Bộ Công Thương vừa quyết định điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân từ 2.006,79 đồng lên 2.103,11 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng), tương đương mức tăng 4,8%. Với mức tăng này, tính toán của ngành điện cho biết, mỗi gia đình sẽ phải trả thêm vài chục nghìn đồng/ tháng tùy theo số lượng điện tiêu thụ điện/ tháng của một gia đình.
Trước đó, tháng 11/2023, giá điện đã được điều chỉnh tăng và đến thời điểm hiện tại, Điện lực Việt Nam tiếp tục tăng. Ở góc độ ngành, Điện lực Việt Nam cho biết, việc tăng giá điện tuân thủ đúng Quyết định 05/2024/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và văn bản hướng dẫn.
Giá bán lẻ điện bình quân từ 2.006,79 đồng lên 2.103,11 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng), tương đương mức tăng 4,8% |
Theo tính toán của Điện lực Việt Nam (EVN): Trong đó, các hộ sử dụng điện dưới 50 kWh (chiếm 11,51% số hộ sinh hoạt), mức tiền điện tăng khoảng 4.350 đồng/hộ/tháng. Nhóm khách hàng sử dụng từ 51 kWh - 100 kWh (chiếm 15,53% số hộ sinh hoạt), mức tăng tiền điện tăng khoảng 8.850 đồng/hộ/tháng. Nhóm khách hàng sử dụng từ 101 kWh - 200 kWh (chiếm 34,31% số hộ sinh hoạt, đang là nhóm khách hàng lớn nhất), mức tăng tiền điện tăng khoảng 19.250 đồng/hộ/tháng. Nhóm khách hàng sử dụng điện từ 201 kWh - 300 kWh (chiếm 8,5% khách hàng sử dụng điện), mức tăng tiền điện khoảng 32.350 đồng/hộ/tháng. Với nhóm khách hàng sử dụng điện từ 301 - 400 kWh (chiếm khoảng 8,87% khách hàng sử dụng điện), mức tăng tiền điện khoảng 47.050 đồng/hộ/tháng. Nhóm khách hàng sử dụng điện từ 400 kWh trở lên (chiếm khoảng 11,28% khách hàng sử dụng điện), mức tăng tiền điện khoảng 62.150 đồng/hộ/tháng. Theo tính toán, tiền điện tăng thêm bình quân của mỗi hộ tiêu thụ từ 200 kWh/tháng trở xuống là 13.800 đồng/hộ. Cùng với điều chỉnh giá điện sinh hoạt, mức giá bán lẻ điện mới áp dụng cho các ngành sản xuất cũng có sự điều chỉnh. Với cấp điện áp 22 kV đến dưới 110 kV, giá từ 1.749 - 3.242 đồng/kWh, tuỳ khung giờ. Cấp điện áp 6 kV - dưới 22 kV, giá bán từ 1.812 - 3.348 đồng/kWh, tuỳ khung giờ. |
Nhìn vào thống kê của EVN, việc tăng giá điện sinh hoạt, sản xuất không quá lớn và đối tượng nào cũng có thể chấp nhận được. Nhưng thực tế, dù ở đối tượng tăng giá điện sinh hoạt, hay sản xuất đều cũng có những áp lực khác nhau.
Nếu như khối sản xuất, có thể điều chỉnh khung thời gian làm việc tránh giờ cao điểm, hoặc cắt giảm các hoạt động có thể làm tiêu hao lượng điện lớn, thậm chí tính giá điện vào giá thành sản phẩm... thì gánh nặng kinh tế trong một chừng mực nhất định đã chia một phần cho người tiêu dùng (người lao động).
Đối với người lao động, hiện có hai kênh chi trả tiền điện:
- Hộ gia đình mua điện trực tiếp
- Hộ gia đình ( thuê nhà) mua điện theo giá kinh doanh do chính chủ nhà trọ đặt ra.... Đối tượng này phần đông là người lao động tự do, hoặc lao động trong các khu công nghiệp ( không có khu tập thể giành cho người lao động). Giá tiền điện ghi nhận có thể lên đến 5 nghìn đồng/kwh.
Gánh nặng tiền điện nếu chỉ nhìn nhận theo cách tính của EVN thì đúng là không ảnh hưởng nhiều đến người lao động. Nhưng thực tế, giá điện chính là nguyên liệu đầu vào của nhiều ngành sản xuất, do đó sẽ kéo theo sự tăng giá của hầu hết các mặt hàng thiết yếu như: Xăng dầu, vận tải, nước sinh hoạt...và sự tăng giá này cộng thêm với tăng giá điện thực sự là gánh nặng cho người lao động.
Đại diện EVN cho rằng, việc tăng giá điện lên 2.103,11 đồng/kWh, tương ứng tăng 4,8% không làm ảnh hưởng nhiều đến đời sống nhân dân. Việc tăng giá điện lần này không ảnh hưởng nhiều đến hộ nghèo bởi chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với các hộ nghèo và hộ chính sách xã hội về vấn đề tiền điện hiện nay được thực hiện theo Quyết định số 28 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, các hộ nghèo được hỗ trợ tiền điện hàng tháng tương đương với lượng điện sử dụng 30 kWh/hộ/tháng. Đối với các hộ chính sách xã hội có mức sử dụng điện không quá 50 kWh/tháng, mức hỗ trợ cũng tương đương với số lượng điện sử dụng 30 kWh/hộ/tháng. Mức hỗ trợ hộ nghèo hộ chính sách là 59.500 đồng/hộ/tháng. Nếu áp dụng theo giá mới thì mỗi hộ nghèo được hỗ trợ tiền điện là khoảng 62.500 đồng/hộ/tháng.
Nhưng, những đối tượng này, ngoài giá điện được trợ giá thì những sinh hoạt khác, mặt hàng khác vẫn phải chịu chi phí tăng giá. Gánh nặng kinh tế rõ ràng cũng không hề nhỏ.
Tăng giá là bất khả kháng, nhưng tăng giá cần có sự hài hòa giữa các ngành, lĩnh vực và có những lộ trình thích hợp, đồng thời thay vì sản xuất điện, nhập khẩu điện theo thông lệ cũ, EVN cần mở rộng sang khai thác các nguồn năng lượng khác như: năng lượng tái tạo, điện mặt trời, điện gió... nhằm hạ giá thành sản phẩm và cũng là để cuộc sống người lao động không bị mắc kẹt trong ma trận giá.
-------
Bài viết cùng chuyên mục: