“Liễu ở đâu?” – Tôi cuống quýt hỏi.
“Chỗ đó… trời mang màu của vết thương đã mưng mủ lâu ngày. Mùi thuốc súng bốc lên, xé toác khoảng da đang chật vật chữa lành. Mây phụt đỏ, vằn vện tia máu. Máu theo nắng trây bê bết từ nền trời xuống mặt đất. Mọi thanh âm đều như bị lũ mây máu hút sạch. Từ tiếng bụi đất, đá sỏi bị xới tung, bay mịt mù. Tiếng một góc thành đổ sụm, gạch bắn như mưa rải. Tiếng đạn cối, đại bác từ tàu Tây Dương trùm khói lửa lên kho thuốc súng. Và tất cả nổ tung. Cờ hiệu. Thây người. Nắng. Mọi chuyển động đều tan tành, nát bươm dưới mây máu. Nhưng tuyệt không có lấy một âm thanh. Đáng sợ hơn nhiều màn hát câm mình xem hồi ở chợ Thanh Hóa. Trà nhớ không?”
Bích lẩy bẩy nắm tay tôi, mặt tái xanh. Từ ngày vào Nội, da Bích ngày một đổ xanh rờn. Những lúc xúc động, Bích cứ như lá ngô đồng đến mùa, chực rụng xuống. Lật đật, tôi đỡ Bích nằm xuống giường. Chắc Bích cũng giống tôi, đâu ngờ Liễu có thể trở lại. Đinh Mùi năm đó, Liễu mất tích. Tính đến nay đã hơn chục năm.
Giữa Bích và Liễu, tôi vẫn chưa rõ mình yêu ai hơn.
Bích có cùng tôi những ngày tươi đẹp ở Yên Phước. Hồi ấy, tôi 10 tuổi, mắt hãy còn đen, sâu lút và trong.
Sớm mai, tôi hay ra trước sân ngửa mặt nằm phơi, ôm Bích trong lòng.
“Không được để tiểu thơ vọc cát.” - Vú già thi thoảng bắt gặp, ré um.
Vùng dậy, cắp Bích bên hông, chúng tôi cùng khanh khách cười, chạy trốn.
![]() |
Mộng Chu Tước. Ảnh minh họa: Pixabay |
Trời Yên Phước độ đấy xanh như nạm ngọc. Nắng rải hột vàng lóe khắp mặt đất. Tôi na theo Bích, như mèo mẹ tha con mèo con. Hết trốn sau gốc hoa champa, bờ ranh xương rồng sang khoái chí men theo con đường ngập cát ra tận cuối làng, nơi sừng sững một cây champa cổ thụ. Vòm cây to, mỗi lần nghiêng theo nắng, cả khoảng bóng dài cũng nghiêng theo, lừng lững phủ từ giếng nước vuông đến tận bia đá lớn phía Tây làng.
Người ta nói trong cây champa có một vị thần. Đứa trẻ nào ưa quấy khóc hay trái tính cứ đem ẵm bỏ dưới gốc cây cho thần dạy, lập tức sẽ nên nết ngay.
Hiếm khi được lẻn khỏi nhà, tò mò, tôi cắp Bích đi xem thử. Chẳng ngờ, vừa mới chớm chạm bóng cây, Bích đột ngột quẫy lên, thét khóc. Càng dỗ, Bích càng làm hung, đạp, thụi tôi ê ẩm. Điên tiết, tôi liệng luôn đứa ngang chướng xuống gốc champa.
“Cho thần cây dạy mày một trận!”
Tôi nhớ đã gằn giọng.
Cây hoa lặng phắt. Rồi thình lình, như nghe được tiếng tôi, cả rừng cánh hoa rùng rùng trút xuống Bích. Dù trời vẫn đứng ngắc, không một cọng gió. Hoa phủ chân, ngập lưng, trùm qua ngực. Hoa dấn lên cổ, nhăm nhe nuốt chửng luôn mặt mũi, vùi Bích ngạt thở.
Tôi hớt hải chạy lại, chưa kịp bồng đã thấy Bích vươn tay chộp cả bụm hoa trắng, nhét tọt vô miệng. Nước dãi tứa ra bên khóe miệng nhỏ, lạ thay, không trắng lại vàng rợn. Dòng thác cánh hoa toan vùi lấp Bích ngừng bặt. Tôi nhìn lại. Xung quanh chúng tôi, không phải bạt ngàn cánh trắng nữa mà cả thảm hoa vàng lóa mắt. Như thể tất thảy cánh hoa trên đất đều nhuộm thứ nước vàng từ miệng Bích. Sắc vàng lạnh đến rùng mình.
