Sáng tác

Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Lê Hòa
Truyện
11:00 | 19/09/2024
Baovannghe.vn- Trong khi đợi người ta đến ký giấy tờ, bà ngồi thừ ra, dựa vào cây cột để tua lại những ký ức ngọt ngào lẫn cay đắng. Tính ra ngôi nhà đã gắn bó với bà ngót một đời người
aa

1.

Bà nhất quyết về quê bán nhà, sau khi lên ở với đứa con trai cả một thời gian ngắn. Căn nhà ngói ba gian của chồng bà để lại gắn với bao câu chuyện của một thời khốn khó. Khi còn sống, chồng bà đã lên tận Mộc Châu tự tay chặt từng cây luồng về để chẻ ra làm dui mè. Còn bốn cây cột gỗ thì được chặt từ hàng mít trong vườn. Vốn có chút nghề mộc, ông tỉ mẩn dùng rìu đẽo lớp vỏ rồi bào nhẵn bóng trước khi dựng lên. Theo bao thăng trầm tháng năm, cây cột to nhất ở giữa nhà đã đen bóng lại như gỗ mun. Lần lượt bốn đứa con của bà đã vịn cây cột này mà tập đứng, tập đi. Có đứa sau này đã biết bay, biết chạy ra khỏi lũy tre rồi, nhưng vẫn về nhà vịn tay vào cây cột. Vì thế nên nó bóng nhẵn.
Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa
Minh hoạ Phạm Hà Hải

Trong khi đợi người ta đến ký giấy tờ, bà ngồi thừ ra, dựa vào cây cột để tua lại những ký ức ngọt ngào lẫn cay đắng. Tính ra ngôi nhà đã gắn bó với bà ngót một đời người. Nước mắt bà chảy ra dàn dụa khi nhìn thấy vết khắc của thằng con trai út trên cây cột. Bà nhớ: hồi đó, nó bảo mỗi năm vào ngày mùng Một Tết, nó sẽ đo xem một năm qua mình đã cao được bao nhiêu và khắc dấu vào cây cột này để làm tin… Bà toan đổi ý định, nhưng gia đình mua nhà đã kéo đến đầy cổng kia rồi, biết phải làm sao đây? Bà lại nghĩ đến hình ảnh bà Mân cuối xóm nằm chết ở góc giường một mình hồi tháng trước. Con cái đi các tỉnh kiếm ăn xa không hay biết, tới nỗi khi được phát hiện thì xác bà Mân đã bị chuột ăn mất hai con mắt. Bà lại rùng mình khiếp sợ, rồi chặc lưỡi ký giấy. Bà chỉ tiếc giá mà mang được mấy cây cột đó đi theo…

2.

Choang! Tiếng chai thủy tinh vỡ tan tành dưới nền gạch hoa.

Đêm đó, nằm trong căn nhà hai tầng của thằng con trai cả, bà không thể ngủ được. Bà nhớ lại như in câu chuyện diễn ra ban chiều: Bà cãi nhau kịch liệt với đứa con dâu chỉ vì chai nước tương. Tính bà vốn khó ăn khó uống nên từ khi bán nhà lên đây, bà đã nằng nặc đòi chúng nó để bà tự nấu ăn riêng. Bởi chúng nó nấu thì bà không ăn được vì lúc thì nhạt quá lúc thì mặn quá. Đồ ăn lại để tủ lạnh nên khi nấu cảm giác không được tươi ngon. Nhất là thịt heo mua ở thành phố: heo bị cho ăn cám công nghiệp nhiều nên thịt nhão nhoẹt, nấu toàn ra nước là nước, lại còn có mùi hôi nữa mới ghê! Cho vào miệng nhai khô khốc như nhai miếng rơm, chứ không thơm ngọt như thịt heo ở quê bà. Đã thế, đứa con dâu lại cứ mua về chất cả đống trong tủ lạnh ăn dần cả tuần thì chịu sao nổi. Bà rảnh rỗi, không có gì làm, cũng chả đam mê thứ gì cho bận bịu cả, để bà đi chợ tự mua tự nấu. Nhưng bà nấu thì đứa chê mặn, đứa chê ngọt chẳng đứa nào chịu ăn. Thế là đâm ra tranh cãi nhau dai dẳng cả tháng trời. Cuối cùng, thằng con trai quyết định cho bà tự ăn riêng, dù vợ nó hậm hực: “Thế còn ra thể thống gì nữa. Nhà có mấy mống người, ăn cái gì chả được. Ai ăn không no, không ngon thì ra tiệm mà ăn. Chứ đi làm cả ngày mệt bã bời rồi, muốn nghỉ ngơi chút mà chỉ thấy xoong xoong, chảo chảo thì bao giờ mới được đi ngủ. Sao cứ phải quan trọng miếng ăn đến thế nhỉ?”

