Nhân kỷ niệm 204 năm ngày mất của Đại thi hào, Danh nhân Văn hóa thế giới Nguyễn Du (ngày 10 tháng 8 năm Canh Thìn – ngày 10 tháng 8 năm Giáp Thìn), sáng ngày 12/9/2024, Văn phòng đại diện Báo Văn nghệ tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên phối hợp cùng Thư viện Tổng hợp Đà Nẵng cùng dịch giả Hồ Văn Chi tổ chức ra mắt và giới thiệu tác phẩm “Cảm dịch thơ chữ Hán Nguyễn Du” (Nxb Hội Nhà văn, 2024).
Không chỉ là một “ngôi sao sáng” trên bầu trời văn học cổ Việt Nam, Đại thi hào Nguyễn Du còn là một Danh nhân văn hóa thế giới, được cả thế giới biết đến và công nhận. Tác phẩm “Truyện Kiều” của ông đã trở thành một tài sản văn học chung của thế giới, được dịch ra hàng chục thứ tiếng khác nhau. Ngày 12/4/2013, UNESCO đã vinh danh Nguyễn Du là Danh nhân văn hóa thế giới. Vinh danh Nguyễn Du là vinh danh một con người có tâm sáng, là vinh danh một nhà thơ lớn, một nhà văn hóa lớn, giàu tư duy độc lập sáng tạo, có tinh thần yêu nước, có lòng tự hào dân tộc, có tình yêu tiếng nói mẹ đẻ. Ông đã dũng cảm vượt qua rào cản nặng nề hàng ngàn năm của Hán văn để viết bằng Việt văn. Có thể nói, Nguyễn Du là người đầu tiên đưa tiếng Việt trở thành ngôn ngữ văn học chính thống của quốc gia. Nét đẹp của ngôn ngữ Việt, của văn hóa Việt thể hiện trong Truyện Kiều cùng những tư duy độc lập sáng tạo và phương pháp luận khoa học diễn đạt ngôn ngữ thuần Việt trong sáng tạo văn học của Nguyễn Du đã chứng tỏ, tiếng Việt là một ngôn ngữ trau chuốt nhưng giản dị, đài các nhưng gần gũi, sang trọng mà hồn nhiên, dân dã, dễ hiểu mà tao nhã văn chương.
Bìa sách |
Nói đến cái đẹp, cái hay, cái giá trị của tiếng việt, ngay từ năm 1924, ông chủ bút báo Nam Phong đã nói: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn. Tiếng ta còn, nước ta còn”. Nhà văn Hoài Thanh cũng đã nói: “Các nhà thơ mới – yêu vô cùng thứ tiếng trong mấy mươi thế kỷ đã chia sẻ vui buồn với cha ông. Họ đã dồn tình yêu quê hương trong tình yêu tiếng Việt. Với họ, tiếng Việt nghĩa là tấm lụa hứng vong hồn những thế hệ đã qua”. Còn Chế Lan Viên đã viết: “Khi Nguyễn Trãi Làm thơ và đánh giặc/ Nguyễn Du viết Kiều đất nước hóa thành văn”.
Nhà thơ Lưu Quang Vũ cũng đã bày tỏ tình yêu với tiếng Việt: “Ôi tiếng Việt suốt đời tôi mắc nợ/ Quên nỗi mình, quên áo mặc cơm ăn/ Trời xanh quá, môi tôi hồi hộp quá/ Tiếng Việt ơi! Tiếng Việt ân tình”.
Tôi chợt nhớ một mẩu chuyện mà tôi đã đọc, đại ý rằng: Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, quân đội Mỹ tìm thấy một cuốn Truyện Kiều cũ kỹ và xơ xác trong hành trang của một chiến sỹ quân giải phóng đã hy sinh. Nhân sự kiện này, Tạp chí The Washingtonian của Mỹ số tháng 4/1968 có đăng bài về Truyện Kiều dài 2 trang với dòng tít hấp dẫn “Một tài liệu ly kỳ vừa bắt được tiết lộ tinh thần của địch”. Trong bài bài viết có hình minh họa Tổng thống Johnson với lời chú thích: “Giá như Tổng thống Johnson đã đọc Truyện Kiều thì chắc đã không phải lâm vào tình trạng rắc rối như hiện nay”. Qua mẩu chuyện này, chúng ta càng thấy rõ hơn giá trị nhân văn của Truyện Kiều; thấy rõ giá trị và sự kỳ diệu của tiếng Việt cũng như sự vĩ đại của Nguyễn Du.
Trải qua hơn 200 năm, vẻ đẹp và sức sống của tiếng Việt trong Truyện Kiều của Nguyễn Du ngày càng tỏa rạng hơn, sâu lắng hơn. Một tiếng Việt của Nguyễn Du cũng là tiếng Việt cho muôn người, cho muôn đời - Nó là của cải, là giá trị, là kho báu để khẳng định sự trường tồn của non sông Việt, của Tổ quốc Việt trước mọi thử thách qua nhiều ngàn năm lịch sử (GS Phong Lê).
Tuy nhiên, sẽ là thiếu sót khi nói tới Nguyễn Du mà không nói đến hệ thống các bài thơ, các tập thơ chữ Hán của Ông. Ba tập thơ chữ Hán gồm “Thanh thiên thi tập”; “Nam Trung tạp ngâm” và “Bắc hành tạp lục” là một phần quan trọng trong toàn bộ trước tác của Nguyễn Du. Bởi qua thơ chữ Hán, Nguyễn Du đã trực tiếp bày tỏ nỗi lòng, cái nhân sinh quan của cá nhân ông cũng như của tầng lớp nhân dân Việt trước thời thế nhiễu nhương của xã hội phong kiến bấy giờ.
Cho đến nay đã có nhiều dịch giả dịch thơ chữ Hán của Nguyễn Du, như Bùi Kỷ, Phan Võ, Nguyễn Khắc Hạnh, Lê Hạnh, Vương Trọng…vv. Đây là một thuận lợi cho Hồ Văn Chi khi tiếp cận thơ chữ Hán của Nguyễn Du. Tuy nhiên, nó cũng là những áp lực, những thách thức không nhỏ đối với anh. Làm thế nào để không trùng lặp lời dịch của người đi trước? Làm thế nào để có một giọng điệu riêng mà vẫn thể hiện được một cách chân thật về văn phong, về thế giới nội tâm của Nguyễn Du? Đây quả là một thách thức lớn mà Hồ Văn Chi phải vượt qua.
Đọc lời tự bạch của Hồ Văn Chi, tôi cảm thấy trân trọng và nể phục ý chí kiên cường và khả năng lao động sáng tạo của anh. Ai nghĩ rằng một “Bố già” thuộc lứa U80 như anh lại có thể kiên nhẫn suốt gần 3 năm trời để tự nghiên cứu chữ Hán, để cặm cụi dịch từng câu, từng bài thơ chữ Hán của Nguyễn Du bằng thứ ngôn từ dung dị, phù hợp với thời Nguyễn Du. Có lẽ, Hồ Văn Chi cũng là người con của quê hương xứ Nghệ, một vùng đất mà nói như nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi: “Gió Lào thổi rạc bờ tre/ Mới nghe giọng nói đã nghe nhọc nhằn” đã hun đúc trong anh sự kiên cường, sức chịu đựng dẻo dai, sự hăng say và khát vọng vươn tới. Xứ Nghệ quê anh cũng là mảnh đất được mệnh danh là xứ sở của những câu hò ví dặm, của những làn điệu dân ca ngọt ngào, da diết. Và chính nó đã vun dưỡng, ấp ủ và trao truyền cho Hồ Văn Chi một tình yêu với thơ ca, một đam mê trong lao động sáng tạo. Và như anh đã tâm sự: “Với sự ngưỡng mộ Đại thi hào Nguyễn Du và niềm say mê với thơ Đường Luật mà anh đã vượt qua mọi khó khăn để thực hiện một ý định đã ấp ủ từ lâu của mình, đó là dịch thơ chữ Hán của Nguyễn Du”. Và bằng một nghị lực phi thường, bằng môt quyết tâm và sự nghiêm túc trong lao động sáng tạo, Hồ Văn Chi đã gặt hái được thành công bước đầu, hoàn thành Tập I “Cảm dịch thơ chữ Hán Nguyễn Du”.
