Sáng tác

Du Hầm. Truyện ngắn của Đỗ Trọng Đạt

Đỗ Trọng Đạt
Truyện
07:00 | 08/02/2025
Baovannghe.vn - Mấy đứa trẻ con lại reo lên: "Con rô đực kia kìa!" Mấy con gái choai choai lại cong cớn chỉ chỗ "Con gà trống thiến mẻ". Lão Du Hầm chúi cổ đi ra phía đầu xóm. Cho đến khi lão kiễng chân nhổ toẹt bãi nước bọt, hoặc vạch quần đái ngay giữa đường, thì những tràng cười mới ré lên. Lão đi khuất khỏi con xóm nhỏ.
aa

Lão Du Hầm năm nay ngoài năm mươi tuổi. Người xương xẩu như cây gai, lão tên là Du nhưng vì người ta rất ít khi thấy cái mồm đầy răng của lão nhếch lên, nên gọi là Du Hầm. Lão sống một mình trong ngôi nhà gỗ cũ kĩ, hàng ngày đáp lại sự câm lặng của lão là tiếng mọt gỗ cót két và tiếng dơi đập cánh phần phật vẩn lên mùi nước cống tanh rình. Ngoài đám trẻ con vào mùa quả chín thường lẻn vào ăn trộm còn thì chẳng có ai đặt chân. Người ta kể rằng những đêm trăng sáng thường thấy lão trần truồng đi quanh ngôi nhà như bóng ma. Lão ỉa vào túi bóng rồi ném sang hàng xóm... Nhưng có điều lạ là chẳng thấy ai chửi nhau với lão.

Trước cửa nhà lão có cây táo cổ thụ, thân mọc vẩy giống như vảy rắn, có những chiếc cành cụt như đầu con rắn cỏ. Những người đàn ông kể rằng đêm đi qua đấy thấy thân cây đầy rắn. Có người còn quả quyết đã thấy mấy con rắn quấn quanh người lão... Đó cũng chỉ là những câu chuyện người ta kể cho nhau lúc đổ vào mồm mấy chén rượu. Vào mùa quả, cây táo nhà lão chín đỏ, những quả táo nhỏ như hạt lạc rụng đầy gốc. Một hôm lão vắng nhà có mấy đứa trẻ quanh xóm cạy cổng vào nhặt trộm táo, một lúc thấy chúng khóc thét lên, mồm sưng như bị phù. Người ta bảo: "Lão nhặt táo bỏ vào cái vại sành rồi ngâm lẫn ớt sau đó ném ra gốc để bẫy trẻ con." Đàn bà rất sợ qua nhà lão. Nghe nói có người bị lão dùng đá ném cho bục đầu. Ném xong lão cười ré lên như tiếng tặc lưỡi của mấy con thạch sùng. Nhưng cũng chẳng có ai chửi nhau với lão.

Một đạo người ta thấy lão cứ vắng nhà luôn. Lão đi từ tờ mờ sáng tới tối mịt mới về. Đêm đêm từ ngôi nhà hoang lạnh tối rì, cử vắng ra tiếng khóc. Tiếng khóc lúc to lúc nhỏ, có lúc như bò rống, rồi thành tiếng gầm gừ như đang nguyền rủa ai. Mấy mụ đàn bà bảo "Lại động cỡn”...

Trần Chu làm nghề buôn lưới. Hàng ngày len lỏi vào các xóm mà rao: "Lưới ơ..." Anh chàng lực điền nghễu nghện đôi sọt, khoe cặp giò chắc lẳn sạm đen vì nắng gió đã lọt vào mắt xanh cô con gái độc nhất nhà Ba Dần, một tay giàu nứt đố ở làng Bần. Sau một hồi chòng ghẹo ỡm ờ, gã buôn lưới mặt đỏ tía tai còn cô gái rượu ông trọc phú thì cười thin thít. Sau khi lôi được chàng lực điền vào nhà cô mới úp mở: "Nhà không có lưới. Nhưng mà có khối cái bán. Mua lưới à... lờ... ươi lươi..." Và rồi chuyện gì xảy ra cũng chẳng ai biết vì hôm ấy ông Ba Dần đi uống rượu đám ma ở làng bên. Sau đó gã buôn lưới ở luôn tại đó. Ông Ba Dần thì bảo "Muốn lấy đứa làm cho đỡ..." Cô gái rượu thì vẫn cười thin thít, mà mỗi ngày má lại phây phây, cái ngực lại đẫy đà. Khi ông Ba Dần bị cảm rượu mà chết thì chàng buôn lưới ở luôn tại đó, làm ông chủ và bỗng trở thành người có của. Nhưng ăn ở với nhau mấy năm mà vẫn cảnh vợ chồng đơn chiếc, đến năm thứ năm thì xen vào người thứ ba, khi Trần Chu cho con hàng rong vào làm đứa ở. Vợ hắn chỉ mặt, bảo: "Mày ăn của nhà tao. Phải hầu tao suốt đời. Đừng hòng giỏ trò với con này…" Trần Chu chỉ cúi đầu, nốc luôn mấy chén rượu. Một lần lão chủ gọi con ở lên, bảo: "Đồ lợn thiến nhà tao không biết đẻ. Nếu chiều ý tao, tao sẽ lấy làm vợ." Rồi hắn đè nghiến ra giường, hôm ấy vợ hắn đi sang làng bên mua vải, đứa ở chỉ còn biết khóc lóc van vỉ. Ba tháng sau mụ chủ lại gọi con ở lên, bảo: "Mày ngủ với chồng tao. Tao sẽ cắt lưỡi mày." Con ở quỳ thụp xuống khóc lóc: "Con lạy bà... Tại ông. Ông hại con..." Mụ chủ bảo: "Chúng mày định lừa bà! Đáng ra bà giết mày cũng đúng. Nhưng bà gia ơn..." Con ở lại lạy thụp. "Bà cho mày sống đến lúc sinh con rồi bà cho ít tiền mà đi biệt khỏi làng này..." Du Hầm ra đời từ đó, người ta cũng không biết thị kia đi đâu.

Hồi cải cách làng Bần có mấy người bị qui địa chủ cường hào. Nhưng nhà Trần Chu thì thoát vì chỉ có già mẫu ruộng chưa đủ qui tội, chỉ bị tịch thu. Năm sau cả hai vợ chồng đều chết cách nhau mấy tháng. Du Hầm thừa kế ngôi nhà gỗ với mảnh vườn.

Năm Du Hầm lấy vợ là lúc đã ngoài ba mươi. Một người làng bên đã theo hắn về làm vợ. Nhưng sống với nhau năm năm trời mà chưa có con. Một người hàng xóm rỉ tai: "Mày vớ phải của nợ. Chẳng thấy nó đẻ đái gì. Tống cổ đi..." Mấy tháng sau người đàn bà lặng lẽ ra đi với chiếc thúng rách và vài bộ quần áo cũ. Ít lâu, hắn lại đưa về một người đàn bà. Hắn bảo: "Ở đây với tao không phải lo miếng ăn, ruộng đấy, vườn đấy. Tao chỉ muốn có một đứa con." Người đàn bà mắt sáng lên lộ vẻ sung sướng. Thị lao vào làm, cốt vun vén cho cái tương lai mà cả đời vùi trong đói khát thị không mơ tới. Nhưng ba năm sau hắn nói với thị: "Nhà tôi vô phúc. Tôi với cô cũng chẳng còn có gì ràng buộc nhau. "Người đàn bà khóc lóc. Hắn bảo: "Đi mà tìm tương lai..." Từ đó hắn sống một mình.

Người làng Bần bỗng kháo nhau: "Du Hầm đào được một hũ vàng." Một người khẳng định: "Xưa giàu thế chắc lắm của. "Ở khắp đầu làng cuối xóm, khi đi chợ khi đi gánh phân người ta đều bàn tán chuyện ấy. Những đứa trẻ con không còn chạy theo lão mà reo hò, chúng lén lút bám theo lão, nín thở khi lão đẩy chiếc cổng gỗ cọt kẹt và bước ra khỏi nhà.

Lão Du Hầm thường đi lang thang suốt ngày, lão lặng lẽ vào những con hẻm tối tăm, nơi có những ngôi nhà mái rạ tồi tàn, xám xịt vì khói ám. Lão thường dừng lại trước một đám trẻ nhỏ đang nô đùa, rồi bất chợt vung tay, một nắm tiền bay lả tả. Sau đó lão cắm cổ quay đi như sợ ai bắt được làm việc gì xấu. Người ta bảo: "Kiếm được của giờ hóa rồi." Người ác khẩu nói: "Không khéo lão bỏ bùa. Đứa nào nhặt tiền của lão lại chẳng ốm nheo ốm nhóc." Nhưng người lớn vẫn tiêu những đồng tiền ấy và thay vào đó là những tờ tiền âm phủ đốt đi để giải bùa. Những đứa trẻ tinh ranh cứ bám theo lão. Nhiều đứa bị bố mẹ chúng đánh cho sưng cả mặt vì bên hàng xóm một đứa bằng tuổi nó cướp được mấy chục nghìn...

Một hôm nhà Du Hâm có mấy người đẩy cửa vào. Đi đầu là Sáu Râu, một tay trùm cờ bạc và cho vay nặng lãi. Những nhà nghèo ở làng Bần đều phải qua tay hắn. Khi nào cần cũng có nhưng phải chịu lãi cắt cổ. Lúc giáp hạt đến vay cứ năm mươi cân thóc đến vụ hắn đòi một tạ. Hắn đã trở nên nổi tiếng về sự táo tợn và giàu có.