Sợ hãi, tôi ôm Bích té chạy khỏi bóng cây.
“Trời hỡi. Tới thần hoa champa cũng bị nuốt!” Vú già nghe tôi kể ngửa mặt than. Trong nhà, mắt vú giống mắt tôi nhất. Những bữa vú lén ra ngồi lau bia đá cuối làng, mắt càng đen, càng sâu thăm thẳm.
“Bia này ghi trận quân mình thắng giặc Khmer. Bọn ấy mạnh lắm, ác lắm. Vậy mà quân mình cũng đuổi được hết đi. Người mình nhờ đó được yên tâm đi biển, xây đập...”
Một lần phát hiện tôi bám đuôi, vú vẫy lại kể tôi nghe, giữa mắt sâu bỗng rực lên ánh lửa.
Tôi năm đó mới 10 tuổi. Cha Bích lượm tôi về lúc ông công cán ngang ngôi làng vừa qua cơn dịch bệnh. Mẹ Bích cho tôi bú nhờ sữa. Các anh Bích cùng tôi tập nói tập đi. Tôi ăn cơm, lớn lên trong nhà Bích. Nên 10 tuổi, sao tôi hiểu hết được ánh lửa trong mắt vú già.
Như sợ tôi quên, vú già thoáng thấy tôi ở đâu lại kéo tay, ghé sát miệng vào tai tôi thì thầm “quân mình”, “người mình”. Vú làm tôi sợ đến nỗi cứ gặp dáng lưng còng lại cõng Bích ù té chạy.
Ngày vú mất, tôi nghe cha Bích nói với mẹ Đức ông Tổng trấn nào đó ở Gia Định cũng mất.
“Nay mai chắc sẽ không còn tên trấn Thuận Thành!”
Coi người ta liệm vú, ma xui quỷ khiến, tôi lặp lại nguyên si lời cha Bích với người bên cạnh.
Cánh tay đang xếp ngay ngắn trên ngực người chết bỗng rớt xuống, kéo luôn con dao trên bụng rớt đánh bộp. Mấy người liệm rú lớn, phóng hết ra sân. Chân tay tôi nhũn ra, bao sức lực mất sạch. Không biết làm sao, tôi đành đứng chôn bên giường người chết như trời trồng.
Chính lúc đó, tôi thấy vú già khóc. Hơi thở dã ngừng, xác dần lạnh, mà một dòng nước dài trong vắt vẫn rỉ ra, xuôi khỏi đuôi mắt già nua, chằng chịt nếp nhăn. Tim tôi thắt lại, không chỉ vì sợ.
Sau này, tôi vẫn tự hỏi phải chăng vú già đã sắp xếp tất cả. Vú trừng phạt tôi, đứa chạy trốn bi phẫn dân tộc mình bằng cách bắt trí nhớ tôi uống nước mắt người chết. Thứ nước mắt chẳng bao lâu tôi biết là thuốc dẫn cho một sứ mạng, một lời nguyền: Vú bắt tôi phải nghe mùi chiến tranh.
Cuộc chiến đầu tiên đến từ phía Tây làng.
Đêm mưa tôi đang ngủ bỗng giật mình vì một mùi tanh nồng nặc. Hệt có ai gánh qua đầu nằm trăm thúng xác cá ươn sình. Hệt ai đó ghè mũi, miệng tôi đổ vào trăm bát tiết canh sống. Mùi tanh khiến tôi khản đặc cổ họng, nhợn buốt óc. Xô cửa sổ, tôi cắm đầu ra mưa ói ồng ộc. Trong cơn ói, tôi nghe tiếng những bước chân đạp mưa, xé toang đêm đường làng.
“Giặc tới! Giặc tới!”
Những tiếng la ngang sấm nổ.
Theo người nhà Bích, tôi vừa ói vừa hớt hải chạy. Xung quanh tôi, mắt sâu, mắt không sâu, khăn trắng, khăn đen, người Chăm, người Việt cùng nhau chạy. Giặc người đàng thổ hay người đàng quê*. Giặc chính nghĩa hay hung tàn. Đâu ai còn hơi sức phân biệt nữa. Chỉ biết, giặc là chiến tranh, là máu đổ, là cái chết.
Chúng tôi trốn thần chết trong động cát. Ba ngày liền, tôi chỉ nằm lả và ói khan vì mùi tanh, một hột nước cũng không giữ được lâu trong cổ họng. Miệng, lưỡi tôi khô khốc, mỗi nhấp môi lại như vạn dao đâm. Mặt cát từ sáng đến tối tựa than hầm. Da lưng tôi bỗng rộp, thịt tôi theo mồ hôi khô đét dần. Đến hơi thở cũng như sợi khói nắng, không biết lúc nào sẽ rơi vào lòng cát, tan biến. Tôi đã nghĩ tôi sẽ chết. Chết trong mùi tanh chiến tranh đầu tiên nghe được. Chết trong những cái tên lởn vởn lọt vào tai như cát bay: Minh Mạng, Lê Văn Duyệt, Lê Văn Khôi, Po Phaok The, Ja Thak Wa,..
Chính Bích cứu cho tôi sống. Bích 5 tuổi, biết nhè ra mớm cho tôi miếng thịt trái xương rồng. Vành môi nhỏ Bích cúi xuống, áp lên cặp môi tôi khô héo không thiết mở. Hệt có một lạch nước ngọt lịm, mát lành tuôn vào miệng tôi, chạy xuống cổ họng. Mắt tôi hoa lên, bóng Bích chập chờn giữa bóng Quán Thế Âm. Nước tôi đang uống là từ miệng Bích hay từ miệng bình cam lồ cứu độ?
Lưỡi tôi trở lại ướt mềm, vạn lưỡi dao xẻ môi biến mất. Cổ họng tôi run lên, đòi được uống, được ăn, được thỏa cơn khát thèm. Tôi ăn hết sạch trái xương rồng Bích mớm. Tôi ăn cả gai, cả nụ cười đỏ choét đọng trên môi Bích. Thế là tôi sống.
Rốt cuộc, tôi vẫn phải sống cùng lời nguyền mùi chiến tranh. Tôi sống và nhận ra: Tôi yêu Bích. Bích là tuổi thơ, là nước cam lồ. Bích là tái tạo, cũng là tội lỗi. Tôi yêu Bích đến si dại. Tôi đã nguyện trọn đời chỉ phụng sự Bích, hi sinh thân mình vì Bích.
Cho đến khi Liễu xuất hiện.
Bích nói Liễu là Chu Tước, con chim lửa chỉ biết lao vút đi, chưa hề biết dừng.
Ngày sinh Bích, mẹ mơ thấy ngôi sao Bích thuộc phương Huyền Vũ sa vào miệng mình. Mệnh Huyền Vũ bắt Bích suốt đời tọa Bắc. Còn Liễu, ngôi sao của Liễu hướng về Nam. Chắc bởi vậy, ngày ở Thanh Hóa, tôi thấy tôi yêu Liễu nhiều hơn.
![]() |
Sức sống. Ảnh minh họa: Pixabay |
Liễu đẹp như một trận gió hoang. Gió biết nhớ da diết con nắng chúng tôi từng nằm phơi trong những sớm Yên Phước. Nhớ những bụi bồn bồn chỉ đợi nhạc gió nổi liền lắc lư, say sưa trong vũ điệu bí ẩn. Nhớ cả tiếng cát bay trên động, âm thanh ào ạt trỗi giữa chuỗi kèn gió u u nghe cứ như giọng hát thổn thức, mê hoặc.
Bích từ ngày ra Thanh Hóa chỉ vùi vào học. Tứ Thư, Ngũ Kinh, Thi, Thư, Lễ, Nhạc. Bích tự cột mình vào chồng chồng, lớp lớp sách. Bích nhai rao ráo Tam Cương, Ngũ Thường thay cơm. Các anh trai nhìn Bích học xám mặt, vừa phục vừa ghét ngầm. Những buổi dinh Bố Chánh rảnh việc, cha ở nhà khảo bài, chỉ mình Bích được cha khen.
Tôi lủi thủi bên cạnh nghe Bích nhắc về nàng Thượng Quan Uyển Nhi văn chương kiệt xuất đời Đường; nữ quan Hàn Lan Anh góp sức cho cả hai triều Nam Tề, Lưu Tống; Nguyễn Thị Duệ nhà Mạc cải nam trang đi thi Hội và đỗ đầu; rồi Nguyễn Thị Lộ tài sắc được vua Lê đích thân vời vào cung phong Lễ nghi học sĩ. Mắt đắm đuối, Bích ngâm tôi nghe thơ Đoàn Thị Điểm, Phạm Lam Anh, Hồ Xuân Hương.
Bích làm nghẹn thắt ngực tôi vì ghen hờn. Sao Bích chỉ yêu họ, những người đàn bà xa lạ? Họ có ru Bích ngủ? Có giặt áo, chải tóc? Họ có lắng nghe Bích như tôi? Tôi yêu Bích nhưng Bích lại chỉ yêu văn chương, yêu Nho giáo, yêu lý tưởng. Bích đúng là ngôi sao tọa phương Huyền Vũ, loài rùa đen mai cứng ngắc khuôn phép còn ràng buộc thêm trên người con rắn bạc bẽo.
Liễu đánh đổ tất cả. Ngôi sao Chu Tước ấy!
Liễu yêu ngay Trương sau buổi xem hát câm ở chợ ngoài Hạc thành.
Phường hát chỉ một người đàn bà điên, không biết nói, mặt đeo chồng bốn năm cái mặt nạ. Mặt nạ rồng, người hát ra bộ hiên ngang bước về phương Bắc. Rồng hóa mặt rắn, bộ cong lưng chạy về nam, vừa chạy vừa quay đầu nhổ toẹt bãi nước bọt.
Lính trong Hạc thành xô ra, bắt kẻ điên. Trò hát không lời ngưng ngang. Dân xóm chợ sợ hãi dạt hết vào các góc, nhưng vẫn thầm thì rồi xôn xao hỏi nhau rốt cuộc người bị bắt phải tội gì.
“Tội vẫn nhớ mặt rồng nằm ở Bắc!”
Chàng trai buộc miệng câu đó đứng cách Liễu chỉ hai sải chân. Vai anh ta rộng, cằm vuông, ánh mắt thẳng tắp, chói như mặt trời chính ngọ. Liễu mười sáu tuổi, mắt lại trong và sâu hun hút như mắt tôi ngày xưa. Mặt trời vô tình rơi vào giữa hun hút, đâm chuếnh choáng rồi nằm im, không thiết thoát ra nữa. Lúc Liễu về nhà, mắt chỉ độc bóng mặt trời.
Bích nói Liễu sinh ra chỉ để yêu.
Liễu yêu say đắm, yêu bất chấp, yêu giẫm đạp lên bao món chữ Bích nhai ngày ngày. Liễu suýt hiến thân cho Trương trong đêm trời đặc quánh sao. Lúc mắt môi Trương tựa lửa đỏ cháy trên cổ Liễu, rồi lan xuống bầu ngực trần. Da thịt, linh hồn Bích đã sắp sửa cháy theo, hóa tro cùng Trương trong ngọn lửa Chu Tước rừng rực, mê đắm.
“Nhưng ta chưa có công danh!”
Trương bật dậy.
Lửa như phải cơn gió độc, rúm ró, ngúm dần. Những tia vụn lép bép nổ giữa thinh không không đủ xua bẽ bàng cho tấm áo khuê môn vừa cởi lại phải mặc.
Trốn vào trời đêm, Liễu cố tìm chút hơi lửa sót lại. Trên nền trời ấy, Liễu nhận ra, dù cận kề nhau, giữa ngôi sao Liễu và Trương vẫn có một vật chắn. Cả ba bám lấy nhau như vệt cắt dài giữa phương Chu Tước.
Liễu Tinh Trương. Bích đắc chí đọc to tôi nghe tên ba ngôi sao tạo nên vệt cắt.
“Trà biết Tinh là ai không? Tinh là công danh.”
Bích khanh khách cười.
Tôi ghét Bích và thương Liễu ứa nước mắt.
Ngày Trương đi Huế, Liễu không khóc.
“Ta phải cho họ biết tài trai Bắc Hà.”
Mảnh thư Trương viết Liễu đốt hòa nước uống sạch. Hoài bão của Trương, khát vọng của Trương giờ ở trong Liễu, thành khát vọng, hoài bão của chính Liễu.
Liễu khấp khởi mong ngày được cha dẫn về kinh. Bất cứ nơi nào Trương đến, Liễu cũng sẽ theo bằng được. Tình yêu hóa Liễu thành cánh Chu Tước si cuồng, tự thiêu sạch tủi hờn, chỉ biết lao vút theo bóng mặt trời phía trước.
Tôi ủng hộ Liễu về kinh tìm Trương. Chúng tôi giống nhau, đều những cánh chim lạc, từ lúc sinh ra cánh đã định phải xăm hình một vùng đất. Mang cặp cánh lỗ chỗ đau, tôi chỉ biết trốn rúc vào tình yêu. Trương thì không. Trương vùng vẫy, tự đi tìm thuốc chữa cho mình. Thật tâm, tôi thấy mình ngưỡng vọng Trương, như cách con chim sẻ nhỏ hèn nhát ngưỡng vọng cánh bay của đại bàng. Trời Thanh Hóa chỉ một góc Quý hương xa lắc của nhà Nguyễn, sao đủ Trương sải cánh.
Theo đường Trương về kinh, mây xếp đủ mười tám tầng Cửu phẩm Võ giai trước mắt tôi. Ngắm mây, Liễu mơ màng ngày Trương mặc mãng bào màu cổ đồng, ngực thêu kì lân, lãnh chức Nhất phẩm Đô thống. Còn tôi, tôi mơ được nhờ Trương cắt đi cặp cánh lỗ chỗ đau, chôn sâu xuống đất.
Giấc mơ ngờ đâu sớm như mây tan.
Tôi nhớ tháng ba ấy, Huế vẫn chưa dứt tiết xuân. Mưa rây đầy ngoài cửa kiệu, đan lấy tóc, ôm ấp gò má Liễu ửng hồng hy vọng. Nếm mưa Huế lần đầu, tôi sởn gai ốc. Vốc lại ngụm mưa lớn hơn, nuốt xuống, tôi vẫn chưa dám tin. Sao mưa Huế lại có mùi chiến tranh phảng phất? Câm bặt, tôi không dám nói với Liễu: Chuỗi mưa Liễu hứng trên mặt đục ngầu như nước mắt đọng.
Tôi câm, nhưng tin từ Cấm binh vẫn loang ra. Trương đã cùng ba vệ quân Vũ Lâm, Hổ Uy, Hùng Nhuệ đi Đà Nẵng, trước chúng tôi đến Huế đúng một ngày.
Trời Huế từ tin ấy hầm hập nóng. Mặc mưa, cơn nóng vẫn hành chúng tôi bứt rứt gan ruột. Đêm co quắp, đầm đìa mồ hôi, tôi nhớ trận mưa Yên Phước vừa chạy, vừa ói mùi chiến tranh đến lả người.
Liễu cũng nói không ngủ được. Tiếng mưa khiến Liễu nghĩ đến tiếng trống phát tang gõ trên mái nhà. Dân kinh thành rỉ tai nhau: Hai chiến thuyền Tây Dương kéo vào Đà Nẵng to gấp mấy chục lần thuyền đồng ở vũng Trà Sơn. Đại bác họ chở theo bầy bầy, mỗi lần khạc lửa đều thành cả tràng dài, vàng sắt gì trúng phải cũng vỡ vụn. Lính Tây Dương không lén lút như giáo sĩ Tây, ngông nghênh đi giữa đường, gặp ai cũng hung hăng xô tới đòi đánh giết.
Triều đình chưa ai dám nhắc chiến tranh, nhưng những rỉ tai ấy đã lan như sóng ngầm. Người giàu lo kiếm chỗ giấu bớt của cải. Người nghèo rang gạo, nắm sẵn cơm. Huế ngày chúng tôi mới chạm mặt đã rục rịch, chực tháo chạy.
May không tiếng hô “giặc tới” nào vang lên như trong đêm Yên Phước. Mùi chiến tranh chắc nhờ thành quách Đại Nội còn dày, lởn vởn vài bữa rồi mất hút cùng mưa Huế.
“Tàu Tây Dương đã giương buồm chạy khỏi Đà Nẵng!”
Vì là tin vui, nên triều đình giành đưa trước tiên, rổn rảng khua khoắng. Không ai nhắc chuyện quan Tham tri án binh bất động để đại bác Tây Dương bắn chìm cả năm chiếc thuyền đồng trong chớp mắt. Ít ai hay biền binh hơn 40 người chết trận, 104 người không biết dạt trôi đi đâu mất. Và chắc mình Liễu cùng tôi nhận ra: Trong đội quân lầm lụi trở về kinh, không có người lính tên Trương, quê Bắc Hà.
Tôi cứ tưởng Liễu sẽ phát điên. Liễu sẽ lồng lên, vác dao chém nát phản chiếu lấp lánh từ ngôi sao công danh. Sẽ vật mình nguyền rủa bóng đổ quyền uy của các tòa thành. Sẽ gào đến rách họng trên vũng nước mưa Huế còn đọng, đòi chúng đem Trương trả về. Nhưng không. Lặng lẽ, Liễu chỉ gặp cha, xin sắm thuyền đi cửa Thuận. Cha ngỡ Liễu muốn xem một trong “Thần kinh thập nhị cảnh”, chiều theo, kiếm thuyền cho Liễu xuôi sông Hương ra biển.
