Sự kiện & Bình luận

Đổi mới, sáng tạo trong đào tạo nguồn nhân lực văn học

Tiếng nói nhà văn
09:39 | 03/06/2021
Người học văn cần bám sát đời sống đương đại, phải có tiếng nói trong dòng chảy văn chương nước nhà-đó là ý kiến của PGS, TS Phạm Xuân Thạch, Ủy viên Hội đồng Lý luận phê bình Văn học nghệ thuật Trung ương, Bí thư Đảng ủy Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (KHXH&NV), Đại học Quốc gia (ĐHQG) Hà Nội. Đây là quan điểm của Trưởng khoa Văn học khi trò chuyện với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, Văn nghệ xin giới thiệu cùng bạn đọc
aa

Người học văn cần bám sát đời sống đương đại, phải có tiếng nói trong dòng chảy văn chương nước nhà - đó là ý kiến của PGS, TS Phạm Xuân Thạch, Ủy viên Hội đồng Lý luận phê bình Văn học nghệ thuật Trung ương, Bí thư Đảng ủy Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (KHXH&NV), Đại học Quốc gia (ĐHQG) Hà Nội, khi trò chuyện với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, Văn nghệ xin giới thiệu cùng bạn đọc

Phóng viên (PV): Thưa ông, nói đến Khoa Văn học là nhắc đến cái nôi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng trong lĩnh vực văn học cho nước nhà. Những năm qua, đội ngũ cán bộ, giảng viên, sinh viên của khoa đã làm gì để gìn giữ, phát huy truyền thống đáng tự hào đó?

PGS, TS Phạm Xuân Thạch: Giai đoạn còn mang tên Trường Đại học Tổng hợp, Khoa Ngữ văn cùng với Khoa Triết học, Lịch sử là những khoa nòng cốt cung cấp tri thức về lĩnh vực khoa học xã hội của nhà trường. Sau khi ĐHQG Hà Nội được thành lập, Khoa Ngữ văn đã góp phần vào việc hình thành Trường Đại học KHXH&NV, đồng thời chia tách thành Khoa Ngôn ngữ học và Khoa Văn học. Qua các giai đoạn phát triển, Khoa Văn học không những duy trì và phát triển truyền thống học thuật, đào tạo, nghiên cứu chuyên sâu về văn học, Hán Nôm mà còn góp phần xây dựng các đơn vị đào tạo, nghiên cứu mới như: Nhật Bản học, Hàn Quốc học, Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc của nhà trường, Viện Trần Nhân Tông nghiên cứu về Phật giáo của ĐHQG Hà Nội. Hiện nay, Khoa Văn học đào tạo đại học chuyên ngành văn học và Hán Nôm; 6 chuyên ngành thạc sĩ; 5 chuyên ngành tiến sĩ.

Để phát huy truyền thống, vừa giữ được cốt lõi học thuật, vừa thể hiện trách nhiệm xã hội, cán bộ giảng dạy không chỉ là người nghiên cứu uy tín mà còn là những nhà hoạt động thực tiễn. Rất nhiều giảng viên của khoa là các dịch giả, nhà phê bình văn học. Khoa Văn học là một trong những điểm đến của nhiều nhà xuất bản để giới thiệu sách, kết nối người học với sáng tác qua các tọa đàm ra mắt sách.

PV: Có ý kiến cho rằng, Khoa Văn học thiên về nghiên cứu nên sinh viên mà khoa đào tạo ra vẫn thiếu tính thực tiễn nghề nghiệp. Ông nghĩ sao về quan điểm này?

PGS, TS Phạm Xuân Thạch: Nghiên cứu là một công việc máu thịt của người giảng dạy đại học nhưng trách nhiệm xã hội của giáo dục đại học là đưa kiến thức cơ bản đến với thực tiễn đời sống. Trong chương trình của khoa, ngoài khối kiến thức chuyên ngành, chuyên sâu về văn học thì còn có khối kiến thức cận chuyên ngành. Sinh viên được học về ngôn ngữ học thực hành, báo chí, xuất bản để có thể làm việc trong các lĩnh vực nghề nghiệp đó. Với xã hội học nghệ thuật, sinh viên được học về chính sách công để có thể tham dự vào tiến trình xây dựng chính sách. Sinh viên còn được học về lý luận phê bình nghệ thuật, biên kịch điện ảnh-truyền hình để tham gia trực tiếp vào việc sáng tác, phê bình trong thị trường văn hóa, nghệ thuật đương đại.

Hiện nay, Khoa Văn học có câu lạc bộ (CLB) Điện ảnh và CLB Văn hóa dân gian. Hai CLB này là cơ sở để chúng tôi tạo nguồn thu hút sinh viên vào lĩnh vực mới, đưa sinh viên đến các hoạt động thực tiễn. Điều đáng nói, số sinh viên Khoa Văn học trụ lại với ngành cho đến hết 4 năm học lên tới 80%. Theo thống kê, tỷ lệ sinh viên Khoa Văn học ra trường có việc làm sau một năm là một trong những tỷ lệ cao nhất của nhà trường.

