Đọc tiểu thuyết Hoa Kỳ Tú của Nguyễn Minh Thắng Nxb Hồng Đức 2015
NGUYỄN THỊ MAI
Đọc xong cuốn tiểu thuyết, lòng không nặng nề suy tư mà thấy thêm hiểu biết về một miền quê và những con người của một thời gian nan vất vả. Tình tiết của truyện cũng cho ta thêm vốn sống, giúp ta khám phá truyền thống văn hóa, đạo đức, lối sống dân tộc Việt.
Có một dòng sông tên gọi Tô Tô bắt nguồn từ thương lưu sông Nhị chảy qua ngôi làng Kỳ Tú xinh xắn. Một ngày kia của triệu năm về trước, sau khi nạn hồng thủy hủy diệt xảy ra tàn khốc khiến cho nước sông sôi sùng sục lên hàng trăm độ C thì trên dòng Tô Tô mọc lên một loài hoa lạ, cánh đỏ như lửa phát ra một mùi thơm ngào ngạt. Vì hoa nở trên khúc sông làng Kỳ Tú nên hoa cũng có tên là hoa Kỳ Tú.
Một ông trùm họ đạo Thiên Chúa trong ngôi làng ấy có nghề nấu rượu ngon nổi tiếng bỗng một ngày do lơ đễnh của cậu con trai mà ông phát hiện ra rằng hoa Kỳ Tú đem rắc lên cơm “trôm” ủ men làm rượu thì rượu ngon tuyệt vời, có thể tiến Vua. Ông Trùm họ đạo liền đem phổ biến bí quyết cất rươu ngon cho dân làng cùng làm. Từ đó làng Kỳ Tú trở nên giàu có vì nổi tiếng làm rượu ngon nhất cả nước. Rồi một năm, người con gái của ông Trùm làng Kỳ Tú được gả cho con trai một ông trùm họ xứ La La. Đêm tân hôn, cô dâu mới biết chú rể là chồng giả. Chồng thật của cô là cậu bé mới 8 tuổi đêm ngủ còn đòi sờ ti mẹ. Một đêm kia, uất quá vì thằng nhãi ranh không thể làm chồng, cô vợ đã bạo lực với nó nên bị bố mẹ chồng đánh đập đuổi đi. Cuộc đời cô từ đó trải qua các công việc rửa bát hàng cơm, gái bán hoa, nhạc công lầu xanh nơi thành phố. Rồi cô được một anh ký giả giải thoát ra để lấy làm vợ. Giặc Pháp thua, anh ký giả theo Pháp về nước, bỏ lại cô cùng đứa con trai đỏ hỏn. Một năm sau, cô bỗng nhận được giấy báo tử của chồng do tai nạn máy bay. Trong những ngày đau đớn, bơ vơ, cô gặp và lấy một anh bộ đội trẻ. Họ sống rất hạnh phúc bên nhau hơn 2 chục năm trời. Bỗng một ngày kia người chồng ký giả về Việt Nam xuất hiện trước vợ cũ. Hai người đàn ông đã thông cảm với nhau, chấp nhận lời đề nghị của cô là cùng sống chung trong một gia đình với mô hình một vợ hai chồng.
Đó là toàn bộ câu chuyện của tiểu thuyết Hoa Kỳ Tú mà tác giả Nguyễn Minh Thắng vừa ra mắt do Nhà xuất bản Hồng Đức ấn hành cuối năm 2015.
Câu chuyện không có gì mới về thân phận con người và làng quê Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám năm 1945. Nhưng nó dẫn dụ người đọc bởi 2 vấn đề: Tình tiết hấp dẫn, lôi cuốn và hiện thực được thi vị hóa.
Trước hết về tình tiết. Nếu ai quan tâm đến sự nghiệp sáng tác của tác giả Nguyễn Minh Thắng thì đều biết, ngoài 3 tập thơ, ông còn 3 tập truyện ký, 3 tập truyện ngắn và 4 cuốn tiểu thuyết. Như vậy phần văn xuôi khá nhiều. Soi đọc văn xuôi của ông, từ cuốn truyện đầu tiên cho đến tiểu thuyết Hoa Kỳ Tú này, càng thấy đặc điểm nổi trội của bút pháp văn xuôi Nguyễn Minh Thắng là tình tiết. Tình tiết nhiều. Vâng, truyện của người khác cũng tình tiết nhiều. Cái nhiều về số lượng chưa làm nên cái hay của chữ nghĩa. Nhưng tình tiết hấp dẫn lôi cuốn mới là điều đáng bàn. Nó vừa là tài năng, vừa là trải nghiệm vừa là vốn sống được tích lũy của một đời cầm bút. Tình tiết thú vị làm người ta nhớ lâu. Ví dụ: Trong tiểu thuyết Dòng sông Hoa của Nguyễn Minh Thắng, tôi đã từng ám ảnh về chiếc quan tài trong ngày cải mả. Bật lên, đầy ắp nước trong veo không thấy hài cốt đâu khiến mọi người phát hoảng. Rồi mãi sau mới phát hiện ra cái xác người còn nguyên như sáp dính chặt vào mặt dưới tấm ván thiên khi bật lên, khiêng ra không ai để ý. Còn trong Hoa Kỳ Tú, ta bị lôi cuốn bởi biết bao tình tiết hấp dẫn: Những đôi nam thanh nữ tú yêu nhau đưa nhau ra giữa dòng Tô Tô, nữ uống 9 ngụm nước, nam uống 7 ngụm nước để tình yêu vững bền trọn đời; Một cô gái điên lội xuống sông ngắt hoa Kỳ Tú đưa lên mũi ngửi mà tâm thần trở lại minh mẫn bình thường; Hai bông hoa Kỳ Tú hái chơi chẳng may rơi vào thúng cơm ủ men làm rượu thế mà rựơu cất ra đặc cắm tăm, thơm ngon ngây ngất, khoái lạ từ chân tóc đến tận móng chân trở thành rượu đệ nhất thiên hạ; Bát tiết canh đỏ thắm như hoa râm bụt đông cứng như thạch, dốc ngược không rơi, ăn hết mà lòng bát vẫn khô nguyên. Hai thuyền đón dâu vừa rời bến thì gặp cơn gió Kỳ Lân ập đến muốn lộn ngửa con thuyền, làm tả tơi cây cối, lều quán; Một ngài danh y chỉ nắm mạch tay mà biết vận mệnh 5 năm trước và 5 năm sau của người xem mạch; Một thằng chồng 8 tuổi gọi đứa vợ 16 tuổi là chị, xưng em đêm nằm với vợ khóc mếu máo đòi sờ ti mẹ chứ quyết không sờ ti vợ; Đêm ái tình, sau cái tiếng như một tiếng đòn càn xâu vào bó lúa “đánh sột”, người con gái cong lên như con tôm xát muối… trở thành đàn bà; và người đàn bà ấy bật dậy, vặn mình uống ngay một ly nước lá đậu ván tươi đã lọc để tránh thai; Một người vợ phân lịch cho hai người chồng ngủ với mình trong từng tuần…. còn rất nhiều, rất nhiều tình tiết khác không thể kể hết hoặc không tiện kể ra đây. Nếu không có vốn sống phong phú, không trải nghiệm cuộc đời từng sinh ra lớn lên ở một làng quê lam lũ, từng qua 2 cuộc kháng chiến, đi nhiều miền quê đất Việt tiếp xúc với nhiều hoàn cảnh, làm sao Nguyễn Minh Thắng viết ra được những điều kỳ thú kia? Người đọc có thể quên đi côt truyện nhưng tình tiết có khi ám ảnh mãi trong tâm hồn họ. Có khi làm người ta hãi hùng trong cả cuộc đời. Ví dụ tình tiết người vợ trẻ do bức xúc quá không chịu được đã túm cả cụm chim thằng chồng tám tuổi giật phăng như người ta nhổ cỏ khỏi mặt đất.
Nhưng trải nghiệm từ cuộc đời mình chưa đủ. Nhà văn còn phải hòa vào cuộc sống của thập loại chúng sinh, nhập thân vào tâm hồn thể xác họ mà khai thác. Cái trải nghiệm do nhà văn cần mẫn tích lũy, chịu tìm tòi khám phá. Còn sự tưởng tượng thì phải tài năng cộng với tâm hồn mộng mơ lãng mạn. Điều đó thể hiện khá rõ trong tiểu thuyết Hoa Kỳ Tú này. Và ta bắt gặp chất thi vị hóa, lý tưởng hóa trong suốt câu chuyện của Nguyễn Minh Thắng. Ấy là ông tả dòng sông nước xanh như ngọc chảy bên ngôi làng thơ mộng, một đêm có hạt sao rơi vào khóm hoa lạ màu đỏ thắm làm phát ra mùi thơm ngào ngạt. Từ đó chiều chiều các cô gái làng ra sông tắm thường ngắt hoa cài lên mái tóc khiến hương thơm hàng tuần chưa hết. Ấy là ông kể chuyện trai gái hát ghẹo đối đáp nhau bên bờ sông nước; Rồi những đoạn văn thi vị cái làng quê nấu rượu ngon, cái đêm thu buồn tàn tạ khi mất nghề, những đêm tình yêu chồng vợ… Đặc biệt, trong tiểu thuyết Hoa Kỳ Tú không có hai tuyến nhân vật cọ xát, đối nghịch. Không có nhân vật phản diện hay chính diện. Hầu hết họ đều tử tế. Từ người nông dân ở nhà quê đến cô bán cơm trên phố. Từ con gái nhà lành đến mụ “Tú bà”, từ anh chạy xe đến ông ký giả… thậm chí cả nhân vật Toàn quyền người Pháp đều nhân hậu, tốt lành, không đáng ghét. Có nhân vật còn tốt đến thánh thiện như ông già câm, anh bộ đội chồng Liễu. Đặc biệt nhân vật Liễu (trước tên là Vĩnh), là nhân vật chính, biết hi sinh chịu đựng, sống bao dung nhân hậu, có tài có sắc mà không tha hóa chốn lầu xanh…
Đọc xong cuốn tiểu thuyết, lòng không nặng nề suy tư mà thấy thêm hiểu biết về một miền quê và những con người của một thời gian nan vất vả. Tình tiết của truyện cũng cho ta thêm vốn sống, giúp ta khám phá truyền thống văn hóa, đạo đức, lối sống dân tộc Việt.
Tuy nhiên Hoa Kỳ Tú không phải không có những điều chưa ổn. Ấy là kết cấu của câu chuyện chưa hợp lý ở chỗ: Đọc Chương I và Chương II, tưởng như nội dung chính là vấn đề nghề rượu của làng Kỳ Tú và cuộc đời ông Trùm Khế - ông tổ của rược Kỳ Tú là nhân vật chính. Thế mà nhân vật chính mờ nhạt dần rồi mất tiêu. Từ Chương III cho đến hết, tác giả chỉ tập trung vào nhân vật Liễu. Xem đầu đề tên tiểu thuyết tưởng nhân vật Liễu được xây dựng ẩn ý trong loài hoa Kỳ Tú, tưởng hoa Kỳ Tú là hình tượng của Liễu, nhưng lại không phải. Nội dung truyện xảy ra ở thời kỳ trước năm 1945 (Vì thấy nhân vật toàn tiêu tiền Đông Dương) vậy mà có những chi tiết như thời những năm 60 thậm chí như thời chúng ta đang sống. Ví dụ Cô dâu mặc váy đầm xòe bằng vải voan trắng toát, chân đi đôi giày cườm bảy phân, tất tay voan trắng, tay đeo chiếc nhẫn kim cương. Đám cưới hàng trăm mâm cỗ ngoài giò chả thịt gà có cả nem chua, ninh mọc, chim quay, bò xào, canh bóng… và hoa quả tráng miệng. Có nhân viên tiếp tân đều mặc đồng phục, có giàn nhạc sống với toàn khúc nhạc tình của Pháp ý, Tây Ban Nha,… Vô lý, ở làng quê Việt thuần nông thời đó, dù gia đình ông Trùm Khế rất giàu do cất rượu nhưng không thể tổ chức một đám cưới giàu hơn nhà địa chủ và hiện đại không kém thời nay như thế. Hoặc là tác giả kể cái bến xe ở một ngã ba phố thị thời trước năm 45 mà có cả xe khách, xe tắc xi và chừng 15 cái thì khó tin. Ngoài ra ta còn thắc mắc nữa là cả hai gia đình thông gia đều là Trùm đạo (Một chức sắc rất mẫu mực, tín nhiệm trong họ đạo), vậy mà cưới con không làm phép cưới, ở xứ toàn tòng mà dân làng không dị nghị gì, cha Giám mục không hề biết… Lạ thật, vì như vậy là phạm tội trọng, là hai ông trùm không xưng tội với cha.
Thôi, tạm cảm nhận riêng như vậy. Có thể tác giả có cái lý của sáng tác. Và chúng ta có cái lý của người đọc. Dù sao đây cũng là một thành quả lao động sáng tạo nghiêm túc, nhiều đam mê và cũng đầy tâm huyết. Đáng trân trọng hơn lại là thành quả của một cây bút đã tám chục tuổi đầu, là thương binh của thời chống Pháp. Như ông, nhiều người đã mệt mỏi, nhiều người đã an vị. Vậy mà ông còn đầy nhiệt huyết với văn chương chữ nghĩa. Ông khoe đang viết tập hồi ký. Và chúng ta tin rằng Hồi ký cũng chưa phải là tập sách cuối của ông.