Đường Luật là một dòng thơ bác học, nó đòi hỏi sự chặt chẽ về niêm luật, các vế đối cứ phải là “chan chát” và chuẩn mực cả về câu từ, thanh âm … vậy mà anh vẫn cố gắng để hoàn thành. Thiết nghĩ, phải có một tri thức qua tích lũy từ sách vở, từ thực tế cuộc sống, phải có một tấm lòng trân quý với Đại thi hào Nguyễn Du, một trách nhiệm với quá khứ trong hành trình suy tưởng cùng với lòng đam mê văn chương cháy bỏng thì Hồ Văn Chi mới có được những rung cảm, những động lực để thực hiện thành công tác phẩm ý nghĩa này. Đọc xong tập “Cảm dịch thơ chữ Hán Nguyễn Du”, tôi trộm nghĩ, ở thể thơ Đường Luật này, với hiểu biết thuộc tầm thi sỹ vốn xuất thân từ quê hương của bà chúa thơ nôm Hồ Xuân Hương, cùng với một sự tìm tòi không mệt mỏi, một tâm hồn nhạy cảm trước sự kỳ diệu của thơ Đường Luật, tác phẩm “Cảm dịch thơ chữ Hán Nguyễn Du” của Hồ Văn Chi đã rất thành công với cách tiếp cận, cách thể hiện độc đáo, khác biệt; không trùng lặp câu từ với người đi trước. Để thấy rằng, dịch chữ Hán bình thường đã khó, dịch thơ chữ Hán còn khó khăn hơn bội phần. Làm thế nào để duy trì được sự tinh tế của ngôn từ, những hình tượng ẩn dụ phức tạp mà không làm sai lệch với văn bản gốc? Hồ Văn Chi đã thành công trong việc nắm bắt điều này mặc dù không tránh khỏi những hạn chế do khoảng cách ngôn ngữ và thời đại.
Thước đo giá trị của “Cảm dịch thơ chữ Hán Nguyễn Du” chính là sự trung thành với thể thơ của văn bản gốc với thứ ngôn từ dung dị, đời thường mà vẫn làm sáng tỏ một cách khá chân thật thế giới nội tâm của Nguyễn Du, giúp cho độc giả dễ dàng hơn khi tiếp cận thơ chữ Hán của Nguyễn Du. Cho dù ở đâu đó vẫn có những từ mà theo cá nhân tôi đó là từ ngữ mới, chưa thực sự phù hợp với thứ ngôn từ thường dùng trong thời của Nguyễn Du
Với việc dịch thành công 118 bài thơ chữ Hán của Nguyễn du, chủ yếu bằng thể thơ Đường Luật, cùng với 100 bài thơ Đường Luật trong tập “Đọc Kiều” (Nxb Hội Nhà Văn, 2019) có thể nói, Hồ Văn Chi là một trong những người đã và đang góp phần vào việc giữ gìn, phát huy và chấn hưng thơ Việt Nam viết theo thể Đường Luật. Tôi thực sự ngưỡng mộ, trân quý và tin tưởng ở sức lao động sáng tạo, ở sự dâng hiến hết mình cho thơ Đường luật của một tâm hồn bay bổng, đôn hậu và giàu lòng trắc ẩn như Hồ Văn Chi. Với tinh thần đó, chúng ta có quyền hy vọng và tin tưởng sẽ sớm được đón đọc tác phẩm “Cảm dịch thơ chữ hán nguyễn Du- tập 2” do Hồ Văn Chi dịch trong một ngày không xa.
Đỗ Ngọc Thứ | Báo Văn nghệ
----------
Bài viết cùng chuyên mục: