Diễn đàn lý luận

Tâm sự Nguyễn Du qua bài thơ "Độc Tiểu Thanh ký"

Nguyễn Sĩ Đại
Tác phẩm và dư luận
14:00 | 19/09/2024
Baovannghe.vn - GS Nguyễn Văn Hoàn trong bài viết Thử tìm một cách hiểu bài "Độc Tiểu Thanh ký" của Nguyễn Du trên tạp chí Nghiên cứu văn học số 9 năm 2006
aa

Bất tri tam bách dư niên hậu

Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?

GS Nguyễn Văn Hoàn trong bài vi Thử tìm một cách hiểu bài "Độc Tiểu Thanh ký" của Nguyễn Du trên tạp chí Nghiên cứu văn học số 9 năm 2006 và nhóm Lê Thước, Trương Chính trong Thơ chữ Hán Nguyễn Du, NXB Văn học 1965 tổng hợp các sách vở, truyền kỳ của Trung Quốc thì Tiểu Thanh quê ở Quảng Lăng, Dương Châu, Giang Tô tên là Phùng Nguyên Nguyên. Mẹ là giáo viên nên từ nhỏ Tiểu Thanh được học tập thơ văn và nổi tiếng thông tuệ khác thường. Năm 16 tuổi, nàng làm lẽ Phùng Tử Hư, con nhà hào phú ở vùng Tây Hồ, Hàng Châu, Chiết Giang. Vì trùng họ với chồng nên kiêng gọi Phùng, chỉ gọi tên là Tiểu Thanh. Hợp hai chữ Tiểu và Thanh, thành chữ Tình.

Vợ cả Phùng cực kỳ ghen tuông, giam giữ Tiểu Thanh ở phòng trong, cấm giao tiếp với mọi người, son phấn của Tiểu Thanh, mụ bắt vứt hết; sách vở của Tiểu Thanh, mụ bắt đốt sạch. Từng giờ từng phút, mụ bắt Tiểu Thanh đi theo sát bên mình, dù một nụ cười, một lời nói cũng không được trao đổi riêng tư với chồng.

Phùng sinh cầu cứu bà cô là Dương phu nhân. Bà này xin cho Tiểu Thanh được ra ở Gò Mai, Cô Sơn. Mụ vợ Phùng đồng ý nhưng đặt điều kiện: Không có lệnh ta mà chàng đến, không được tiếp; không có lệnh ta mà chàng gửi thư, không được mở xem; viết thư cho ai phải đưa ta xem trước. Nếu phạm một điều nào quyết không dung thứ. Bà Dương từng gợi ý và tạo điều kiện cho Tiểu Thanh đi thoát, song nàng tự cho là số mệnh, ở vậy trong cô đơn, buồn tủi. Đến năm 18 tuổi thì mất, để lại nhiều bài thơ thống thiết bày tỏ tâm sự của mình. Bà vợ cả đọc được, cơn ghen bốc hỏa, vò thơ làm mồi cho lửa. Còn sót lại một số bài, người đời sau chép lại gọi là Phần dư cảo (Thơ sót lại sau khi bị đốt). Mộ Tiểu Thanh hiện còn ở núi Cô Sơn, Tây Hồ.

Chuyện và thơ nàng đã làm rơi nước mắt nhiều thời đại. Nguyễn Du đọc Truyện nàng Tiểu Thanh, thương cảm một người con gái tài sắc, vận vào thân mình mà viết Độc Tiểu Thanh ký:

Tâm sự Nguyễn Du qua bài thơ
Bìa sách Phê bình và bình luận Văn học Nguyễn Du

Tây Hồ hoa uyển tẫn thành khư

Độc điếu song tiền nhất chỉ thư

Chỉ phấn hữu thần liên tử hậu

Văn chương vô mệnh lụy phần dư

Cổ kim hận sự thiên nan vấn

Phong vận kỳ oan ngã tự cư

Bất tri tam bách dư niên hậu

Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như

Cụ Lê Thước và cụ Trương Chính dịch nghĩa là:

Vườn hoa bên Tây Hồ đã thành bãi hoang rồi,

Chỉ viếng nàng qua một tập sách đọc trước cửa sổ,

Son phấn có thần chắc phải xót xa vì những việc sau khi chết

Văn chương không có số mệnh mà cũng bị đốt dở

Những mối hận cổ kim khó mà hỏi trời được

Ta tự coi như người cùng một hội với kẻ mắc nỗi oan lạ lùng vì nết phong nhã

Không biết hơn ba trăm năm sau

Thiên hạ ai người khóc Tố Như?

Mộng Liên đường chủ nhân viết tựa cho Đoạn trường tân thanh năm 1820 như một lời bình cho bài thơ này “người đời sau thương người đời nay, người đời nay thương người đời xưa, hai chữ tài tình thật là cái mối thông lụy của bọn tài tử khắp trong gầm trời và suốt cả xưa nay vậy”.

Bài thơ này trong Thanh Hiên thi tập, không phải ở Bắc hành tạp lục, nghĩa là Nguyễn Du viết ở Việt Nam, chỉ đọc truyện về Tiểu Thanh và thơ của nàng mà viết, và viết lúc một mình bên cửa sổ với một nỗi xót thương vô hạn, với sự vận vào cuộc đời mình. Bài thơ nói về một hiện thực đau lòng: Người tài và cái đẹp thường bạc phận, thường bị vùi dập, oan khổ không dứt. Đây là chủ đề, nội dung xuyên suốt trong các tác phẩm của Nguyễn Du. Kiều vận vào Đạm Tiên. Nguyễn Du tự vận mình vào Kiều, vào người ca kỹ đất Thăng Long, vào Tiểu Thanh, những người trong “sổ đoạn trường”…

Bài thơ viết chuẩn theo kết cấu của một bài thất ngôn bát cú Đường luật, hai câu đầu là Đề (có phá đề, thừa đề như một mở bài); hai câu 3,4 là Thực để tả thực khách thể (có cả hình trạng sự vật, sự việc và cảm xúc). Hai câu 5,6 là Luận để bàn về hiện thực ấy. Hai câu cuối là Kết để nói rõ hơn ý của nhà thơ. Cụ Vũ Tam Tập đã dịch bài thơ này như sau:

Hồ Tây cảnh đẹp hoá gò hoang,

Thổn thức bên song mảnh giấy tàn.

Son phấn có hồn chôn vẫn hận,

Văn chương không mệnh đốt còn vương.

Nỗi hờn kim cổ trời khôn hỏi,

Cái án phong lưu khách tự mang.

Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa,

Người đời ai khóc Tố Như chăng ?

Chúng tôi hiểu câu đầu như sau: Nguyễn Du không đứng trước Tây Hồ mà viết, vả lại Tây Hồ lúc nào cũng đẹp, không vì cái chết của Tiểu Thanh mà hoang hóa. Đây chỉ là hiện thực tâm trạng, là xuất ý của nhà thơ: Tiểu Thanh chết rồi, Tây Hồ trở nên vô vị, hoang tàn. Giống như câu thơ Lý Bạch Mỹ nhân tại thời hoa mãn đường/ Mỹ nhân khứ hậu dư không sàng trong bài Ký viễn. Chữ tẫn trong tiếng Hán là hết sạch, là xong xuôi hết. Nguyễn Du quan niệm rằng, Tây Hồ chỉ đẹp khi có những người con gái tài sắc như Tiểu Thanh, Tiểu Thanh mất rồi, Tây Hồ chẳng còn mảy may vẻ đẹp nào trong trí nhớ, chẳng mảy may một mỹ cảm nào. Nguyễn Du đã đồng hóa Tiểu Thanh với vẻ đẹp Tây Hồ. Trong quan thẩm mỹ của Nguyễn Du, người con gái đẹp lúc nào cũng là tuyệt đỉnh của Tạo hóa. Họ không chỉ là hiện thân của cái đẹp mà còn là hiện thân của sự sống. Trong thơ Nguyễn Du, khi Kiều, khi Đạm Tiên, khi Tiểu Thanh, khi Dương Quý Phi chết, trời đất đều tàn tạ. Câu thứ ba và câu thứ tư có lẽ là hai câu hay nhất bài. Son phấn (người đẹp, cái đẹp) sống đã oan hận, chết vẫn còn oan hận. Nguyễn Du tự xếp mình vào đó, ông biết sau khi chết, vẫn còn nhiều nỗi đau lòng nên mới dẫn đến câu hỏi người dời sau ở cuối. Ông nói văn chương vô mệnh, tức là khẳng định văn chương cũng có số mệnh như người (thi pháp cổ thường dùng tĩnh nói động, dùng không nói có hay ngược lại). Và có mệnh nên lại rơi vào “tài mệnh tương đố”, phải chịu kiếp đoạn trường. Tư tưởng này được thể hiện rõ rệt trong Truyện Kiều cũng như nhiều tác phẩm khác của Nguyễn Du.

Với quan niệm dịch là tạo ra một phiên bản mang tinh thần là chính, có thể có phần bị mất đi nhưng có thể có phần được thêm vào. Chữ Hán vốn rất hàm súc, nếu chỉ dịch một chữ lấy một chữ sợ không đủ ý, đủ tình; chúng tôi mạo muội trình thêm một bản dịch mới:

Tâm sự Nguyễn Du qua bài thơ
Độc Tiểu Thanh ký. Tranh minh hoạ

Người đẹp còn đây, trời ngát hương

Người đẹp khuất rồi, đất cũng hoang

Tiểu Thanh ơi hỡi, viếng nàng

Sách riêng trang đọc từng trang ngậm ngùi…

Phấn son chôn xuống đất rồi

Thần còn thảng thốt giữa đời kêu thương

Lửa hờn đốt bỏng văn chương

Văn chương có mệnh, đoạn trường đành mang!

