Sáng tác

Phận cây. Tản văn của Lê Hữu Tỉnh

Lê Hữu Tỉnh
Tản văn
13:00 | 19/09/2024
Baovanghe.vn - Vạn vật hữu linh. Dưới một góc nhìn nào đó, vạn vật trong vũ trụ dường như đều có linh hồn, có “đời sống tinh thần” nhiều màu vẻ
aa

Vạn vật hữu linh. Dưới một góc nhìn nào đó, vạn vật trong vũ trụ dường như đều có linh hồn, có “đời sống tinh thần” nhiều màu vẻ, có một dạng năng lượng tích cực tinh tế tiềm ẩn, và đều có thân phận, có hoạ – phúc trong quá trình tồn tại dù ngắn dù dài. Loài cây cũng vậy.

Cây cũng là một “sinh thể”, một sinh thể lạ lùng, có đời sống riêng đa dạng, có số phận nổi - chìm, tối - sáng. Tạo hoá sinh muôn loài, mỗi loài đều có lí do tồn tại, có “sứ mệnh” riêng. Sứ mệnh cao cả của cây là duy trì cân bằng sinh thái trên Trái Đất. Cây cung cấp không khí trong lành bằng cách hấp thụ CO2 và “nhả” ra ô-xy. Cây giữ đất, giảm xói mòn, tăng độ ẩm trong không khí. Cây cung dưỡng cho con người nguồn thức ăn, dược liệu, gỗ và nhiều sản phẩm thiết dụng khác…

Cây có vẻ đẹp bất tận, vẻ đẹp vĩnh cửu.

Cây tạo sắc xanh cho đất trời. Cây xoè tán, toả bóng mát chở che. Gió thoảng mơn man, cành lá xạc xào cùng tiếng ve râm ran hoà điệu, cây cất lên bài ca muôn thuở về vẻ đẹp của tự nhiên… Mùa xuân rực rỡ sắc hoa. Mùa hè mướt xanh bóng lá. Mùa thu đằm thắm sắc vàng. Mùa đông kiên cường trong giá rét. Mỗi mùa, mỗi trạng thái của cây có một vẻ đẹp riêng.

Nhưng cây đâu chỉ có vẻ đẹp nhởn nhơ. Cây cũng nếm trải đủ các cung bậc, sắc màu tối - sáng. Cũng có lúc yên bình tận hưởng tràn trề nắng, lồng lộng gió, mát mẻ mưa… Nhưng cũng có khi oằn mình, vặn mình nghiêng ngả chống chọi bão giông. Lúc thân cành trơ trụi khẳng khiu chịu rét. Khi lá cành rũ rượi héo khô trong cơn nắng hè đổ lửa… Nhưng loài cây với sức sống vô tận vẫn vượt qua, vẫn tồn tại. Cây xương rồng vẫn tươi xanh trên sa mạc bỏng rát, khô hạn. Cây phong ba vẫn trụ vững trước mặn mòi nước biển, gió biển và những cơn vùi dập cuồng phong bão biển trên đảo xa… Và, màu xanh bất diệt vẫn bao trùm lên sự sống từ ngàn xưa đến giờ.

“Vạn vật hữu linh”. Cây cối còn có khả năng “cảm nhận” và “phản ứng” với môi trường xung quanh. Cao hơn, cây cối dường như cũng có cảm xúc, cũng vui buồn, đau đớn, sợ hãi…, cũng nhận biết được tình cảm của con người, cũng gắn bó sâu nặng với con người…

Thật thú vị khi ta đến bên một cây Trinh nữ. Chỉ chạm khẽ vào cây, lá cây cụp xuống, mắt lá khép lại dường như e thẹn, sượng sùng. Ít phút sau, lá lại xoè ra, mở ra như cũ. Chả thế mà, cây được người đời đặt cho những cái tên giàu sức gợi: cây xấu hổ, cây mắc cỡ, cây e thẹn, cây nhạy cảm, cây nhún nhường… và còn có một cái tên tiếng Anh thật ấn tượng: touch- me- not (đừng chạm tôi). Thế nên, loài cây này cũng “ý tứ” thích sống ở chỗ râm mát, yên tĩnh, ít người qua lại…

Ở nông thôn đồng bằng Bắc bộ xưa, hình ảnh cây trầu, giàn trầu trở nên quen thuộc, gần gũi. Dân gian truyền nhau rằng đêm về, khi cây trầu đang “ngủ”, muốn hái lá trầu, phải lay gọi, đánh thức trầu. Miệng thì đọc: “Trẩu trẩu trầu trầu/ Mày làm chúa tao/ Tao làm chúa mày/ Tao không hái ngày/ Thì tao hái đêm”. Nếu không đọc câu cửa miệng này, không đánh thức trầu thì sáng ra, giàn trầu héo rũ.

Cũng ở nông thôn xưa, trong tín ngưỡng của người Việt, người ta quan niệm rằng nếu trong gia đình có người mất, cây cối trong vườn nhà phải để tang, nhất là những cây cối do người quá cố trồng và chăm sóc. Một mảnh khăn trắng được buộc lên thân cây. Có trường hợp cây buồn rầu, héo úa, rồi “đi” theo chủ. Có thể chỉ là sự ngẫu nhiên, nhưng những động thái trên, cách nghĩ trên thể hiện mối quan hệ mật thiết, sự gắn kết chặt chẽ giữa con người và cây cối.

Dòng Đuống. Tản văn của Hồ Huy
Sau một thiên niên kỷ tồn tại, rặng duối được dân làng Cam Lâm tôn trọng, bảo vệ.

Chưa hết, “vạn vật hữu linh” còn được thể hiện đa dạng sắc màu. Trong khuôn viên cố đô Lam Kinh ở Thanh Hoá, gần lăng mộ vua Lê Thái Tổ, có cây ổi “biết cười”. Cây ổi này thoạt nhìn, giống các cây ổi bình thường khác. Cây gầy guộc, khẳng khiu, lá nhỏ. Chỉ cần gãi nhẹ lên thân cây, nhất là vào gốc cây, vào nách cành, tất cả lá cây rung lên như đang cười. Một nụ cười niềm nở vui tươi chào khách. Lại chỉ có cây ổi gần lăng mộ vua Lê là có khả năng bí ẩn này.

Trong tín ngưỡng của nhiều tộc người, nhiều quốc gia có khái niệm “cây thiêng”. Cây thiêng (sacred tree) được coi là có sự linh thiêng, được tôn kính, sùng bái. Về độ tuổi, cây thiêng thường là những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi, thậm chí hàng ngàn năm tuổi. Về chủng loại, cây thiêng thường gắn với tôn giáo, với phong tục, với truyền thống văn hoá - lịch sử ở các vùng miền, các quốc gia như cây đa, cây gạo, cây đại, cây thị, cây si, cây long não, cây sấu, cây muỗm… (ở Việt Nam), cây bồ đề (ở Ấn Độ)…

Cây thiêng thường nằm trong khu rừng thiêng. Người ta tin rằng có một vị thần quyền năng vô hạn cư ngụ ở gốc cây thiêng. Vị thần đó có khả năng hoá giải những khổ đau, bất hạnh, đem đến may mắn và hạnh phúc cho con người.

Cây thiêng có thể gắn với tên tuổi một nhân vật lịch sử nào đó. Ở Ngũ Phúc, Kiến Thuỵ, Hải Phòng có cây gạo cổ thụ hơn 700 tuổi, gắn với tên tuổi của Quỳnh Trân công chúa (con gái vua Trần Thánh Tông). Tương truyền, vào mùa xuân năm 1284, công chúa Quỳnh Trân trồng cây gạo với mong ước người dân có thóc gạo dồi dào, có bóng mát chở che. Từ xa nhìn lại, thân cây có dáng hình người mẹ ôm con. Những cặp vợ chồng hiếm muộn đến chạm tay vào cây, lấy vỏ cây làm gối, sẽ có con cái như ước nguyện.

Cây thiêng là cây cổ thụ sừng sững, bề thế, uy nghi, là cây cao bóng cả, được coi là biểu tượng của sức sống mạnh mẽ, về sự trường tồn của con người và vạn vật, là “nhân chứng lịch sử” chứng kiến mọi vơi đầy nhân thế, mọi biến thiên dâu bể. Cây đa và cây gạo ở nông thôn Bắc bộ xưa mang đậm dấu ấn của làng quê truyền thống, là nơi lưu giữ hồn quê, là điểm tựa tinh thần của cộng đồng cư dân làng xã, là nỗi nhớ khắc khoải của những người con xa xứ nhớ về quê mẹ.

Trong nhiều tín ngưỡng và văn hoá, cây được coi là linh thiêng và được trân trọng tôn thờ (tục thờ cây). Nhưng thật lạ lùng, hiện nay, ở xứ ta và trên thế giới, đó đây, cũng chính con người (lực lượng lâm tặc) vẫn xuống tay tàn sát những cánh rừng, triệt hạ cây xanh. Cây xanh vẫn chảy máu bởi lòng tham, sự thiếu hiểu biết, sự vô ý thức của một số người.

Trong một lần dạo chơi ở công viên, tôi tình cờ nhìn thấy trên lưng chừng thân cây của mấy cây chò, cây phượng vĩ… treo những tấm biển gợi nhiều suy ngẫm: “Mỗi ngày, tôi cung cấp đủ ô- xy cho 4 người. Hãy để tôi được sống và xanh vì chính các bạn!” và “Mỗi năm, 15 tỉ anh em của tôi bị chặt hạ. Hãy giúp chúng tôi!”… Đó là lời của cây, lời của người bạn thiên nhiên thân thiện quanh ta, đồng thời là một thông điệp, một lời nhắn nhủ xót xa gửi tới con người. Lời của cây, lời tâm tình và cầu cứu, đọc lên mà thấy nhói lòng.

Theo số liệu gần đây, hàng năm, trên toàn cầu, từ 15 đến 18 triệu ha rừng bị phá huỷ. Đáng sợ thay, mỗi phút có khoảng 2.400 cây bị đốn hạ. Mỗi ngày “khai tử” hàng trăm loài thực vật… Hậu quả nhỡn tiền là môi trường bị suy thoái, đa dạng sinh học bị xáo trộn, khí hậu thay đổi tiêu cực, tình trạng khô hạn, hoang hoá đất, xói mòn đất… diễn ra nhức nhối. Việt Nam không là một ngoại lệ. Nạn phá rừng ở nước ta đứng thứ hai thế giới. Hồi chuông cảnh báo đã rung lên mạnh mẽ từ lâu, nhưng vấn nạn này còn nhiều nan giải.

Ai cũng nhận thấy cây cối là biểu hiện của sự thiện lành. Bên cây, có cảm giác yên bình, thơ thới… Thế mà, cũng chính con người, lại tìm đủ cách để tàn hại cây. Nhỏ nhất là những hành động vô tình, vô tâm, vô thức của mấy người hồn nhiên đóng đinh vào thân cây, khắc tên để “lưu danh” vào thân cây… Cách đây ít ngày, tôi chứng kiến cảnh tượng người ta cắt tay cắt chân của những cây phượng vĩ trước mùa mưa bão. Lẽ ra chỉ cắt tỉa lá cành, người ta đã mạnh tay cắt chỉ còn trơ thân cây cụt ngủn. Có cảm giác hàng cây đau đớn đứng chịu trận. Trước thềm mùa hoa phượng, họ còn vô tình cắt đi những vầng hoa nở đỏ trời khi mùa hè đến.

Nhưng nhẫn tâm hơn là hành động đổ nước muối đặc quanh gốc những cây hoa sữa, để “bức tử” loài cây đã dâng cho đời những mùa hoa nồng nàn hương sắc. Cây sẽ từ từ chết, khi rễ cây hút thứ nước độc kia. Người ta viện cớ hương hoa sữa đậm đặc, gây cảm giác khó chịu, để từ đó xuống tay tàn hại những cây hoa sữa vô tội trên con phố cạnh nhà…

Phận cây có bao điều đáng nói. Phận cây là phận mỏng, mong manh, nhạy cảm. Có phúc và có hoạ. “Phúc” gắn liền với tín ngưỡng của con người, gắn với văn hoá tâm linh, gắn với những nơi người ta trân trọng cây xanh, coi cỏ cây là người bạn gần gũi, thân thiện và giao hoà, giao cảm với con người. “Hoạ” gắn với lòng tham, sự u mê, u tối của con người trong cõi nhân sinh. So với muôn loài, loài cây sinh ra để gánh vác sứ mệnh lớn lao, mang lại những tốt đẹp, tốt lành cho sự sống, cho nhân sinh. Nhưng chính loài cây cũng gánh chịu nhiều kiếp nạn, bị tàn sát, bị đốn hạ, bị bức tử…

Trái Đất này là của chung, của muôn loài. Môi trường, môi sinh là của muôn loài. Loài người giữ vai trò “cầm trịch” sáng suốt để tạo sự cân bằng, hài hoà, tạo sự tồn tại an toàn, bền vững. Cây cối, thiên nhiên cần được tôn trọng hơn. Con người sống trong sự bao bọc, chở che của thiên nhiên xanh tươi cỏ cây hoa lá. Con người chăm sóc, bảo vệ thiên nhiên…

Có như vậy, phận cây sẽ ngày càng tươi sáng, khởi sắc. Hoạ bớt đi mà phúc dày thêm. Cuộc sống tốt đẹp trong sự hoà hợp nhuần thấm giữa con người và thiên nhiên đang đón đợi mọi người.

----------

Bài viết cùng chuyên mục:

Chiếc vòng hái, chuối cau và mùa thu đa mang. Tản văn của Nguyễn Hiệp Tàn lửa của mặt trời. Tản văn của Phạm Gia Hân Có kịp về chăng trong cơn giông. Tản văn của Lê Hà Ngân "Nàng tôn nữ" bên dòng sông Hương. Tản văn của Hoàng Khánh Duy Nghệ sĩ thổ mộ. Tản văn của Nguyễn Nhã Tiên
Nhiều nội dung quan trọng tại phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Nhiều nội dung quan trọng tại phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Baovannghe.vn - Dự kiến, Phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ diễn ra từ ngày 7 - 10.10.2024 và ngày 14.10.2024, tại phòng họp Tân Trào, Nhà Quốc hội
Gạch nối Sơn Tây - Thơ Nguyễn Quang Hưng

Gạch nối Sơn Tây - Thơ Nguyễn Quang Hưng

Baovannghe.vn- Sông Hồng đi qua xứ Đoài/ Vác theo vùng trời vỡ rạn/ Đường trung du mốc trắng/ Xanh bãi bờ gọi niềm trai tráng
Chiếc bình đựng ký ức. Truyện ngắn của Dương Nữ Khánh Thương

Chiếc bình đựng ký ức. Truyện ngắn của Dương Nữ Khánh Thương

Baovannghe.vn - Mộc cười tự tình với trăng. Trăng chảy ướt đầm vai áo Mộc. Từng sợi trăng vút mềm tao nhã như đổ ra loang mềm trong ánh nhìn bượt bã của nàng.
Bài thơ "Mẹ ngồi tựa cửa" của Hải Thanh

Bài thơ "Mẹ ngồi tựa cửa" của Hải Thanh

Baovannghe.vn - Hình ảnh Lá rơi... lại tưởng bước chân ai về đã được nhắc đến trong thi ca khá nhiều. Nói cũ thì cũng đúng. Nhưng không hiểu sao với bài Mẹ ngồi tựa cửa của nhà thơ Hải Thanh, tôi lại không nỡ nghĩ như vậy.
Với người được tặng nhiều sách - phỏng vấn của Vũ Thị Hân Hoan

Với người được tặng nhiều sách - phỏng vấn của Vũ Thị Hân Hoan

Baovannghe.vn - Quả thực cô hỏi thế tôi cũng khó trả lời. Có lẽ các nhà văn, nhà thơ tặng sách cứ nghĩ rằng, ở cương vị lãnh đạo tôi là người ham đọc sách, nên họ ra sức tặng