Sáng tác

Đoản khúc. Truyện ngắn của Bùi Văn Trọng Cường

Bùi Văn Trọng Cường
Truyện
15:00 | 08/02/2025
Baovannghe.vn - Bãi tắm. Mùa tắm. Khách tắm. Trời thấp. Áp thấp. Mưa. Nguy cơ bão. Nhiều người bỏ dở kì nghỉ. Lắm người ở lại.
aa

Những người này trông chờ: mai, nắng, lại ra biển được chăng? Hay họ chẳng mong đợi gì? Cứ việc mưa. Hết số ngày nghỉ thì về. Vì, chót đến đây rồi. Vì sớm nhất thì, cũng phải bằng này sang năm mới tới đây được. Dù sao, mặc, họ là những người ở lại. Chỗ này tá lả. Nơi kia cờ tướng. Chốn nọ bi-a. Vài bà chuyện vãn. Mấy cô gợi giọng hát.

Bàn bóng bàn vẫn là điểm động đậy mạnh nhất. Một tay dáng chừng "thổ dân" bước ra tuyên bố luật chơi "Ở đây dịch vụ. Chẳng giống cơ quan. Thuê vợt mỗi giờ năm nghìn. Mỗi bận ba séc. Được ở thua ra. Thua, phải thưởng được hai bao ba số, một chai Hà Nội. Ngại mua, thì dùng tiền thay thế. Tôi trả tiền giờ đấu. Bởi vậy, được quyền chơi trước, chọn bên. Các giờ sau tiền thuê chia đều cho những ai chơi." Cả một cây Adidas từ gan bàn chân đến đỉnh thóp, anh chàng mang phong thái cầu thủ nhà nghề. Dưỡn ánh mắt thách thức về đám khách nghỉ vây quanh đó, anh ta "xin mời".

Tiếng xì xào:"Cha này ở đâu ta mà hung hãng tợn? Có mẽ. Nhưng chơi, chắc đã ra gì. Ta, liệu có ai bóp được hắn không?"

Một người cao, vâm, vận áo phông khuyến mãi của công ty mắm tôm Nữ hoàng, rút sau lưng ra một cây vợt màu mắm cáy, lưỡng lự: "Chơi thì chơi..."

Trận đầu tiên. Séc thứ nhất, người thách thắng. Séc thứ hai, đối phương thắng lại. Séc thứ ba, người thách lại thắng. Kẻ thua thừa nhận "Y gò dai, bóng ngắn, xoáy, lỏng. Mình sốt ruột, tiu nên toi." Lúc đó, quãng chín giờ sáng. Các tay chơi lần lượt so vợt. Kém năm phút đầy mười hai giờ trưa, sau tất cả các trận toàn thắng, người thách tạm kết: "Đánh nốt trận này, nghỉ, ăn trưa. Không ăn, đến mẻ cũng chết. Chiều, đánh tiếp." Trận này anh ta cũng thắng nốt. Gọi cô bán hàng gần đó vào bán lại toàn bộ "chiến lợi phẩm". Bỏ gọn tất cả số tiền vào mũ, chụp lên đầu.

Buổi chiều. Vẫn mưa. Người ta lại vây quanh bàn bóng. Hệt sáng nay, anh chàng làm quảng cáo không công cho hãng Adidas kia vẫn là chủ thể ôm bàn, tiếp và loại mọi cây vợt. Chính cái anh vận áo phông của công ty mắm tôm kia, sau khi ăn trưa, ngủ đẫy mắt, nghĩ cay mũi thế nào, lại vào chơi một trận phục thù. Thua hoàn thua. Thấy vậy, nhiều người dự lượng tài mình, chỉ đứng xem, nghĩ ưng ức. Chơi mươi lăm phút, đi đời vài ba chục nghìn. Chả chơi. Ngày sắp đổ, đương kim vô địch của khu nhà nghỉ vẫn chưa tìm ra đối thủ. Vẻ đắc thắng, anh ta khoe khoang thành tích. Dẫn ra một số tên tuổi có thứ hạng trong làng bóng bàn nội địa từng là bạn tập của mình, kể lại những trận đấu nghiêng ngả, đáng nhớ với vài cầu thủ vừa tập huấn ở nước ngoài về... Anh chàng như có thiện ý giúp mọi người dự đoán sớm, ngay trước mặt họ là một cây vợt sáng giá đang chọn ngày, giờ đăng quang. Có lắm điều nghe đến, chối tỉ, nhưng cũng không có ai miệng thèm đốp lại kẻ đang say sưa lạm dụng phép lợi thế. Chí ít qua mặt tất cả mọi người ở đây, mạnh mồm sao chẳng được. Đấu bóng đã lép hẳn rồi, hơi đâu đấu khẩu. Đám đông tản ra.

Đoản khúc. Truyện ngắn của Bùi Văn Trọng Cường
Hình ảnh minh họa. Nguồn pinterest

Bỗng, một ông già xác ve trong bộ quần áo xoàng cũ, nước da săm sắn, hói đầu trơ sọ, râu trắng hoang vu, suốt từ sáng tới giờ không ăn uống gì, chỉ chăm chú ngồi xem, đột nhiên đứng dậy, lê dép về bàn bóng "Không ai chơi nữa thì cho tôi chơi với anh bạn trẻ vài quả cho đỡ buồn tay vậy." "Bố già ơi, trước nay con chả chơi suông đâu.” "Thì tôi cũng chẳng chơi suông." Ông lão cười hiền từ, bí hiểm. Anh kia về hai ngón tay làm động tác đếm. "Mà bố có... không đã?" "Anh yên tâm thiên hạ chịu được, tôi chịu được." "Con chơi một ăn mười với bố. Tức là con thắng, bố thưởng con như mọi người đã thưởng. Còn, nếu bố thắng, con phải thưởng bố gấp mười lần." Ông lão gật đầu. "Còn luật chơi, biếu hẳn mười lăm quả." "Tôi biếu anh? Hay anh biếu tôi?" Như người chậm hiểu, ông lão hỏi lại. "Dĩ nhiên là con biếu bố rồi." Nghe là lạ, mọi người lại xúm vào. "Tôi chấp nhận luật thưởng của anh. Về luật chơi, nên ngang phân, cho dễ đánh. Kể cả việc đứng bên nào và quyền giao bóng, cũng phải bắt thăm." "Phải đấy?" Đám đông phụ hoạ. "Tùy bố. Con không ép!" Anh ta nhếch mép.

Séc thứ nhất. Anh kia nhìn ông lão như giao một đường bóng bỡn cợt. Đoạn, anh ta bỡn cợt giao bóng. Lóng nga lóng ngóng, ông lão giơ vợt ra: trượt. Quả thứ hai, dỡ trúng: bóng nảy ra ngoài. Quả tiếp: rúc lưới. Quả nửa: tý teo nữa vào bàn. Quả nữa: lại rúc lưới. 0-5. Đến lượt ông lão giao bóng. Ba quả đầu: vọt ra ngoài. Quả thứ tư suýt nữa sang bàn bên kia. Quả thứ năm: giao hụt. Đổi giao bóng. Xem trực tiếp không sốt ruột. Nhưng, nghe kể lại thì sốt ruột. Nói ngắn, séc đấu đích thị trò đùa. Ông lão thua với tỷ số: 0-21. Người xem được phen cười chảy nước mắt.

Séc thứ hai. Tình thế thay đổi giật mình ngay từ quả giao bóng đầu tiên. Kiễng chân, thót bụng, ông lão giật phát vợt từ dưới lên, bóng bay lưng lửng vào bàn. Bên kia đỡ: bung ra xa. Quả thứ hai, khuyu gối, ông ngoáy vợt từ mé phải chếch xuống, bóng là là lưới. Bên kia vớt lên: rúc lưới. Quả tiếp, tung bóng lên cao, xúc mạnh. Bên kia chặn kịp: bóng bật ra ngoài. Cứ thế... Ăn năm quả giao bóng, có vốn rồi, ông lão chơi thoải mái như trong buổi tập. Mọi động tác cắt, chặn, đập, chém, giật, tạt, vả đều rất tự tin chuẩn xác, đẹp mắt. Tuy không thắng lại được với tỷ số 21-0, nhưng ông cũng hạ đối phương dưới mười. Ông lỡ làm hỏng mấy quả giao bóng hóc hiểm. Phí đôi quả vì cắt bóng sát lưới quá. Không đỡ kịp vài quả do di chuyển chậm.

Vòng trong - ngồi. Vòng ngoài – đứng. Cổ động viên reo cười phấn khích. Mặt ông lão bình thản như không. Mặt anh kia căng thẳng như chịu trận. Chỉ có thể cho rằng, thời trẻ, ông lão là một cầu thủ nhà nghề, còn khi về già, là diễn viên điện ảnh kì tài.

Séc thứ ba. Thuộc các bài bản của nhau, đôi bên thận trọng, trổ hết tài, chơi hết mình. Ông lão thắng tiếp với tỷ số khá chênh lệch. Chậm rãi, uể oải đếm số tiền thưởng, ông lão vuốt các đồng bạc cho phẳng phiu, bỏ túi ngực, cài khuy, định bước ra về.

"Khoan đã, bố. Thắng một trận đã rút là ăn non. Ngay bây giờ, con có nguyện vọng được hầu bố đủ ba trận." Mệt mỏi, ngán ngẩm, ông lão miễn cưỡng quay lại bàn. Tỳ nắp chai vào cạnh ghế, tay vỗ mạnh, không để bọt trào ra đất, làm ba hơi, ông lão tu cạn chai bia. Xoa hai bàn tay xuống mặt bàn, ông giục: "Đánh thôi. Tôi đang vội."

Hẳn vì vội, ông muốn đánh nhanh, thắng nhanh. Để kịp lo một việc hệ trọng? Ông lại thắng. Liền hai séc.

Thở dốc, đếm tiền, vầng trán lo âu, ông lẩm nhẩm điều gì? Chợt như tỉnh mộng, vụt đứng lên, ông nghiến răng cầm vợt.

Trận thứ ba – trận cuối cùng. Chòm râu ướt bết, da đầu loang loáng mồ hôi, áo quần sũng nước, ông lão chơi như lên đồng đến hồi thánh nhập. Đối thủ bên kia bàn giở hết các ngón, từ líp giật, đập lái, bấm bóng vọt bổng về hai góc đến gảy bóng bần tiện gần lưới hoặc treo bóng lỏng ngang vai. Tất cả các que đều bị ông già bắt quyết và loại trừ. Liên tục lau khuôn mặt đỏ gắt, anh kia bặm môi ghì, quật, phạt những đường bóng cứu hộ. Trước mắt anh ta, ông lão ngoan cố chẳng khác một con gà chọi nòi, già cấc; mào, cánh tả tơi, xơ xác trong trận huyết chiến

cuối cùng, trước khi bán sới. Ông cũng hệt ngọn lửa cạn kiệt chỉ chực rướn lên. Rồi tắt ngấm. Lần nữa, lại xảy ra sự lạ: ông lão thắng tiếp hai séc liền với tỷ số áp đảo.

Tựa quả bóng xẹp nhẵn hơi, kẻ thách đấu lộn ngược hết các túi áo, túi quần để tìm tiền. Không đủ. Nhìn quanh, anh ta định cầu cứu những người quen. Ông lão đưa tay đón tiền: "Thôi thế, thừa rồi. Dù sao, anh cũng chịu chơi. Và chơi trung thực. Tiếc không gặp anh sớm hơn và đừng bị ném vào tình huống khốn quẫn như thế này. Vĩnh biệt." "Phải hẹn tái ngộ chứ. Cụ chớ nói gở!" Một người đứng đó nói chen vào.

Nắm chặt bàn tay người thách đấu, ông lão hấp tấp đi ngay trước ánh mắt kinh lạ của những người chứng kiến. Vài chớp mắt sau, chiếc xe ôm đưa ông mất hút về phía thị xã trong màn mưa run rẩy của một ngày tàn.

Sáng hôm sau, người lái xe ôm kể lại: chiều tối qua anh ta chở ông lão đầu hói, râu dài đến phòng cấp cứu - hồi sức. Bà vợ già của ông nằm đó dã hơn một ngày, đang chờ phẫu thuật rối tắc ruột. Cần nộp viện phí. Cần tiếp máu, tiếp đạm. Cần biệt dược. Tóm lại: cần tiền. Mà, ông và bà lại không mang dự phòng tiền nhiều khi đi xa, dự dám cưới con gái người anh họ, vốn cũng nghèo túng như mình. Nhờ người nhà trông nom giúp bà vợ đang sốt li bì, ông lão vào khu nhà nghỉ tìm kiếm vận may. Không phải có tiền - có tất, nhưng có một sự thật hiển nhiên: một phần nhờ có số tiền thưởng kha khá và kịp thời kia, bà vợ đã được ông cứu sống. Ca mổ hoàn hảo. Chừng tan thuốc mê, bà lão kể chồng bà xưa từng vô địch đơn nam bóng bàn của một tổng cục. "Chắc bà cụ chưa tỉnh hẳn?" Cô y sĩ trực buồng hậu phẫu nghĩ vậy.

Bà lão chưa biết: vào đúng cái đêm bà lên bàn mổ, chồng bà đã gạn hơi thở cuối với nụ cười đắc nguyện. Vì hạnh phúc? Hay đơn giản, vì kiệt sức? Chỉ linh hồn ông lão biết đích xác. Nhưng, liệu có linh hồn hay không?

Văn nghệ, số 32/1998
Bình yên - Thơ Chiêu Linh

Bình yên - Thơ Chiêu Linh

Baovannghe.vn - Bình yên là khi về với mẹ với anh/ với con thơ và cánh đồng sau nhà có nhiều luống cải.
Hội nghị ĐBQH chuyên trách: Cho ý kiến 10 dự án luật quan trọng

Hội nghị ĐBQH chuyên trách: Cho ý kiến 10 dự án luật quan trọng

Baovannghe.vn - Sáng 25/3, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 7, nhiệm kỳ khóa XV để thảo luận, góp ý kiến về các dự án luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.
Tương lai cho thế hệ vươn mình

Tương lai cho thế hệ vươn mình

Baovannghe.vn - Đảng và Nhà nước sẽ tiếp tục xây dựng, triển khai các cơ chế, chính sách tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để thanh niên phát triển lành mạnh, toàn diện, hài hòa về đức-trí-thể-mỹ. Baovannghe xin đăng toàn văn bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm "Tương lai cho thế hệ vươn mình"
Từ bên này trái đất đến bên kia - Thơ Đinh Ngọc Diệp

Từ bên này trái đất đến bên kia - Thơ Đinh Ngọc Diệp

Baovannghe.vn- Bom nổ từ bên này đến bên kia trái đất/ Kẻ giết hoa chết đi, máu lộn kiếp thành hoa
Tổ chức triển lãm “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người”

Tổ chức triển lãm “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người”

Baovannghe.vn - Kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2025), trong khuôn khổ Lễ hội Làng Sen năm 2025 tại Nghệ An, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Triển lãm “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người” tại Nghệ An