Sau khi đi một vòng quanh nhà, ngắm mảnh vườn xanh ngút mắt, Sáu Râu tỏ vẻ đắc ý rồi bước vào nhà. Một tay đi cùng bảo "Ông anh vớ bẫm." Sáu Râu ngửa mặt, hai bên má phinh phính như má lợn, cười sằng sặc "Cũng là của ăn cướp. Giờ tao cướp lại..." Nhưng hắn bỗng ngừng bặt, những chiếc răng ám khói cùng cả mấy cái mồm đang ngoác ra cứng cả lại, Du Hầm bước ra, mặt lạnh băng. Sáu Râu tỏ vẻ luống cuống "Ông... Tôi... đến... Đã..." Du Hầm nhổ bãi nước bọt, bảo: "Đến lấy nhà... Đây là mồ hôi nước mắt của cha ông nhà tao...” Cái mặt căng phính của Sáu Râu luôn hằn lên những tia máu bỗng dưng tái lại. "Tao đã nói bán, là bán. Nhưng nhà tao không ăn cướp như chúng mày." Du Hầm lại dằn một bãi nước bọt. Lão lặng lẽ lôi từ chiếc hòm cũ kĩ còn phủ đầy bụi, cầm chùm chìa khoá, khoát tay bảo: "Đây!" Rồi lặng lẽ bước ra khỏi nhà. Đám người nhà Sáu Râu đứng ngẩn ra, không ai nói với ai câu nào, cho đến lúc lão đi khuất khỏi con xóm nhỏ. Chiếc cổng gỗ bị gió đập mạnh, từng đàn mọt bật ra, đen cả mặt đất.

Một tuần sau người ta phát hiện thấy Du Hầm nằm trong hốc một cây đa giữa đồng. Không ai biết lão chết từ lúc nào, trên tay vẫn còn ôm khư khư một cành củi có hình một đứa trẻ. Người làng Bần làm ma cho lão. Người ta rủ nhau đi đưa lão cho phải đạo, an ủi những ngày sống lủi thủi của lão. Đám tang không có một vòng hoa, không có một mảnh khăn tang và không có một tiếng khóc.

Đám tang kéo dài đến nửa buổi chiều, khi mọi nhà quay về với cuộc sống thường nhật, khi trong mỗi căn nhà bắt đầu có hơi ấm của bữa cơm chiều, có hai người đàn bà lần đến một nấm mộ mới đắp. "Tôi là vợ đầu tiên của ông ấy. "Người đàn bà thứ nhất lên tiếng. "Tôi đã không đến khóc cho ông ấy lấy một tiếng. "Người đàn bà thứ hai nghẹn ngào. Người đàn bà thứ nhất bảo: "Ông ấy đã đến tìm tôi mấy lần...” "Chồng tôi đã đuổi ông ấy ra khỏi nhà, vì tưởng là kẻ điên." Người đàn bà thứ hai nức nở. Từ đó, người làng Bần cứ ngạc nhiên vì nấm mộ của Du Hầm mỗi năm một to, vào ngày giỗ lại thấy khói hương rất tươm tất.

Du Hầm
Hình ảnh minh họa. Nguồn pinterest
Văn nghệ Trẻ, số 31/1998
Một thoáng chiều quê… - Thơ Huỳnh Thị Kim Cương

Một thoáng chiều quê… - Thơ Huỳnh Thị Kim Cương

Baovannghe.vn- Chiều về qua ngõ vắng/ Thấy nụ cười bâng khuâng
Triển khai Giải Báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực

Triển khai Giải Báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực

Baovannghe.vn - Chiều 25/3, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức cuộc họp Ban Chỉ đạo (BCĐ), Ban Tổ chức (BTC) Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực lần thứ 5, giai đoạn 2024-2025.
Thăm bệnh - Thơ Vũ Ngọc Đan Linh

Thăm bệnh - Thơ Vũ Ngọc Đan Linh

Baovannghe.vn- Nằm lại trong bệnh viện/ nhìn hàm răng cha rỉ máu
Đôi mắt của sương mù. Tản văn của Gia Hân

Đôi mắt của sương mù. Tản văn của Gia Hân

Baovannghe.vn - Ngôi nhà không có cửa sổ, trong nhà tối âm âm, ánh sáng dường như vất vả lắm mới len được vào qua cửa chính...
Mãn nhãn với gần 1000 cổ phục Việt trong phim "Thám tử Kiên: Kỳ án không đầu"

Mãn nhãn với gần 1000 cổ phục Việt trong phim "Thám tử Kiên: Kỳ án không đầu"

Baovannghe.vn - Đạo diễn Victor Vũ và nhà sản xuất Đinh Ngọc Diệp quyết định may mới gần 1.000 bộ phục trang để phục vụ làm phim