Tính bà vốn ưa sạch sẽ, nhưng lại không muốn dọn dẹp. Bởi bà quan niệm: mình nuôi chúng nó lớn từng này rồi, hầu hạ rửa đít cho nó suốt thời ấu thơ. Đến giờ chúng nó phải chăm bà. Vì vậy, ăn xong, bà bỏ hết ra bồn rửa chén, rác cũng dồn hết vào đó. Ở quê còn tiện tay ném bừa ra vườn, rồi khi nào rảnh thì cào đống lại mà đốt. Chứ ở đây biết ném đi đâu. Thành thử ra, bà nấu ăn xong thì cái bồn rửa chén như cái nồi lẩu rác vậy. Có gì bà nhét hết vào cho khuất mắt. Nước bị tắc lại ứ lên, rác nổi trôi lỏng bỏng. Đứa con dâu nhìn bà lườm lườm rồi lè lưỡi chứ không dám nói gì. Vì có nói bà lại gắt cho. Phòng ốc của bà thì tuần ba lần bà đều đặn quét. Nhưng tuyệt đối bà chỉ quét phòng bà thôi! Quét xong, có bao nhiêu rác hót mang xuống bếp, lấy chổi nép vào xó. Thế là xong! Đứa nào đổ thì đổ, nhất định bà không đổ. Có hôm con dâu và con trai của bà đi công tác mấy ngày không về, rác bốc mùi thum thủm khắp hai tầng lầu. Bà cũng mặc kệ.

3.

Ở được một thời gian, bà bắt đầu kết thân được với mấy bà rỗi việc trong khu phố. Các bà đều ở quê lên ở với dâu, rể nên dễ cảm thông. Phố xá chật chội không đi đâu được, họ bèn túm tụm nhau ra quán nước chè đầu phố ngồi lê đôi mách. Bà phát hiện ra, niềm vui của mình chính là ở đây. Câu chuyện lúc đầu loanh quanh giá rau giá đậu rồi đến những bức xúc khi ở với con cái. Được thể bà mang câu chuyện đổ rác của nhà bà ra để làm quà, kèm với những câu bình luận cay nghiệt về đứa con dâu của mình, kiểu như: Nào là ở dơ bẩn lắm, nó để rác ngập tới mặt mà không thèm đổ, nào váy áo lúc nào cũng xúng xính mà lại lười giặt…. Cứ thế, việc trong nhà chưa tỏ, ngoài ngõ đã tường. Những câu chuyện về gia đình đứa con trai của bà như vết dầu loang dần khắp cả khu phố. Những người độc mồm độc miệng càng nghe càng thích thú, khoái trá. Họ lúc nào cũng trông gặp bà để móc mói thêm về đời tư của nhà thằng con bà. “Chúng nó làm to thế cơ mà, bình thường chỉ thấy vest nọ, váy kia, đạo mạo lắm. Ai dè ăn ở dơ bẩn thế! Đúng là ở trong chăn mới biết chăn có rận”. Tiếng dữ đồn xa, mỗi khi thấy bóng xe hơi của con trai bà nổ máy bắt đầu lùi đít ra đường là họ lại túm tụm với nhau xì xào, xì xào. Con trai và con dâu bà thì không hiểu sao càng ngày hàng xóm càng nhìn mình như quái vật.

Rồi cuối cùng, câu chuyện đổ rác cũng được truyền đến tai họ. Chuyện vừa lọt tai, hai đứa mặt hầm hầm như thịt bằm nấu cháo, về nhà đóng sập cửa phòng lại. Quái! Chúng nó nói bóng nói gió gì với nhau trong phòng ấy nhỉ? Bà không nghe rõ. Bà lại cửa sổ rình mà không thấy gì. Bà áp tai vào cửa chính chỉ nghe câu được câu mất. Hình như con vợ đang nhiếc móc thằng chồng, rồi đang nói xấu bà nữa. Phải rồi, thằng chồng đang rất hậm hực. Hình như hai đứa nó bắt đầu nói gì đó về bà. Máu điên trong người bà bắt đầu sôi lên, nhưng bà không làm gì được, chả nhẽ lại đạp cửa xông vào. Bà tức giận chạy vào bếp lôi con dao và củ su hào ra giả bộ chặt chặt băm băm. Bà cố gây ra tiếng động lớn cho bõ tức. Quả nhiên, việc đó có tác dụng tức thì. Con dâu và con trai của bà đã im bặt khi nghe thấy tiếng dao thớt ầm ầm. Bà lại càng tức, càng cố làm mạnh hơn. Căn bếp rung lên tưởng như bão cấp 12 ập về. Cuối cùng đứa con dâu phải ra mặt:

- Mẹ làm gì mà ồn ào thế! Chúng con đi làm về mệt cần nghỉ ngơi chút cũng không yên nữa!

- Nghỉ! Nghỉ! Nghỉ! Chúng mày chỉ suốt ngày lo nghỉ, để rác ngập lên tận mặt mà vẫn nằm trong đó nghỉ với nhau được à?

Đứa con dâu như bị chạm nọc:

- Rác đó nhờ công của mẹ dồn vào đấy!

- Ừ, tao dồn đấy. Á à, bây giờ mày nạnh với tao từng tý rác cơ à. Ối Dương ơi! Là Dương ơi! Tao nuôi mày có ăn có học mà mày đui mù, ngu dốt lấy con vợ đanh đá chua ngoa về để nó cãi mẹ thế này đây.

Con trai bà ở trong phòng nghe hết, anh cố tình đánh trống lảng nãy giờ. Nhưng nghe đến cái giọng đay nghiến của bà vừa rồi anh không thể làm ngơ được nữa. Anh nhảy ra khỏi phòng, đóng sầm cửa lại. Bà giật mình luống cuống quơ tay làm đổ chai nước tương ra thành bếp. Nước tương lênh loáng chảy xuống nền. Bà chỉ mặt con dâu:

- Rác của tau đấy! Dọn đi! Ra đường diêm dúa cho lắm vào, về nhà thì lười chảy lười thiu.

Nói xong bà ngoảy đít toan bỏ lên lầu. Con dâu bà giận tím mặt, hét lớn:

- Rác của ai thải ra người đó phải có trách nhiệm dọn. Không thể một người ị, rồi bắt một người cả ngày chạy theo hốt được.

Bà quay ngoắt lại:

- Mày nói cái gì hả con trời đánh thánh vật kia! Ai ị, ai ị, hả?

Nghe thấy thế, bà nhảy bổ lại toan túm tóc con dâu tát cho nó một cái. Con trai hiểu tính bà ngang ngược, táo tợn xưa nay nên đoán biết được hành động đó, vội nhảy bổ lại ngăn mẹ:

- Mẹ định làm gì thế! Dừng lại!

Đang cơn hăng máu, bà được thể càng bù lu bù loa lên:

- Á à, mày bênh vợ mày cản tau à. Mày để tau! Mày để tau!

Ba máu sáu cơn như một con gà chọi, bà nhảy lên chồm chồm qua vai thằng con đòi đánh đứa con dâu cho bằng được. Con dâu bà cũng đành hanh không kém:

- Bà đánh đi! Đánh được đánh đi! Đánh cho thỏa mãn đi.

Rồi nhảy bổ lại phía chồng. Hai người đàn bà giằng co Dương. Anh rơi vào thế bí, mặt đỏ tía tai, máu dồn lên từng cục, mắt long sòng sọc, anh vớ chai tương ở kệ bếp ném choang một cái vào góc nhà.

- Đủ lắm rồi. Các người tha cho tôi!

Mẹ và vợ anh sựng người lại. Hai người từ từ buông anh ra…

Ngay sáng hôm sau, bà đùng đùng bắt xe thẳng về quê mà không nói với con trai và con dâu một lời nào. Bà nghĩ đến những đứa con mà ánh mắt chúng nhìn là hiểu ra mọi chuyện. Chính chúng nó đã ngăn bà đừng bán nhà khi đó, nhưng bà không nghe. Bà cứ nằng nặc rằng: “Phải bán dứt đi thì bà không còn lưu luyến với nó nữa; sẽ ở yên với con mà không vướng bận lo lắng gì.” Thực ra trong sâu thẳm bà khi ấy có một nỗi sợ kinh hoàng: Đó là sợ chết một mình, bị chuột ăn mất mắt như bà hàng xóm. Nhưng bây giờ bà không sợ nữa. Bà quyết tâm về. Về chết ở quê cũng được, chứ nhất định không ở phố thêm một giây phút nào.

Bà đi như chạy trốn, về đến bến đò ở quê thì đã gần nửa đêm. Tiết trời mùa đông lạnh cắt da cắt thịt, bà gọi đến khản cổ mới được người lái đò thức dậy. Ông ta uể oải mãi cuối cùng cũng nhận ra người quen mà chiếu cố chở sang bờ. Tiếng mái chèo khua nước ì oạp trên sông tĩnh lặng làm lòng bà dịu lại sau một ngày kiệt sức. Bà ngồi ở khoang đò thiếp đi trong tiếng cá quẫy giữa đêm sương mờ giăng tứ phía. Trong cơn mơ bà gặp lại chồng mình. Ông không nói gì, chỉ nhìn bà với đôi mắt buồn u uẩn, ngân ngấn nước. Hình như ông có vẻ trách bà. Bà toan níu ông lại để gạn hỏi cho rõ nhưng ông đã vội tan đi mất. Bà ngồi thừ, hồi tưởng lại cái hồi mới lấy nhau: ông vốn là một thuyền chài lưu lạc ngày này tháng nọ trên sông. Rồi gặp và yêu bà, bố mẹ bà ngăn cản mãi chẳng được, cuối cùng đành cho hai đứa mảnh đất ở góc vườn xa để tự xây lấy cái nhà tranh vách đất, lấy nơi chui ra chui vào. Mùa đông lạnh phải lót lá chuối làm ổ để ngủ. Vợ chồng buôn thúng bán nia, làm lụng tích góp xây được cái nhà ngói. Nhà xây xong chưa được bao lâu thì gặp phải trận lụt mất mùa. Đói kém, chồng bà phải ra sông vớt nứa ở miền ngược đổ về. Trong một lần như thế, ông bị nước cuốn đi vĩnh viễn. Dân làng bảo đó là lời nguyền của Hà Bá đối với những người dân chài bỏ sông đi, khi quay lại sẽ bị trừng phạt. Bà nghĩ đến lời nguyền ấy và rùng mình khiếp sợ. Phải chăng Hà Bá muốn bà quay trở về dòng sông này để thực hiện nốt lời nguyền chăng?

- Không! Không! Không! - Bà hét lên làm người lái đò giật mình.

- Có chuyện gì đấy bà! - Rồi ông chợt vỗ trán: - Chết cha, tôi ngủ quên mất! Thuyền chúng ta trôi lạc xa quá!

Ông luống cuống cầm mái chèo cố bơi ngược dòng nước. Bà vẫn bần thần nhìn vào khoảng đen trước mặt và nghĩ đến lời nguyền mà người làng đồn thổi. Bỗng trong túi quần áo của bà điện thoại kêu vang. Bà mặc kệ. Chuông đổ đến hồi thứ ba, thì ông lái đò lên tiếng:

- Bà nghe điện thoại đi chứ! Để nó kêu nãy giờ rồi!

Bà sực tỉnh, lập cập mở túi lấy chiếc điện thoại ra. Tiếng thằng cháu đích tôn của bà ở đầu bên kia:

- Alo, bà ơi, con đây. Con đi học về tối giờ mà đợi mãi chưa thấy bà về ăn cơm. Bố mẹ bảo bà sang nhà cô chơi à bà? Mấy giờ bà về để con chuẩn bị mắc mùng đợi bà!...

Bà im lặng. Thằng cháu vẫn thao thao:

- Alô, bà nghe không? Hôm nay con được bé ngoan nữa. Bà về đi, con cho bà xem. Phiếu có hình con gấu trúc đẹp lắm bà à…

Mắt bỗng nhòa lệ, bà như sực tỉnh:

- Ừ, bà đây. Bà đây. Bà về, bà về chứ. Con mắc mùng đi, bà đang về đây!

Máy cúp, bà nhìn thấy màn hình hiện lên 28 cuộc gọi nhỡ của con dâu và con trai. Bà vội quay sang ông lái đò:

- Tôi xin lỗi! Tôi xin lỗi. Ông hãy cho tôi quay lại đi. Tôi sực nhớ ra nhà cũ tôi đã bán rồi. Tôi phải trở lại với cháu tôi! – Rõ là người già lẩm cẩm.

Ông lái đò làu bàu rồi quay mái chèo. Chiếc thuyền bỗng như bay lên trên sông đêm dưới màn sương mờ hư ảo. Bà bám chặt khoang thuyền. Bà thấy ngôi nhà tranh vách đất bay lên; ngôi nhà ngói với cây cột bay lên, cả ngôi nhà hai tầng của đứa con trai bà nữa. Rác, những tiếng xì xào của các bà rỗi việc cùng khu phố lẫn tiếng chửi mắng, đay nghiến và cả những mảnh thủy tinh vỡ của chai nước tương cũng bay lên.

Bà luôn miệng lắp bắp: - Bà xin lỗi. Bà xin lỗi!... - Ông lái đò vẫn ngỡ bà đang xin lỗi mình nên cười xòa: - Tại tôi cũng già lẩm cẩm mà. Tôi cũng có lỗi. Thôi lỗi ai người đó dùng. Không phải xin nữa...

Lê Hoà | Báo Văn nghệ

Mađagui. Truyện ngắn dự thi của nhà văn Hà Đình Cẩn Đọc truyện: Ngày biển động . Truyện ngắn dự thi của Lê Sơn Những ngôi sao xô lệch. Truyện ngắn dự thi của Minh Vũ Đọc truyện: Những ngôi sao xô lệch. Truyện ngắn dự thi của Minh Vũ Đọc truyện: Mật mã lạc quan. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Tiến Hóa
Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Baovannghe.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.
Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Trong số các nhà văn nữ Việt Nam đương đại, nhà văn Vũ Thanh Lịch, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, là cây bút văn xuôi có nội lực sung mãn. Chị là tác giả của nhiều truyện ngắn hay, ghi dấu trong lòng bạn đọc mà “Nhà Thánh” - giải nhất Cuộc thi truyện ngắn Lửa mới 2018-2019 do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức là một minh chứng tiêu biểu.
Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Baovannghe.vn - Bà ngoại chỉ nói: "Đừng thúc ép gì nhiều. Phải tội. Đời người bạc, phận mỏng, biết sao được số trời. Mày làm thế không sợ chuốc khổ cho con bé".
Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4  trên khu vực trung Lào

Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4 trên khu vực trung Lào

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, sáng sớm nay (19/9), áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa đã mạnh lên thành bão - cơn bão số 4 năm 2024.
Bản tin Văn nghệ: Cuộc thi "Đưa Văn vào đời" - trao thiệp gửi yêu thương

Bản tin Văn nghệ: Cuộc thi "Đưa Văn vào đời" - trao thiệp gửi yêu thương

Baovannghe.vn - Cuộc thi thiết kế thiệp Văn học: Đưa Văn vào đời 2024, do Nxb Hội Nhà văn phối hợp tổ chức, Hội Nhà văn Việt Nam bảo trợ chuyên môn