Thế là Tỉn đi bỏ lại đồi cát mênh mông một ngày nắng gió rát rạt.
Trước khi đi Tỉn có đến bãi chăn tìm Tráng chia tay. Tiếng là chia tay chứ thực ra Tỉn tới trả lại chiếc khăn rằn đợt lâu rồi Tráng mua cho Tỉn chống nắng. Vậy là cô gái cuối cùng của Đồi Cát cũng bỏ xứ ra đi đến miệt đất hứa. Ờ, ai cấm được người ta đâu, Tráng chợt nghĩ vậy lúc thấy Tỉn lấp ló phía đụn cát xa rồi buột miệng với theo:
- Tỉn ơi! Mạnh giỏi nghen!
Tỉn day mặt lại, biểu cảm khuôn mặt ra sao Tráng chẳng thấy rõ được, chỉ nghe tiếng dội:
- Kêu Diễm Lệ, đừng có Tỉn ny Tỉn ơi nữa nghe hôn.
“Ủa vậy hả”, ba tiếng gọn lỏn chưa kịp thốt ra Tỉn đã mất dạng còn đâu. Lúc đó Tráng mới sực nhớ chưa hỏi Tỉn vô miệt nào để khi có dịp ghé chơi, xong lại tự cười mình ngô nghê quá đỗi, Tỉn mà lên miệt đó thành Diễm Lệ của người ta Tráng tới khác nào kỳ đà cản mũi. Thôi cứ để Tỉn thong dong xứ đó, làm những gì Tỉn muốn, chừng khi nào chán Tỉn sẽ quay về. Là Tráng nghĩ vậy thôi chứ Tỉn có quay về không Tráng cũng không chắc lắm. Từ khi biết nghĩ, Tráng chưa thấy ai về thăm xứ này. Trong làng giờ còn lại các già, chỉ hai đứa con nít là Tráng và Tỉn. Ngày qua ngày hai đứa lùa đàn bò ra bãi chăn, nghịch cát thỏa thích cho tới tận xế chiều mới trở về, quấn quýt nhau như hình với bóng. Giờ Tỉn đi, bóng mất hình hay hình mất bóng? Cái nào cũng bỏ lại nỗi trống vắng mênh mông.
Tỉn hay than xứ gì chán quá chẳng có màu sắc, đến một đóa hoa cũng không nở nổi. Hình như lần đầu tiên rớt câu đó là lúc chậu hoa mà lái bò mang cho Tỉn rụi tàn dù hôm qua nó còn rực rỡ. Tráng ngó mặt Tỉn thì hiểu trong đáy mắt đó đã tràn ngập nỗi thất vọng vô cùng và ẩn sâu là niềm khát khao được chạy ù sang miền đất phía bên kia đồi cát. Tráng hiểu rằng Tỉn đã không thuộc về Đồi Cát này nữa. Dường như cái gì đẹp đẽ tới đây đều bị nắng thiêu rụi ra một màu vàng cát, rồi chiều ngả màu đỏ quạch. Tráng thì thấy cát đổi màu cũng hay mà sao chẳng ai thèm ngắm.
“Ngày nào cũng hai sắc áo thay qua thay lại có gì đâu mà ngắm”. Tỉn biểu vậy mỗi khi Tráng rủ ra đồi cát chơi. Hay tại tính của Tráng chỉ thích những gì bình dị quen thuộc thành ra chiều nào cũng nằm lăn, nghe hơi thở cát phả vào tấm lưng trần. Cũng có thể nhờ đó mà Tráng khỏe lắm chả bệnh bao giờ. “Ai đời nằm xuống cát nóng cho da đen thui, ông đúng người ở trển rớt xuống thiệt á”. Tỉn cằn nhằn vậy mỗi chiều ngồi đợi Tráng tắm cát. Kệ Tỉn, Tráng vẫn nhe răng cười như chuyện đó chả thấm tháp gì. Tỉn thì khác xa Tráng, lúc nào cũng bịt kín từ đầu tới chân chỉ chừa hai con mắt, Tỉn biểu ráng giữ da chớ “nhất dáng nhì da” mà, xấu quá ma nào thèm mướn. Tráng cười hề hề làm mướn cần đẹp chi, nhanh nhẹn được rồi. Một cái lườm dài hàng cây số cho câu nói thiệt thà của Tráng:
- Thời giờ làm mướn cũng cần nhan sắc, có sắc vóc làm công chuyện nhẹ nhàng, lương cao, còn không nai lưng ra làm cũng chả được mấy đồng đâu, hiểu chưa?
Tỉn hay chêm “hiểu chưa” vô sau câu nói nào mà cho là quan trọng như một kiểu trang trí. Thây kệ, Tráng cũng không quan tâm lắm đến mấy chỗ rườm rà Tỉn bày ra. Thành ra hai đứa nói chuyện, người ngoài nghe chỉ biết lắc đầu “Ông nói gà bà nói vịt, vậy cũng nói chuyện được hả bây?”. Bây giờ thì hết rồi, Tỉn đi là chấm hết những tháng ngày xưa cũ. Giờ Tráng hay rỉ rả nói với thằng Mười Hai. Thằng Mười Hai không biết hiểu gì không mà thi thoảng nó cạ cặp sừng vào tay Tráng, lè lưỡi liếm mặt Tráng rát rạt. Bữa nào Tráng đoán trước ý định của nó thì nhanh nhảu hất mặt đi chỗ khác, bữa nào lơ đễnh xíu là một bên má rát buốt, thứ lưỡi bò nhám sần nhai cỏ gai còn chả xi nhê gì thì hỏi da thịt nào chịu nổi. Vậy mà chả bao giờ Tráng càu nhàu gì thằng Mười Hai, thi thoảng chửi yêu nó “Mồ tổ cha mầy, thương thì nói mắc mớ chi liếm hoài vậy, rát biết hôn?”. Thằng Mười Hai thấy chủ cười cười thì được đà thè lưỡi liếm tới tấp, Tráng ghìm cặp sừng nó lại rồi lanh giò đi chỗ khác, đứng đó thế nào cũng phải về tắm gấp, nước miếng bò đặc quánh, keo dính như thứ mật đặc biệt quết tới đâu da thịt rít rắn tới đó sức đâu chịu được.
Đồi cát mùa này đang đợt đỉnh hạn bà chằng. Mới sáng ra đã hanh nóng hầm hập, lùa hết mấy ông già ra gốc quao cổ thụ giữa làng ngồi uống trà đá, tán dóc.
- Mầy ở nhà luôn đi chớ theo đàn bò chi, tụi nó tự đi ăn tự biết đường về. Bò còn khôn hơn người đó chớ.
- Dạ, con theo chơi sợ tụi nó đi mình ên buồn.
- Thiệt cái thằng dạo nầy tửng thiệt. Nhớ con Tỉn quá hả tụi?
Tráng giả lơ không đáp, lững thững theo bầy bò ra bãi chăn. Ở xứ này kể ra thì không cần đi chăn bò cũng được, đồng ruộng không có, cả xứ bao phủ bởi trảng cát dài uốn quanh, như ốc đảo lọt thỏm giữa sa mạc. Người miệt khác muốn tới chỉ có thể lần theo con đường độc đạo bên cạnh bàu nước, đi đường khác lạng quạng lạc ráng chịu. Mà hiếm khi xứ này có khách ghé thăm. Lâu thiệt lâu tới kỳ bán bò, già Cả mới gọi cho tay lái tới xem, ưng con nào thì bán con đó, trừ con Mười Hai ra, mà có bán chắc lái cũng không ưng, nó là con đầu đàn, già ghê lắm rồi, xẻ thịt ra ai mua. Tiền thu được dùng mua thực phẩm cho cả làng. Một luật bất thành văn mà ai cũng biết là không được đòi hỏi ăn thứ gì. Chuyện ăn uống giao tất cho già Hơn. Vợ già Hơn hồi xưa là bếp chính nấu đám nên già cũng học được ít nhiều. Tráng không biết chính xác được kể từ khi nào tất cả phụ nữ làng này đều bỏ đi xứ khác mần ăn, để lại một làng toàn những ông già, da đã chun như chiếc quần cộc cũ mèm và sáng tối chụm nhau lại đánh cờ tướng uống nước trà. Tráng hay tưởng tượng ra có một lời nguyền ghê gớm nào đó được yểm lên xứ này khiến mỗi người phụ nữ vừa chớm lớn lên là lại bỏ làng ra đi, như Tỉn vậy đó.
Chiều nay khi nằm áp lưng nghe cát thở, Tráng chợt nghĩ có khi nào Tỉn chán xứ thiên đường mà về sống cùng Tráng những ngày rong ruổi chăn bò không ta. Cũng có thể lắm chớ, đang ở một nơi thoáng đãng rộng rãi vầy mà phải nhét mình vô cái hộp bê tông vài chục mét khó chịu lắm chớ bộ. Mà cũng có khi Tỉn đi mất tăm luôn như mấy người khác, lâu lắc lâu lơ mới trở về, khi đó chắc gì Tráng nhận ra được Diễm Lệ xứ thiên đường. Ờ, xứ đó chắc nước xài thoải mái, xe chạy rần rần, cái gì cũng thơm tho đâu khét nắng như Đồi Cát này. Nhớ có bận tay lái bò cho Tỉn một chai thủy tinh bé tẹo bên trong có thứ nước thơm phức. Tỉn dành cất kỹ lâu lâu mới lấy ra xức một xíu, vào những ngày tâm trạng vui vẻ. Tráng nhớ khi đó ngực Tỉn lấp ló sau tấm áo. Từ đợt đó Tỉn hay thở dài, hay dòm bầu trời và hay nói những câu vơ vẩn “Ở ngoài đó chắc có nhiều đồ đẹp lắm ha, mặc đầm thì có đẹp không ha”… Tráng im lặng nghe, như thằng Mười Hai bây giờ, để Tỉn thoải mái dốc bầu tâm sự. Bây giờ không còn Tỉn, Tráng lại ước ao có ai nói cho mình nghe chớ nói mình hoài buồn lắm.
Ảnh: pixabay |
Hoàng hôn là lúc đẹp nhất của một ngày ở Đồi Cát. Không khí dịu hẳn lại, cơn gió bỏ đi cái đỏng đảnh buổi trưa trở nên hiền lành, ve vãn làn da dễ chịu. Bữa giờ Tráng nấn ná nằm ngoài bãi cát ngắm hoàng hôn cho tới khi tối mịt mới về. Thằng Mười Hai thấy chủ nằm đó cũng lững thững gặm cỏ dòm chừng không gọi đàn về sớm như thường lệ. Chắc nó hiểu Tráng có tâm sự nên có bữa chạy qua liếm liếm cái tay như biểu Tráng có chi buồn thì nói tui nghe nè mắc mớ chi nằm đó hơ. Vậy mà Tráng giả bộ không hiểu bật dậy hối nó về lẹ lẹ kẻo già Cả la mậy. Hứ, người chi lạ kỳ òm, người ta muốn chia sẻ mà cứ giấu giếm, khó thương dễ sợ. Nói vậy chớ thằng Mười Hai vẫn hụm gọi đàn về, rồi hôm sau lại lững thững canh chừng như sợ có ai phá hông cho Tráng ngắm hoàng hôn.
Tối nay già Hơn nấu món cá mú hấp cuốn bánh tráng. Chẳng hiểu nay ngày chi mà mấy già vui vẻ lôi bầu rượu ủ dưới đất lên uống. Tráng không dám uống dù mấy già biểu lớn rồi cũng nên biết uống rượu nha tụi. Tráng sợ thứ nước có men cay đó trôi tuột vào dạ dày sẽ đánh thức nỗi cô đơn ngủ quên hổm giờ dậy, tru tréo khóc than mất. Tráng từng thấy có già khóc kể đủ chuyện khi uống thứ này, cũng lâu lắm rồi, từ thời Tráng và Tỉn còn tí xíu chưa đứng tới nách mấy già cà. Từ bận đó tới giờ vò rượu mới được cơi lên. Tối nay hẳn là một đêm đặc biệt đây.
Nhưng không có già nào khóc kể sau khi bữa rượu tàn. Ai nấy đều lên bộ vó dài ngủ, còn mình Tráng lụi cụi dọn dẹp. Nói vậy cũng không chính xác, còn già Cả ngồi chòng gọc trước hiên ngắm trăng nữa. Khi Tráng dọn xong định đi ngủ thì già gọi giật:
- Tráng, ra chơi từ từ ngủ bây.
Tráng ngồi cạnh già, trước hiên, dưới ánh trăng mát lạnh. Đây là lần đầu tiên Tráng ngồi cạnh già, ngạc nhiên vì thân thể già tỏa ra thứ mùi thơm tho na ná mùi cát thở.
- Con nay lớn rồi, có dự định chi hôn?
- Dạ, con hôn hiểu già nói chi ạ.
- Bộ bây định ở xứ nầy hoài sao?
- Dạ. Chớ con biết đi đâu đây…
Già nhìn Tráng lăm lăm rồi thở dài “Ai cũng bỏ xứ nầy đi, có con đòi ở lại”. Xứ nầy cũng tốt mà già. Ừ, nhưng cái dẻo đất nầy chật hẹp lắm con ơi, ở xứ nầy riết rồi cũng lụi tàn.
Già nhớ hồi xưa mỗi tối trăng sáng gái trai gọi nhau đốt đống lửa to gần gốc quao nhảy múa đến gần sáng. Nhớ mỗi chiều tàn con gái trong làng rủ nhau gánh nước dưới bàu về nhà, bắp chân trắng ngần sáng cả đồi cát. Rồi lũ máy bay kéo nhau tới rải thứ nước hôi hám xuống, cây cối chết khô, chẳng còn con vật nào sống sót. Hạn hán kéo dài mấy năm trời càng làm cuộc sống khốn khó hơn. Già động viên mọi người ráng trồng lại vạt rừng, cày lại cánh đồng, hè nhau đào mương dẫn nước từ bàu xả về nhưng mọi cố gắng chỉ như hạt cát ném xuống bể. Cuộc sống càng bí bách hơn khi những cặp vợ chồng cưới nhau về sanh con ra chỉ toàn quái thai, dị dạng, chết khi vừa lọt lòng mẹ. Dân làng rủ nhau ra đi.
Già nhìn theo đoàn người lũ lượt dìu nhau men theo lối mòn cạnh bàu rời xa Đồi Cát mà ruột gan đứt từng đoạn. Cuối cùng làng này chỉ còn một nhúm đàn ông không ra đi, trụ lại đây bởi tình yêu da diết với mảnh đất sinh ra mình. Nhưng già biết rồi một ngày xứ này sẽ vùi dưới cát. Cát đang lấp dần làng nầy con thấy hôn? Ở lại đây chỉ có con đường chết. Với lại con vốn không thuộc về xứ nầy, con biết hôn? Là sao già? Tráng nghe tim hức lên một cái. Tại sao già nói vậy? Nó đã ở xứ này từ hồi lẫm chẫm tập nói tập đi tới giờ mà không thuộc về là sao? Nó đã coi xứ nầy là máu thịt, là hơi thở mà không thuộc về là sao? Tự dưng nó muốn khóc quá, như cái lần Tỉn biểu nó xê ra, đờn ông không được nằm gần đờn bà đợt ngực Tỉn vừa lấp ló. Cảm giác bị ruồng bỏ, xa lánh tràn trề khối óc nhỏ bé của Tráng. Khóc đi nếu con muốn, nhưng đó là sự thật. Con không thuộc về xứ nầy. Con đã đủ lớn để già nói sự thật nầy. Hôm đó, một buổi sáng mùa hạ hanh hao bật cúc áo, già lùa đàn bò ra bãi chăn thì nghe tiếng con nít khóc cạnh bàu nước nên ghé qua coi thử, thấy có đứa nhỏ trong cái làn tre đang rấm rứt khóc vì đói, thương lắm. Già đem nó về, hên sao lúc đó có con bò cái vừa sanh, già vắt sữa bò cho nó uống. Nó lớn lên từng ngày, biết lật rồi biết bò trên cát. Giờ đứa nhỏ đó đang ngồi cạnh già đây, thành một chàng trai to lớn rồi. Già nói dối! Tráng muốn thét lên như vậy nhưng lồng ngực cứng đơ, chỉ những giọt nước trong vắt từ đó tuôn ra, rơi ướt cánh tay rắn rỏi. Mãi một lúc sau Tráng mới bứt ra khỏi lồng ngực chút hơi yếu ớt:
- Vậy Tỉn từ đâu tới?
- Tỉn cũng tới theo cách mà con tới. Hai đứa là anh em. Già nghĩ vậy. Cái giỏ tre giống y khuôn, cả nét mặt cũng giống.
- Không phải đâu già ơi… Không phải đâu...
Tráng không còn kiềm chế được, tu lên hồi dài như tiếng hụm khắc khoải của con Mười Hai mỗi bận lái tới dẫn vài người anh em của nó đi biền biệt. Đó là sự thật, không ai thay đổi được sự thật. Già biết thời gian của già sắp hết rồi, nên phải nói cho con nghe, quyết định như thế nào là tùy con. Mắt già Cả nhìn Tráng như cầu xin. Tráng thấy nỗi đau giăng mắc khắp không gian. Tráng lay già thét lên:
- Không già ơi, con sẽ ở lại đây.
Già đổ gục vào vòng tay Tráng. Tráng bàng hoàng nhận ra già đã đi rồi, chỉ còn thân xác lạnh tanh và đôi mắt đau đáu. Niềm đau vỡ òa, lan ra khắp cơ thể Tráng, tràn vào khoảng không ngập ánh trăng lạnh. Tráng thì thầm vào tai già: Con sẽ ở lại đây, lùa đàn bò ra bãi chăn mỗi ngày, rửa chén và giặt đồ cho các già mỗi ngày. Con sẽ ở lại đây, mỗi ngày áp lưng nghe cát thở. Con sẽ ở lại đây già ơi, nhất định con sẽ ở lại đây…
Tráng ở lại Đồi Cát. Anh men theo bàu nước ra xứ ngoài tìm mua cây dương về trồng dọc theo rìa làng. Mỗi sáng Tráng dậy sớm xách thùng gánh nước tưới cây. Dương sẽ lớn nhanh thôi, Tráng tin là vậy, chúng sẽ vươn tán ra che chắn không cho cát lấn sâu hơn nữa. Tráng cũng tìm mua củ sen về ươm xuống bàu. Giống sen mãnh liệt thật, chỉ vài tháng đã vươn lá trải dày trên mặt nước. Tráng mua cả cá giống thả vào bàu. Xứ này sẽ ngập tràn sự sống chứ không dần lụi tàn như lời già Cả nói.
Ngày và tháng trôi đi trong niềm hy vọng của chàng trai có làn da nhuộm hơi thở cát. Các già lần lượt nối nhau ra đi, chỉ còn lại mình Tráng. Trên khuôn mặt non tơ ngày trước nay râu đã xùm xuề. Khi rừng dương vươn cành che mát khắp làng, sen nở rực hồng một góc bàu, Tỉn trở về. Tỉn về trong bộ dạng nặng nhọc vì cái bụng to ách đằng trước. Tỉn về với đôi mắt nhuộm buồn của đêm và sự mất đi cái giọng lanh lảnh từ đụn cát xa còn nghe thấy. Tráng sóng bước cùng Tỉn từ đồi cát về làng, sửa soạn góc nhà cho Tỉn nằm.
Tỉn không nói gì với Tráng, lặng im như đêm. Tráng không hỏi gì, mỗi sáng nấu sẵn đồ ăn và lùa đàn bò ra bãi chăn. Tráng đang trồng thứ cỏ mật lá dài bén ngót như lá mía, thân to đẫm nước và tỏa mùi thơm dìu dịu. Thứ cỏ này đàn bò rất thích. Tráng đành phải xỏ mũi và cột chúng vào cọc sắt để cho bãi cỏ mới trồng lên cao. Khi thân cỏ ngang tầm mắt Tráng mới chặt cho lũ bò ăn. Lưỡi chúng liếm lá cỏ như liếm mật, ngon lành thích thú. Mười Hai giờ đã thành lão bò, được Tráng ưu ái ban cho đặc quyền đi thong dong khắp nơi. Nó theo chân Tráng như loài chó, khi Tráng lội biển giăng lưới bắt cá nó đứng trên bờ liếm láp mớ rau muống biển chờ đợi. Tráng gỡ cá bỏ vào thùng mắc lên sừng, Mười Hai lững thững đem về nhà cho Tỉn. Nó vẫn giữ thói quen liếm má Tráng mỗi chiều, có khác chăng giờ Tráng chẳng la rầy nữa, dường như da thịt đã quen với thô ráp rồi.
Một buổi chiều mùa hạ sực nồng hương sen, Tỉn trở dạ. Tráng không toát mồ hôi hột, không cuống cuồng, bình tĩnh cắt dây rốn và tắm cho đứa nhỏ. Xong xuôi đâu đấy, Tráng bồng thằng nhỏ ra ngoài sân thì thầm với nó:
- Con thuộc về nơi nầy. Bầu trời nầy, đồi cát nầy, bàu nước nầy. Đồi Cát là nhà của con, là quê hương của con.
Thằng bé ré khóc những âm thanh đầu đời ngoài sân ngôi nhà gỗ cũ kỹ. Tráng nhìn ra đồi cát, ráng chiều bắt đầu rớt xuống, một màu đỏ quạch nhuộm khắp không gian. Hương sen từ bàu theo gió thoảng tới, ướp không khí trong thứ mùi mát dịu…
Nguồn Văn nghệ số 9/2022