Ở những hình thức quảng cáo này đều có những điểm lợi bất cập hại. Song hại vẫn lớn hơn khi những quảng cáo kiểu này khiến người tiêu dùng khó xác định tính trung thực, chính xác của thông tin. Đồng thời, cơ quan quản lý cũng không thể định lượng nội dung vì quảng cáo thường sử dụng những hình ảnh, lời nói bắt mắt, ấn tượng không rõ mục đích.
Trong lần sửa đổi này, Bộ VHTT&DL đã áp những quy định cụ thể, bắt buộc: Người chuyển tải sản phẩm quảng cáo phải cung cấp tài liệu liên quan đến sản phẩm; thu nhập từ hoạt động quảng cáo; nội dung quảng cáo, doanh thu, tên sản phẩm, số lượng của từng sản phẩm phát sinh từ hoạt động quảng cáo định kỳ theo yêu cầu của cơ quan thuế hoặc khi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền yêu cầu. Họ cũng phải tự phân biệt nội dung quảng cáo với nội dung, thông tin chia sẻ, đăng tải thông thường và chịu trách nhiệm liên đới khi sản phẩm quảng cáo không bảo đảm yêu cầu. Người có tầm ảnh hưởng (chuyên gia, người có uy tín hoặc sở hữu tài khoản mạng xã hội có từ 500.000 theo dõi) phải tuân thủ quy định pháp luật về quảng cáo và quy định về tính năng, chất lượng hàng hóa dịch vụ. Khi đăng tải ý kiến, cảm nhận về mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe và thực phẩm bổ sung, người quảng cáo phải "có bằng chứng cụ thể về việc trực tiếp sử dụng sản phẩm". Theo Bộ Văn hóa,Thể thao và Du lịch, các quy định về hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng và dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới hiện nay trong Luật Quảng cáo còn rất sơ sài gần như chưa có hướng dẫn dẫn cụ thể về hình thức, cơ chế quản lý, mô hình hoạt động cũng như trách nhiệm của các bên tham gia trong chuỗi cung cấp dịch vụ, vì vậy, gần như thực tế không điều chỉnh được nhiều bất cập trong quá trình triển khai. |
Lý giải cho những nội dung thắt chặt hơn trong Luật Quảng cáo nhằm bảo vệ người tiêu dùng, Bộ khẳng định, việc sử dụng tầm ảnh hưởng của cá nhân, người nổi tiếng trên mạng xã hội để quảng bá sản phẩm đang có xu hướng phát triển. Song không phải người nổi tiếng, người có ảnh hưởng xã hội nào cũng nhận thức được quyền và trách nhiệm khi nhận hợp đồng quảng cáo. Bởi thời gian kiểm chứng sản phẩm quá ngắn hoặc không có nên đa phần người nổi tiếng, người có ảnh hưởng xã hội tin vào nhà sản xuất khi nhận lời quảng cáo cho sản phẩm. Đồng thời, cơ quan nhà nước cũng chưa có đủ cơ chế quy trách nhiệm cho họ, dẫn tới khó khăn trong xử lý sai phạm.
Đây chính là kẽ hở cho việc quảng cáo thổi phồng, sai sự thật và tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp. Điều này một mặt ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế, sức khỏe người tiêu dùng, mặt khác không thúc đẩy sự trung thực trong sản xuất, kinh doanh.
Để ngăn chặn tình trạng này, Bộ VHTT&DL đã ban hành Nghị định số 144/2020/NĐ - CP đồng thời đẩy mạnh tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định của Nghị định, về hoạt động nghệ thuật biểu diễn, pháp luật về quảng cáo và các quy định pháp luật có liên quan.
Song song với việc thanh kiểm tra, Bộ cũng yêu cầu lãnh đạo các đơn vị quản lý các nghệ sĩ, diễn viên (công lập và ngoài công lập) tăng cường phổ biến các quy định pháp luật, định hướng cho đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên thuộc đơn vị nâng cao nhận thức, trách nhiệm, uy tín của bản thân đối với cộng đồng, xã hội; có quy chế quản lý, xử lý trách nhiệm đối các trường hợp có sai phạm.
Tuy nhiên, thực tế những kẽ hở trong Luật, Nghị định vẫn còn tồn tại khiến cho tình trạng quảng cáo sai sự thật vẫn tái diễn. Vì vậy, trong lần sửa luật này, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã đưa ra những định nghĩa rõ "người chuyển tải sản phẩm quảng cáo" là người trực tiếp quảng cáo thông qua hoạt động của mình trên mạng xã hội hoặc thông qua hình thức mặc, treo, gắn, dán, vẽ để công chúng nhìn thấy. Và người có tầm ảnh hưởng để áp những quy định bắt buộc và xây dựng chế tài xử phạt cụ thể.
Hiện, hoạt động quảng cáo đang có sự chuyển dịch rõ ràng từ truyền thống sang môi trường mạng. Các nền tảng xuyên biên giới như Facebook, Google, TikTok ngày càng chiếm thị phần lớn, thậm chí độc quyền trong hoạt động quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam. Do đó, yêu cầu sửa luật là bất khả kháng nhằm xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về quảng cáo; nâng cao trình độ cán bộ công chức, viên chức phụ trách lĩnh vực quảng cáo và người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, người có tầm ảnh hưởng...để bảo vệ tối đa quyền lợi của người tiêu dùng.
Anh Thư | Báo Văn Nghệ
----------
Bài viết cùng chuyên mục: