Diễn đàn lý luận

Đọc thơ Mai Thìn nghe "Tiếng chim về cũ" ( tiếp theo và hết)

Tác phẩm và dư luận
17:08 | 09/09/2021
Với một quan niệm nghệ thuật sáng rõ như thế, hẳn nhiên Mai Thìn đã xác lập và qui chiếu cho mình những tiêu điểm thẩm mỹ thơ để hình thành nội dung thơ,
aa

(Tiếp theo và hết)

Với một quan niệm nghệ thuật sáng rõ như thế, hẳn nhiên Mai Thìn đã xác lập và qui chiếu cho mình những tiêu điểm thẩm mỹ thơ để hình thành nội dung thơ, hình tượng thơ, ngôn từ thơ mang cá tính sáng tạo riêng. Trước hết, tôi muốn nói đến cảm thức hoài vãng trong thơ Mai Thìn. Đây có thể xem là chìa khóa để mở lối vào thơ anh. Nhìn lại, đồng hiện là cách tốt nhất để nhà thơ hiện hữu mình như một hiện sinh đích thực trong từng kinh nghiệm sống. Và như thế, thời gian không mất đi mà chính là thời gian được phục sinh những quan hệ quá khứ để mộng mơ vào tương lai mà trong từng khoảnh khắc đồng hiện chủ thể nhận ra:

Gần hết một đời

mong được đóa hoa thơm dâng tặng quê hương

đầu đã bạc

mỏi chân về lại ngàn xưa

bất chợt

dưới bóng quê nhà

tiếng chim ca

` về cũ.

(Tiếng chim về cũ)

Ký ức sâu đậm trong anh là mẹ, là cha, là mái nhà xưa với bóng ngày qua càng rộng dài theo năm tháng. Đó là những hình ảnh và hình tượng thân thương, xao động nhất: “nhớ hàng râm bụt/ nhớ cây cau/ đã phải vì ta mà chịu khuất/ một khoảnh vườn xưa/ vương trong tim” (Nhớ nhà).

Cảm thức hoài vãng là sự vận động hình tượng thời gian chính trong thơ Mai Thìn. Anh thể hiện nỗi lòng mình và nhập vai để nói nỗi lòng người thân về nỗi nhớ quê day dứt: “Rã rời trong nỗi nhớ quê/ mẹ mang cau héo hong nhờ mái hiên/ dõi nhìn bóng nắng xiên xiên/ trầu têm nửa cánh ưu phiền nhạt vôi”. Bóng mẹ cha là tượng trưng cho bóng quê và những gì thiêng liêng nhất khi nghĩ về cội nguồn nơi chôn nhau cắt rốn:

một đời bóng mẹ toả quanh

cây lên thành trái, trái thành chúng con

bây giờ dáng mẹ hao mòn

vào ra thơ thẩn nhớ con, nhớ làng.

(Nhớ quê)

Bởi vì trong anh, không có đâu bằng đồng ruộng quê nhà với mái tóc mẹ bay trong chiều lộng gió, thơm hương lúa đồng cùng mùi rơm rạ: “tôi lớn lên đi khắp cùng thế giới/ mênh mông hơn, hùng vĩ hơn nhiều/ nhưng không có/ hương tóc lùa đồng lúa/ và/ bóng mẹ tôi ngồi tựa cửa xoáy trầu trưa” (Làng Vĩnh Phú).

Chỉ có nỗi nhớ và hành trình trở về trong không/ thời gian hoài niệm thì con người mới có dịp lau chùi ký ức của mình một cách cụ thể và xúc động nhất: “Lâu lâu con lại về ngôi nhà xưa/ lau dọn từng ký ức/ sáng lên dưới lớp bụi mờ/ mà như thấy mẹ đi mẹ đứng mẹ nằm mẹ ngồi/ dáng còng liêu xiêu/ cơi trầu nhẫn nại/ mấy chục năm rồi vẫn không già hơn”. Từ đó, ký ức sáng bừng lên trong niềm vui tái sinh, sum họp:

lâu lâu con lại về

lau chùi từng ký ức

như lau gương mặt mẹ

mừng vui dưới bụi mờ.

(Lau dọn ký ức)

Bóng quê nhà cũng từ đó cụ thể hơn trong từng hình ảnh đồng hiện. Không gian sinh thái tuổi thơ còn đây như ngày nào thơ bé, khiến nhà thơ không cầm được rưng rưng, dù hiện tại tuổi nhà thơ theo năm tháng lớn dần: “qua năm tháng tưởng rồi như sợi tóc/ bạc trắng theo ngút ngát cuộc người”. Vậy mà bóng quê nhà vẫn còn đây trong từng hình ảnh trực cảm, gần gũi:

quê nhà là cái bến sông trong vắt

con bống con ấp vào trong bóng mẹ

nước lơ thơ thuở nhỏ tôi đằm

cảm ơn cây thị già, cảm ơn bống

trong lòng tôi neo mãi đến giờ

bóng quê nhà phủ kín những trang thơ.

(Bóng quê nhà)

Bóng làng luôn chập chờn trong những thao thức của Mai Thìn với “những địa danh lăn lóc bao đời”. Chúng thoáng hiện và lưu dấu trong tâm hồn nhà thơ từng đợt nhấp nhô:

lưu dấu mãi dáng hao gầy ngọn núi
nhấp nhô trông từng bóng tháp Chàm
mây thương nhớ vắt qua làng đợt đợt
như nỗi niềm bao kẻ xa quê

(Làng Vĩnh Phú)

Cái gạch nối giữa cảm thức hoài vãng và hiện tại là nỗi nhớ. Anh nhớ từng tiếng gà gáy sáng, nhớ tiếng chim gù trong ký ức, nhớ cả tiếng bom ngày sơ sinh mẹ mang anh chạy giặc, ở đó: “máy bay quần đảo trên đầu/ súng nổ/ và tiếng gà đẻ trứng/ là những âm thanh tôi đón nhận mặt trời” (Tiếng vọng đầu). Và từ đó, anh thấy mình mắc nợ với cuộc đời này lớn hơn, sâu hơn và xa xót hơn hiện thực rất nhiều: “tôi nợ cuộc đời này/ cả những thương đau”, những thương đau đã nuôi lớn tâm hồn anh, làm nên một Mai Thìn hiện hữu. Biết mình mắc nợ, tức là biết mình phải tìm cách đáp đền. Tận cùng của tình cảm và ứng xử văn hóa là vậy! Bởi vì, quê hương đã nuôi dạy anh lớn thành người: “cây xương rồng trên cát/ dạy tôi bền lòng/ bờ tre cha trồng/ dạy tôi làm đàn ông/ phải biết bảo vệ, phải biết nhún nhường/.../ dạy tôi gột cho sạch/ những hạt bụi đường/ những hạt bụi đời/ mong/ làm chùm quả ngọt” (Bên chái bếp của mẹ).

Từ cảm thức hoài vãng cụ thể có liên quan đến tình cảm và quan hệ cá nhân mình, Mai Thìn đã lần tìm đến những sự vật và chứng tích u trầm của lịch sử và văn hóa vật thể, phi vật thể. Qua đó, anh có dịp bừng thức trước những cổ mẫu điển hình ngay trên quê hương anh mà mỗi lần tiếp nhận nó, anh nhận ra thêm nhiều ý nghĩa mới. Nhìn những viên gạch tháp Chàm, anh thấy được bước thời gian đi trong từng màu đất để hiểu về “bất biến và chia ly”. Và thời gian đã kịp minh chứng cho sức sống vĩnh cửu từ sự sáng tạo của con người:

suốt mấy trăm năm
những viên gạch tháp Chàm
dán lên thời gian
mã vạch của vẻ đẹp vĩnh cửu.

(Những viên gạch tháp Chàm)

Nhìn ba ngọn tháp Dương Long, anh cũng nhận ra chúng như là bóng dáng ba chàng trai ra đi từ lửa - những cổ mẫu mộng mơ: “Ba ngọn bút vẽ lên trời xanh/ vẽ lên thời gian/ vẻ đẹp của tháp”. Và người đời sau đến thăm, lòng ngưỡng mộ đã làm dài thêm bóng tháp. Bài thơ mang vẻ đẹp ánh xạ thị giác trong người đọc:

ba chàng trai bước ra từ lửa

bước ra từ đất, từ nước

tôn cao nhau

quyện vào nhau

tiếng hát

chúng tôi đến thăm

vô tình

làm dài thêm

bóng tháp.

(Dương Long)


Mỗi dáng đá Mỹ Sơn đều có linh hồn. Chúng được người xưa tạc lên thành sự sống phồn thực, làm nên minh triết của sự sống: “Những Linga Yoni/ những vị thần/ những đỉnh núi quên tên/ làm nên dáng đá/ vũ nữ Apsara vòng eo rêu xanh/ phập phồng/ bước ra từ đá”. Ở đó, thời gian và sự sống của đá còn mãi trong sự tác động của tiếng kèn, vầng trăng và gió:

bài tình ca u u
lưng chừng nụ cười phớt qua
mê mẩn vẻ đẹp của đá

tiếng kèn saranai
vầng trăng lẻ loi đêm nay
níu vào trong đá

âm âm gió vọng về
hồn đá
thoảng
đâu đây…

(Hồn đá)

Cũng với cái nhìn nghi vấn và đối thoại với lịch sử, với quá khứ. Nhìn Hội An trong nắng, trong mưa, liên hệ đến trang sách, cuộc đời, anh thấy trong mắt mình đọng những vui buồn nhân thế: “Hội An trăng/ lững thững những con đường/ vương/ từ trang sách/ lật giữa cuộc đời/ rơi/ ánh mắt cười/ năm cũ” (Hội An). Nhìn những chiếc lá ngô trên bãi sông Hồng, anh lại thấy cả một trời dĩ vãng thầm thĩ qua phù sa ánh trăng Châu Thổ:

hổn hển trăng khuya

những chiếc lá ngô trên bãi Sông Hồng

hát

hát mãi bài ca sinh nở

đất đai rùng mình đón nhận phù sinh

(Những chiếc lá ngô trên bãi sông Hồng)

Như vậy, về một cạnh khía ý nghĩa nhân sinh mà nói thì, quá khứ và lịch sử cần cho con người và cuộc sống hôm nay hơn là cần cho chính nó.

Trong Tiếng chim về cũ, tôi muốn dừng lại ở chùm thơ Mai Thìn tưởng nhớ các nhà thơ quê hương Bình Định, nhóm thơ Bàn thành tứ hữu. Từ cuộc đời và sự nghiệp thi ca âm vang của họ, Mai Thìn muốn dựng chân dung bằng thơ về họ để người đọc cùng đồng cảm tiếp nhận và tôn vinh những người đã góp phần làm rạng rỡ “đất võ trời văn” một thời và mãi mãi. Với nhà thơ tài danh quá ngưỡng Hàn Mặc Tử, Mai Thìn dùng nghệ thuật gián cách và chấm phá để hiện hữu một thi nhân mà hồn thơ đã nhập vào trăng, vào thiên thu vĩnh cửu:

Nhón một nhúm thơ thả xuống Đầm Thị Nại

Hàn Mặc Tử không chờ ai

liểng xiểng bước lên đồi Ghềnh Ráng

nhập vào trăng

làm thiên thu...

(Hàn Mặc Tử)

Với Quách Tấn, chỉ lấy tên tác phẩm của ông để chứng thực cho con người và phẩm chất thi ca của ông. Đó là nghệ thuật liên văn bản mà Mai Thìn muốn đi đường tắt để chuyển tải thông điệp đến bạn đọc, không cần phải diễn giải thêm nhiều:

Ông là “mùa cổ điển”

ở “xứ Trầm Hương”

tâm vọng “nước non Bình Định”

vì trời không có mắt

chữ ông sáng trong tim.

(Quách Tấn)

Còn với tác giả bài thơ Bến My Lăng, Mai Thìn lại thức nhận Yến Lan từ góc nhìn địa văn hóa giản yếu mà ở đó vầng trăng Bình Định là hình tượng ám ảnh nhất đối với Yến Lan từ tuổi ấu thơ cho đến tuổi về già. Yến Lan yêu trăng, say trăng, nợ trăng cho đến trắng cuộc đời. Bài thơ ngắn mà mở ra rộng lớn khoảng trống của vô thức sáng tạo và vô thức tiếp nhận về đời và thơ Yến Lan mà các thế hệ người đọc hậu thế phải tiếp tục làm đầy nghĩa:

“Lọt lòng ra giữa bãi trăng”

ngày về ông cũng chọn một đêm trăng

tháng tám trời trong mây lướt thướt

mấy chục năm ròng

đã tới chưa.

(Yến Lan)


Người cuối cùng của Bàn thành tứ hữu là Chế Lan Viên được Mai Thìn trân trọng ngợi ca như là “thi ca chi bảo” từ thuở Điêu tàn đến Di cảo thơ. Chế Lan Viên đã sống và tồn tại như chính đời ông. Sống và viết và tư duy, sáng tạo, nguyện làm người làm vườn thi ca vĩnh cửu và làm chim báo bão vượt trùng dương để chắt nên tinh huyết cho thơ, tinh túy cho đời:

Bắt đầu từ “điêu tàn”

ông tỏa “ánh sáng và phù sa”

rồi làm “chim báo bão’

thơ ông cuối đời như máu

lọc

tự nhân gian.

