Mùa liên hoan năm nay ghi dấu ấn với quy mô được mở rộng, song song các hoạt động chiếu phim, trao giải, đào tạo, còn tạo điểm nhấn tôn vinh các tác phẩm có giá trị củahai nền điện ảnh Việt Nam và Hàn Quốc.
Từ 5 ngày như hai mùa trước, LHP châu Á - Đà Nẵng lần thứ ba nâng thời gian tổ chức lên 7 ngày, mở rộng thêm các hoạt động trong khuôn khổ. Đáng chú ý là sự ra đời của chương trình “Toàn cảnh điện ảnh châu Á” - nơi tuyển chọn những tác phẩm của khu vực từng gặt hái thành công tại các LHP quốc tế trong năm qua, cũng như nhiều tác phẩm mới chọn DANAFF là điểm đến công chiếu lần đầu. Dự kiến sẽ có 200 buổi chiếu phim tại LHP Châu Á - Đà Nẵng 2025, gấp đôi năm ngoái. Ngoài các tác phẩm tranh giải, nhiều phim nội địa và khu vực được tuyển chọn để trình chiếu, giới thiệu, tổng số là hơn 100 tác phẩm - tương đương gấp đôi so với 46 phim và 63 phim của hai năm trước đó.
Duy trì thương hiệu riêng, LHP trong lòng thành phố biển tiếp tục phân loại giải thưởng theo hai hạng mục: “Phim Việt Nam dự thi” (gồm 13 tác phẩm) và “Phim châu Á dự thi” (gồm 14 tác phẩm). Giải thưởng “Thành tựu điện ảnh” ra đời năm ngoái được giữ lại vào năm nay, tìm kiếm chủ nhân là một nhà làm phim xuất sắc, có nhiều đóng góp cho sự phát triển của điện ảnh trong khu vực châu Á. Trong khi, giải “Phê bình phim châu Á” được thêm vào là một hạng mục phụ, trong khuôn khổ chương trình “Toàn cảnh điện ảnh châu Á”.
|
Song hành với việc tôn vinh kho tàng điện ảnh kinh điển và ghi nhận các giá trị điện ảnh đương thời, LHP châu Á - Đà Nẵng còn chú trọng khía cạnh tạo nguồn và cổ vũ cho thế hệ làm phim mới. Đó là lý do để “DANAFF Talents - Tài năng triển vọng DANAFF” được nối dài qua từng năm. Đây là chuỗi hoạt động đào tạo, kết nối, phát triển dự án phim dành cho các tài năng trẻ. Tại đây, workshop “Ươm mầm tài năng” lĩnh vực diễn xuất, “Vườn ươm dự án” và “Master Class” dành cho các nhà làm phim phát triển dự án cá nhân sẽ diễn ra xuyên suốt thời gian LHP.
Trong số đó, “Vườn ươm dự án” (Project Market) lần đầu chào sân đã được DANAFF xếp vào nhóm hoạt động then chốt, bao gồm hai hạng mục: “Dự án phim nghệ thuật châu Á” (Art-house Film Project) và “Dự án phim Việt Nam các thể loại” (Genre Film Project). Từ loạt dự án gửi về, ban tổ chức lựa chọn 14 ý tưởng kịch bản tiềm năng để tham gia vào vòng phát triển. Bên cạnh các phiên thuyết trình, “Vườn ươm dự án” còn là không gian học hỏi chuyên sâu trong bốn ngày. Tại đây, các nhà làm phim, chuyên gia điện ảnh trong khu vực sẽ dành lời khuyên cho từng nhóm làm phim với kịch bản họ có trong tay.
Kết thúc chương trình, dự án xuất sắc nhất thuộc hạng mục “Phim nghệ thuật châu Á” sẽ nhận giải thưởng trị giá 8.000 Euro từ CNC - Trung tâm Điện ảnh Quốc gia Pháp, cùng ba tháng hỗ trợ phát triển chuyên sâu từ Mylab - chương trình cố vấn và phát triển dự án điện ảnh độc lập tại Đông Nam Á. Bên cạnh đó, Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ (MPA) dành tặng giải thưởng trị giá 5.000 USD cho dự án xuất sắc nhất thuộc hạng mục “Dự án phim Việt Nam các thể loại”.
“Nửa thế kỷ phim chiến tranh Việt Nam” là một trong hai chương trình trọng tâm của DANAFF 2025 . Đến với chương trình này, khán giả có dịp thưởng thức trở lại loạt tác phẩm nội địa khai thác chủ đề chiến tranh; đồng thời gặp gỡ, trò chuyện với các diễn viên, đại diện đến từ các đoàn phim cũng như những người làm phim chiến tranh nhiều thế hệ.
Theo thông tin từ Ban tổ chức, tiêu chí tuyển chọn là các phim được sản xuất sau ngày đất nước thống nhất 30/4/1975, có chất lượng nghệ thuật tốt, giữ tiếng vang trong lòng công chúng qua nhiều thập kỷ, chinh phục các giải thưởng danh giá trong nước và quốc tế. Trong số 22 phim thuộc khuôn khổ chương trình “Nửa thế kỷ phim chiến tranh Việt Nam”, lâu đời nhất là phim Mối tình đầu của đạo diễn Hải Ninh, ra mắt năm 1977, thắng giải Bông Sen Bạc cho “Phim xuất sắc” tại LHP Việt Nam năm 1980. Mới nhất là phim Truyền thuyết về Quán Tiên của đạo diễn Đinh Tuấn Vũ, hoàn thành năm 2019. Ngoài ra, nhiều tựa phim bất hủ khác cũng được tái xuất như Cánh đồng hoang, Biệt động Sài Gòn, Ngã ba Đồng Lộc, Giải phóng Sài Gòn, Người đàn bà mộng du, Áo lụa Hà Đông…
Chương trình được đưa vào LHP châu Á - Đà Nẵng nhân kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước, với sự phối hợp của Viện phim Việt Nam. Qua đây, ban tổ chức hy vọng mang đến góc nhìn đa chiều về dòng phim chiến tranh, đặc biệt đối với tư duy kể chuyện, quy trình sản xuất và phát hành phim chiến tranh được sản xuất khi hòa bình lập lại với nhiều điểm khác biệt so với việc làm phim chiến tranh trong lòng thời chiến, giữa đạn bom ác liệt. Chương trình trọng điểm này còn tổ chức hội thảo “Dấu ấn phim chiến tranh của Việt Nam từ sau ngày đất nước thống nhất” với nội dung nhìn nhận và đánh giá một cách toàn diện về những thành quả, giá trị và vị trí của phim chiến tranh trong sự phát triển chung của điện ảnh nước nhà.
Phối hợp với Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam, Ủy ban Điện ảnh Hàn Quốc (KOFIC), Viện phim Hàn Quốc (KOFA), Ban tổ chức LHP châu Á - Đà Nẵng 2025 tuyển chọn 14 bộ phim Hàn Quốc ra đời từ những năm 1960 đến nay, quy tụ trong chương trình “Những dấu ấn của điện ảnh Hàn Quốc qua từng mốc thời gian”. Đại diện DANAFF đánh giá các bộ phim thể hiện bản lĩnh nghệ thuật và chiều sâu văn hóa đặc trưng của nền điện ảnh Đông Á rực rỡ. Trong đó, phim lâu đời nhất là The Housemaid (năm 1960) - tác phẩm của đạo diễn Kim Ki Young được KOFA và 240 chuyên gia trong ngành điện ảnh Hàn Quốc lựa chọn là kiệt tác điện ảnh Hàn hay nhất mọi thời đại năm 2024. Mới đây nhất là The Land of Morning Calm, chủ nhân giải Xích Lô Vàng - hạng mục cao nhất tại LHP quốc tế Vesoul về điện ảnh châu Á năm ngoái.
Ngoài ra, bộ ba tác phẩm Chunhyang, Painted Fire và Seopyeonje của nhà làm phim kỳ cựu Hàn Quốc Im Kwon Taek cùng 3-Iron của Kim Ki Duk, A Bittersweet Life của Kim Jee Woon, Barking Dogs Never Bite của Bong Joon Ho, The Day A Pig Fell Into A Well của Hong Sang Soo cũng được trình chiếu.
Song hành với các buổi chiếu phim là hội thảo “Điện ảnh Hàn Quốc: Bài học thành công quốc tế và kinh nghiệm phát triển công nghiệp điện ảnh”. Mục tiêu sự kiện hướng tới là mở ra cơ hội cho những thảo luận tập trung, cởi mở, có chất lượng về nền điện ảnh quan trọng này cả trên khía cạnh nghiên cứu tác phẩm với sự tham dự của các chuyên gia, học giả. Bên cạnh đó, việc đúc rút các bài học kinh nghiệm quý về sáng tạo, cách quản lý, vận hành công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc dành cho giới làm phim, các nhà quản lý và những người quan tâm đến điện ảnh cũng được chú trọng.
Tiến sĩ Ngô Phương Lan - Giám đốc LHP cùng những người tổ chức LHP châu Á - Đà Nẵng cho rằng điện ảnh Việt Nam và Hàn Quốc có nhiều điểm tương đồng ít nhiều trong chủ đề và ngôn ngữ thể hiện của trong giai đoạn thập niên 60-70 của thế kỷ trước. Tuy nhiên, từ những năm 1990, điện ảnh Hàn Quốc đã có những bước tiến vượt bậc, trở thành “con rồng” của điện ảnh châu Á, ghi dấu ấn mạnh mẽ trên bản đồ điện ảnh quốc tế. Hành trình vươn mình của điện ảnh nước bạn là kinh nghiệm xứng đáng để các nhà quản lý và sản xuất tại Việt Nam nghiên cứu và học hỏi.