Cửa Thuận tràn sóng. Mắt Liễu ơ hờ lướt qua thành Trấn Hải. Cọc gỗ, kè đá, rừng dừa, vọng lâu rơi vào mắt như lọt xuống giếng sâu, mất bóng.
“Từ đây đến cửa Hàn còn bao xa?”
Lái thuyền nghe Liễu hỏi, chưa kịp trả lời, quay lại đã nghe mặt nước tòm một tiếng khô khốc.
Cũng như Trương, như năm chiếc thuyền đồng, như bao thây lính vùi dưới lòng biển cửa Hàn, Liễu biến mất.
Ngày Liễu đi, tôi lang thang dọc bờ Hương như kẻ mất hồn. Bóng Liễu không có ở đáy sông. Bóng đã theo con sóng ngoài cửa biển vụn nát đâu mất. Mới đến Huế đâu bao ngày, tôi đã mất cả Liễu và Trương. Phương Chu Tước, góc trời Nam mịt mù trên đất kinh kì. Tôi khóc ngưỡng vọng, khóc tình yêu, khóc trời Nam đỏ độc mắt.
Trở về, tôi gặp Bích ngồi bên đèn thảo bức thư gởi quan Phụ chính Lâm Duy Hiệp. Trời Huế nửa đêm vẫn đỏ lừ. Mắt Bích sắc lạnh, nhìn tôi rờn rợn hơi mưa. Đầu bút lông trên tay như con thoi thoăn thoắt dệt mặt giấy. Đôi câu thơ nhễu theo dòng mực đậm đen chảy tràn cả lên mặt bàn.
“Nhược giao dụng như hòa canh vị
Ngư tác lương thần phụ Hữu Thương” **
Giờ phút ấy, tôi biết, mình sắp mất luôn Bích.
Chưa đầy năm sau, nhờ đề cử của quan Phụ chính, Bích tiến cung, đúng ngày tròn 18 tuổi.
Nước mắt tôi đã cạn. Chỉ còn bước chạy thất thểu đuổi theo kiệu Bích vào Hoàng thành. Tam cung lục viện có gì vui, Bích ơi? Bích lao chi vào đám lửa cung vàng điện ngọc? Bích tự thiêu chi trong giấc mộng chín bậc phi tần?
Là tôi đã hại Bích. Tôi đã bỏ Bích dưới gốc cây champa cổ thụ. Tôi để Bích nhai nát cánh hoa thần và gánh phải lời nguyền. Chính tình yêu tôi đã hại Bích. Trừng phạt cho tôi là mùi chiến tranh. Còn Bích, Bích phải nhận cái án vàng son. Sắc vàng lạnh lẽo, ghê người ấy rồi sẽ giết Bích chết. Chết lần hồi. Chết mỏi mòn. Chết mà vẫn thấy được mình đang chết.
Tôi đâu thể để tình yêu tôi chết một mình.
Mùa hè năm Bích được phong Cửu giai, nhận ân điển về thăm nhà, tôi nói muốn theo Bích vào cung.
Tôi sinh ra đã là một cánh chim lạc. Yên Phước, Thanh Hóa hay Huế. Hoàng thành, Tử Cấm thành hay Đoan Trang viện. Nơi nào rồi sẽ cũng như nhau. Chỉ cần có Bích bên cạnh.
Thành người Đại Nội, tôi dần quên mình sống được bao nhiêu năm.
Trong lúc Bích đếm tuổi bằng số lần ái ân lợt lạt cùng Tự Đức, bằng những bài thơ bàng bạc một màu, tôi đoán tuổi mình qua độ xanh trên da Bích. Nếu có ngày da Bích như lá ngô đồng sau viện, không cách nào xanh thêm được nữa và hóa vàng. Lúc đó, tôi sẽ nằm sẵn trong đất lạnh, đợi chiếc lá Bích rụng xuống. Lúc đó, ôm lấy Bích, chúng tôi sẽ trở về buổi sớm Yên Phước. Cùng ngửa mặt nằm phơi trước sân nhà. Cùng đón mảng ngọc nắng tuổi thơ nguyên sơ trong vắt, không vết rạn.
Nắng trong Đại Nội chỉ còn là những mảnh vỡ mỏng dính, nhưng cực sắc nhọn. Một lần sơ ý bị quệt trúng, trong nhập nhoạng chiều tàn sau viện, tôi lại thấy bóng vú già. Đứng dưới cây ngô đồng cao nhất, vú gọi tôi, tiếng gọi âm u lạnh lẽo có mùi hoa champa, mùi đất mục trộn rêu bám đặc bia đá.
“Muốn nghe mùi chiến tranh nữa không, Trà?”
Tôi về phòng, xin được lên nằm với Bích, đắp ba lớp chăn vẫn thấy lạnh.
Ba hôm sau, như lời bóng ma, mùi chiến tranh đã tràn trụa khắp hoàng thành. Hướng gió lại đưa về từ Đà Nẵng.
“Tây Dương cho đại bác bắn tung cửa hải đồn. Các ổ súng trong đồn đều bị lính tràn lên khóa chặt, không khạc được một tia lửa. Các thùng thuốc súng bị ngang nhiên khiêng ra, ném xuống nước. Lính giữ đồn chạy trốn hết, bỏ lại 40 phạm nhân.”
Người Đại Nội cũng bắt đầu rỉ tai nhau như dân ngoài thành. Từ Đinh Mùi sang Bính Thìn, lòng người ngày càng lạc, nên tiếng rỉ tai nghe cũng to hơn. Bính Thìn sang Mậu Ngọ, rỉ tai dần hết sạch luôn kiêng dè, đã thành bàn tán ồn ào. Tôi vừa inh tai, vừa điếc đặc mũi vì mùi chiến tranh.
Bích theo Tự Đức vi hành ra Quảng Nam kiểm tra việc đắp lũy xây đồn, về đổ bệnh nằm cả tháng ròng.
Tin thành Điện Hải thất thủ đưa về, vùng dậy trên giường, Bích tiết lộ tôi hay Liễu còn sống.
Tự quấn lại tóc, thay áo, Bích sai tôi lấy giấy bút, mài mực. Bích phăm phăm ngồi vào bàn. Tôi chỉ kịp thấy ống tay áo huơ lên, nhìn lại, ngọn bút trong tay Bích đã dắt những con chữ lao vào giữa vũ điệu. Ào ạt như cát bay trên động. Say sưa hệt những thân bồn bồn múa trong cát nóng. Mê hoặc tựa được tắm nước cam lồ đỏ rực nhễu từ thịt trái xương rồng.
![]() |
Tôi yêu Bích, nhưng nàng chỉ yêu văn chương. Ảnh minh họa: Pixabay |
Giữa vũ điệu bút, chữ, tôi thấy Liễu hiện ra.
Liễu nhoẻn cười, Liễu cong môi hờn dỗi, Liễu khóc mừng gặp lại tôi.
Liễu kể, cũng như Liễu, Trương còn sống. Trương đang giúp ân nhân Đào Trí giữ Đà Nẵng, ngăn quân Tây Dương đánh ra kinh thành. Chính ân nhân đã cứu Trương khỏi thuyền đồng chìm năm Đinh Mùi. Giờ ngài đang lãnh quyền Tổng đốc Nam Ngãi, tạm thay vị trí người đã để mất hai thành An Hải, Điện Hải.
Liễu kể sau Đinh Mùi, Trương theo ân nhân vào Nam. Mang sức mạnh của cánh Chu Tước hồi sinh, Trương bay khắp Biên Hòa, Định Tường, rồi về dưới trướng Kinh lược sứ Nguyễn Tri Phương tiếp tục rong ruổi Nam Kì mở đất. Trời Nam rộng lớn thỏa sức cánh bay Trương vẫy vùng.
Giờ Trương quay lại Đà Nẵng, vừa mong góp sức báo ơn ân nhân, vừa muốn rửa với Tây Dương mối hận chìm thuyền đồng.
Tôi uống từng lời Liễu say đắm. Nước mắt chực rơi khi Liễu kể về những mái nhà không bóng người, những vườn cây xác xơ trong khói bụi, những bước chân hoảng loạn dắt díu nhau chạy trốn lửa chiến tranh. Cảnh Đà Nẵng đó. Mà sao hệt đêm chúng tôi vùng chạy trong mưa Yên Phước…
Nên cũng nhẹ lòng theo Liễu, khi tướng Nguyễn Tri Phương cuối cùng cũng từ Nam Kì ra, cầm được chân giặc. Dắt tôi đi hết bờ lũy dài tít tắp của phòng tuyến Liên Trì; đưa tôi đến bên các hố chữ phẩm lòng cắm đầy chông, mặt ngụy trang phên che, phủ cát; Liễu long lanh mắt chỉ tôi từng dấu bàn tay, từng vết mồ hôi Trương còn đọng.
Theo chân Liễu, tôi vào cả Gia Định. Thấy đoàn chiến thuyền Tây Dương lừ lừ qua cửa Cần Giờ, nã pháo tan hoang đồn lũy, thành quách. Thấy Phụng thành nát tan dưới bộc phá, hồn phiêu bạt nhập cùng hồn oan hơn 20 năm của Bát Quái thành.
Mãi theo Liễu, tôi mặc kệ người ta giăng đèn kết hoa, chuẩn bị mừng thọ 50 thái hậu Từ Dụ. Mặc kệ rậm rịch đồn đoán ai sẽ được gọi tên trong lễ tấn phong cung tần gần 10 năm mới thấy lại.
Bích nghe đâu sẽ được thăng Bát giai. Người chung viện kẻ thơn thớt chúc mừng, kẻ liếc xéo hậm hực. Nhưng tôi lo cho Liễu nhiều hơn. Quân Tây Dương tiễn hồn Phụng thành xong đã quay lại, chia làm ba đạo tấn công ác liệt, quyết hóa ma Đà Nẵng.
Bàn tán ồn ào trong Đại Nội giờ thành cãi nhau ầm ĩ hòa hay đánh. Âm vang ngày nào cũng như tiếng đất rền, làm rung từ điện Cần Chánh sang điện Càn Thành, rồi lắc lư dữ dội cả điện Thái Hòa.
Trong cơn địa chấn, Liễu run rẩy nhớ cơn mưa Huế làm tiếng trống phát tang gõ trên mái nhà. Nhớ mặt nước cửa Hàn lạnh lẽo như bia mộ. Nhớ cảnh đoàn quân lầm lụi trở về, không có người lính tên Trương.
Cũng run rẩy, tôi theo Liễu quỳ xuống, hướng về phương Chu Tước, chắp tay nguyện cầu.
“Xin cho Trương được bình an.”
Lời Bích bỗng vang bên tôi, đầy nghẹn ngào. Quẳng bút, Bích quỳ cạnh tôi không biết tự bao giờ. Mắt Bích đặc ứ nước. Khi nước trào ra được, ngước nhìn tôi, là cặp mắt hóa ra vẫn sâu hun hút và trong, sau bao đổi dời.
Ngày Tây Dương rút khỏi Đà Nẵng lần hai, Bích chia tôi cùng thả vào lò than tập giấy phải ba bốn mươi tờ, lớp ngả thâm vàng đầy bụi thời gian, lớp vẫn mới nguyên thơm mùi mực.
“Giờ Liễu tự do!”
Bích cười với tro giấy dần đầy trong lò.
Tôi không nỡ nhìn những đầu giấy nhúm lại, những dòng chữ bạc đi, tan biến trong lửa. Tôi không nỡ chia tay Liễu. Ngay từ đầu, Liễu đâu chỉ nhân vật Bích tạo nên. Liễu còn là bạn, là người tôi yêu tha thiết
Sử Việt chỉ nhắc đến Bích với tác phẩm Hạnh Thục ca và danh vị Tam giai Lễ tần. Tôi không phải người Việt, nên chỉ mình tôi biết, lúc còn Bát giai, Bích có một sáng tác, một nhân vật được hóa tro, thả bay theo gió.
Ngọn gió ấy hướng về Nam. Nên chắc sẽ vướng vít áo choàng vị tướng quân tháp tùng Thống đốc quân vụ Nguyễn Tri Phương về lại Gia Định chống Tây Dương. Vị tướng ấy có nhận ra gió, có ngoái đầu nhìn lại lần nào không? Tôi cũng không rõ.
Chỉ biết sau ngày tro giấy bay khắp Đại Nội ấy, cây ngô đồng sau viện bỗng nở một cụm hoa lạc mùa. Mọc tít ngọn cây, giữa xanh rì màu lá, cụm hoa từ sắc đến dáng nhìn sao cũng giống một cụm hoa bồn bồn Yên Phước.
Theo gió Nam, cụm bồn bồn nở trên cây ngô đồng da diết ngóng về phương Chu Tước, như muốn dệt tiếp cùng các chòm sao giấc mộng dang dở.
Thời gian qua.
Trương có thật không? Tôi cũng không nhớ nữa…
N.T.K.H
*Người đàng thổ: người Chăm
*Người đàng quê: người Việt
*Hai câu thơ nổi tiếng của Nguyễn Nhược Thị trong buổi ngâm vịnh được vua Tự Đức xướng đề thơ Tào Mai (Hoa mai sớm nở).
Nguyễn Thị Kim Hòa | Báo Văn nghệ