Mùa thu - truyện ngắn của Như Bình |
Mẹ tôi giận, hắt hảy bà cả tháng không thèm về. Có về lại cãi nhau, thôi thì đủ thứ bực bõ trách móc. Bà làm thinh một mực cho rằng "Đường tiền duyên của tôi trắc trở. Âu cũng là nghiệp chướng."
*
Sân nhà bà tôi phía trước trồng độc hoa cúc vàng. Mùa thu về hoa cúc nở ngập vườn sáng rực đất. Bà nói màu vàng là màu của hoàng cung, sang trọng hơn mọi thứ màu khác. Ai yêu màu vàng người đó có bản tính bạo liệt và mạnh mẽ, không bao giờ biết khuất phục. Bà không thích chưng hoa vào lọ nên cuối mùa hoa rụng đặc đất một lớp vàng tươi rói. Tôi xuýt xoa. Bà thản nhiên "Đừng đụng vào. Khắc nở khắc tàn." Nhưng hoa rụng nhiều quá, bà rốt ruột thẩn tha, trông mắt bà buồn ảo não.
Tôi không biết ông ngoại ngoài tấm ảnh ố vàng treo trước án hương. Đồn rằng ông tôi xưa hào hoa nổi tiếng, đi đến đâu đàn bà theo đến đó. Có bà còn theo ông về tận nhà lạy bà ngoại xin được làm vợ lẽ, dù chỉ để hầu hạ ông. Ông ngoại đa tình, chợ Bến không ít trên dưới hai chục cô hàng xén mê ông. Chiều nào, đi chợ về các cô cũng ghé hàng qua ngõ, biếu ông ngoại khi thì phong quà, tấm áo. Bà ngoại không thuộc người ghen tuông đáo để nên ông chỉ cưới mỗi mình bà. Ông tôi còn tật ham đánh bạc. Đang đêm, trốn bà chèo thuyền đi đánh bạc, ông cuộn áo tơi bỏ lên giường quấn chăn chiên lại y như người đang ngủ. Mùa nước sông dâng vào nhà, ông chèo nôốc đi đánh bạc thâu đêm đến nỗi phải bán hết gia sản gồm 150 mẫu ruộng với 50 con trâu cày mà vẫn không trả hết nợ. Ông bỏ nhà sang Lào, mãi tới 15 năm sau bà mới biết tin ông còn sống. Người làng Hạ đi Lào gặp ông kể ông vẫn còn phong độ lắm. Bấy giờ ông buôn tơ lụa. Ông gửi về cho bà và mẹ cơ man lụa đẹp nhưng ông vẫn không chịu về. Ông nhắn người làng Hạ đến mùa thu ông trở lại. Ông còn phải kiếm nhiều tiền, thật nhiều. Ông mong ước trả được số nợ năm xưa và không chịu thua ai. Nhưng người làng Hạ lại đồn ông bị bùa mê xứ người rồi. Thế mà bà ngoại vẫn không thôi hi vọng. Độ thu, khi hoa cúc thắp nắng, tôi thấy mắt bà cháy lên niềm hi vọng nhiệt cuồng.
*
Trong gia đình tôi mẹ là người sắm sửa và cất đặt tất cả mọi thứ. Mẹ thuộc túyp người "Xanh - găng" có cá tính mạnh, nóng nảy và nói nhiều nhưng lại khắc phu khắc tử. Mẹ yêu và chăm bẵm lo lắng cho chúng tôi (tôi và em gái) theo cách riêng của mẹ, cái cách rõ ràng được kẻ bằng đường thẳng. Mẹ thích là chúng tôi thích. Đó là cách yêu áp đặt và độc quyền. Mọi thứ trong gia đình tôi diễn ra đâu vào đấy theo một trật tự nhất định của mẹ. Chỉ có điều, càng ngày mẹ càng lạ. Mẹ buồn vui bất thường, nóng giận vô cớ, khắt khe đến quá quắt. Bà ngoại nói "Thứ đàn bà không biết chế ngự là khổ." Bà còn cho rằng ngày trước mẹ không như thế bà lại càng không ưa cách bỏ chồng của mẹ. Bà bảo "Không yêu thì đừng có lấy. Làm thế khác gì sỉ nhục mình."
*
Tuần nào tôi cũng về thăm bà. Ở đó tôi dường như được thoát tục, được trốn khỏi thế giới nặng nề u ám của mẹ. Con Hoàn em gái tôi lại khác. Nó nhu mì lành tính và mẫn cảm hơn tôi. Hình như nó hiểu mẹ hơn hoặc giả nói đại lượng với mẹ mà tôi thì không thể. Ngược lại, mẹ cũng yêu nó hơn hết thảy cứ như thể tôi là nguồn cơn của nỗi bất hạnh mà mẹ phải chịu đựng còn nó thì ngược lại. Tôi giống bố như đúc, cả vẻ cục mịch lầm lì. Và dù cố gắng để yêu tôi mẹ vẫn không sao đạt được điều ấy. Phải thôi, con Hoàn là của riêng mẹ, là khởi nguồn của niềm hạnh phúc, là bến bờ, là vô tận. Nó đẹp, sáng rực và mỏng mảnh như mùa thu. Nó không giống mẹ đã đành còn bố thì tuyệt nhiên là không. Nhiều đêm vùi đầu vào ngực bà hít hà mùi hương ẩm mốc của đất và vị thơm hăng hắc của cây lá, tôi khóc giàn giụa. Bà ngoại thở dài vỗ vỗ vào lưng tôi: "Dù sao hai đứa mày cũng một mẹ đẻ ra, cố mà yêu thương nhau cháu ạ. "Tôi tự hỏi không biết mình có quyền căm ghét và phán xét mẹ không?
*
Mẹ tự hào về con Hoàn bao nhiêu lại phiền muộn vì tôi bấy nhiêu. Suốt 4 năm đại học tôi không hề có bạn trai. Cả bây giờ khi đã đi làm rồi tôi vẫn một mình thui thủi. Sự tẻ nhạt và câm lặng của tôi làm mẹ điên tiết. Mẹ không hiểu vì sao tôi lại buồn, lại u ám, không thiết tha bạn bè yêu đương. Theo mẹ tôi có đủ mọi thứ trừ bố, mà chuyện đó nào có gì là mới mẻ. Mẹ than tôi giống bố, giống cả nét quê kệch lầm lì. Mẹ nói nhạt, nói mặn, nói gần nói xa rồi cũng xổ toẹt ra ý nghĩ từ lâu đã thành định kiến. "Nòi nào thì giống ấy, cứ như khúc gỗ vô tri vô giác. Con gái mà không có lấy một thằng đàn ông nào đeo đuổi thật nhục nhã. Cái giống không biết yêu đương thì sinh ra có vậy."
Bố lấy vợ. Cứ tưởng những chuyện đó là khủng khiếp, là quá sức tưởng tượng thế mà kì lạ thay, tôi chịu đựng được hết. Có thể tôi đã chai lì rồi, đã quen với tất cả mọi thay đổi, mọi trớ trêu và vô lí của người lớn. Kể từ khi bố đi khỏi, hầu như căn nhà của mẹ không có bóng dáng đàn ông. Bạn bè tôi lần lượt đi lấy chồng, tôi trốn lì trong buồng không chơi bời không bè bạn. Con Hoàn ôn thi suốt ngày vắng nhà. Chỉ mình mẹ vào ra, nhà lạnh như có ám khí: Mẹ thở ngắn than dài, giận dữ rồi bất lực. Cảm thấy mọi sự giục giã, ép uổng, thuyết phục với tôi đều vô nghĩa. Mẹ sốt ruột tong tả hỏi thăm đám này đám nọ sắm sanh cho tôi đủ đường. Mẹ không chịu nổi sự cằn cỗi của tôi. Mẹ sợ sự tẻ nhạt, thâm u vào mỗi buổi tối, và sự vắng lạnh hoang tàn dường như tràn ngập khắp căn nhà. Mẹ cáu bẳn nhiều hơn, giận dữ nhiều hơn, đôi khi trong cơn giận mẹ còn xúc phạm và làm nhục tôi nữa. Mẹ là thế, sao mẹ không hiểu tôi sợ gặp gỡ bạn bè, sợ nghe ai đó hỏi chuyện về gia đình, sợ mọi người biết sự thực nhục nhã của tôi. Mẹ không biết tôi xấu hổ và mặc cảm. Thế giới bé nhỏ của tôi đã bị khóa chặt dù mẹ có đau khổ, dọa dẫm hay van nài.
*
Thỉnh thoảng, tôi trốn mẹ về thăm bố và dì. Nhà của bố nhỏ xinh, không tiện nghi như của mẹ. Dì cũng giản dị đẹp người, lành tính. Tôi về, dì vác chõng tre ra ngõ cho tôi nằm rồi cặm cụi đi mò cua đãi tôi món canh tập tàng nấu với cua đồng giã nhỏ. Trưa ở quê yên tĩnh kì lạ. Tôi nằm nghe gió gọi nhau trên lũy tre và nghe dì kể chuyện làng xóm. Bố về hưu, làm thêm nghề đan rá rổ. Dì làm ruộng kiêm đi chợ bán sản phẩm của bố. Nhà không có đồ đạc gì nhiều. Bố khỏe ra và lúc nào cũng vui như tết. Tôi xót xa cho mẹ. Mẹ ngày càng khó tính và bất thường hơn. Mẹ mất đi sự đĩnh đạc, ngăn nắp, oai phong của ngày xưa. Mẹ sẵn sàng trút lên đầu tôi tất cả những phiền muộn giận dữ vô cớ. Tôi giống như một cái thùng vô tận để mẹ tha hồ nhét vào đấy những bực bội. Mẹ làm tôi tổn thương, co quắt và tê dại trước những cơn giận dữ buồn bực của mẹ. Hôm đám cưới bố, mẹ nhổ nước bọt xuống đất rồi rủa: "Đồ vô liêm sỉ". Tôi hỏi "Sao mẹ không lấy chồng, lấy người mẹ yêu, như bố ấy, có đỡ khổ hơn không?" Mẹ tát tôi nảy lửa rồi mẹ khóc rền rỉ "Đồ con mất dạy, mày chết đi cho tao nhờ. Công tao nuôi nấng chúng mày ăn học lo cho chúng mày không thiếu thứ gì bây giờ chúng mày trả công tao như thế hả? Khốn nạn thân tao quá. Tao ở một mình là vì chúng mày hiểu chưa!" Tôi gào lên "Không! Con không hiểu. Không cần hiểu. Có bao giờ mẹ hiểu con đâu mà con phải hiểu mẹ. Con không cần mẹ hi sinh như thế, điều đó chỉ làm khổ mẹ hơn, đày đọa chúng con hơn. Nếu mẹ đã không xấu hổ khi bỏ chồng thì bây giờ việc gì mẹ phải xấu hổ khi lấy chồng khác. Mẹ đã không thể lừa dối được mình rồi thì việc gì mẹ phải vờ cao đạo để đày đọa mình thêm. Con không cần! Không cần sự ép xác của mẹ. "Mẹ ngạc nhiên há hốc mồm nhìn tôi, không kìm mình được nữa mẹ ném cái cốc đang cầm vào mặt tôi, rồi mẹ nhảy vào giường cào cấu chiếc ga trải giường rách tan nát.
Trận đối đầu đầu tiên ấy kết thúc bằng vết thương khá sâu trên trán tôi. Mặt mẹ tôi trắng bệch ra. Mẹ lắp bắp gọi con Hoàn, run run băng bó cho tôi. Đêm ấy con Hoàn khóc nhiều lắm, mẹ cũng vậy, chỉ mình tôi khô khốc ráo hoảnh. Với tôi mọi cái đều rỗng không và vô nghĩa. Tôi bỏ về nhà bà. Những lúc tuyệt vọng nhất tôi lại về với ngoại. Vườn bà đất ẩm và mát. Tôi thích chân trần nằm úp mặt vào đất. Đất nâu mềm và mịn cọ mơn man vào da thịt tôi, ru tôi vỗ về tôi. Những lúc như thế tôi lặng yên nghe lá rụng trên mặt trên ngực trên tóc mình, và mình tan chảy vào đất mặc cho cô đơn tha hồ cào cấu vò xé.
*
Con Hoàn vào đại học. Căn nhà của mẹ xa vắng và hoang tàn hơn nhiều. Mẹ tôi bớt "xanh - găng” hơn. Mẹ trở nên tẻ nhạt và lầm lũi. Căn nhà giờ chỉ còn lại hai người đàn bà hai thế hệ, một già một trẻ. Song cả hai đều đau khổ. Cả hai không đủ sức làm ấm lên căn phòng vốn đã rêu phong, làm cho không khí bớt lạnh lẽo. Tối, mẹ lại bật ti vi rồi để ti vi trò chuyện một mình. Tôi mong mỏi, chờ đợi. Tôi vùi đầu vào giáo án, vào đám băng nhạc, vào chiếc gối cũ mòn vì nước mắt. Còn mẹ tựa cửa nhìn ra sân. Mẹ ngóng đợi bóng người qua ngõ. Giờ thì mẹ biết mẹ đã thua cuộc và không gì có thể lay chuyển hay thay đổi được tôi. Giờ đây, mẹ cảm nhận rõ ràng cái gọi là bất lực. Tôi hả hê, bởi vì mẹ đã có con Hoàn, còn tôi đứa con sinh ra từ lỗi lầm của mẹ, đứa con giống bố, giống gã đàn ông khù khờ mà mẹ đã căm ghét đã loại bỏ tất nhiên mẹ không thể bắt nó làm theo ý mẹ được.
Mẹ già đi rất nhanh. Mắt mẹ đục và buồn đến sợ.
*
Mẹ không còn siêng về thăm ngoại như xưa, dù chỉ để ca cẩm hay cãi vã. Ngoại tôi buồn hiu hắt. Mắt ngoại dường như trĩu nặng ưu phiền hơn trong sự mỏi mòn trông đợi. Rồi không ốm, không đau, ấy vậy mà ngoại đi, thanh thản như là không. Ngoại không đợi được đến mùa thu. Cả vạt cúc trước sân đã chóc chồi xanh non. Những búp bé tí xíu đã bắt dầu dom nụ. Hôm đi ngoại nắm lấy tay tôi khắc khoải. "Mùa này chắc hoa cúc nở rộ lắm." Rồi bà thở dài. Mẹ lật nắp quan tài thấy trong đó non nửa cành hoa cúc khô đã ngả màu nâu đỏ. Mẹ cằn nhằn bà vẽ vời còn tôi khỏa lấp hoa cúc đầy ngực bà và thương bà đến thắt ruột. Lúc đó tôi thấy người đàn ông rậm râu trên hương án đang nheo mắt nhìn tôi cười giễu cợt.
*
Tôi đòi về sống ở nhà của ngoại cho hết kì nghỉ hè. Mẹ nói tôi không thể sống một mình trong căn nhà hoang của bà. Mẹ cũng già nua và khờ khạo quá. Mẹ không hề thấy ngôi nhà của mẹ mới chính là nơi hoang tàn nhất. Rồi mẹ cũng sợ trái ý tôi. Mẹ thôi không bắt ép hay ngăn cản tôi nữa. Phải. Chẳng lẽ suốt một cuộc đời lầm lẫn và đau khổ mà mẹ vẫn không cẩn trọng. Tôi không thể sai lầm như mẹ, dù có thể phải sống đợi mùa thu cho đến hết đời.
-------------
Bài viết cùng chuyên mục: