Diễn đàn lý luận

Đồng vọng: những thanh âm đời sống

Đinh Tiến Hải
Lý luận phê bình
08:00 | 08/08/2024
Baovannghe.vn - Đồng vọng là một tác phẩm mang đậm dấu ấn văn chương trong hành trình sáng tạo của Tiến sĩ Văn học Trịnh Thu Tuyết. Cuốn sách với nhiều bài viết, nhiều điểm nhìn trên cơ sở lý luận - phê bình văn học. Một cuốn sách dày dặn với 315 trang viết được sắp xếp theo một hệ thống khoa học với ba phần.
aa

Đồng vọng là một tác phẩm mang đậm dấu ấn văn chương trong hành trình sáng tạo của Tiến sĩ Văn học Trịnh Thu Tuyết. Cuốn sách với nhiều bài viết cho thấy nhiều điểm nhìn trên cơ sở lý luận - phê bình văn học. Một cuốn sách dày dặn với 315 trang được sắp xếp theo một hệ thống khoa học với ba phần.

Đồng vọng: những thanh âm đời sống
Tiến sĩ Văn học Trịnh Thu Tuyết.

Phần I, “Những vần thơ và những tiếng lòng” với 20 bài tiểu luận, lý luận phê bình từ hiện đại đến hậu hiện đại như “Nỗi cô đơn của lá” trong tập thơ của Văn Cao; “Những cái tôi mang gương mặt đàn bà…” trong tập thơ Hoa dọc chiến hào của Xuân Quỳnh; Bi kịch khát khao trong bài thơ tình số 28 của Tagore; Góc đắm đuối cô đơn trong thơ Lưu Quang Vũ, trong tập thơ: Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi... Tất cả những bài viết được chị soi chiếu bằng cảm xúc và chiêm nghiệm của một người đọc nghiêm túc, từ đó mở ra một thế giới bí ẩn, một góc nhìn chiêm nghiệm, suy tư đầy sức nặng. Bằng ngòi bút sắc sảo của mình, chị đã giải mã và đưa ra những cảm nhận hết sức thuyết phục. Như khi viết về Văn Cao, chị phát hiện một nghịch lí: Văn Cao “là tác giả của nhiều tráng ca hào hùng, vậy mà phần lớn thế giới thi ca của Văn Cao lại là thế giới của những âm thanh không lời, những tiếng thầm thì khe khẽ, có phải đó mới là tiếng than buồn thực sự trong lòng ông…”; hoặc khi viết về hình ảnh thiên nhiên trong ca từ của Trịnh Công Sơn, chị đã cắt nghĩa sức cám dỗ kì lạ trong thơ và nhạc của ông qua việc khám phá những giá trị biểu đạt và biểu cảm huyền bí của những hình ảnh đa chiều, sống động từ gió, mưa, nắng, sỏi đá… để từ đó phát hiện tinh sắc cái tài và tình của người nghệ sĩ.

Phần I cũng mang đến cho bạn đọc những trang viết tinh tế, quyến rũ về những tập thơ, bài thơ của các tác giả hiện đại như Nguyễn Quang Thiều, Văn Công Hùng, Nguyễn Long, Nguyễn Văn Song, Nguyễn Hàn Chung… và đặc biệt là những bài thơ mang tinh thần hậu hiện đại không hề dễ đọc của Nguyễn Quang Thiều trong tập thơ Người đàn bà gánh nước sông; của Lê Vĩnh Tài, trong Mười năm hoặc Một quan niệm về thơ, và về đời… Mỗi một tác giả đều có một lối viết, một bút pháp của riêng mình. Điều quan trọng nhất nó phải tạo lên sự mới mẻ của hình ảnh, ngôn từ, tính tư tưởng và cảm xúc khiến người đọc rung động và muốn viết một điều gì đó về nó. Những bài viết của chị giúp bạn đọc nhận diện và khám phá những bí ẩn, những cách tân, đổi mới của mỗi tác giả trong thế giới nghệ thuật riêng của họ.

Trong phần lời tựa của cuốn sách chị cũng bộc bạch, chia sẻ những suy nghĩ của mình rất chân thành: “Có người hỏi tôi cuốn sách này xếp vào phê bình, tiểu luận hay tạp văn! Thực tình tôi không muốn xác định ranh giới cho những điều rất khó xếp vào ranh giới… Tôi chỉ muốn gửi tới các bạn một lời bày tỏ: Tôi luôn thấy hạnh phúc khi đọc một cuốn sách hay, nghe một ca từ đẹp, biết ơn cuộc đời khi mỗi ngày được thức dậy cùng bình minh…”. Trong vị thế cá nhân một người đọc, tôi tin rằng đây là một cuốn sách rất đáng đọc. Cuốn sách đưa bạn đọc tiếp cận đến một thế giới mở trên con đường nghệ thuật, tránh được những lối mòn, đưa ra được những lát cắt sắc sảo bằng nhận định cấp tiến. Một khía cạnh khác rất quan trọng, đó là sự truyền tải hết sức tinh tế các tác phẩm Văn học hiện đại, khám phá đa dạng khái niệm của cái đẹp trong thơ.

Đồng vọng: những thanh âm đời sống
Cuốn sách Đồng vọng

Phần II, là những bài viết về các tác phẩm văn xuôi mang tiêu đề “Bức tranh của đời, chân dung của người”. Trong phần này, tác giả cuốn sách đã góp thêm điểm nhìn sâu sắc, đau đớn và đầy ám ảnh về “Đất mồ côi, người lạc loài” của nhà văn Tạ Duy Anh. Trong những bài viết về một số tác phẩm được dạy và học trong nhà trường như “Cỏ lau”, “Chiếc thuyền ngoài xa” của nhà văn Nguyễn Minh Châu, tác giả Trịnh Thu Tuyết đã nhận diện những yếu tố nhân văn đậm nét trong sáng tác của nhà văn, phát hiện những chiều kích phi nhân tính trong chiến tranh (Cỏ lau), chỉ ra “cái bất toàn, nghịch lý, phi lý” trong cuộc sống con người (Chiếc thuyền ngoài xa) giúp bạn đọc dễ dàng tiệm cận hơn với tác phẩm.

Đồng vọng còn có những bài viết phong phú, đa dạng, lý giải về cái đẹp, cái thiện trong tiểu thuyết “Miền hoang tưởng” của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh; phát hiện “tình người” trong “Tình cát” của nhà văn Nguyễn Quang Lập; khẳng định những dấu ấn có tầm ảnh hưởng sâu rộng về lịch sử trong tiểu thuyết “Từ Dụ thái hậu” của Trần Thùy Mai; chia sẻ niềm khát khao hòa nhập với thiên nhiên kì diệu và bí ẩn trong sự mê đắm với rừng của nhà văn Nguyên Ngọc. Những bài viết mang khuynh hướng phê bình văn học của chị đã khai thác, luận giải những giá trị nội dung và nghệ thuật trong mỗi tác phẩm của các nhà văn một cách thấu đáo và minh triết, thể hiện ý thức trách nhiệm của người nghiên cứu cùng kiến văn sâu rộng của một Tiến sĩ văn học. Đồng vọng cũng đề cập đến nhiều vấn đề mang tính khái quát cao về những biến động lịch sử, về thân phận của con người, về cái đẹp, văn hóa và lòng thiện lương như trong tiểu thuyết Phố Hoài của nhà văn Trần Thị Trường; về những nghĩ suy, sự vô cảm và góc khuất trong tâm hồn như trong bài viết về tiểu thuyết Tưởng tượng và dấu vết của nhà văn Uông Triều.

Phần III, là những bài viết tản mạn suy tư trong hành trình tìm kiếm bản ngã của con người, khám phá những nỗi niềm nếm trải trong cõi nhân sinh, nỗ lực thấu hiểu bản chất của cuộc sống bằng những luận giải tinh tế, bằng lòng trắc ẩn, nhân ái mang lại nhiều dấu ấn sâu sắc như “Ngồi thế này thôi, làm gì đâu”; “Cỏ lau”…; chia sẻ một góc nhìn độc đáo về không gian văn hóa với những nét đẹp trong cách sống, cách ứng xử của người Hà Nội trong tác phẩm “Có một Hà Nội khác…”; thể hiện những chiêm nghiệm uyên thâm, sâu sắc, trí tuệ mang chiều sâu triết luận trong “Cô đơn đá ngẫm nghĩ”; “Âm thanh của sự im lặng”… Tất cả đã giúp làm nên một hành trình sáng tạo riêng biệt, bày tỏ những tâm tình để từ đó, người đọc tìm thấy sự đồng cảm, “đồng vọng” sẻ chia qua ngòi bút của chị. Nhà thơ Văn Công Hùng cũng nhận định: “Những hướng tiếp cận văn chương vừa mô phạm, vừa bất ngờ, vừa mở nhưng lại cũng chặt chẽ khiến người đọc thích thú và được thêm một lần khám phá… Không chỉ thu hẹp trong phạm vi đối tượng giáo viên và học sinh, mà cuốn sách này có ích cho tất cả các bạn yêu văn chương…”.

Đồng vọng thực sự thành công trong lựa chọn điểm nhìn, việc khai thác tối đa chiều sâu mỗi tác phẩm, cách xử lý vấn đề khéo léo, tế nhị bằng một ngòi bút sắc sảo, trong một văn phong vừa sáng vừa sâu.

Đó là một cuốn sách, một tác phẩm văn học rất đáng đọc.

Đinh Tiến Hải | Báo Văn nghệ

-----------

Bài viết cùng chuyên mục:

Cuốn sách hay nhất chưa chắc đã phải là cuốn sách bán chạy nhất. Sách cấm có phải là sách hay ? Sách hay tháng 7: Suy tư và tình cảm của con người thời dịch bệnh Sách hay còn lại với đời Công và tội của việc khen sách
Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Baovannghe.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.
Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Trong số các nhà văn nữ Việt Nam đương đại, nhà văn Vũ Thanh Lịch, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, là cây bút văn xuôi có nội lực sung mãn. Chị là tác giả của nhiều truyện ngắn hay, ghi dấu trong lòng bạn đọc mà “Nhà Thánh” - giải nhất Cuộc thi truyện ngắn Lửa mới 2018-2019 do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức là một minh chứng tiêu biểu.
Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Baovannghe.vn - Bà ngoại chỉ nói: "Đừng thúc ép gì nhiều. Phải tội. Đời người bạc, phận mỏng, biết sao được số trời. Mày làm thế không sợ chuốc khổ cho con bé".
Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4  trên khu vực trung Lào

Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4 trên khu vực trung Lào

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, sáng sớm nay (19/9), áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa đã mạnh lên thành bão - cơn bão số 4 năm 2024.
Bản tin Văn nghệ: Cuộc thi "Đưa Văn vào đời" - trao thiệp gửi yêu thương

Bản tin Văn nghệ: Cuộc thi "Đưa Văn vào đời" - trao thiệp gửi yêu thương

Baovannghe.vn - Cuộc thi thiết kế thiệp Văn học: Đưa Văn vào đời 2024, do Nxb Hội Nhà văn phối hợp tổ chức, Hội Nhà văn Việt Nam bảo trợ chuyên môn