PV: Những năm qua, các trường thực hiện đổi mới căn bản giáo dục từ dạy học truyền thụ sang dạy học kiến tạo. Vậy Khoa Văn học đã có gì đổi mới để thực hiện mục tiêu này?

PGS, TS Phạm Xuân Thạch: Khoa Văn học chính là đơn vị đề xuất và đảm nhiệm giảng dạy môn học mới “Tư duy sáng tạo và thiết kế ý tưởng” cho toàn Trường Đại học KHXH&NV. Kế hoạch này chúng tôi triển khai từ đầu năm 2020, thường mỗi học kỳ sinh viên đăng ký học trên dưới 10 lớp. Nhóm giảng viên giảng dạy môn học này cũng đã đạt giải thưởng “Dự án xuất sắc” trong Giải thưởng đổi mới giảng dạy của ĐHQG Hà Nội năm 2020.

Để đáp ứng xu thế đào tạo liên ngành, Khoa Văn học đã và đang mở rộng hướng đào tạo. Thứ nhất, tập trung gìn giữ những gì căn cốt nhất, thành tựu về đào tạo và nghiên cứu bao gồm: Quốc văn-Văn học Việt Nam, Hán Nôm. Thứ hai, quy hoạch lại để có hệ thống nghiên cứu và giảng dạy văn học nước ngoài mang tính liên ngành cao hơn. Thứ ba, kiến thức lý luận văn học tiệm cận với kiến thức về lý thuyết văn học thế giới. Thứ tư, tái cấu trúc nghiên cứu về văn học dân gian. Trước đây chỉ có văn học dân gian là ngôn từ, còn bây giờ văn học dân gian trở thành nghiên cứu về Folklore, nghĩa là văn hóa dân gian và văn hóa đại chúng. Thứ năm, mở rộng nghiên cứu về nghệ thuật. Từ năm 2015 trở lại đây, Khoa Văn học đã đẩy mạnh hợp tác với các đơn vị trong và ngoài nước ở cả lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu khoa học.

PV: Là người có nhiều năm kinh nghiệm nghiên cứu và giảng dạy về văn học, điều ông trăn trở nhất trong hệ thống đào tạo lĩnh vực văn học của Việt Nam hiện nay là gì?

PGS, TS Phạm Xuân Thạch: Chương trình hiện nay rất mạnh về khối kiến thức cơ bản nhưng đối với sinh viên thì cần phải thúc đẩy mạnh hơn nữa việc bám sát thực tiễn xã hội. Sinh viên cần phải được biết những gì mới được xuất bản và phải có tiếng nói về đời sống văn chương Việt Nam. Ví dụ môn tôi dạy về Lý luận phê bình văn học nghệ thuật thì hằng năm, mỗi học kỳ chúng tôi lại đổi mới một danh sách các tác phẩm mà sinh viên phải đọc. Sinh viên phải đọc những cuốn sách mới nhất trong lĩnh vực văn học và phải viết sản phẩm phê bình văn học về những tác phẩm ấy. Đây là công việc nhỏ, nhưng hoàn thành được việc nhỏ thì sinh viên mới có điều kiện để nghĩ về những điều lớn hơn.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

HỮU TRƯỞNG (thực hiện)

Nguồn QĐND


Thơ Lê Vĩnh Thái và những cuộc đi hoang

Thơ Lê Vĩnh Thái và những cuộc đi hoang

Baovannghe.vn - Lê Vĩnh Thái luôn mang tâm thế là một thầy giáo nghèo vùng ngoại ô của Huế. Sự vất vả, lam lũ, khung cảnh nông thôn chính vì thế luôn là không gian nghệ thuật nổi bật trong thơ anh.
Ngôn ngữ mỹ thuật trong tranh Trương Đình Hào

Ngôn ngữ mỹ thuật trong tranh Trương Đình Hào

Baovannghe.vn - Trong tranh của Trương Đình Hào, ta thường bắt gặp nón quai thao, một cặp nam nữ đang hát quan họ, các con vật và vật dụng thường ngày… Thoạt nhìn, rất dễ để xem tranh Hào dưới góc nhìn văn hoá, di sản: các tác phẩm ghi lại các hoạt động bình dị hằng ngày của đời sống nông thôn ở miền Bắc Việt Nam giai đoạn trước Đổi mới.
Trông đám đông hỏi lấy một người: Phỏng vấn một cái cây ở sân 51 Trần Hưng Đạo

Trông đám đông hỏi lấy một người: Phỏng vấn một cái cây ở sân 51 Trần Hưng Đạo

Trong đáBaovannghe.vn - 51 Trần Hưng Đạo - Hà Nội là trụ sở của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Tòa nhà bình dị này mang một ý nghĩa rất lớn.
Ở trong tôi - Thơ Kim Chuông

Ở trong tôi - Thơ Kim Chuông

Baovannghe.vn- Tôi gặp mùa thu trên mặt sông đầy/ nhịp cầu giống chiếc đòn gánh lớn
Đọc truyện: Nhánh lan vảy rồng. Truyện ngắn dự thi của Trung Sỹ

Đọc truyện: Nhánh lan vảy rồng. Truyện ngắn dự thi của Trung Sỹ

Baovannghe.vn - Giọng đọc: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương