giúp Tường vượt qua nỗi đau buồn về cảnh ngộ của mình, gặp được “công chúa” và sau đó khỏi bệnh. Ngược lại, nhờ gặp Tường, “công chúa” cũng thoát khỏi giấc mơ “công chúa” đã ám ảnh cô bé bao lâu nay. Việc Tường khỏi bệnh cũng mang lại hạnh phúc cho cả gia đình, trong đó có Thiều - người anh trai đã phạm phải nhiều sai lầm đáng tiếc với đứa em trai hiền lành của mình. Nhân vật Thiều cũng có nhiều biến chuyển về tâm lý và nhân cách sau khi nhận ra mình đã cư xử tồi tệ như thế nào và phải trả giá vì những sai lầm ấy. Tác phẩm kết thúc với hình ảnh ẩn dụ “hoa vàng trên cỏ xanh” mang thông điệp về sự trưởng thành, về hạnh phúc bình dị có trong đời thực.
Hình ảnh trong phim chuyển thể từ truyện dài "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" |
Có thể thấy, ngay từ nhan đề, Chai thời gian, Chiến binh Cầu Vồng, và Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh đã gửi tới độc giả ba ẩn dụ khác nhau về hành trình trưởng thành không hề dễ dàng của những nhân vật tuổi hoa. “Chai thời gian” mang ý nghĩa về việc không thể nhốt thời gian trong chai cũng như tuổi thơ dù đẹp đến mấy cũng không thể nào ở lại mãi; những cô bé, cậu bé hôm qua tất yếu phải “bật nút chai” để trở thành người lớn. Để “bật nút” luôn cần tới sự xuất hiện của các biến cố và thử thách, chính những yếu tố mang lực cản này đồng thời lại tạo ra lực đẩy để nhân vật trưởng thành và bước sang một chặng đường mới. “Chai thời gian” là ẩn dụ mang tới thông điệp đó cũng như gửi gắm những tiếc nuối về tuổi thơ sẽ còn giữ lại mãi trong “chai ký ức” của mỗi người. “Chiến binh Cầu Vồng” là ẩn dụ phối trộn giữa thơ mộng và dữ dội, giữa chiến tranh và hòa bình, giữa hiện thực và mộng tưởng bởi ý nghĩa thực của hai từ “chiến binh” và “cầu vồng” gợi ra. Những cô bé cậu bé muốn tới được “Cầu Vồng” đẹp đẽ tất yếu phải đi qua cơn mưa với tinh thần của những “chiến binh” dũng cảm. Và câu chuyện mà Chiến binh Cầu Vồng mang tới cho độc giả, là câu chuyện về những đứa trẻ Mã Lai đã liên tiếp đi qua những cơn mưa bão dữ dội của bản thân, của gia đình, của quê hương và đất nước với tinh thần chiến binh thực thụ. Tinh thần ấy hiển lộ qua những nhân vật tuổi hoa luôn khao khát được học hành, nỗ lực tìm mọi cách để thoát ra khỏi bóng tối của thất học, nghèo đói, buồn tủi để được sống đẹp, tử tế và tỏa sáng muôn sắc như ánh sáng cầu vồng. “Hoa vàng trên cỏ xanh”, mang tới một ẩn dụ về sự phát hiện của đôi mắt trẻ thơ, khi vượt qua nỗi sợ, vượt qua những góc xấu xí của tâm hồn, món quà mà nhân vật nhận được chính là những bông hoa vàng tươi bừng nở trên cỏ xanh ở nơi mang tên Đồi Cỏ Úa. Những đứa trẻ bình thường cũng sẽ đi qua biến cố, khó khăn để khôn lớn và nhận được những món quà bình dị nhưng mang tới hạnh phúc như hoa vàng trên cỏ biếc trong cuộc sống đời thường. Ẩn dụ “chai thời gian”, “chiến binh Cầu Vồng”, “hoa vàng cỏ xanh” cho thấy sự đa sắc và độc đáo của những tác phẩm thiếu nhi tới từ Đông Nam Á. Những ẩn dụ này góp phần làm nổi bật ba tự sự của Prabhassorn Sevikul, Andrea Hirata và Nguyễn Nhật Ánh về hành trình tuổi hoa của thiếu nhi Đông Nam Á nói riêng trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay.
Dù có những khác biệt nhất định, nhưng cả ba tác phẩm đều là những bức tranh xúc động về con đường trưởng thành không dễ dàng của thiếu nhi Đông Nam Á. Cùng với nhau, ba tác phẩm truyền tải thông điệp về những hành trình “ra hoa” khác nhau sẽ quyết định những trái ngọt/“quả” khác nhau. |
Chai thời gian, Chiến binh Cầu Vồng và Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh đến từ ba quốc gia Đông Nam Á khác nhau nhưng đều tập trung khắc họa hành trình đối mặt với các biến cố đời sống để trưởng thành của những thiếu niên Việt Nam, Indonesia và Thái Lan. Trong hành trình ấy, mỗi nhân vật có một lựa chọn hành xử khác nhau. Tinh thần khoan dung của Phật giáo là điểm tựa tinh thần cho những cô bé, cậu bé người Thái Lan trong tác phẩm Chai thời gian vượt qua buồn đau và khủng hoảng. Niềm tin tôn giáo và ý chí được tôi luyện trong khó khăn đã giúp mười một chiến binh Cầu Vồng của trường Muhammadiya chiến thắng nỗi sợ hãi và sự coi thường để trưởng thành và tiến bước. Tinh thần hướng thiện và niềm tin vào những điều kỳ diệu nâng đỡ, che chở con người trong nghịch cảnh chính là động lực để các nhân vật của Nguyễn Nhật Ánh vượt qua những tháng ngày tối tăm để hoàn thiện mình và tìm thấy những điều ý nghĩa. Dù có những khác biệt nhất định, nhưng cả ba tác phẩm đều là những bức tranh xúc động về con đường trưởng thành không dễ dàng của thiếu nhi Đông Nam Á. Cùng với nhau, ba tác phẩm truyền tải thông điệp về những hành trình “ra hoa” khác nhau sẽ quyết định những trái ngọt/“quả” khác nhau. Bởi vậy, một mặt, các tự sự này mang tới những đối thoại xuyên khu vực về bước chuyển giao từ tuổi thiếu niên sang tuổi thanh niên của những đứa trẻ lớn lên trong những không gian địa lý và văn hóa khác nhau, mặt khác kích hoạt những đối thoại mới với các tác phẩm văn học thiếu nhi cũng viết về tuổi hoa ở châu Á và trên thế giới như Trên sa mạc và trong rừng thẳm của Henryk Sienkiewicz, Nhà giả kim của Paulo Coelho, Harry Potter của J.K. Rowling và cả những đối thoại về hành trình trưởng thành của trẻ em ở thế kỷ trước với trẻ em của thế kỷ hiện đại hóa, toàn cầu hóa hôm nay.
Tài liệu tham khảo
1. Inrasara (2006), “Văn học Đông Nam Á trong tâm thế hậu thuộc địa”, Tia sáng, số 14, tr.51-53.
2. Đinh Hùng (2007), “Khi mới nhớn”, Thi viện.
3. Thanh Tâm Nguyễn (2023), “Văn học tuổi mới lớn ở miền Nam”, trong Dòng chảy lấp lánh, Nxb Kim Đồng, H., tr.44-45.
4. Hiền Nguyễn (2011), “Đi tìm lời giải cho văn học tuổi mới lớn”, Tổ quốc, cập nhật ngày 16/11.
5. Võ Văn Nhơn, Nguyễn Bảo Châu (2021), “Văn học tuổi mới lớn ở Việt Nam”, Tạp chí Khoa học (Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh), tập 18, số 7, tr.1242-1253.
6. Nguyễn Thị Thanh Hương (2016), Nhân vật trẻ em trong văn xuôi thiếu nhi Việt Nam, Luận án Tiến sĩ Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, tr.122.
7. Hà Đình Nguyên (2017), “Sống lại thời hoa niên qua trang sách”, Thanh niên, cập nhật ngày 9/7.
8. Cambridge Dictionary. “Coing of Age”. Cambridge Dictionary.
9. Merriam-Webster Dictionary. “Coming of Age”. Merriam-Webster Dictionary.
10. Oxford Dictionary. “Coming of Age Novel”. Oxford Dictionary.
11. Scott Bradfield, Mark Richard (2007), “Language Acquisition: Life Sentences”, in Coming of Age in Contemporary American Fiction, edited by Kenneth Millard. Edinburgh (UK): Edinburgh University Press, p.98.
12. Hiền Đỗ (2013) “Tác giả Chai thời gian: ‘Cuộc sống không thể toàn hạnh phúc’”, VnExpress, cập nhật ngày 22/8.
13. Andrea Hirara (2022), Chiến binh Cầu Vồng (Dạ Thảo dịch), Nxb Hội Nhà văn, H., tr.409.
14. Nguyễn Nhật Ánh (2010) Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Nxb Trẻ, Tp.HCM., tr.337, 287.
15. Peter Van Alphen, Catherine Van Alphen (2000), Cẩm nang sự phát triển của trẻ (Nguyễn Thị Hoàng Yến, Huỳnh Huệ Bình, Bùi Thị Mai Anh dịch).
16. Prabhassorn Sevikul (2013), Chai thời gian (May, Hoàng Quyên dịch), Nxb Thời đại, H., tr.59, 9.
Chú thích
1. Mô hình so sánh cận kề do học giả Susan Stanford đề xuất trong bài viết “Why Not Compare?” (PMLA, vol.26, no.3, 2011). Mô hình này tìm kiếm những kết nối hàm ẩn giữa các tác phẩm văn học, cho phép chúng tương tác và lật ngược nhau. Mô hình này được xem là hữu ích cho việc trung hòa những cách tiếp cận mang tính bá quyền, mở rộng phạm vi của việc kiến tạo nghĩa, và kích thích những khả năng đối thoại giữa các tác phẩm đến từ các nền văn hóa/văn học khác nhau.
Bài viết phiên bản tiếng Anh với tiêu đề Coming of Age in Children's Literature: The Transition to Adulthood of Children in some Southeast Asian Narratives đã đăng trên Tạp chí Khoa học của Đại học Thủ đô. |
Thạc sĩ Trịnh Đặng Nguyên Hương - Viện Văn học