“Anh bạn ạ, anh sống bằng đấy năm, hãy kể cho tôi nghe, anh gặp điều gì trớ trêu nhất trong cuộc đời?” Đó là câu Hàn hỏi tôi, cũng là bắt đầu một đề tài sau hơn mười năm gặp lại. Mười năm không đủ dài để quên được tính cách một con người. Tôi nhớ Hàn vào khoảng những năm chín mươi thế kỉ trước, khi những thằng sinh viên chúng tôi còn đói quay quắt, anh đã có những bài đăng trên một số tạp chí có tiếng. Sự hào phóng của anh làm chúng tôi được nhờ. Mỗi lần lĩnh nhuận bút, anh lại khao chúng tôi một bữa ra trò, và rất thích thú nhìn chúng tôi no nê.
![]() |
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
*
Một resort bên bờ biển đủ gió mát để không cần điều hòa, đủ trăng sao để không cần ánh điện, đủ tiếng sóng võ ì oạp để căn phòng không trở nên trống trải. Xa xa ngọn núi in hình trên bầu trời đen sẫm, tôn thêm vẻ uy nghi huyền bí của biển đêm.
“Biển đêm, tôi gặp trong thơ Huy Gô, hay đọc trong nhiều tác phẩm rồi anh Hàn ạ. Thú thật, tôi luôn cảm giác rùng mình với nó”. Hàn bảo: “Còn anh có biết, ngày đi Cát Bà, tôi và sáu người bạn từng thuê một chiếc thuyền nhỏ, dong cả mình và thuyền ra tận ngoài khơi xa. Biển đêm, sóng đánh mạnh lắm, có lúc trùm lên cả thuyền. Nói thật, cảm giác đó khiếp cả đời đấy anh ạ. Sau này khi bình tâm nhớ lại mới thấy mình liều. Sao mà có thể liều đến đánh cược với số phận mình kia chứ. Nhưng mà không có sự dám đánh cược như thế thì đời tôi cũng nhiều tẻ nhạt lắm. Tôi tự hào tôi sống đến giờ là nhờ không tẻ nhạt anh ạ. Muốn không tẻ nhạt thì dũng cảm dám đối diện với tất cả. Cả hối hận. Vì sự hối hận cũng trong cơn sung sướng tê mê cho ta biết thế nào là hối hận. Đừng ngại, đừng ngại, chúng ta là người viết không cho phép chúng ta chết cứng trong từng suy nghĩ, đóng khung trong những mặc định, vờn vờn với những tình cảm nhạt phèo quấy loãng như thứ cháo lỏng của con mẹ hàng khoai, thêm vào nắm gạo, đun lên cùng mớ khoai ế trong tháng ngày không mấy dư dả. Không, nhất định không được như thế. Mở rộng lòng đón nhận những vang động anh ạ. Thú lắm, vui lắm, hân hoan lắm và thật đời. Mà này, anh sống bằng đấy năm, hãy kể cho tôi nghe, anh gặp điều gì trớ trêu nhất trong cuộc đời. Mà anh cũng phải thành thật đấy nhé. Coi như hôm nay ta tự thú cùng biển đêm đi. Trước thiên nhiên ta mới thật là mình, và đừng bảo là anh ân hận đấy, kể cả ân hận cũng phải trong cái thú đau thương nhất”.
Trước sự say sưa như muốn vạch tìm mọi góc khuất trong con người hơn mười năm mới gặp lại, Hàn như khao khát muốn nhìn thấy cái góc khuất ấy ở tôi. Tôi chỉ bảo, có anh ạ, đó là lần tôi trót lấy của bà cụ bán hàng rong một bao diêm, đó là lần tôi không gửi thư cho người đàn bà dù chị ta nhờ, sau này mới biết, chị gửi thư về quê vay tiền đưa con đi viện.
Anh bảo, thế thì cậu không bằng tôi, câu chuyện của tôi không lâm li nhưng để tôi nhớ đến cả đời.
“Sau lần rời giảng đường, tôi đi tuốt vào Nam. Phía đấy hợp với những thằng bất đắc chí như ta. Phương Nam chan hòa nắng gió, cũng chan hòa lòng bao dung và rộng lượng, luôn dung nạp và chở che cho tất thảy những lỡ lầm của tất cả những đứa con. Lăn lộn anh ạ, cũng gần mươi năm, làm đủ nghề đấy. Đi bán hàng cơm. Rồi từ hàng cơm, nhận thấy nhu cầu ăn của công nhân lên cao, xoay qua nhận đặt cơm, rồi thành lập công ti cung cấp suất ăn công nghiệp. Phát triển mãi đến giờ, nhưng chẳng quên được nghề viết. Cái gì ăn vào máu, khó bỏ lắm anh ạ”.
Dường như thấy câu chuyện của mình đi quá xa, anh dừng lại: “Ấy chết, bảo kể cho anh nghe câu chuyện đau thương và hối hận của đời mình mà lan man quá”.
“Hồi tôi còn làm chủ quán cơm ấy. Đời mình, kể không giàu thì vẫn sang anh ạ, tôi biết được điều đó là nhờ những năm tháng lăn lộn. Cái thằng tôi có lúc cũng nhếch nhác lắm. So với Sài Gòn muôn đời hoa lệ, thì thằng chủ một quán cơm kiêm trà đá có là gì nơi xử sở phồn hoa này. Nhưng nhờ đó mà tôi biết mình vẫn sang. Là vì khách hàng của tôi nhiều ông bụng phệ, xe đẹp, nhà cao, công ti lớn, mà họ quý tôi lắm. Có người như tình thâm. Cái giống doanh nhân nhiều người đi lên từ nghèo khó, quan trọng để đạt đến doanh nhân người ta cũng chán vạn thứ học rồi. Mà trong muôn vàn thứ học thì học từ sách là đa phần đấy. Nên chẳng ai đơn giản đâu, không khôn lõi đời thì cũng rất sâu sắc, hành xử nhân văn, đặc biệt tâm hồn nghệ sĩ lắm. Có thể vì thế mà họ quý tôi chăng, vì họ nhìn thấy chất văn sĩ không tầm thường trong vẻ ngoài tầm thường ở tôi. Nói thật, nhiều tình thâm phết anh ạ. Nhưng trong đám tình thâm doanh nhân đó tôi đặc biệt chú ý đến Hân. Hân kém tôi hai tuổi mà đã rất thành đạt. Hân quê miền Tây, nhà nghèo, cậu ta lên thành phố từ năm mười lăm tuổi, làm đủ nghề kiếm sống, sau nhờ nhạy bén, biết khai thác những đặc sản địa phương, phục vụ cho người thành phố, mà thành ông chủ. Vẻ ngoài cậu ấy có cái gì rất hiểm. Tưởng ít nói mà lại không phải, nếu được khơi nguồn cậu ta nói cả ngày, nhưng cũng phải tình thâm mới khơi nguồn được. Nhiệt tình mà có lúc lại rất hững hờ. Có thể cậu ta đến giúp anh cả ngày, nhưng có khi anh có việc trọng đại hơn thế mười lần, gọi mười ngày không thấy cậu ta. Khép kín, nhưng khi cần cởi mở lại không ai bằng. Tôi nhớ có lần cậu ấy mời tôi đi hát hò cùng đám công nhân, thật không thể tưởng tượng đó là cậu ấy, cái con người vốn trầm mặc, lặng yên mà tôi vẫn biết. Hân vẫn là một ẩn số với tôi.
Nói chuyện với cậu ta cả ngày không chán; tất cả mọi chuyện, từ kinh tế, văn chương và đời sống. Nói thế để biết cậu ấy là một kho kiến thức khổng lồ, nhưng có lần cậu ta lại hỏi tôi: “Điện thoại thông minh sản xuất ra để làm gì?”, với vẻ rất ngơ ngác.
Cái tôi không thích nhất ở Hân là tính kẹt xỉ. Đến quán ăn, cậu ấy chỉ gọi vẻn vẹn một bát cơm, đĩa thịt rang, bát canh rau luộc. Tôi mời những món mới, cậu ấy đều từ chối. Lúc đầu cứ ngỡ cậu ấy đã ăn chán. Nhưng không phải, tuy làm giám đốc một công ti nhưng việc tiềp khách, thậm chí kí kết hợp đồng, cậu nhường hẳn cho tên phó, là em họ cậu. Tên phó đó bụng phệ, kính râm, xe ngon, nhìn thì tưởng gã mới là giám đốc.
Để mời Hân một món mới mà hơn tiền ở nhà tôi quả là khó. Bữa nào đến cậu ta cũng có một câu: “Y cũ tiền, hôm nay tôi ăn trứng kho thịt anh Hàn ạ”. Thế là vợ tôi biết phải lấy gì cho cậu ta. Bằng đấy tiền như cũ, nhưng hôm nay cậu ta đổi thịt băm lấy thịt kho trứng. Mà anh biết thịt kho trứng thì việc kho cũng tốn nhiều nhiên liệu, chưa kể nguyên liệu cũng cần nhiều hơn. Nhưng nhất quyết cậu ấy chỉ ăn bằng ấy tiền mà vẫn phải đáp ứng đủ một bữa ăn cho cậu ta. Điều này làm vợ tôi không hài lòng. Nhưng tôi thì kệ, khách quen mà, nhưng lòng tôi kì thực cũng không vui anh ạ, phàm là con người, giống nhau cả thôi. Có lần tôi tức bực vì bỏ ra những mười lăm ngàn chỉ để mua một cốc nước mía. Mà nói thật với mười lăm ngàn ấy tôi mua được những hai cây mía, ép ra được sáu cốc, sáu cốc đấy anh tin không, nhưng mình vẫn phải uống cốc nước mía mười lăm ngàn.
Nhưng bảo tôi bán rẻ mọi thứ đi, tôi cũng không làm được. Kì thực bữa cơm Hân ăn, nếu hạch toán kĩ, tôi chỉ làm đến mười ngàn, nhưng tôi bán cho anh ta hai mươi lăm ngàn đấy, nhưng tôi vẫn ấm ức. Con người mà, lòng tham ai cũng có, mà nhiều là đằng khác. Vẫn biết Hân ngày nào cũng ăn ở nhà tôi, nhưng tôi vẫn ấm úc, bởi Hân cứ đánh đồng tất cả các món vào một giá. Dù giá tiền đó của Hân tôi làm được gấp đôi số anh ta ăn. Nhưng con người mà… Vợ tôi thì nghe chừng hậm hực lắm. Tôi cũng không vừa lòng. Nhưng Hân có khả năng bàn luận văn chương rất ổn. Nên tôi bảo vợ, khách quen mà. Nhưng khách quen thực tình cũng chẳng làm mình vui lắm đâu, đặc biệt ông khách quen đấy có thói quen ăn xong bữa là ngồi uống đến hai cốc trà đá miễn phí, bởi ai lại lấy tiền của khách quen, lại là tình thâm bao giờ.
Thậm chí có hôm ăn món nào đó ngon, cậu ta còn tự nhiên vào gắp thêm, tuy không nhiều nhưng bà vợ tôi thì tức lắm. Đàn bà mà. Đôi khi thị chỉ cần gã bảo: “Chị cho tôi thêm một chút nhé!”, được lời cũng cởi tấm lòng. Nhưng Hân vốn kiệm lời, vả lại người miền Nam họ không lấy lời nói chót lưỡi làm trọng đâu. Sự tự nhiên của Hân làm vợ tôi bực, đến tôi cũng bực. Nhưng tôi khác hơn vì tôi cần người phân tích thời sự, chính trị, văn chương, nên tôi không tức bằng mụ vợ.
Sự kẹt xỉ của Hân còn bộc lộ rõ qua việc ăn mặc. Đến nhà tôi mười lần thì đến mười một lần cậu ta mặc nguyên quả áo trắng đã ngả màu cháo lòng. Nhưng được cái là lượt cẩn thận, nên vẫn phẳng phiu, và có vẻ lịch sự. Lần thứ mười hai, có thêm cái áo kẻ ca rô màu mận chín.
Khi vào hàng, bao giờ cậu ta cũng cẩn thận cởi ra khoác ngay ngắn ở thành ghế trong nhà. Để đỡ bẩn, nhưng tôi nghĩ, cũng là cớ khi ăn xong, cậu ta vào đó làm cốc trà đá không mất tiền, có hôm thấy xoài vợ tôi bổ chưa kịp ăn, tiện tay, cậu ta cũng xin luôn một miếng.
Nói thật với anh, một trong những thú vui quái gở của con người, là để biết xem, cái người trước mặt mình họ sẽ đau thương thế nào. Nếu họ kẹt xỉ thì khi mất tiền họ sẽ ra sao. Tôi cá, ai cũng muốn biết và thích thú được biết điều đó. Tôi nhớ hồi nhỏ, gần nhà tôi có lão già nổi tiếng ác độc và lạnh lùng, không may cho lão, đứa con gái duy nhất của lão đột tử, cả xóm kéo đến, chia buồn thì ít mà xem thái độ của lão thì nhiều. Tôi cá, con người vẫn là giống ác độc hơn bất cứ loài vật nào, bởi loài vật khác ăn thịt đồng loại đã đành, ta còn xem đồng loại ăn thịt đồng loại để mà vui đấy. Và tôi cũng muốn xem lắm, cái gã giám đốc kia sẽ đau khổ ra sao nếu mất đi những thứ gã quý hơn vàng kia. Càng muốn biết hơn, khi vô tình tôi biết được, công ti của gã làm ăn phát đạt thôi rồi, tin này đến làm tôi bổ chẩng đấy. Trước đấy, tôi cứ nghĩ, gọi là giám đốc, có tiền hơn thôi, nhưng không nghĩ, tiền của gã làm ra nhiều đến không tưởng. Anh có hình dung, cả dãy phố này bán đi, gã còn thừa khả năng mua đấy; thế mà gã, cái gã, vẫn đến nhà tôi, mang hai cá áo cũ, đặt vào nơi cẩn thận nhất. Lão sợ người ta làm bẩn áo gã đã đành, nhiều hơn, lợi dụng cốc trà đá sau bữa ăn là lẽ khác. Con vợ tôi, nó cũng độc lắm, có lần tức, nó bê canh, cố tình làm rớt vào áo gã, hôm đó không biết gã biết không.
Nhưng cái thú đau thương là muốn biết gã đau thương như thế nào khi bị mất đi tài sản quý gíá đối với lão hà tiện này, tôi thật muốn biết lắm anh ạ.
Và cơ hội đến. Hôm đó, hàng đông khách, gã ngồi vào chỗ cũ, nhưng lần này không treo được áo trong nhà, gã đành treo ở ngoài xe của khách. Chiếc áo gã treo hờ hững thôi, nhưng là tôi trông thấy một mẩu sắt nhọn nhô lên từ cái gá hàng. Sự việc đáng cũng chả sao, là tôi muốn biết khuôn mặt của gã khi mất đi cái áo cũ qúy hơn vàng đó, nên tôi táy máy ngồi móc lại cái áo vào đúng chỗ gờ sắt, tôi tin, khi giật cái áo ra, gã sẽ giật mạnh, nhưng hôm đó không là gã giật mà gã chủ xe kia; trong cơn vội vàng, cái áo vướng ngay vào móc sắt, rách toạc. Biết làm sao được, ai bảo anh để ở đó, điều này thì chẳng ai có tội cả, bởi chẳng ai cố tình, chỉ có tôi là cố tình, nhưng ai biết được thâm ý của tôi. Và anh thử hình dung, mặt gã thế nào; từ đỏ của cốc bia, chuyển sang xám ngoét; anh cứ hình dung là bố anh mất sổ gạo thời bao cấp, hay vợ chồng anh com cóp được khoản tiền lớn để mua nhà mà trộm vào cuỗm sạch, hốt hoảng ra sao, thì cái gã giám đốc tiền tỉ bạn tôi cũng đau khổ, hốt hoảng không kém.
Quả thật, chứng kiến sự đau khổ của gã không thú bằng việc mình đã gây đau khổ cho cái gã đáng đau khổ kia, mà gã không biết; ý nghĩ đó, còn thú hơn cả việc anh được mời nhậu một bữa ngon, trong ba ngày anh chẳng có cắc nào trong túi đấy, anh bạn thân quý của tôi ạ. Ha ha ha, tôi như mở cờ trong bụng, vì ít ra, trả thù được cái gã kẹt xỉ nhất thế gian, Balzac mà sống lại á, tôi nghĩ, lão hà tiện Grandet kia cũng còn phải lạy anh này ba lạy đấy.Nhưng niềm vui đốn mạt của tôi không dừng lại ở đó, anh bạn thân quý ạ. Phàm là văn sĩ, tôi cũng xuất thân từ con buôn, mà phàm là văn sĩ, ai dám bảo đẹp cả, có người đẹp nhiều, người đẹp ít, có dạng không đẹp mà cứ ảo tưởng mình đẹp vì đã là văn sĩ. Tôi thuộc dạng nào tôi không biết, nhưng văn sĩ cũng là con người, phần xấu và tốt đều trội như nhau cả. Và tôi nghĩ, mình còn xấu hơn nhiều người thường ở từng hoàn cảnh, đặc biệt hoàn cảnh này.
Sau cú áo rách đó, tôi được gã tin tưởng chở đi chơi một chuyến. Gọi là đi chơi, nhưng đều có công việc cả, là gã muốn giới thiệu tôi với bạn gã, một người cũng am tường tất cả. Trên đường đi, gã bảo: “Tôi có hai cái áo thì hôm ở quán ông bị rách một, còn cái này thôi”. Anh ạ, trong hoàn cảnh đấy, đáng phải nhổ toẹt: “Ông là giám đốc mà ông ti tiện thế!”, nhưng trò chơi đen tối, tìm hiểu tâm địa đen tối của con người ở tôi chưa dừng lại, là tôi muốn vờn xem cái tâm hồn của gã trước mặt tôi kia còn góc tối nào nữa, nên tôi bảo: “Ừ, tôi cũng tiếc cái áo đó, nghe chừng nó rất bền”. Chỉ chờ thế, gã xổ ra: “Sáng nào tôi cũng là lượt hai cái đó. Tôi qúy chúng lắm”. Lúc đó, tôi ngờ ngợ, hay vì yêu thích hai cái đó mà gã chỉ mặc chúng? Nhưng niềm tin đó thực sự tắt lụi khi gã bảo, dừng lại ở chợ Bến Thành, gã vào chọn áo. Gã chọn đến cả tiếng, mặc cả đâu hai mươi lần, rồi lôi ra cái áo màu tro tàn, vải có vẻ cứng và bền hơn cái cũ. Lúc này tôi tin, “yêu thích” chỉ là từ hắn dùng để ngụy biện thôi.
Hôm đó, gã cũng đưa tôi vào chợ, đánh chén một bữa. Gã hỏi tôi ăn gì, tôi bảo tùy; gã bảo, thế thì cậu ăn y như tớ nhé; và cái y như đấy, là một quả trứng luộc, năm miếng đậu phụ kho củ cải, một bát cơm trắng và bát canh rau luộc không mất tiền. Gã ăn ngon lành lắm.
Nhưng anh ạ, trò chơi tâm hồn chỉ thực sự bắt đầu, sau khi ở nhà bạn gã ra, gã bảo: “Tiện thể anh đi cùng tôi, tôi hẹn người ta năm giờ chiều có việc ở đây”.
Việc gì, gặp đối tác ư, chắc là không, bởi chưa bao giờ tôi thấy gã đi gặp đối tác; gã chỉ làm khâu cuối cùng phê duyệt những giấy tờ, còn giao dịch đã có em họ gã.
Chúng tôi dừng tại một quán ăn trước cổng một bệnh viện, gã bảo: “Chúng ta ăn nhẹ chút gì đã, cũng đến lúc đói rồi”.
Tôi vào đó rồi đi vệ sinh. Khi tôi vẫn trong nhà vệ sinh, thấy gã gọi gấp gáp: “Ông Hàn ơi, xong chưa, tôi buồn quá!”. Là tôi biết gã buồn lắm, bụng dạ gã không tốt, có lần gã bảo tôi: “Tôi không dám ăn ở nhà ai, ngoài nhà ông, ăn chỗ lạ, là đau bụng ngay”. Phải rồi, bữa cơm Bến Thành đây, tôi nghĩ thầm. Lúc trưa, thật tình đã định rủ gã vào một nhà hàng sang sang, nhưng gã đâu có chịu. Cho chết. Ý nghĩ đó chạy xuyên qua óc tôi những hai lần cơ đấy. Rồi tôi đi ra chiếc ghế lúc trước gã ngồi. Lúc trước tôi ngồi dãy bên kia, gã ngồi dãy bên này. Khi chúng đến, quán vắng tanh, nhưng khi gã vào nhà vệ sinh, thì ào ào, khách đến rất đông. Họ tràn vào chỗ hắn đã ngồi, chỉ chừa chỗ có cái túi ra. Hắn vào nhà vệ sinh vội đến mức quên cả cái túi. Cái túi, tôi chưa thấy bao giờ, bởi mỗi lần vào nhà tôi, gã chỉ mang đúng hai mươi lăm ngàn. Như thể với số tiền đấy, trà đá cũng đành miễn phí, vì không có để trả thêm, hoặc như thế sẽ không phải tiêu lạm đến ngoài hai mươi lăm ngàn đồng vậy.
Cái túi tôi thấy gã mang theo từ sáng, lúc đầu tôi nghĩ là giấy tờ, rồi tôi nghĩ là “đồ nghề”, gã rất ham đánh cờ. Khóa túi đã kéo hết xuống. Tôi tò mò lật ra. Anh biết là gì không, chao ôi, tiền; tiền nhiều vô kể, toàn tờ mệnh gíá cao, có cả đồng đô la, sao nhiều tiền vậy hả trời?
Đã bao giờ anh có cảm giác nhìn một đống tiền của ai đó chưa? Đặc biệt tiền của một gã giám đốc giàu sụ, trong khi nhà mình thì vất vả kiếm ăn từng bữa.
Lúc đó, thực tình, tim tôi nóng ran lên ấy. Một thằng giám đốc giàu có kẹt xỉ, tiền hắn nhiều đến nỗi mua được cả dãy phố Sài Gòn sầm uất nhất, thì số nảy, đáng kể gì, nhưng nhiều vô cùng với chúng ta anh ạ. Lúc đấy, tôi có thể nhón tay lấy vài cục trong đó, rồi lẳng lặng bỏ vào túi xách. Gã ra, sao kiểm kê hết; gã ra, cùng lắm thấy cái túi của mình vẫn y nguyên là hên rồi; gã ra, lỡ biết mất thì chỉ nghĩ, thằng khách ngồi cạnh mình lấy thôi. Và tôi chỉ cần chuyển ngay về đúng nơi tôi đã ngồi là ô kê rồi anh bạn ạ. Tôi đấu tranh tư tưởng đến kiệt sức, mười phút với tôi nhưng dài bằng cả trăm năm. Túi tiền rất nhiều ở kia, con vợ tôi bây giờ vẫn bên chảo cơm rang nóng đến chảy cả mồ hôi lưng, thằng con tôi học về ra phụ mẹ, bụng réo cồn cào vẫn chưa được ăn. Xòe tay ra nhận từng đồng tiền lẻ khách đưa; và cuối ngày hạch toán lỗ lãi, tiền nhà, tiền điện, tiền nước, tiền thực phẩm, trừ đi, chắc được chừng ba trăm ngàn đồng, cho cả bốn miệng ăn một ngày, hỏi được bao?
Anh có hình dung lúc đấy, tai tôi ù đi, tay tôi như thiếu như thừa, như không còn là tay tôi nữa, nó lóng ngóng, giơ lên như bắt chuồn chuồn, rồi lại hạ xuống, ai nói gì xung quanh tôi còn không biết, bà chủ quán đến bên tự lúc nào hỏi, anh dùng gì, tôi mới ớ ra, trả lời qua quýt rồi lại bận tâm nghĩ đến việc xử lí với đống tiền này ra sao; tâm tôi bảo, chỉ một tích tắc, tích tắc thôi; bàn bên cạnh, tiếng chạm cốc rổn rang, tiếng nói cười át đi mọi thứ xung quanh; họ còn bận ăn uống, hát hò, trêu nhau và cười sằng sặc, ai để ý đến một cái túi da mốc meo khóa đã kéo hết xuống kia, chỉ tôi biết trong đó có tiền. Phải rồi, chỉ cần nhón ba cục, đút nhanh vào túi của mình, rồi lặng lẽ sang bên kia ngồi. Mỗi cục tiền mệnh giá năm trăm, tôi cũng phải được tầm một trăm triệu, là gì so với tầm đôi tỉ trong cái túi kia. Lúc đó, cô phục vụ bàn lại mang đến cốc cà phê, cô hỏi tôi đến hai lần, anh đợi ai, mà tôi thề không nghe thấy, chỉ nghe tiếng bên trong con người mình hỏi, có nên lấy không, nên không thôi? Nó cứ hỏi đi hỏi lại, bởi tôi biết, tôi thừa cơ hội lấy, bởi tôi biết cái anh bạn giàu keo kiệt đấy, còn lâu mới ra; anh ta mắc chứng kiết lị mỗi lần ăn phải đồ lạ; mà mỗi khi ở nhà vệ sinh ra, cả quán còn nghe thấy tiếng anh ta, đó là thói quen thường ngày, mỗi khi ở nhà tôi. Anh ta đóng cửa đến dầm một cái, có khi người ngoài còn phải giật mình; anh ta ho, “khạc, khạc, khạc” to như thể vừa nhìn thấy xú uế; anh ta xịt mũi đến mươi lần cũng to không kém, rồi mới bước ra. Về khoản này, tôi yên chí là kịp thời gian lấy cả mươi cục tiền chứ không nói gì ba cục nữa.
Con người tôi đấu tranh dữ dội lắm. Đã bao giờ anh đứng trước ranh giới sự xấu và tốt chưa, đã bao giờ anh phải đấu tranh với mình dữ dội chưa. Thực tình tôi không nghĩ về cái thiện nhiều lắm đâu, tôi đâu dằn vặt giữa cái ác và xấu, chỉ đơn giản có nên lấy hay không thôi, lấy thì được gì, không lấy thì sao. Quả thật mười phút bằng cả năm mươi năm của tôi đấy anh ạ!
Lấy hay không, con người bên trong của tôi có lúc mâu thuẩn dữ dội; thời gian như ngưng lại ở trong đầu tôi lúc đó, gió ngoài kia như ngừng thổi, vạn vật như ngừng trôi, thời gian đâu là tuyến tính, biến thành tâm trạng, cứng đờ, cô đặc; mọi thứ đối với tôi nhòe mờ; bàn bên họ đang làm gì tôi không biết, bà chủ đã hai lần đến chỗ tôi rồi lại về, cô phục vụ bàn thì ngập ngừng mấy lần, chắc cô ấy định hỏi, ăn gì thì gọi dần để cô ấy làm, sợ chút nữa khách đông, nhưng đối diện khuôn mặt thất thần như mất kho báu của tôi, niềm mong muốn biết tôi ăn gì, hay đến đây vì mục đích gì của họ cũng tan biến, bởi thời gian của tôi, tâm trí của tôi chỉ đi từ chỗ cai túi da chứa tiền đến cái túi xách của tôi, và tiếng kẹt cửa mạnh sẽ phát ra cùng tiếng ho bên trong căn phòng vệ sinh kia.
Anh bạn ạ, tôi không biết người ta đánh giặc thì căng thẳng thế nào, chứ tôi đánh giặc với nỗi lòng cũng căng thẳng không kém. Nó làm mọi dây thần kinh của tôi căng ra, như tôi đang không hiện tồn, nó kéo tôi tuột về cõi nào xa thẳm và muốn nổ tung; sự trì trệ của không gian, sự ngưng đọng của ý nghĩ, không lúc nào rõ ràng đến thế; có trăm ngàn câu hỏi, trăm ngàn tình huống dồn nén lại một chỗ, căng ra, như da con trâu mộng bị cháy trong rừng vầu, đòi hỏi tôi phải có một lối thoát. Nhưng không đợi lâu, tiếng kẹt cửa phía ấy thật mạnh bung ra, tiếng ho, “khạc, khạc” như vỡ bung quán, và tôi chồm dậy như một phản xa, sợ sệt, lúng túng, hốt hoảng, đến nỗi bà chủ quán nhìn tôi đầy ngơ ngác, tôi còn không hiểu.
“Anh đã ra à?”, thề với anh, tôi chưa hỏi một thẳng đi ỉa nào lại lịch sự như thằng cha cứt sắt này.
Tôi thở dài đến phựt một cái, sức thở căng đến nỗi, phì cả ra ngoài, làm bay cả tờ giấy ăn trên bàn, là tôi thấy mình trút được gánh nặng. Một gánh nặng mà ta cứ muốn mang. Thực ra ai bắt ta mang, nhưng con người ấy, họ tham lam lắm, tự mang gánh nặng, rồi tự đổ lỗi cho ta hoặc người khác. Nếu tôi không có ý nghĩ điên rồ kia, tôi đâu mất bao phút khổ sở với tâm mình thế; nhưng nếu tôi khổ sở mà lấy được rồi, tôi còn khổ hay không; điều này thì tôi không chắc anh ạ, nhưng có một điều tôi chắc là, có lúc tôi cũng ân hận vì không lấy được bọc tiền kia, ấy là khi ngồi cà phê với gã thêm chút nữa. Tôi ân hận, sao mình không mạnh mẽ lên, càng ân hận, khi gã tỏ rõ là thằng ki bo, hà tiện, chỉ gọi đúng hai cốc cà phê, không gọi thêm dù lấy một mẩu bánh mì. Nhưng đầu tôi lúc đấy, không dùng để tức gã, mà tôi đang tức mình anh ạ, tôi tức sao tôi không hành động quyết liệt lên, nếu thế, tôi đã ung dung có một bọc tiền rồi; ung dung vì có tiền đã thú, ung dung hơn vì trả thù được thằng cha ki kẹt này, và tưởng tượng hắn mất tiền thì sẽ đau khổ ra sao, thú đau thương và khốn nạn của con người đôi khi chỉ để thấy ai đau thì sẽ sướng làm sao; đơn giản mình ghét họ, đơn giản mình không ưa gì họ, mà họ chẳng làm gì mình, thế mà cũng muốn họ đau khổ, thậm chí, muốn được lấy tài sản của họ.
Tôi không phải đợi lâu anh ạ. Lúc đó quán lại trở lại vắng vẻ. Gã bảo: “Ngồi đây đợi tôi”, rồi lật đật chạy xe đi
Lúc lật đật chạy xe, làm sao chiếc túi của gã lại rơi ra anh ạ. Ngõ chúng tôi ngồi lúc đó thật thưa thớt, gã chạy xe nhanh quá, không để ý chiếc túi rơi lăn lóc giữa đường. Tôi để gã chạy một lúc mới lặng lẽ ra lượm về, rồi lặng lẽ rời vị trí cũ đến ngồi ở vị trí mới, cách đó chừng một trăm mét, nhưng cũng trên trục đường này. Tôi cố chọn điểm nào mà khi gã quay lại, không cần nhìn lâu cũng nhận ra tôi, và tôi cũng nhận ra gã.
Tôi cất tiền kĩ vào cốp xe, kiểm tra khóa cốp lần nữa, rất yên chí, rồi ung dung ngồi đợi.
Lúc này, đầu óc tôi thanh thản lạ, không còn nổ tung như lúc trước, bởi tôi nghĩ cuối cùng nó cũng thuộc về mình một cách chính đáng nhất. Có ai gọi thằng nhặt được tiền là ăn cắp đâu, dù thằng nhặt đấy có không thật thà, nhưng ai bắt nó phải thật thà; hơn nữa thằng bị rơi lại là thằng cha ỉa ra cứt sắt, nó giàu đến nỗi, mười đời nữa, bạn mơ chưa bằng nó, cộng vớ sự keo kiệt của nó, thì đáng đời lắm, Tôi ung dung gọi thêm hai cốc cà phê, một bao ba số, cộng với cái bánh mì ốp la, cũng nên tự thưởng cho mình. Một lúc sau, thấy gã lật đật chạy lại: “Tôi để rơi tiền rồi anh ạ”, mặt gã hột hoảng lắm, “Sao sao?”, tôi cố tình làm bộ mặt thật nghiêm nghị và thảng thốt. “Tôi đi vội để rơi tiền ở đâu không biết”.
“Chết, sao ông bất cẩn thế!”, “Thế mới đen, mà việc này nghiêm trọng lắm ông ạ!”.
Nghiêm trọng gì, lại chuyện đối tác, tôi cố tình làm ra vẻ ngơ ngác, tiếc rẻ, ráo rác nhìn quanh tìm kiếm cho gã đỡ nghi, rồi gã buồn bã: “Lên đường về thôi, tôi cần tranh thủ từng phút”.
Cái gì mà cần tranh thủ từng phút chứ. Tôi lên xe của tôi, gã lên xe của gã, cả đoạn đường không ai nói với ai câu nào, đến chỗ rẽ vào nhà, gã cũng không chào tôi một tiếng. Chao ôi, lúc đó tôi thương gã hay ghét và sung sướng, không biết nữa. Trong tôi cũng gợn lên sự ân hận dữ dội lắm, không đánh được người mặt đỏ như vang, đánh người rồi mặt vàng như nghệ, y như tôi lúc này, dù tôi tự an ủi rằng, tôi không phải thằng ăn cắp mà chỉ là người nhặt được thôi, có gì mà phải day dứt cơ chứ!
Tôi đếm được tỉ rưỡi ông ạ, nhiều thế đấy. Tôi cất kín, không cho vợ con biết. Sao tôi lại vậy, tôi cũng không biết, nhưng lương tâm tôi mách bảo, tôi cần kiểm điểm lại bản thân mình ở hành vi không thật. Năm hôm sau không thấy gã đến ăn như mọi bận. Thằng cha này tiếc tiền phát ốm đây, tôi nghĩ.
Lần theo đường vào nhà gã, con hẻm dẫn tôi vào ngôi nhà nhỏ nằm ở cuối, một căn nhà bình dị như bao căn nhà khác, một dây phơi chìa ra cái áo mận chín và cái áo chợ Bến Thành. Trong căn nhà ngoài cái giường, cái tủ, cái ti vi, không còn gì có giá trị.
“Ở một mình sao?”.
“Ừ!”.
“Không buồn sao”.
“Không!”.
“Tìm vui ở đâu?”.
“Việc tốt”.
“Việc gì tốt?”.
“Giúp người nghèo”.
Tôi ớ người ra: “Thế sao tôi vẫn thấy ông buồn?”.
“Hỏng rồi ông Hàn ạ”. Gã nói rồi khóc. “Tôi không cứu đươc nó; đã hứa với mẹ nó cứu nó mà không cứu nổi, tại tôi ông ạ, tại tôi cả. Tôi để mất tiền, bọc tiền đấy, tôi đã gom rất cẩn thận, thế mà mất, đúng ngày phải đưa tiền cho bác sĩ mổ để cứu lấy nó. Tôi đã hứa với mẹ nó, tôi hứa với nó… nhưng tôi đã không cứu được nó, bằng sự bất cẩn của mình”.
Gã nói xong rồi khóc tu tu, nước mắt gã chảy tràn lên thành chiếc ghế gã đang tì cằm: “Hôm đấy, hôm đấy đấy ông… Đời tôi, cứu rất nhiều người, sao cậu bé con nuôi tôi, tôi lại không cứu được!”.
“Hôm đó ông mang tiền để từ thiện mổ?”
“Ừ”.
Tai tôi ù đi, gió ngoài sông thổi như tát thẳng vào mặt tôi, rát bỏng. Giờ thì tôi thấy tôi mới là kẻ khốn nạn, khốn nạn nhất trên đời. Giờ thì tôi biết, gã không dám bỏ tiền ra ăn một bữa ngon, gã không dám cả mua cho mình một cái áo đẹp là vì sao. Sau này, thân hơn, gã bảo: “Mỗi lần tiêu gì quá đà, lại nghĩ đến bao con người khổ khác ông ạ, Tôi khổ rồi, nên tôi hiểu, giúp được ai để họ đỡ khổ hơn là vui rồi ông ạ, Đích sống của tôi đấy!”.
Đó, đôi khi cứ nhìn đời phiên diện, sao không khỏi thất bại, bài học từ gã dạy tôi thấm thía quá. Cũng nhờ gã, tôi quyết tâm nâng quán cơm lên thành công ti, quyết tâm làm ra bằng năm bằng mười để giúp cho những người nghèo đỡ cho gã. Tôi thề, số tiền của gã, tôi không động đến một đồng, tôi lặng lẽ làm từ thiện bằng hết. Nhưng cái nợ đó, với tôi vẫn lớn qúa, tôi trả bao giờ hết. Nên nhờ bài học đó, tôi giờ làm ra rất nhiều tiền, số tiền đó, tôi làm từ thiện hết ông ạ, như trả nợ đời cho tôi, như trả nợ đời cho gã. Con người ta, nợ tiền bạc dễ trả, nợ bài học về nhân nghĩa khó trả lắm ông ơi, lòng tôi phần nào thanh thản, nhưng tâm tôi thì đau nhói từng khi, tôi nợ tôi mới là điều đau đớn nhất ông ạ. Đấy chuyện của tôi, không lâm li, mà làm lòng người đau đến cuối đời”.
Hàn kể xong, lặng nhìn về phía biển, rồi lại lặng lẽ quay mặt vào tường, Ngoài kia, biển động hơn, từng cột sóng đổ trùm vào bờ, trùm lên đến ngang chừng những núi đá, tiếng sóng dội vào ghềnh nghe ầm ầm. Dường như trước mẹ thiên nhiên con người mới dám bày tỏ thật nỗi lòng; thiên nhiên cũng bao dung lắm, độ lượng và nhân từ, mở rộng lòng cho con người được thứ tha.
“Anh công nhận không, lòng người quả thăm thẳm khôn cùng, huyền bí hơn vũ trụ, đi hết vũ trụ có khi còn đến được, đi hết lòng người, hỏi bao xa?”.
Nói xong câu đó, Hàn lặng đi rồi chìm vào giấc ngủ…
- Cuộc sám hối của một văn sĩ kiêm chủ doanh nghiệp về “hành trình” phạm tội trộm tiền của một người bạn nhịn ăn nhịn mặc chỉ để có tiền đi làm từ thiện một cách không vụ lợi. Sự đau đớn thực sự đỉnh điểm khi anh ta biết được rằng số tiền mà anh ta trộm đã làm lỡ một cơ hội cứu sống một đứa trẻ là con nuôi của kẻ bị mất. Từ đó, anh ta không tiêu tiền ăn trộm, âm thầm mang đi làm từ thiện hết, rồi đã vươn lên thành một ông chủ thành đạt chăm làm từ thiện. Nhưng, không bao giờ nguôi quên hành động vô sỉ của mình cũng như cách nhìn người, đánh giá con người một cách võ đoán, lầm lạc…
- Lối viết đi sâu vào phân tích nội tâm nhân vật với một sự thể hiện ngôn ngữ tinh tế làm cho nỗi đau, những tội lỗi cũng long lanh một vẻ đẹp ám ảnh.
- Dùng được.
VN20/2016