(Chế Lan Viên)

Mai Thìn còn mở rộng đường biên tiếp nhận để ngưỡng mộ, ngợi ca tài năng và bóng rợp nghệ thuật của người nghệ sĩ, đặc biệt là những nghệ sĩ lớn. Hình ảnh cái bóng của họ ngồi bất động trước dòng thời gian và âm thanh chảy tràn trên sự sống thật của chính cuộc sống và cuộc đời họ là ảnh tượng tâm linh và ẩn dụ mang nghĩa ám gợi:

Ngày nào ông cũng ngồi ở cái bàn ấy

lách cách gõ bóng mình

lên thời gian miên chảy

lắng trong dòng đời

bài hát buồn

và đẹp

rồi tháng ngày

ông không ngồi đó nữa

cái bàn đã có người khác rồi

khói thuốc lá bây giờ không còn là khói của người xưa

bóng ông đọng trên tường thành vũng

mênh mang

thời gian không buồn chảy.

(Thời gian không buồn chảy)

Còn với Thái Thanh, giọng ca liêu trai, bất hủ đã hốt hồn chàng thi sĩ đa tình, khiến anh trở thành kẻ bạo hành nhốt tiếng hát của bà trong ngục tối trái tim mình để được sở hữu và thỏa lòng si cảm: “Tôi đã từng nhốt tiếng hát của bà/ một mình tỉ tê/ một mình mơn trớn/ những xoãi/ rơi/ loang chảy/ từ lâu chỉ một tôi nghe/ thấy// tôi si tình/ hay tình si tôi/ hay tôi si bà/ tiếng hát xanh/ lơi// những hỏi những ngã/ trả lại em yêu cơn mê chiều/ ngày xưa Hoàng thị/ ngút ngát chân mây”. Sự tự thú của Mai Thìn khiến anh càng trở nên giàu có, tin yêu:

tôi đã từng nhốt tiếng hát của bà

trong ký ức

trong nguôi quên

dẫu khi

không còn nữa.

(Thái Thanh)

Ký ức tiếng ca xanh Thái Thanh luôn thường trực trong cõi nhớ, cõi quên và cả cõi khác của Mai Thìn.

***

Trở lên chỉ là cảm nhận của tôi về hình tượng và tiêu điểm thẩm mỹ chính của tập thơ. Còn nhiều yếu tố thi pháp cần đồng cảm và chia sẻ, ví như vấn đề ngôn từ, giọng điệu, biểu tượng, thể thơ, cấu trúc câu thơ... mà trong bài viết ngắn này, chúng tôi chưa thể phân tích, minh chứng. Nhưng thiết nghĩ, như thế cũng đủ để chúng ta yêu quí và đồng cảm một hồn thơ. Khép lại Tiếng chim về cũ, thấy xao động, réo rắt, đông vui tình người, tình thơ trong khát vọng của chủ thể sáng tạo“mê mải nặn trái tim mình/ bằng chữ” để “vẽ nên gương mặt của nhà thơ”. Mai Thìn đã thực sự làm người đồng hiện bóng quá khứ gần và quá khứ xa trong tâm thế giao tiếp và đối thoại nhân văn của con người hiện tại. Qua đó, anh muốn khẳng định những giá trị hằng cửu của cuộc sống và hiện sinh đời người bằng tiếng nói thi ca. Đọc thơ Mai Thìn nghe đâu đây tiếng chim nơi vườn mẹ ngày xưa đang về vui ríu rít.

Vỹ Dạ, 8/ 2021

H.T.H

----

* Tên các tập thơ của Mai Thìn


Dấu mốc trên hành trình tiểu thuyết

Dấu mốc trên hành trình tiểu thuyết

Baovanghe.vn - Tấn kịch ở Hạ Lỗi là tiểu thuyết thứ 6 trên hành trình tiểu thuyết của Nguyễn Nhuận Hồng Phương. Thiên truyện bắt đầu bằng cuộc hồi hương nhọc nhằn và bất đắc dĩ của thông phán Trịnh Huệ và cậu con trai Trịnh Hạ mới 7 tuổi đầu của ông.
Thời tiết ngày 20/9: Thanh Hóa - Quảng Trị tiếp tục có mưa lớn diện rộng

Thời tiết ngày 20/9: Thanh Hóa - Quảng Trị tiếp tục có mưa lớn diện rộng

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, từ đêm 19/9 - 20/9, mưa lớn xảy ra tại khu vực từ Thanh Hóa - Quảng Trị
Báo Văn nghệ nhận Tặng thưởng của Ban Bí thư về hoạt động tuyên truyền lý luận, phê bình VHNT năm 2023

Báo Văn nghệ nhận Tặng thưởng của Ban Bí thư về hoạt động tuyên truyền lý luận, phê bình VHNT năm 2023

Baovannghe.vn - Tối ngày 19.9.2024 Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đã tổ chức lễ trao Tặng thưởng các tác phẩm lý luận, phê bình VHNT năm 2023, tại Nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội)
Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Baovannghe.vn - Đọc truyện: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Baovannghe.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.