Hận kim cổ trời không thể đáp

Oan phong lưu ta xếp ta vào

Đớn đau phận thấp tài cao

Thời nào cũng giống thời nào, lạ chưa?

Nay thì ta khóc người xưa

Ba trăm năm lẻ, ai giờ khóc ta?

Hai câu thơ cuối Bất tri tam bách dư niên hậu/ Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như là hai câu mà cụ nghè Nguyễn Mai, cháu mười đời Nguyễn Du từng kể là lời trối của Nguyễn Du trước lúc lâm chung. Chuyện ấy có thể có, có thể không. Nhưng quan trọng đúng là một tâm sự lớn của Nguyễn Du.

Căn cứ câu thơ này, các nhà nghiên cứu đều đoán Tiểu Thanh sống cách Nguyễn Du 300 năm, vào khoảng năm 1500. Vì thế, Nguyễn Du mới hỏi, hơn 300 năm sau có ai khóc Nguyễn Du, như Nguyễn Du khóc Tiểu Thanh. Trong chữ Hán, “khốc” là khóc bình thường; “khấp” là khóc nước mắt tuôn ra, khóc không thành tiếng, tức là đau đến đứt ruột.

Nguyễn Du có cần ai thương xót mình không? Tôi nghĩ, có lẽ cụ không cần.

Câu cụ hỏi là, ba trăm năm sau còn có người đẹp nào, tài năng nào phải chịu phận bạc như Tiểu Thanh, như Tố Như? Ai giải cho bài toán “tài mệnh tương đố”? Nếu không giải được thì thật đáng đau lòng, đáng “khấp”.

Tôi nghĩ, cụ Nguyễn Du hy vọng, cụ tiên tri rằng, hơn 300 năm sau, tính từ thời cụ, sẽ không còn những bi kịch mà Nguyễn Du, mà Kiều, mà Tiểu Thanh phải chịu; những phi lý, phi nhân sẽ không còn; tài năng, cái đẹp sẽ được tôn vinh, sẽ được sống đẹp ở đời. Có thế mới là Nguyễn Du, mới thể hiện một tầm vóc tư tưởng… Cụ tiên tri rằng, đến thời gian ấy, nhân loại sẽ hiểu cụ thấu đáo nhất, sẽ thực hiện được những lý tưởng mà cụ mơ ước.

UNESCO vinh danh cụ trong dịp 250 năm sinh; đã hết những phê phán bất công cho cụ Nguyễn, là chứng quả cho tiên tri ấy.

Nguyễn Sĩ Đại |Báo Văn nghệ

----------

Bài viết cùng chuyên mục

Từ bài thơ cổ "Thị Bách Quan" của Vua Thành Thái Điều ít biết về tác giả bài thơ “Xin đừng gọi anh là liệt sỹ vô danh” Bài thơ "Tôi hỏi cây Tần Bì" của Vladimir Kirshon (Nga) Bài thơ “Cỏ ướt” của Trần Quốc Thực. Lời bình của Trần Tuệ Anh Bài thơ định mệnh "Bên sông" của Bế Kiến Quốc
Bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm về "Chống lãng phí"

Bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm về "Chống lãng phí"

Baovannghe.vn - Trong mọi giai đoạn cách mạng, Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm công tác phòng, chống lãng phí, đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận về vấn đề này và lãnh đạo cả hệ thống chính trị, toàn dân tổ chức thực hiện đạt nhiều kết quả. Văn nghệ điện tử trân trọng giới thiệu nội dung bài viết “Chống lãng phí” của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Tô Lâm.
Khéo dư nước mắt. Tạp bút của Đông Trình

Khéo dư nước mắt. Tạp bút của Đông Trình

Baovannghe.vn - Con đường ấy mang tên "Đông - Tây". Đơn giản là nó nối hai phương của một thành phố. Con đường lớn, đẹp, lối đi hai chiều.
Kiến trúc Hà Nội - 70 năm Giải phóng Thủ đô (1954-2024)

Kiến trúc Hà Nội - 70 năm Giải phóng Thủ đô (1954-2024)

Baovannghe.vn - Kiến trúc Hà Nội - 70 năm Giải phóng Thủ đô (1954-2024) là cuốn sách có giá trị tổng quan và sâu sắc về các chặng đường phát triển của kiến trúc, đô thị Hà Nội.
Trầm ngâm quê nhà- Thơ Nguyễn Văn Hòa

Trầm ngâm quê nhà- Thơ Nguyễn Văn Hòa

Baovannghe.vn- Tôi từ thương nhớ mà đi/ Vọng trong ngày cũ xanh rì chiêm bao/ Nam non ướt ngọn mưa rào/ Nồm già nứt vách chênh chao nếp nhà
Chiều đã Chạp - Thơ Nguyên Hậu

Chiều đã Chạp - Thơ Nguyên Hậu

Baovannghe.vn- Chầm chậm nhé trời chiều nay đã Chạp/ Người tha hương đã kịp về đâu/ Ai rửa phèn chua nhàu nhĩ áo nâu/ Rơi giấc phố tiếng dế ngày xa lắc