Trước hết, hoan hô tuần báo Văn nghệ đã kịp thời có hai bài đăng trong cùng một số báo ra ngày thứ Bảy, 30/11/2019. Bài thứ nhất là của bản báo với nhan đề Một tuyến đường sắt và câu chuyện lòng dân, và bài thứ hai đăng trong chuyên mục Tiếng nói nhà văn của nhà văn Vũ Đảm, nhan đề Về dự án xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Nội dung hai bài báo này đã phản ánh khá đầy đủ những điều liên quan đến dự án đang được toàn xã hội hết sức quan tâm này, trong đó có những điều mà nhiều người mới nghe đã thấy “choáng”. Tôi chỉ xin góp thêm vài điều nói thêm và làm rõ thêm theo thiển nghĩ của mình về những điều hai bài báo đã đề cập.
Một điều mà ai cũng phân vân là tuyến đường sắt này Quốc Hội và Chính phủ chưa có chủ trương tại sao hai cơ quan của Trung quốc là công ty CP Tư vấn đầu tư và xây dựng giao thông vận tải (TRICC) và Viện thiết kế số 5 đường sắt Trung Quốc đã tiến hành lập quy hạch và khảo sát? Ai nhờ, ai gợi ý? Tuyến đường sắt này chạy qua 8 tỉnh trọng điểm bắc bộ. Một doanh nghiệp nước ngoài lập quy hoạch, rồi họ sẽ đi vào từng ngõ ngách 8 tỉnh này để khảo sát, để thiết kế, rồi sau đó sẽ là vấn đề cho vay vốn và nhận thầu nếu dự án được phê duyệt. Chắc khó lòng tránh khỏi sự tham gia của những đơn vị này! Thế là các đơn vị này sẽ đưa người của họ sang, rải khắp 8 tỉnh có tuyến đường sắt đi qua, xây dựng lán trại để thi công theo kiểu làm đường sắt Hà Đông - Cát Linh trong hàng chục năm, và khi ấy chuyện gì sẽ xẩy ra? Điều này không phải suy diễn mà tất yếu sự việc nó sẽ diễn ra như thế, bởi trên thực tế nhiều nơi có những dự án kiểu này, câu chuyện đã diễn ra đúng như một kịch bản ai cũng thấy. Đồng tình với nhà văn Vũ Đảm, như vậy thì “sẽ khó đảm bảo về mặt khách quan, khoa học và an ninh quốc phòng”. Bài học nhãn tiền về đường sắt trên cao Hà Đông - Cát linh còn đó. Nếu làm tuyến đường sắt này, nước ta sẽ không chỉ gánh thêm món nợ 100.000 tỷ mà có thể sẽ gấp đôi, gấp ba dự toán ấy. Ôi, thế thì con cháu chúng ta trả đến bao giờ cho hết nợ?...
Mặt khác, các tuyến đường bộ chạy qua các tỉnh này đã được xây dựng, mở rộng, gia cố mặt đường, nâng cấp lên “cao tốc”, khai thác chưa hết công suất và đang rất có hiệu quả cho công việc vận chuyển, trong khi đó việc đầu tư cho đường cao tốc Bắc - Nam, sân bay Long Thành và nhiều dự án phục vụ dân sinh khác ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh miền núi, vùng sâu vùng xa khác, cũng đang đòi hỏi một nguồn vốn khổng lồ... Đây phần lớn đều là những công trình của ngành Giao thông vận tải. Đó là chưa đề cập đến đường sắt Bắc - Nam cũng đang cần được cải tạo, nhưng nguồn tài chính chưa cho phép. Tại sao ngành Giao thông Vận tải lại đề xuất dự án đường sắt này? Nếu nói do dự án được tài trợ lập quy hoạch và tiến hành khảo sát, thì rõ ràng đó không phải là lý do thuyết phục, nếu như không muốn nói rằng buộc phải đặt dấu hỏi về mặt động cơ… Thực tế cho thấy hầu như các công trình trọng điểm của ngành này lâu nay đều có vấn đề về vốn đầu tư cũng như hiệu quả làm việc của các nhà thầu thực hiện…
Đôi điều nói thêm về dự án cụ thể là xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng này, vì rõ ràng trên thực tế nó chưa cần thiết, không có hiệu quả và không hợp lòng dân. Và cũng xin thể hiện sự đồng tình với câu kết của bản báo Văn nghệ: “Hiệu quả kinh tế, cuối cùng cũng là để phục vụ sự ổn định và phát triển xã hội. Mà hàn thử biểu của xã hội, chính là lòng dân. Câu chuyện về một tuyến đường sắt, cũng đang là câu chuyện của lòng dân. Sự cân nhắc, lắng nghe, và quan trọng hơn cả là đặt lợi ích chung của quốc gia, của dân tộc lên trên hết thảy mọi lợi ích, có lẽ lại một lần cần được sẻ chia, đồng cảm”.
Rất mong các vị lãnh đạo, các cơ quan có trách nhiệm hãy coi đây là tiếng nói từ lòng dân, tiếng nói vì sự ổn định và phát triển xã hội./.
Nguồn Văn nghệ số 49/2019